Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 107/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác, quản lý và tháo dỡ cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ; sản xuất, lưu giữ, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao, xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

2. Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử không được quy định tại Nghị định này mà được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác thì áp dụng các quy định của Nghị định đó để xử phạt.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm định thiết bị X-quang y tế là việc kiểm tra chất lượng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, xác định và chứng nhận về chế độ làm việc của thiết bị do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép kiểm tra.

2. Hiệu chuẩn là hiệu chỉnh sai lệch của thiết bị bức xạ, thiết bị ghi đo bức xạ với thiết bị đo chuẩn hoặc nguồn bức xạ chuẩn để bảo đảm độ chính xác của thiết bị.

3. Thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động cơ sở bức xạ là việc thay đổi vị trí nguồn bức xạ lắp đặt cố định, thay đổi giới hạn vận hành so với quy định trong giấy phép, thay đổi thông số kỹ thuật của thiết bị bức xạ có ảnh hưởng đến an toàn hoặc thay đổi cấu trúc hệ thống bảo đảm an toàn bức xạ.

4. Thiết bị ghi đo bức xạ là phương tiện, dụng cụ để đo liều bức xạ, hoạt độ phóng xạ, xác định đồng vị phóng xạ.

5. Chất thải phóng xạ sinh ra từ hoạt động sản xuất, sản xuất thử, chế biến, khai thác quặng, khoáng sản là sản phẩm thứ cấp hoặc chất thải chứa các nhân phóng xạ tự nhiên có khả năng gây ra liều hiệu dụng đối với công chúng vượt quá 1mSv trong một năm.

6. Tẩy xạ là quá trình loại bỏ hoặc làm giảm sự nhiễm bẩn phóng xạ ở đối tượng xuống mức cho phép bằng các quy trình vật lý, hóa học hoặc sinh học.

Điều 3. Các biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

1. Buộc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

2. Buộc tìm kiếm, truy tìm, thu hồi chất phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ, vật liệu phóng xạ, nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, thiết bị hạt nhân;

3. Buộc tẩy xạ khu vực bị nhiễm xạ để đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

4. Buộc tái xuất chất phóng xạ, nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ, hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

5. Buộc không bố trí nhân viên bức xạ có kết quả liều chiếu xạ cá nhân cao bất thường tiếp tục làm công việc bức xạ;

6. Buộc thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường;

7. Buộc phục hồi môi trường;

8. Buộc tháo dỡ công trình xây dựng, phần công trình xây dựng không có giấy phép, không đúng giấy phép hoặc không đúng thiết kế được phê duyệt;

9. Buộc truy nhập dữ liệu liều chiếu xạ nghề nghiệp cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chiếu xạ nghề nghiệp;

10. Buộc thu hồi kết quả dịch vụ đã cung cấp;

11. Buộc thu hồi chứng nhận kiểm tra an toàn đã cấp.

Điều 4. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức

1. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 9 Điều 6; Khoản 3 Điều 7; các Khoản 5, 6, 7, 8 Điều 14; Khoản 2 Điều 15; Khoản 2 Điều 22; các Điều 24, 25 và 26; Khoản 3 Điều 27 và Khoản 2 Điều 40 Nghị định này. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng.

Mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 2.000.000.000 đồng.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 43 đến 45 Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

Nghị định 107/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

  • Số hiệu: 107/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/09/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 635 đến số 636
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH