Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; trách nhiệm của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

2. Nghị định này áp dụng đối với người được giám sát, giáo dục, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (sau đây gọi là biện pháp giám sát, giáo dục) là các biện pháp được quy định tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 2015), bao gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Người được giám sát, giáo dục là người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Người trực tiếp giám sát, giáo dục là người có tư cách đạo đức tốt, có kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, công tác trẻ em hoặc kiến thức cần thiết về tâm sinh lý trẻ em hoặc được đào tạo, tập huấn về tư pháp đối với người chưa thành niên, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục.

Điều 3. Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát, giáo dục

1. Bảo đảm Mục tiêu phục hồi cho người được giám sát, giáo dục; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người được giám sát, giáo dục; phòng ngừa tội phạm.

2. Tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục.

3. Bảo đảm phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính, nhu cầu cá nhân và vì lợi ích tốt nhất của người được giám sát, giáo dục.

4. Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát, giáo dục.

5. Bảo đảm sự tham gia của gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 4. Tính thời hạn giám sát, giáo dục

Thời hạn giám sát, giáo dục được tính từ ngày người được giám sát, giáo dục có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để nghe thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 5. Kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục

1. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong quá trình thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục gồm:

a) Lập hồ sơ ban đầu; lập và quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục; làm thủ tục đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Hỗ trợ người trực tiếp giám sát, giáo dục thực hiện nhiệm vụ;

c) Tổ chức các cuộc họp về triển khai thi hành biện pháp giám sát, giáo dục;

d) Các chi phí cần thiết khác.

2. Kinh phí quy định tại Khoản 1 Điều này do ngân sách địa phương bảo đảm và các nguồn kinh phí khác (nếu có).

Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương cho hoạt động này.

3. Người trực tiếp giám sát, giáo dục được hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn.

Điều 6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục

1. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, năng lực cán bộ và các Điều kiện khác ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã quyết định danh sách người trực tiếp giám sát, giáo dục gồm từ 3 đến 5 người được lựa chọn trong số các cá nhân quy định tại Khoản 3 Điều này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc cử người trực tiếp giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình tập huấn thích hợp do cấp huyện hoặc cấp tỉnh tổ chức để thực hiện nhiệm vụ.

2. Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an cấp xã) làm nhiệm vụ đầu mối, tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục tại địa phương.

3. Cán bộ, chiến sỹ công an, công an viên, công chức văn hóa - xã hội, công chức tư pháp - hộ tịch, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có Điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Nhà trường, gia đình và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ thực hiện việc giám sát, giáo dục.

Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

  • Số hiệu: 37/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/03/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 481 đến số 482
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH