Chương 7 Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới
Chương VII
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI, THU HỒI GIẤY PHÉP LIÊN VẬN GIỮA VIỆT NAM, LÀO VÀ CAMPUCHIA
Điều 35. Cấp, cấp lại Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia
1. Đối tượng: Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia được cấp cho phương tiện của các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.
2. Thành phần hồ sơ đối với phương tiện thương mại:
a) Giấy đề nghị cấp, cấp lại giấy phép theo Mẫu số 01 Phụ lục VI của Nghị định này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký hoặc bản sao từ sổ gốc của Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải phải xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh;
c) Bản sao văn bản thông báo khai thác tuyến, văn bản thay thế phương tiện hoặc văn bản bổ sung phương tiện của cơ quan quản lý tuyến và hợp đồng đón trả khách tại bến xe khách ở Việt Nam và bến xe khách hoặc nơi đón trả khách ở Lào, Campuchia (đối với phương tiện kinh doanh tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia).
3. Thành phần hồ sơ đối với phương tiện phi thương mại:
a) Giấy đề nghị cấp, cấp lại giấy phép theo Mẫu số 02 Phụ lục VI của Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu). Trường hợp phương tiện không thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân thì phải kèm theo tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân với phương tiện đó (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu);
c) Đối với doanh nghiệp thực hiện công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Lào hoặc Campuchia thì kèm theo hợp đồng hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp đang thực hiện công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh, trên lãnh thổ Lào, Campuchia (bản sao có chứng thực).
4. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép cho các loại phương tiện:
a) Phương tiện thương mại gồm xe vận chuyển hành khách hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch, xe vận tải hàng hóa;
b) Phương tiện phi thương mại của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị cấp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
5. Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia cho phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, phương tiện phi thương mại của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn địa phương.
6. Sở Giao thông vận tải địa phương nơi có cửa khẩu biên giới giáp với Lào và Campuchia theo Phụ lục của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ, cấp giấy phép cho phương tiện phi thương mại của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn các tỉnh khác của Việt Nam đi qua cửa khẩu của địa phương mình.
7. Trình tự, thủ tục:
a) Tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo một trong các hình thức sau: trực tiếp, trực tuyến, đường bưu chính. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra. Đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung chưa đầy đủ hoặc cần sửa đổi đến tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia theo Mẫu số 03 (đối với phương tiện thương mại) hoặc Mẫu số 04 (đối với phương tiện phi thương mại) Phụ lục VI của Nghị định này. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do;
c) Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định.
8. Trường hợp Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia bị hư hỏng, bị mất, tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải lập hồ sơ đề nghị cấp lại theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 7 Điều này.
Điều 36. Thu hồi Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia
1. Cơ quan cấp giấy phép thu hồi Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
a) Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia;
b) Không thực hiện hoạt động vận tải qua biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia trong thời gian 03 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép;
c) Không thực hiện hoạt động vận tải qua biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia từ 03 chuyến trở lên trong thời gian 06 tháng liên tục (chuyến được tính là cả lượt xe đi và về);
d) Phương tiện quá thời hạn tái nhập vào Việt Nam theo quy định, ngoại trừ trường hợp thiên tai, dịch bệnh, tai nạn hoặc lý do bất khả kháng;
đ) Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hoặc Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào hoặc Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
2. Trình tự, thủ tục:
a) Cơ quan cấp giấy phép ban hành quyết định thu hồi Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia và gửi cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải, các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu và các cơ quan có liên quan đồng thời đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép;
b) Sau khi quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, đơn vị kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động vận tải qua biên giới đối với phương tiện bị thu hồi giấy phép và trong vòng 15 ngày làm việc phải nộp Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia của phương tiện đó cho cơ quan cấp giấy phép.
Điều 37. Gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của Lào, Campuchia
1. Đối tượng: Phương tiện của Lào, Campuchia quá thời gian lưu hành tại Việt Nam quy định tại giấy phép liên vận trong trường hợp bất khả kháng được gia hạn 01 lần với thời gian không quá 10 ngày.
2. Thẩm quyền gia hạn: Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi phương tiện gặp sự cố bất khả kháng.
3. Thành phần hồ sơ:
a) Giấy đề nghị gia hạn theo Mẫu số 05 Phụ lục VI của Nghị định này;
b) Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia (bản chính).
4. Trình tự, thủ tục:
a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp cho cơ quan gia hạn nơi phương tiện gặp sự cố bất khả kháng;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện gia hạn thời gian lưu hành cho phương tiện của Lào, Campuchia. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc gia hạn bằng văn bản hoặc gia hạn trong giấy phép liên vận. Trường hợp không gia hạn, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Điều 38. Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến, bổ sung hoặc thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia
1. Đối tượng đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia:
Đơn vị kinh doanh vận tải đáp ứng điều kiện theo quy định hiện hành được đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.
2. Thành phần hồ sơ đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia:
a) Giấy đề nghị đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia theo Mẫu số 06 Phụ lục VI của Nghị định này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký hoặc bản sao từ sổ gốc của Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải phải xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh;
c) Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia theo Mẫu số 07 Phụ lục VI của Nghị định này;
d) Hợp đồng đối tác giữa đơn vị kinh doanh vận tải Việt Nam với đối tác của Lào và/hoặc Campuchia (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu).
3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý tuyến: Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Trình tự, thủ tục:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau: trực tiếp, trực tuyến, đường bưu chính. Đối với hồ sơ nộp trực tiếp, cán bộ tiếp nhận cập nhật thông tin vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo khai thác tuyến vận tải hành khách cố định theo Mẫu số 08 Phụ lục VI của Nghị định này và xác nhận vào hợp đồng đối tác của đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do;
c) Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định.
5. Văn bản thông báo khai thác tuyến hết hiệu lực trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải không đưa phương tiện vào khai thác trong vòng 60 ngày kể từ ngày có hiệu lực.
6. Tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia phải xuất phát và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam, tại bến xe khách từ loại 01 đến loại 04 hoặc bến xe loại 05 thuộc địa bàn huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
7. Phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia phải có lệnh vận chuyển. Lệnh vận chuyển cấp cho từng chuyến xe lượt đi và lượt về (trường hợp chuyến xe thực hiện trong nhiều ngày), cấp hàng ngày (trường hợp trong ngày thực hiện nhiều chuyến). Lệnh vận chuyển do đơn vị kinh doanh vận tải ban hành theo Mẫu số 09 Phụ lục VI của Nghị định này và phải được đánh số thứ tự theo năm để quản lý.
8. Bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định
a) Đơn vị kinh doanh vận tải đang hoạt động trên tuyến được quyền bổ sung hoặc thay thế phương tiện;
b) Hồ sơ đăng ký bổ sung, thay thế phương tiện theo quy định tại khoản 2 Điều này. Giấy đề nghị đăng ký theo Mẫu số 06 Phụ lục VI của Nghị định này;
c) Trình tự, thủ tục theo quy định tại khoản 4 Điều này.
9. Ngừng khai thác tuyến, ngừng phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia
a) Khi có nhu cầu ngừng khai thác tuyến, ngừng phương tiện hoạt động trên tuyến, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 10 Phụ lục VI của Nghị định này cho cơ quan có thẩm quyền, bến xe đầu tuyến phía Việt Nam và nộp lại thông báo khai thác tuyến, ký hiệu phân biệt quốc gia, giấy phép liên vận của các phương tiện ngừng khai thác cho cơ quan có thẩm quyền;
Đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được phép ngừng khai thác tuyến, ngừng phương tiện hoạt động trên tuyến sau khi đã niêm yết tại bến xe đầu tuyến phía Việt Nam tối thiểu 10 ngày;
b) Chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan có thẩm quyền thông báo ngừng khai thác tuyến theo Mẫu số 11 Phụ lục VI của Nghị định này và thông báo công khai để các đơn vị kinh doanh vận tải khác đăng ký khai thác.
10. Điều chỉnh tần suất chạy xe trên tuyến
a) Trước khi điều chỉnh tần suất chạy trên tuyến ít nhất 10 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo bằng văn bản theo quy định tại Mẫu số 12 Phụ lục VI của Nghị định này cho cơ quan có thẩm quyền, bến xe đầu tuyến phía Việt Nam;
b) Chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền ra văn bản thông báo điều chỉnh tần suất chạy xe trên tuyến theo quy định tại Mẫu số 13 Phụ lục VI của Nghị định này.
Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Phạm vi hoạt động của phương tiện
- Điều 5. Quy định chung về giấy phép vận tải đường bộ quốc tế và giấy phép liên vận
- Điều 6. Cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN
- Điều 7. Thu hồi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN
- Điều 8. Cấp, cấp lại Giấy phép liên vận ASEAN
- Điều 9. Thu hồi Giấy phép liên vận ASEAN
- Điều 10. Gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của các nước thực hiện các Hiệp định khung ASEAN về vận tải đường bộ qua biên giới
- Điều 11. Cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế GMS
- Điều 12. Thu hồi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế GMS
- Điều 13. Cấp, cấp lại Giấy phép liên vận GMS hoặc sổ TAD
- Điều 14. Thu hồi Giấy phép liên vận GMS hoặc sổ TAD
- Điều 15. Gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của các nước thực hiện Hiệp định GMS
- Điều 16. Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc
- Điều 17. Cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc loại A, B, C, E, F, G cho phương tiện của Việt Nam
- Điều 18. Giới thiệu đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc loại D cho phương tiện của Việt Nam
- Điều 19. Cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc loại D cho phương tiện của Trung Quốc
- Điều 20. Thu hồi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc
- Điều 21. Gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của Trung Quốc
- Điều 22. Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến, bổ sung hoặc thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc
- Điều 23. Cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào
- Điều 24. Thu hồi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào
- Điều 25. Cấp, cấp lại Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Lào
- Điều 26. Thu hồi Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Lào
- Điều 27. Gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của Lào
- Điều 28. Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến, bổ sung, thay thế, điều chỉnh tần suất chạy xe trên tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam và Lào
- Điều 29. Cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia
- Điều 30. Thu hồi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia
- Điều 31. Cấp, cấp lại Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Campuchia
- Điều 32. Thu hồi Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Campuchia
- Điều 33. Gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của Campuchia
- Điều 34. Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến, bổ sung hoặc thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam và Campuchia
- Điều 35. Cấp, cấp lại Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia
- Điều 36. Thu hồi Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia
- Điều 37. Gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của Lào, Campuchia
- Điều 38. Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến, bổ sung hoặc thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam, Lào và Campuchia