Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan trung ương; danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích của bộ, cơ quan trung ương theo quy định tại Điều 5 Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ;

b) Ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền:

- Định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công.

- Đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích của bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan.

- Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công thuộc bộ, cơ quan trung ương.

c) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách trung ương có tính đặc thù quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này (nếu có).

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích, thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Điều 5 Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ;

b) Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công, thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

c) Ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích, thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan hướng dẫn về chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích tại Phụ lục II và chi phí tiền lương, tiền công trong đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tại Biểu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đối với doanh nghiệp được hợp đồng đặt hàng, đấu thầu (hoặc được giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ các quy định chung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; sản phẩm, dịch vụ công ích tại Chương II và Chương III Nghị định này (bao gồm cả nội dung tại các mẫu kèm theo Nghị định), để quy định chi tiết, bổ sung thêm các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu (nếu thấy cần thiết) cho phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan.

5. Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đặt hàng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng từ nguồn ngân sách nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực y tế cho các đơn vị y tế thuộc lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn biên giới, hải đảo, nơi mà y tế dân sự còn có nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ y tế cho người dân, y tế lực lượng vũ trang phải thực hiện theo mô hình kết hợp dân quân y.

6. Các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc ủy quyền cho cơ quan quản lý trực thuộc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu.

Điều 27. Trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập; nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước có trách nhiệm:

a) Đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

b) Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công do đơn vị thực hiện; không được đặt hàng lại dịch vụ sự nghiệp công đã được cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cho đơn vị khác thực hiện;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp lý, hợp pháp của các hồ sơ, phương án khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công.

2. Nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có quyền và nghĩa vụ sau:

a) Thực hiện ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật (hoặc được giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định);

b) Được thanh toán theo đơn giá, giá, phí hoặc được trợ giá theo quy định trong hợp đồng ký kết, theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật khác có liên quan;

c) Phải tự bù đắp chi phí theo giá trúng thầu khi tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo phương thức đấu thầu;

d) Chịu trách nhiệm trước cơ quan đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ) về sản phẩm, dịch vụ công do mình cung cấp;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp lý, hợp pháp của các hồ sơ, phương án khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Điều 28. Tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện

1. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp

a) Thủ trưởng cơ quan ở trung ương chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi và giám sát việc thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của bộ, cơ quan trung ương từ nguồn ngân sách trung ương;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi và giám sát việc thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương.

2. Đối với cơ quan tài chính

a) Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương kiểm tra việc thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương;

b) Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở địa phương kiểm tra việc thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương;

c) Kho bạc Nhà nước các cấp trên cơ sở quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; dự toán của cấp có thẩm quyền giao; quyết định, hợp đồng đặt hàng, đấu thầu; biên bản nghiệm thu sản phẩm; biên bản nghiệm thu đặt hàng; biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; các tài liệu khác có liên quan theo quy định tại Nghị định này, quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật khác có liên quan, để thực hiện kiểm soát chi và thanh toán kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện; hợp đồng đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

Điều 29. Quy định chuyển tiếp

Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; sản phẩm, dịch vụ công ích đã được cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đã tổ chức đấu thầu thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, cho đến khi kết thúc nhiệm vụ được cấp trên giao; thanh lý hợp đồng đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Điều 30. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2019 và áp dụng từ năm ngân sách 2019.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên

  • Số hiệu: 32/2019/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/04/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 397 đến số 398
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH