Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số : 129/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 28 tháng 3 năm 1997;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; hình thức xử phạt, mức phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các hành vi vi phạm hành chính khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia quy định tại các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính thì việc xử phạt được thực hiện theo quy định tại các Nghị định đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bị xử phạt như đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

3. Người chưa thành niên vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia khi thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định khác của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định này tiến hành theo quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì xử phạt từng cá nhân, tổ chức vi phạm.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức, mức phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định tại Nghị định này. Những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng áp dụng theo quy định tại các Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Điều 4. Thời hiệu xử phạt

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện; đối với vi phạm hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.

Nếu quá các thời hạn nói trên thì không xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

2. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự về tội phạm có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt hành chính nếu hành vi của người đó có dấu hiệu vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm người đó thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Thời hiệu được coi là chưa bị xử phạt

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nếu quá một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 6. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức quy định phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 30.000.000 đồng.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm phương tiện;

d) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

đ) Buộc phải rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới;

e) Buộc nộp lại giấy phép đi bờ đã cấp cho thuyền viên, nhân viên, hành khách khi tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng.

Chương 2:

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT

Điều 7. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hại, xê dịch hoặc có bất cứ hành động gì khác có hại tới mốc quốc giới; dấu hiệu đường biên giới.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) In ấn, nhân bản, phát hành tài liệu về đường biên giới quốc gia không được phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) In ấn, nhân bản, phát tán tài liệu thể hiện không đúng đường biên giới quốc gia.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiến hành các hoạt động thăm dò địa chất và khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia; mốc quốc giới;

b) Xây kè, đào kênh, mương, đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối, kênh rạch biên giới làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm thay đổi đường biên giới quốc gia;

c) Xây dựng các công trình thuỷ lợi trên sông, suối, kênh, rạch biên giới không được phép của cấp có thẩm quyền.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc tháo dỡ công trình đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 8. Hành vi vi phạm các quy định về qua lại biên giới, xâm canh, xâm cư và các hành vi khác gây nguy hại cho quốc phòng, an ninh, sức khoẻ con người ở khu vực biên giới

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Qua lại biên giới không có giấy tờ theo quy định của pháp luật;

b) Qua lại biên giới không đúng các điểm quy định dành cho việc qua lại biên giới; vi phạm quy định về thời gian qua lại biên giới;

c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn giấy chứng minh biên giới, giấy chứng nhận hoặc giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chăn, thả gia súc qua biên giới;

b) Chôn, chuyển dịch mồ mả, vận chuyển hài cốt qua biên giới trái phép.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người được phép qua lại biên giới nhưng đi vượt quá phạm vi quy định;

b) Dẫn dắt, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người, phương tiện đi lại quá phạm vi quy định cho phép.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vận chuyển trái phép hàng hoá, hàng cấm qua biên giới;

b) Vượt biên giới làm ruộng, rẫy, vườn, săn bắn, khai thác lâm thổ sản, khoáng sản, thuỷ sản và các hoạt động khác trái pháp luật;

c) Xâm cư ở khu vực biên giới;

d) Phóng, thả, đưa qua biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khoẻ nhân dân, môi trường và trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm a, điểm d khoản 4 Điều này;

b) Buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b, điểm c khoản 4 Điều này;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;

d) Buộc tiêu huỷ tang vật gây tổn hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng, văn hoá phẩm độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều này.

Điều 9. Hành vi vi phạm quy định cư trú, đi lại, hoạt động trong khu vực biên giới

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cư trú, đi lại, hành nghề trái phép trong khu vực biên giới;

b) Không khai báo hoặc che dấu, giúp đỡ người khác đi lại, cư trú, hành nghề trái phép trong khu vực biên giới;

c) Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ vành đai biên giới.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người nước ngoài vào khu vực biên giới, vành đai biên giới không có giấy tờ theo quy định;

b) Người Việt Nam, người nước ngoài có đủ điều kiện vào vành đai biên giới nhưng không trình báo cho Đồn Biên phòng hoặc chính quyền sở tại;

c) Cơ quan, tổ chức Việt Nam khi tổ chức cho người nước ngoài vào khu vực biên giới không cử người đi cùng, hoặc không được phép của cơ quan Công an, không thông báo cho Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc rời khỏi khu vực biên giới đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 10. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ công trình biên giới, biển báo, vùng cấm trong khu vực biên giới

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vẽ, viết thêm, tẩy xoá chữ trên các biển báo "khu vực biên giới", "vành đai biên giới", "vùng cấm", "khu vực cửa khẩu" và các biển báo khác trong khu vực biên giới;

b) Ra, vào, đi lại, hoạt động trái phép trong vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đốt nương, rẫy, gây nổ, nổ súng trái phép trong vành đai biên giới;

b) Quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ thuộc phạm vi vùng cấm nằm trong khu vực biên giới mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;

c) Làm hư hỏng, xê dịch, tháo dỡ các biển báo "khu vực biên giới", "vành đai biên giới", "vùng cấm", "khu vực cửa khẩu" và các biển báo khác trong khu vực biên giới.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phá, dỡ hoặc làm hư hỏng kết cấu, thiết bị của công trình biên giới.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 11. Hành vi vi phạm các quy định về xây dựng các công trình trong khu vực biên giới

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình giao thông, du lịch, thuỷ lợi, thuỷ điện, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trang trại, các công trình, cảng, khu kinh tế liên doanh, liên kết với nước ngoài thăm dò, khai thác tài nguyên và các dự án xây dựng khác trong khu vực biên giới mà cơ quan chủ quản, chủ công trình không thông báo cho cấp có thẩm quyền, Đồn Biên phòng sở tại.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều này không được phép của cơ quan có thẩm quyền; không đúng địa điểm, làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới hoặc gây cản trở đến hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo dỡ thiết bị, công trình xây dựng trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định của người và tàu thuyền trong khu vực biên giới biển

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người từ tàu thuyền nước ngoài lên bờ hoặc từ bờ xuống tàu thuyền nước ngoài không có các loại giấy phép theo quy định;

b) Làm mất giấy phép đi bờ, thẻ hoặc giấy phép xuống tàu mà không khai báo kịp thời với cơ quan chức năng;

c) Sử dụng giấy phép đã hết hạn;

d) Không đăng ký, xuất trình giấy phép đi bờ, thẻ hoặc giấy phép xuống tàu cho cơ quan chức năng trước khi lên bờ hoặc xuống tàu;

đ) Không chấp hành quy định về thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động được cấp phép;

e) Neo đậu tàu thuyền không đúng nơi quy định hoặc không chấp hành nội quy bến bãi, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không nộp lại giấy phép đi bờ hoặc giấy phép xuống tàu khi hết hạn;

b) Thuê, mượn hoặc cho thuê, mượn giấy phép đi bờ, thẻ hoặc giấy phép xuống tàu;

c) Khai không đúng chức vụ, số lượng thuyền viên, nhân viên, hành khách trên tàu theo danh sách đã đăng ký;

d) Người nước ngoài vào khu vực biên giới biển mà không có giấy phép do Công an cấp tỉnh trở lên cấp theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy phép đi bờ hoặc giấy phép xuống tàu.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Thuyền trưởng hoặc người phụ trách tàu gây tai nạn trong khu vực biên giới biển mà bỏ trốn;

b) Khi hoạt động trong khu vực biên giới biển mà thuyền trưởng hoặc người phụ trách tàu không đủ giấy tờ theo quy định, không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người điều khiển phương tiện khi cơ quan kiểm tra, kiểm soát yêu cầu.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi: diễn tập quân sự, diễn tập tìm kiếm, cứu nạn, tổ chức bắn đạn thật hoặc sử dụng vật liệu nổ trong khu vực biên giới biển mà không có kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt, không thông báo cho đối tượng liên quan cũng như các cơ quan chức năng theo quy định.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu nước ngoài có một trong những hành vi sau:

a) Đưa hàng hoá lên, xuống tàu thuyền không đúng nơi quy định;

b) Có hành vi phóng lên các phương tiện bay, hạ xuống các tàu thuyền, vật thể khác trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

7. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2, khoản 3, điểm b khoản 6 Điều này;

b) Buộc nộp lại giấy phép đi bờ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

Điều 13. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa xẩy ra ở khu vực biên giới

Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa xẩy ra ở khu vực biên giới có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì Trưởng Đồn Biên phòng có quyền xử lý. Mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa.

Điều 14. Hành vi vi phạm quy định ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cư trú, đi lại, hành nghề trái phép trong phạm vi khu vực cửa khẩu;

b) Không đăng ký, trình báo với cơ quan chức năng khi thực hiện các hoạt động tại khu vực cửa khẩu.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không chấp hành, lăng mạ hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng bảo vệ, kiểm soát biên giới, cửa khẩu;

b) Người, phương tiện ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu không có giấy tờ theo quy định;

c) Điều khiển phương tiện giao thông trong phạm vi khu vực cửa khẩu đi quá phạm vi được phép; dùng phương tiện đưa, đón người, chuyên chở, xếp, dỡ hàng hoá trong khu vực cửa khẩu không đúng nơi quy định hoặc không tuân theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm;

d) Chủ hàng vận chuyển, xếp dỡ hàng hoá tại khu vực cửa khẩu không đúng địa điểm quy định;

đ) Tẩy xoá, sửa chữa, thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn giấy phép hoạt động tại khu vực cửa khẩu;

e) Nhập cảnh, xuất cảnh không đúng các cửa khẩu quy định.

3. Hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với người Việt Nam và nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

b) Buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Chương 3:

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 15. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng

1. Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

3. Trưởng Đồn Biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu Biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

e) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

g) Buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới;

h) Buộc nộp lại giấy phép đi bờ đối với thuyền viên, nhân viên, hành khách khi tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng.

4. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn Biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

e) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

g) Buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới;

h) Buộc nộp lại giấy phép đi bờ đối với thuyền viên, nhân viên, hành khách khi tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng.

Điều 16. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

đ) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

e) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

e) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

g) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

h) Buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

e) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

g) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

h) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

i) Buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới.

Điều 17. Thẩm quyền xử phạt của các cơ quan khác

Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định này, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nếu phát hiện thấy các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này nhưng thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý thì có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định này và quy định của Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 18. Ủy quyền xử phạt trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 của Nghị định này và những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được uỷ quyền theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; người được ủy quyền không được uỷ quyền lại cho người khác.

Điều 19. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp phạt tiền thì thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể; trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

2. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

3. Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này khi phát hiện hành vi vi phạm thì xử phạt theo thẩm quyền; nếu không thuộc thẩm quyền thì lập biên bản và chuyển cho Bộ đội Biên phòng hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt nơi gần nhất theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 20. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm.

2. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

a) Đối với vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ theo thủ tục đơn giản được quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

b) Đối với vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt là phạt tiền trên 100.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản về vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để ra quyết định xử phạt theo quy định.

3. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

4. Người chưa thành niên vi phạm hành chính từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền thì mức tiền phạt không được quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên; trong trường hợp họ không có tiền nộp phạt thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải nộp thay.

Điều 21. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính

1. Để ngăn chặn kịp thời các vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 43 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được thực hiện theo quy định tại các Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 15 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Mẫu biên bản áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 22. Thu nộp tiền phạt

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và đã nhận biên lai thu tiền phạt. Nếu trốn tránh hoặc không nộp đúng thời hạn thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Việc thu nhận tiền phạt được xác nhận bằng biên lai do Bộ Tài chính phát hành theo quy định.

Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp vào Kho bạc Nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Người bị phạt có quyền không nộp tiền phạt nếu không có biên lai thu tiền phạt.

Điều 23. Chấp hành quyết định xử phạt

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quá thời hạn trên mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế theo Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Cá nhân bị xử phạt từ 500.000 đồng trở lên có thể được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, người có thẩm quyền phải tuân thủ trình tự, thủ tục cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Mẫu quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 24. Xử lý tang vật, phương tiện

1. Tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là văn hoá phẩm độc hại, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng bị buộc tiêu huỷ hoặc tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu xử lý theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 32 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.

2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương hoặc Trung ương ít nhất là hai lần liên tiếp và phải niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu trong thời hạn 30 ngày. Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo và niêm yết công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

4. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

5. Chi phí kho, bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 25. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc trường hợp đã ra quyết định xử phạt, nhưng sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định xử phạt phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày kể từ ngày huỷ quyết định, phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 62 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chương 5:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 26. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này; tố cáo người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính làm trái các quy định của Nghị định này.

3. Thẩm quyền, thời hạn, thủ tục khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 27. Khởi kiện hành chính

Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 28. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cá nhân, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nếu lạm dụng quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che cho người vi phạm; không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức; xử phạt vượt quá thẩm quyền thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, nếu gây thiệt hại cho nhà nước, công dân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này nếu không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ hoặc thủ đoạn khác để trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành quyết định xử phạt của người có thẩm quyền thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Điều 20 (hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đường biên giới, cột mốc, dấu hiệu biên giới quốc gia), Điều 21 (hành vi vi phạm quy chế quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu) của Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Điều 30. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 129/2006/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

  • Số hiệu: 129/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/10/2006
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 13 đến số 14
  • Ngày hiệu lực: 27/11/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản