Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 158/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức hành chính do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo, quản lý.

2. Các tổ chức hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi tắt là bộ), gồm:

a) Văn phòng, thanh tra, vụ, cục, tổng cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của bộ;

b) Văn phòng, thanh tra (nếu có), vụ, cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục (sau đây gọi tắt là tổng cục);

c) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của văn phòng, thanh tra, vụ (nếu có), cục và tổ chức tương đương thuộc bộ;

d) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của văn phòng, cục và tổ chức tương đương thuộc tổng cục;

đ) Chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của cục thuộc bộ (sau đây gọi tắt là chi cục thuộc cục thuộc bộ);

e) Chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của cục thuộc tổng cục (sau đây gọi tắt là chi cục thuộc cục thuộc tổng cục);

g) Phòng và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc cục thuộc bộ;

h) Phòng và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc cục thuộc tổng cục.

3. Các tổ chức hành chính của cơ quan thuộc Chính phủ (nếu có).

a) Tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính thuộc cơ quan thuộc Chính phủ.

4. Các tổ chức hành chính ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh), gồm:

a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là sở);

b) Văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn, nghiệp vụ, chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của sở;

c) Phòng thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc sở;

d) Các tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Văn phòng, phòng, chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Các tổ chức hành chính ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cấp huyện), gồm:

a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi tắt là phòng cấp huyện);

b) Các tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

6. Nghị định này không áp dụng đối với việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan sau:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức hành chính là tổ chức được giao chức năng tham mưu giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cơ quan, tổ chức và được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tương đương là tổ chức hành chính có vị trí, chức năng, nhiệm vụ như các tổ chức hành chính quy định tại khoản 2 và điểm b, điểm đ khoản 4 Điều 2 Nghị định này nhưng có tên gọi khác và được thành lập theo quy định của pháp luật

3. Tổ chức lại tổ chức hành chính là việc sắp xếp, kiện toàn lại các tổ chức hành chính dưới các hình thức: chia tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ để hình thành tổ chức hành chính mới.

Điều 4. Nguyên tắc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính

1. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.

2. Việc thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính phải bảo đảm không vượt khung số lượng tổ chức theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quy định của cấp có thẩm quyền.

Điều 5. Điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính

1. Tổ chức hành chính được thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có cơ sở pháp lý;

b) Đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật;

c) Có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính;

d) Có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác;

đ) Loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

2. Tổ chức hành chính được tổ chức lại trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức hành chính được tổ chức lại khi có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phạm vi, đối tượng quản lý theo quy định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền;

b) Tổ chức hành chính được tổ chức lại khi hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Việc tổ chức lại để hình thành tổ chức hành chính mới phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức hành chính được giải thể trong trường hợp tổ chức đó không còn chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.

Nghị định 158/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính

  • Số hiệu: 158/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/11/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1077 đến số 1078
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH