Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước

Chương II

QUẢN LÝ DỮ LIỆU, CƠ SỞ DỮ LIỆU, QUẢN TRỊ DỮ LIỆU TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ BẢO ĐẢM KHẢ NĂNG SẴN SÀNG KẾT NỐI, CHIA SẺ DỮ LIỆU

Mục 1. QUẢN LÝ DỮ LIỆU, CƠ SỞ DỮ LIỆU TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 9. Nguyên tắc quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước

1. Dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước. Dữ liệu, cơ sở dữ liệu trong nội bộ của cơ quan, đơn vị phải được tổ chức, lưu trữ tạo thuận lợi cho việc chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị bên ngoài.

2. Việc tạo lập, thông tin dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước phải sử dụng thống nhất các bảng mã danh mục dùng chung, thống nhất với dữ liệu chủ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Các cơ quan nhà nước không được yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp lại dữ liệu mà cơ quan đó đang quản lý hoặc dữ liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu phục vụ cập nhật hoặc sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra dữ liệu.

Điều 10. Tổ chức, quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu

1. Nội dung tổ chức, quản lý dữ liệu:

a) Thu thập dữ liệu, tạo lập dữ liệu để hình thành các cơ sở dữ liệu;

b) Quản lý, duy trì, cập nhật dữ liệu, quản lý sự thay đổi dữ liệu;

c) Chia sẻ dữ liệu và quản lý chia sẻ dữ liệu;

d) Khai thác, sử dụng dữ liệu do mình quản lý và khai thác, sử dụng dữ liệu được chia sẻ từ cơ quan nhà nước khác.

2. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm triển khai các hoạt động tổ chức, quản lý dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 11. Cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước

1. Cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia;

b) Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương bao gồm: cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ; cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành; cơ sở dữ liệu dùng chung của địa phương;

c) Cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ một hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước không thuộc điểm a, điểm b khoản này;

2. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt danh mục, cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia.

3. Đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và trình Bộ trưởng,

Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành, cập nhật danh mục các cơ sở dữ liệu thuộc bộ, ngành, địa phương quản lý.

4. Danh mục cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương phải thể hiện được các nội dung sau:

a) Tên các cơ sở dữ liệu;

b) Mô tả mục đích, phạm vi, nội dung của từng cơ sở dữ liệu;

c) Cơ chế thu thập, cập nhật, nguồn dữ liệu được thu thập của từng cơ sở dữ liệu;

d) Liệt kê các hạng mục dữ liệu bao gồm: dữ liệu mở, dữ liệu được chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định, dữ liệu được chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù của từng cơ sở dữ liệu tương ứng với từng đối tượng khai thác, sử dụng.

5. Dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu cơ bản làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử.

Điều 12. Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, duy trì danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia

1. Trường hợp bổ sung cơ sở dữ liệu vào danh mục, chỉnh sửa danh mục hoặc rút cơ sở dữ liệu quốc gia khỏi danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu có văn bản đề nghị kèm thuyết minh lý do đề nghị, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia.

2. Trong trường hợp đề nghị bổ sung cơ sở dữ liệu vào danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, thuyết minh do cơ quan đề nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông phải bao gồm các nội dung chính sau:

a) Tên cơ sở dữ liệu quốc gia;

b) Mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia;

c) Phạm vi dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia; thông tin về dữ liệu chủ của cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ lưu trữ và chia sẻ;

d) Đối tượng và mục đích sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia;

đ) Nguồn thông tin sẽ xây dựng và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia;

e) Phương thức chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia.

3. Cơ sở dữ liệu quốc gia đưa vào danh mục phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Dữ liệu đảm bảo giá trị pháp lý tương đương các văn bản giấy chứa thông tin được cơ quan có thẩm quyền cung cấp;

b) Chứa dữ liệu chủ của Chính phủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương;

c) Dữ liệu được chia sẻ, sử dụng cho nhiều bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp;

4. Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia được cập nhật theo nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của từng giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử hoặc khi có đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 13. Cổng dữ liệu quốc gia

1. Là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế, xã hội.

2. Là đầu mối cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giám sát tình hình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước.

3. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm theo dõi, đăng ký và cung cấp thông tin về dữ liệu, dữ liệu mở; quản lý dữ liệu mở; khả năng chia sẻ dữ liệu và nhu cầu khai thác dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia.

4. Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu là một thành phần của Cổng dữ liệu quốc gia.

5. Đáp ứng các yêu cầu khác liên quan đến quản trị dữ liệu của cơ quan nhà nước.

Mục 2. QUẢN TRỊ DỮ LIỆU, QUẢN TRỊ CHIA SẺ, KHAI THÁC DỮ LIỆU

Điều 14. Hoạt động quản trị dữ liệu, quản trị chia sẻ, khai thác dữ liệu

1. Hoạt động quản trị dữ liệu, quản trị chia sẻ, khai thác dữ liệu bao gồm:

a) Xây dựng chiến lược dữ liệu, kế hoạch phát triển dữ liệu, các cơ sở dữ liệu bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu trong cơ quan nhà nước;

b) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ của các cơ sở dữ liệu; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về cấu trúc dữ liệu trao đổi; các tài liệu kỹ thuật về trao đổi dữ liệu;

c) Tổ chức, cung cấp, khai thác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

d) Điều phối, kiểm tra, giám sát và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu;

đ) Kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu; quản lý chất lượng dữ liệu;

e) Tích hợp dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ hỗ trợ quản lý nhà nước và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, thực hiện các hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều này trong phạm vi dữ liệu mình quản lý, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu

1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu theo thẩm quyền; hướng dẫn thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu tại bộ, ngành mình quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu ở địa phương.

Điều 16. Kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu

1. Dữ liệu phải được kiểm tra, đánh giá, duy trì định kỳ hàng năm.

2. Nội dung kiểm tra, đánh giá dữ liệu dữ liệu bao gồm:

a) Kiểm kê các hạng mục nội dung dữ liệu;

b) Đánh giá tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về dữ liệu;

c) Đánh giá chất lượng dữ liệu bao gồm: độ chính xác dữ liệu, độ toàn vẹn của dữ liệu, dữ liệu bất thường;

d) Đánh giá về duy trì, vận hành, cập nhật dữ liệu, nhật ký cập nhật, khai thác của dữ liệu;

đ) Đánh giá về chia sẻ dữ liệu, đối tượng sử dụng, mục đích chia sẻ phù hợp với các quy định, quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ;

e) Các nội dung khác theo sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành về công nghệ thông tin phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn cụ thể.

3. Kết quả đánh giá phải lập thành văn bản, đồng thời đề xuất các hoạt động cần thiết để duy trì dữ liệu (nếu có).

4. Chủ quản cơ sở dữ liệu có trách nhiệm tự tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ dữ liệu và gửi báo cáo về đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

5. Trong phạm vi quản lý của mình, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các chủ quản cơ sở dữ liệu tự kiểm tra, đánh giá dữ liệu;

b) Lập chương trình, kế hoạch kiểm tra, đánh giá dữ liệu trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt và thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, đánh giá dữ liệu.

6. Chủ quản cơ sở dữ liệu có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để duy trì dữ liệu theo kết quả kiểm tra, đánh giá dữ liệu.

Mục 3. DỮ LIỆU MỞ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 17. Nguyên tắc cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

1. Hoạt động cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ nội dung thông tin cơ quan nhà nước cung cấp;

b) Dữ liệu mở được cung cấp là dữ liệu được cập nhật mới nhất;

c) Dữ liệu mở phải có khả năng truy cập sử dụng được trên môi trường mạng;

d) Dữ liệu mở phải đảm bảo khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được;

đ) Tổ chức, cá nhân được tự do truy cập sử dụng dữ liệu mở, không yêu cầu khai báo định danh khi khai thác, sử dụng dữ liệu mở;

e) Dữ liệu mở ở định dạng mở;

g) Sử dụng dữ liệu mở là miễn phí;

h) Ưu tiên cung cấp dữ liệu mở đối với dữ liệu mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của mình.

