Điều 15 Nghị định 164/2018/NĐ-CP về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng
Điều 15. Kết hợp trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu
1. Kết hợp trong công nghiệp, thương mại và dịch vụ
a) Đầu tư, phát triển các ngành: Cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, thương mại và thị trường trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, đóng tầu vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu;
b) Các cơ sở công nghiệp trong thời bình, ngoài việc đầu tư, sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sẵn sàng sản xuất hàng quốc phòng và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng khi có yêu cầu;
c) Phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ đa dạng, chú trọng khu vực biên giới, miền núi, các vùng biển, hải đảo bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống. Hệ thống dịch vụ của từng địa phương có thể chuyển thành một bộ phận hệ thống hậu cần, kỹ thuật tại chỗ khi chuyển vào các trạng thái quốc phòng.
2. Kết hợp trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp
a) Trong nông nghiệp: Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lực lượng lao động để bảo đảm an ninh lương thực; phát triển đa dạng các ngành nghề, góp phần xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội trong thời bình; sẵn sàng đảm bảo quốc phòng khi có tình huống;
b) Trong lâm nghiệp: Phát triển trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, định canh, định cư gắn với xây dựng, bố trí lực lượng quốc phòng, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ, khu vực biên giới, ven biển, hải đảo;
c) Trong ngư nghiệp: Phát triển các loại hình dịch vụ trên biển, hải đảo, tạo điều kiện cho ngư dân bám trụ, sản xuất, sinh sống gắn với xây dựng lực lượng vũ trang và thế trận phòng thủ trên biển, hải đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh quốc gia trên các vùng biển, hải đảo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Kết hợp trong giao thông vận tải
a) Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đảm bảo kết nối giao thông giữa các vùng, miền, các trung tâm kinh tế và các tuyến vận tải chiến lược trong khu vực phòng thủ, tạo sự liên hoàn, thông suốt. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình và phục vụ quốc phòng trong thời chiến;
b) Trong quy hoạch phát triển vùng phải bảo đảm phát triển nâng cấp hệ thống cảng, kênh, rạch, sông ngòi, luồng lạch, đê điều có sẵn thành mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ liên vùng làm cơ sở để kết hợp giữa phương tiện vận tải hiện đại với phương tiện vận tải thô sơ, sẵn sàng phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu, chống chia cắt trong mọi tình huống.
4. Kết hợp trong thông tin và truyền thông
a) Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc dân sự kết hợp chặt chẽ với hệ thống thông tin liên lạc của các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; kết hợp giữa phương tiện thông tin liên lạc hiện đại và thô sơ để bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, vững chắc phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng trong mọi tình huống; có giải pháp an ninh mạng, an toàn thông tin số cho hệ thống thông tin và có các biện pháp chống tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng;
b) Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung, hình thức kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng trên các thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại. Đấu tranh với các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa, thông tin, tuyên truyền.
5. Kết hợp trong xây dựng
a) Kết hợp chặt chẽ với quốc phòng trong xây dựng, chế tạo vật liệu xây dựng lưỡng dụng, nhà ở và công sở, kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, hạ tầng kỹ thuật đô thị vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu;
b) Khi xây dựng các công trình dân sự phải đảm bảo tính lưỡng dụng, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng; việc kết hợp phải được thực hiện từ khảo sát, quy hoạch, kế hoạch, lấy ý kiến, thẩm định và phê duyệt dự án; không xây dựng các công trình xâm phạm không lưu, các địa hình có giá trị về quân sự, quốc phòng hoặc làm ảnh hưởng, cản trở đến các phương án tác chiến;
c) Trong xây dựng cần ưu tiên nghiên cứu, chế tạo phát triển những vật liệu lưỡng dụng đáp ứng yêu cầu quốc phòng để phục vụ các công trình phòng thủ, công sự trận địa của lực lượng vũ trang; xây dựng và cải tạo các hang động tự nhiên phục vụ dân sinh gắn với phục vụ quốc phòng khi có tình huống.
6. Kết hợp trong đầu tư, quản lý kinh tế
Việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý kinh tế chung và một số lĩnh vực cụ thể, chính sách đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; thành lập, phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng.
7. Kết hợp trong giáo dục và lao động thương binh xã hội
a) Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và sẵn sàng phục vụ quốc phòng, trọng tâm là cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật giỏi ở các ngành nghề sẵn sàng phục vụ quốc phòng;
b) Việc quản lý phát triển lực lượng lao động, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, đào tạo dạy nghề phải gắn với chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công và bảo trợ xã hội.
8. Kết hợp trong khoa học và công nghệ
a) Hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân, trí tuệ nhân tạo, phục vụ dân sinh phải gắn với các ngành khoa học và công nghệ của quốc phòng;
b) Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng phục vụ cho nền kinh tế quốc dân và ngược lại, kết nối tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế, khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.
9. Kết hợp trong y tế: Phối hợp chặt chẽ giữa y tế dân sự với y tế quân sự trong nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, trong khám chữa bệnh; xây dựng mô hình quân - dân y kết hợp trên các địa bàn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cấp tỉnh, huyện ngoài các bệnh viện được bố trí theo cụm dân cư, phải tổ chức các đội y tế cơ động theo kế hoạch tác chiến, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời bình, đồng thời sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống.
10. Kết hợp trong quản lý tài nguyên và môi trường: Việc quản lý, sử dụng đất đai; khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng; quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa; hoạt động khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sa mạc hóa; đo đạc bản đồ, viễn thám, phân giới cắm mốc; khắc phục, xử lý chất độc da cam/dioxin, bom, mìn, vật liệu nổ tồn dư sau chiến tranh phải bảo đảm các yêu cầu quốc phòng.
11. Các ngành, lĩnh vực khác: Khi xây dựng, triển khai quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo sẵn sàng phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu; đồng thời có phương án sơ tán, phân tán đến nơi an toàn để bảo đảm sản xuất khi có tình huống quốc phòng, an ninh; sản phẩm của các ngành, lĩnh vực vừa đáp ứng phục vụ nhu cầu dân sinh thời bình và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu quốc phòng khi có tình huống.
Nghị định 164/2018/NĐ-CP về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng
- Điều 5. Căn cứ kết hợp
- Điều 6. Nội dung kết hợp
- Điều 7. Kết hợp trong xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng
- Điều 8. Kết hợp trong xây dựng và phát triển khu kinh tế - quốc phòng
- Điều 9. Kết hợp trong quản lý khu kinh tế - quốc phòng
- Điều 10. Kết hợp trong hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng
- Điều 11. Kết hợp trong hoạt động của đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng
- Điều 12. Nội dung kết hợp
- Điều 13. Kết hợp trong việc lấy ý kiến xây dựng các chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội
- Điều 14. Kết hợp trong thẩm định các chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến quốc phòng
- Điều 15. Kết hợp trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu