Điều 11 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Điều 11. Khai thác loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
1. Điều kiện khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ:
a) Phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo nguồn giống ban đầu;
b) Bảo đảm không làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự tồn tại và phát triển của loài đó trong tự nhiên;
c) Có Giấy phép khai thác do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này;
d) Được sự đồng ý của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đối với hoạt động khai thác tại khu bảo tồn thiên nhiên, Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đối với hoạt động khai thác tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đối với hoạt động khai thác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên, ngoài cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
2. Hồ sơ cấp phép khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác theo Mẫu số 02, Phụ lục II Nghị định này;
b) Phương án khai thác theo Mẫu số 03, Phụ lục II Nghị định này;
c) Báo cáo đánh giá hiện trạng quần thể loài tại khu vực khai thác theo Mẫu số 04, Phụ lục II Nghị định này;
d) Bản sao có chứng thực văn bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học hoặc Quyết định phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Văn bản đồng ý của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này;
e) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân hợp lệ.
3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ:
a) Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép khai thác nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện ba (03) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này và phí thẩm định cấp giấy phép khai thác cho Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân về việc chấp nhận hồ sơ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định; Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chỉ được thực hiện một (01) lần và thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ;
c) Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định và tiến hành thẩm định. Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên hoặc Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học nơi sẽ tiến hành hoạt động khai thác, tổ chức liên quan khác và các chuyên gia;
d) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân đăng ký, trường hợp từ chối cấp giấy phép khai thác phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị. Giấy phép khai thác được quy định theo Mẫu số 05, Phụ lục II Nghị định này;
đ) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác phải tuân thủ các quy định trong Giấy phép khai thác và Phương án khai thác đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khắc phục sự cố nếu gây suy thoái môi trường sinh thái, phá hủy tài sản của nhà nước và người dân theo quy định của pháp luật.
4. Kiểm tra, giám sát và xác nhận mẫu vật khai thác của loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ:
a) Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác và xác nhận mẫu vật khai thác tại khu bảo tồn thiên nhiên; Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác và xác nhận mẫu vật khai thác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện quy định đóng dấu búa kiểm lâm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với mẫu vật là gỗ. Giấy xác nhận mẫu vật khai thác theo Mẫu số 06, Phụ lục II Nghị định này;
b) Khi phát hiện ra tổ chức, cá nhân khai thác không thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép khai thác, Phương án khai thác đã được phê duyệt hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điểm a Khoản này và yêu cầu tổ chức, cá nhân dừng ngay việc khai thác, đồng thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý;
c) Chậm nhất ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc hoạt động khai thác, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này để tiến hành kiểm tra, lập biên bản nghiệm thu và xác nhận mẫu vật khai thác;
d) Chậm nhất 20 ngày, kể từ ngày hết hạn giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả khai thác, kèm theo biên bản nghiệm thu và bản sao có chứng thực Giấy xác nhận mẫu vật khai thác.
5. Hiệu lực của giấy phép khai thác, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ:
a) Giấy phép khai thác có hiệu lực trong một (01) năm. Hai (02) tháng trước khi giấy phép khai thác hết hiệu lực, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn giấy phép khai thác phải gửi đơn đề nghị gia hạn giấy phép tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét gia hạn. Mỗi giấy phép khai thác được gia hạn không quá hai (02) lần;
b) Giấy phép khai thác bị thu hồi trong các trường hợp sau: Không thực hiện đúng phương án khai thác, khai thác vượt quá số lượng ghi trong giấy phép khai thác và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài khai thác trong tự nhiên; quá thời hạn sáu (06) tháng, kể từ ngày được phép khai thác quy định trong giấy phép khai thác mà tổ chức, cá nhân đó không tiến hành hoạt động khai thác; vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật đa dạng sinh học và văn bản pháp luật hiện hành về bảo tồn đa dạng sinh học;
c) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác có trách nhiệm xem xét gia hạn hoặc thu hồi giấy phép khai thác.
6. Việc khai thác giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
- Điều 4. Tiêu chí xác định loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 5. Xác định loài có số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng
- Điều 6. Xác định loài có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử
- Điều 7. Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 8. Thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 9. Điều tra, quan trắc, đánh giá hiện trạng và lập hồ sơ loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 10. Bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 11. Khai thác loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 12. Trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 13. Nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 14. Cứu hộ, đưa loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng
- Điều 15. Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 16. Trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