Điều 20 Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa
Điều 20. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát
1. Công tác kiểm tra, giám sát thi công công trình thực hiện theo quy định tại
2. Giám sát công tác nạo vét duy tu, gồm:
a) Xem xét, kiểm tra trình tự và biện pháp thi công chi tiết do nhà thầu thi công công trình lập trước khi trình phê duyệt;
b) Kiểm tra hệ thống mốc định vị mặt bằng và cao độ phục vụ trong suốt quá trình thi công công trình;
c) Kiểm tra, giám sát các máy móc, thiết bị thi công tập kết tới công trường theo danh mục, quy cách, chủng loại, tính năng kỹ thuật, thời hạn đăng kiểm, chứng chỉ của thuyền viên, bảo hiểm của phương tiện và các yêu cầu cần thiết khác nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công;
d) Kiểm tra việc lắp đặt và chất lượng của hệ thống giám sát nạo vét. Các thiết bị phải có xuất xứ rõ ràng, niêm phong hoặc kẹp chì cố định khi lắp đặt, đảm bảo hiển thị các dữ liệu tên (số hiệu) phương tiện, kích thước, vị trí, vận tốc di chuyển, thời điểm dừng đỗ để thuận lợi cho công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát;
đ) Theo dõi tiến độ nạo vét;
e) Kiểm tra điều kiện khởi công công trình; nhân sự của nhà thầu thi công đưa vào, rời công trường;
g) Giám sát công tác an toàn và bảo vệ môi trường;
h) Giám sát thi công nạo vét đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật (đúng độ sâu, mái dốc thiết kế, có kể đến các sai số cho phép theo đúng quy định);
i) Giám sát công tác đo đạc kiểm tra sau khi hoàn thành công tác nạo vét, bảo đảm hệ thống mốc định vị mặt bằng và cao độ sử dụng để đo đạc trước và sau khi nạo vét là không thay đổi;
k) Kiểm tra, xác nhận khối lượng.
3. Giám sát công tác vận chuyển và đổ chất nạo vét, gồm:
a) Giám sát phương tiện vận chuyển đổ chất nạo vét tại vị trí nạo vét, hành trình đi đổ chất nạo vét và vị trí đổ chất nạo vét được phê duyệt trong suốt thời gian thi công công trình;
b) Thu thập, tổng hợp các thông tin, dữ liệu hiện trường (vị trí, vận tốc di chuyển, thời điểm dừng đỗ) từ hệ thống giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện thi công, vận chuyển. Chụp ảnh khoang chứa chất nạo vét của phương tiện vận chuyển tại các thời điểm: bắt đầu nhận chất nạo vét tại khu vực thi công; kết thúc quá trình nhận chất nạo vét để di chuyển đi đổ; kết thúc hành trình di chuyển đến vị trí đổ và kết thúc quá trình đổ chất nạo vét để di chuyển về khu vực thi công.
4. Giám sát công tác hoàn thiện, gồm:
a) Kiểm tra tọa độ, cao độ và mái dốc của khu vực nạo vét theo đúng yêu cầu của hồ sơ thiết kế;
b) Giám sát công tác khảo sát đo đạc và xác nhận khối lượng công việc hoàn thành của nhà thầu; giám sát công tác đo đạc và xác nhận khối lượng công việc tại vị trí đổ chất nạo vét đối với trường hợp đổ chất nạo vét tại vị trí trên cạn bằng phương pháp hút phun sử dụng đường ống;
c) Giám sát nghiệm thu công việc toàn bộ hạng mục công trình. Việc đo đạc nghiệm thu sẽ được thực hiện sau khi nhà thầu thi công thông báo đã hoàn thành công tác nạo vét. Nếu kết quả đo đạc nghiệm thu cho thấy công việc của nhà thầu chưa đạt yêu cầu thì nhà thầu thi công phải thực hiện bổ sung cho đến khi kiểm tra đạt yêu cầu;
d) Giám sát các công tác hoàn thiện khác.
5. Trách nhiệm của tư vấn giám sát
a) Thực hiện giám sát theo các nội dung quy định tại Điều này và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát, trình chủ đầu tư xem xét, phê duyệt trước khi giám sát thi công;
c) Phải có bộ phận chuyên trách bảo đảm duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống toàn bộ quá trình thi công nạo vét, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao; bố trí nhân sự thực hiện công tác giám sát gồm Giám sát trưởng và các Giám sát viên;
d) Bố trí đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho công tác giám sát; bố trí đủ cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên toàn bộ quá trình thực hiện của nhà thầu khảo sát, thi công nạo vét đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình cũng như các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Ghi chép toàn bộ kết quả giám sát về quá trình thi công nạo vét và vận chuyển đổ chất nạo vét;
đ) Thường xuyên kiểm tra, giám sát về nhân lực, thiết bị thi công của nhà thầu thi công xây dựng công trình đưa vào, ra công trường (kể cả nhà thầu phụ và các thiết bị đi thuê); xác nhận số lượng, chất lượng máy móc, thiết bị theo hợp đồng hoặc theo hồ sơ trúng thầu (danh sách thiết bị, tính năng kỹ thuật, thời hạn đăng kiểm, chứng chỉ của thuyền viên, bảo hiểm...); phản ánh kịp thời tới chủ đầu tư đối với các thiết bị không phải của nhà thầu thi công xuất hiện tại công trường;
e) Hàng ngày, phải kiểm tra tình trạng lắp đặt, hoạt động của hệ thống giám sát nạo vét trên các phương tiện thiết bị thi công của nhà thầu; yêu cầu khắc phục ngay khi phát hiện sự cố, sai khác không đáp ứng chất lượng theo quy định;
g) Thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống quản lý chất lượng nội bộ của nhà thầu; kiểm tra tọa độ, cao độ và mái dốc của khu vực nạo vét theo đúng yêu cầu của hồ sơ thiết kế; theo dõi, đôn đốc tiến độ nạo vét;
h) Bố trí đủ nhân sự có mặt tại hiện trường thi công trong suốt thời gian thi công công trình để thực hiện công tác giám sát theo quy định tại Nghị định này, đối với trường hợp không thực hiện giám sát liên tục được các phương tiện tại vị trí thi công và vị trí đổ chất nạo vét thì phải thực hiện giám sát trực tiếp trên phương tiện trong quá trình phương tiện đi đổ chất nạo vét; chụp ảnh khoang chứa chất nạo vét của phương tiện vận chuyển tại các thời điểm: bắt đầu nhận chất nạo vét tại khu vực thi công, kết thúc quá trình nhận chất nạo vét để di chuyển đi đổ, kết thúc hành trình di chuyển đến vị trí đổ và kết thúc quá trình đổ chất nạo vét để di chuyển về khu vực thi công (ảnh chụp phải thể hiện số liệu tọa độ GPS và thời gian thực tại thời điểm chụp ảnh); chuyển giao kịp thời các hình ảnh chụp tới chủ đầu tư để theo dõi, lưu trữ cùng với hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định;
i) Tham gia công tác khảo sát đo đạc nghiệm thu nội bộ của nhà thầu và đánh giá chất lượng kết quả thi công của nhà thầu, báo cáo chủ đầu tư về điều kiện đáp ứng đối với đề xuất tổ chức khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình của nhà thầu;
k) Báo cáo kịp thời các kết quả thực hiện, phát sinh, vướng mắc, đề xuất biện pháp xử lý trong quá trình thực hiện về cơ quan quản lý; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý về kết quả thực hiện.
6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám sát trưởng
a) Phụ trách chung công tác giám sát thi công tại hiện trường; phân công nhiệm vụ cụ thể và kiểm tra, đôn đốc công tác giám sát của các giám sát viên;
b) Xem xét và hướng dẫn nhà thầu hoàn thiện biện pháp thi công chi tiết để trình phê duyệt theo quy định;
c) Đề ra kế hoạch và kiểm tra thường xuyên công tác giám sát. Yêu cầu tạm dừng thi công đối với các phương tiện thi công không đáp ứng yêu cầu;
d) Tổng hợp tình hình thi công các hạng mục công trình; báo cáo kịp thời tình hình thi công, kiến nghị các biện pháp xử lý khó khăn vướng mắc xảy ra trong quá trình thi công; báo cáo các hồ sơ nghiệm thu trong quá trình thi công cho lãnh đạo đơn vị tư vấn;
đ) Tham gia việc lập các hồ sơ nghiệm thu về mặt kỹ thuật, khối lượng, hồ sơ hoàn công tổng nghiệm thu công trình;
e) Thực hiện trách nhiệm của Giám sát viên đối với các trường hợp trực tiếp tham gia thực hiện;
g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác giám sát trong suốt thời gian thi công.
7. Nhiệm vụ và quyền hạn của các Giám sát viên
a) Giám sát về mặt kỹ thuật, đảm bảo công trình đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, đúng quy trình và hồ sơ thiết kế;
b) Giám sát và xác nhận các chuyến vận chuyển đổ chất nạo vét;
c) Giám sát hoặc thực hiện việc lập các văn bản nghiệm thu được giao theo đúng mẫu quy định;
d) Thực hiện công tác ghi chép nhật ký giám sát đối với công việc được giao giám sát; kiểm tra và ký xác nhận nhật ký thi công kịp thời suốt trong thời gian thi công.
8. Đối với hoạt động nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định: Ngoài giám sát của Tư vấn giám sát theo quy định, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát đo đạc kiểm tra đột xuất để kiểm tra việc duy trì chuẩn tắc thiết kế của nhà thầu thi công.
Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa
- Điều 4. Nguyên tắc hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa
- Điều 5. Yêu cầu đối với công tác thi công, đổ chất nạo vét
- Điều 6. Phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa
- Điều 7. Quy định về công tác môi trường
- Điều 8. Hoạt động nạo vét liên quan đến quốc phòng, an ninh
- Điều 9. Thu hồi tài nguyên, khoáng sản thông qua hoạt động nạo vét
- Điều 10. Nguyên tắc quản lý nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng và luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước
- Điều 11. Phân công tổ chức thực hiện
- Điều 12. Hình thức thực hiện
- Điều 13. Trình tự thực hiện
- Điều 14. Lập kế hoạch nạo vét duy tu, kế hoạch bảo trì
- Điều 15. Giao dự toán chi ngân sách nhà nước
- Điều 16. Thiết kế, dự toán công trình
- Điều 17. Tổ chức lựa chọn nhà thầu
- Điều 18. Bàn giao mặt bằng thi công
- Điều 19. Tổ chức quản lý thi công công trình
- Điều 20. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát
- Điều 21. Nghiệm thu công trình
- Điều 22. Thanh toán, quyết toán công trình
- Điều 23. Trình tự thực hiện dự án
- Điều 24. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án
- Điều 25. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án
- Điều 28. Trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
- Điều 29. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
- Điều 30. Thẩm định tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
- Điều 31. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
- Điều 32. Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
- Điều 33. Lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 34. Ký kết hợp đồng dự án
- Điều 35. Nội dung hợp đồng dự án
- Điều 36. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án
- Điều 37. Thời hạn hợp đồng dự án
- Điều 38. Bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án
- Điều 39. Điều kiện triển khai và lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án
- Điều 40. Lập thiết kế xây dựng
- Điều 41. Giám sát thực hiện hợp đồng dự án
- Điều 42. Bàn giao dự án