Điều 18. Quy định sử dụng dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tự do sao chép, chia sẻ, trao đổi, sử dụng dữ liệu mở hoặc kết hợp dữ liệu mở với dữ liệu khác; sử dụng dữ liệu mở vào sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại của mình.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trích dẫn, ghi nhận thông tin sử dụng dữ liệu mở trong các sản phẩm, tài liệu liên quan có sử dụng dữ liệu mở.

3. Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu nguyên trạng như được công bố; không bao gồm các hình thức trình bày và các thông tin phát sinh từ dữ liệu mở đã được cung cấp.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được bán dữ liệu mở đã được khai thác nguyên trạng từ cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác. Khi sử dụng dữ liệu mở trong sản phẩm, dịch vụ thương mại của mình phải cung cấp miễn phí dữ liệu mở kèm theo sản phẩm, dịch vụ thương mại đó.

5. Cơ quan nhà nước không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh của cơ quan, tổ chức, cá nhân do việc sử dụng dữ liệu mở gây ra.

Điều 19. Kế hoạch và triển khai dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước

Trong phạm vi quản lý của mình, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai các nội dung sau:

1. Xây dựng và triển khai kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm kế hoạch công bố dữ liệu mở, mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch.

2. Xác định cơ chế thu thập, phân tích thông tin phản hồi của cá nhân, tổ chức về việc sử dụng dữ liệu mở; chỉ định đầu mối liên hệ tiếp nhận thông tin phản hồi của tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến chất lượng, tính khả dụng, định dạng, sự tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến dữ liệu mở.

3. Có các biện pháp phòng ngừa cần thiết để duy trì việc xây dựng và công bố dữ liệu mở có liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo vệ an toàn cho con người và tài sản bị ảnh hưởng bởi kế hoạch triển khai dữ liệu mở trong phạm vi cơ quan mình.

4. Thực hiện các giải pháp khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng dữ liệu mở:

a) Tiếp nhận ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân để xác định mức độ ưu tiên và thực hiện công bố dữ liệu mở phù hợp với nhu cầu;

b) Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong xã hội, cộng đồng thực hiện các hoạt động xây dựng, đóng góp để mở rộng dữ liệu mở.

Điều 20. Yêu cầu trong việc công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

1. Không tiết lộ thông tin cá nhân; đánh giá và hạn chế nguy cơ, rủi ro tiết lộ thông tin cá nhân khi kết hợp với các thông tin khác.

2. Bảo đảm an toàn, an ninh khi sử dụng dữ liệu mở bao gồm cả rủi ro do dữ liệu mở gây ra hoặc rủi ro khi dữ liệu mở kết hợp với dữ liệu khác gây ra.

3. Danh mục dữ liệu mở được rà soát, sửa đổi (nếu có) theo định kỳ, tối thiểu 6 tháng một lần; dữ liệu mở đã công bố theo danh mục phải được cập nhật hoặc bổ sung (nếu có) trong thời hạn không quá 03 tháng kể từ thời điểm công bố.

4. Tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 21. Phương thức, cách thức công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

1. Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước được cung cấp qua các phương thức sau:

a) Cung cấp dữ liệu được đóng gói và cho phép tổ chức, cá nhân tải về sử dụng;

b) Cung cấp dữ liệu thông qua các dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

2. Dữ liệu mở phải được công bố trên Cổng dữ liệu quốc gia.

Mục 4. BẢO ĐẢM KHẢ NĂNG SẴN SÀNG KẾT NỐI, CHIA SẺ DỮ LIỆU

Điều 22. Quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ

1. Kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu của cơ quan nhà nước phải tuân thủ quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu do cơ quan chủ quản ban hành. Quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu được quy định theo nhóm chủ đề dữ liệu hoặc theo cơ sở dữ liệu.

2. Quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu phải được công bố công khai.

Điều 23. Phương thức chia sẻ dữ liệu

1. Phương thức chia sẻ dữ liệu bao gồm:

a) Kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến trên môi trường mạng giữa các hệ thống thông tin của cơ quan cung cấp dữ liệu và cơ quan khai thác dữ liệu;

b) Kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến trên môi trường mạng bằng việc đồng bộ toàn bộ hoặc một phần dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của cơ quan cung cấp dữ liệu và cơ quan khai thác dữ liệu;

c) Chia sẻ dữ liệu được đóng gói và lưu giữ trên các phương tiện lưu trữ thông tin.

2. Khuyến khích áp dụng phương thức chia sẻ dữ liệu được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Đối với phương thức chia sẻ dữ liệu được quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này, việc chia sẻ dữ liệu được xác định liên tục theo thời hạn hoặc không xác định thời hạn kể từ khi cơ quan cung cấp chấp nhận chia sẻ dữ liệu theo quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu.

4. Cơ quan cung cấp dữ liệu phải công bố hình thức chia sẻ và khả năng đáp ứng kết nối đến cơ sở dữ liệu theo các quy định tại Nghị định này khi công khai dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

Điều 24. Dịch vụ chia sẻ dữ liệu

1. Việc kết nối, cung cấp, khai thác dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phải thực hiện qua các dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

2. Chủ quản cơ sở dữ liệu có trách nhiệm thiết lập và công bố các dịch vụ chia sẻ dữ liệu, các tài liệu kỹ thuật cần thiết phục vụ mục đích truy cập dữ liệu thuộc phạm vi dữ liệu do mình quản lý.

3. Nội dung thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu bao gồm:

a) Danh sách dịch vụ chia sẻ dữ liệu và thông số, tài liệu kỹ thuật cần thiết kèm theo;

b) Cấu trúc dữ liệu trao đổi của dữ liệu được chia sẻ tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;

c) Các thông tin cần thiết khác về dịch vụ chia sẻ dữ liệu mà cơ quan cung cấp dịch vụ dữ liệu cần cung cấp cho cơ quan khai thác để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, kết nối và sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

Điều 25. Công khai thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu

1. Cơ quan cung cấp các dịch vụ chia sẻ dữ liệu chịu trách nhiệm tự đăng tải công khai thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu của mình trên Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi dịch vụ chia sẻ dữ liệu sẵn sàng tiếp nhận kết nối chia sẻ dữ liệu.

2. Trong trường hợp thay đổi, cập nhật các dịch vụ chia sẻ dữ liệu, cơ quan cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu phải tiến hành cập nhật thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu ngay sau khi có sự thay đổi, cập nhật.

3. Thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu phải được đăng tải phải đầy đủ, cập nhật kịp thời và chính xác.

4. Cơ quan cung cấp dịch vụ dữ liệu có trách nhiệm quản lý danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu, các thông tin, tài liệu liên quan đến dịch vụ chia sẻ dữ liệu của mình; tiếp nhận, xử lý các yêu cầu, đề nghị, kiến nghị của các cơ quan khai thác đối với các dịch vụ chia sẻ dữ liệu được công khai trên Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

5. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của mình thực hiện việc đăng tải, cập nhật, quản lý các thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu trong trường hợp cần thiết.

Điều 26. Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu

1. Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu là hệ thống thông tin quản lý tập trung danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất xây dựng và quản lý để cung cấp cho các cơ quan nhà nước khai thác, sử dụng.

2. Vai trò, chức năng của Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu:

a) Quản lý tập trung thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc;

b) Hỗ trợ các cơ quan cung cấp dữ liệu khai báo, cập nhật thông tin về các dịch vụ chia sẻ dữ liệu;

c) Hỗ trợ cơ quan nhà nước tìm kiếm, tiếp cận và khai thác các nguồn dữ liệu, dịch vụ dữ liệu được cơ quan nhà nước chia sẻ;

d) Hỗ trợ tiếp nhận yêu cầu kết nối, khai thác dịch vụ chia sẻ dữ liệu;

đ) Cung cấp các chức năng hỗ trợ khác tạo thuận lợi cho kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.

3. Cơ quan nhà nước tra cứu thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu để thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác các nguồn dữ liệu khả dụng của cơ quan nhà nước.

Điều 27. Hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu

1. Cơ quan cung cấp và sử dụng dữ liệu có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hạ tầng phục vụ kết nối, trao đổi dữ liệu bao gồm:

a) Hệ thống thông tin và hạ tầng kết nối mạng phù hợp để cung cấp dữ liệu, khai thác dữ liệu;

b) Công cụ, biện pháp để bảo vệ dữ liệu và xác thực dữ liệu trong quá trình chia sẻ, sử dụng dữ liệu;

c) Các điều kiện kỹ thuật khác phục vụ kết nối, cung cấp dữ liệu và khai thác và sử dụng dữ liệu.

2. Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước phải có hạng mục phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu bao gồm:

a) Xây dựng cấu trúc dữ liệu chia sẻ, dữ liệu được khai thác từ việc chia sẻ;

b) Xây dựng các thành phần kết nối chia sẻ dữ liệu, dịch vụ chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài;

c) Quản lý, vận hành, duy trì việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, xây dựng và duy trì hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Điều 28. Bảo đảm an toàn trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và các quy định sau:

1. Chủ quản hệ thống thông tin tham gia vào quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi dữ liệu được quản lý, lưu trữ, xử lý, truyền tải trên hệ thống của mình.

2. Cơ quan khai thác dữ liệu có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi kết nối, tiếp nhận dữ liệu chia sẻ theo quy định của cơ quan cung cấp dữ liệu và các quy định của pháp luật.

Điều 29. Kinh phí bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu

1. Đối với kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, nguồn kinh phí do ngân sách trung ương, ngân sách địa phương bảo đảm theo nguyên tắc:

a) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hỗ trợ các địa phương khó khăn chưa tự cân đối ngân sách;

b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí đối với địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương hoặc có tăng thu lớn; sử dụng nguồn phí để lại ngoài cân đối ngân sách theo quy định, nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có);

c) Ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo phương thức hợp tác với khu vực tư nhân, nhất là các hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, tận dụng nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống, ngân sách trung ương chi trả tiền thuê dịch vụ hàng năm.

2. Đối với các nhiệm vụ, dự án riêng lẻ của các bộ, ngành, địa phương (trừ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh):

a) Các bộ, ngành, địa phương cân đối từ dự toán để thực hiện hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các dự án có nguồn thu, nguồn thực hiện từ nguồn thu của dự án;

b) Đối với các địa phương miền núi đặc biệt khó khăn không cân đối được nguồn theo nhu cầu, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần kinh phí theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

3. Kinh phí duy trì, vận hành, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu được dự toán trong kinh phí quản lý, vận hành và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và được cân đối từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách (kinh phí thực hiện nhiệm vụ không thường xuyên, không thực hiện chế độ tự chủ) của cơ quan nhà nước.

Điều 30. Nguồn nhân lực bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu

1. Nhân lực bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu được tận dụng từ nguồn nhân lực tại chỗ đang thực hiện quản lý, vận hành các hệ thống thông tin; thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan nhà nước cung cấp và sử dụng dữ liệu có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về nhân lực phục vụ quản lý, kết nối, chia sẻ.

Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước

  • Số hiệu: 47/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/04/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 387 đến số 388
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH