Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

Mục 3. ƯU ĐÃI CHỦ ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Điều 22. Lợi nhuận định mức

1. Lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 85 của Luật Nhà ở được xác định tối đa bằng 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội bao gồm các chi phí đầu tư xây dựng của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (gồm: công trình nhà ở xã hội, công trình hoặc hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu có) trong dự án), lãi vay (nếu có) và các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp được phân bổ cho phần nhà ở xã hội, được xác định như sau:

a) Chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại thời điểm trình thẩm định, bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có), chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng;

b) Lãi vay (nếu có) không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng đã được xác định trong chi phí đầu tư xây dựng của dự án;

c) Các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi liên quan trực tiếp đến dự án được phân bổ cho phần diện tích nhà ở xã hội để bán và được xác định phù hợp với thời điểm trình thẩm định. Tổng các chi phí hợp lý, hợp lệ được xác định bằng 2% chi phí đầu tư xây dựng phần nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê quy định tại điểm a khoản này; trường hợp không đủ thì chủ đầu tư lập dự toán đối với khoản mục chi phí này.

3. Chi phí đầu tư xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (sở hữu chung nếu có) cho cả dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại khoản 2 Điều này được phân bổ đều cho tổng diện tích đất ở và đất thương mại dịch vụ (nếu có) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

4. Chi phí đầu tư xây dựng đối với công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung cho cả dự án theo quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm: chi phí đầu tư hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống quản lý chất thải rắn, hệ thống vệ sinh công cộng, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác thuộc phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 23. Diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại

1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng cơ chế ưu đãi về diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại quy định tại điểm d khoản 2 Điều 85 của Luật Nhà ở.

2. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên phần diện tích đất quy định tại khoản 1 Điều này thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích xây dựng nhà ở thương mại tính theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Diện tích đất để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại được xác định trong tổng diện tích phần đất thương mại, dịch vụ của dự án. Diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại được xác định trong tổng diện tích đất ở của dự án. Việc xác định cụ thể diện tích đất để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại được thực hiện khi lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án nhưng trong mọi trường hợp không vượt quá 20% tổng diện tích đất ở của dự án.

4. Trường hợp phương án quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư dự án được dành phần diện tích sàn với tỷ lệ kinh doanh dịch vụ, thương mại không vượt quá 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án, không bao gồm phần diện tích bố trí để phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của các hộ dân cư trong phạm vi dự án (khu vực sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, nhà trẻ mẫu giáo và các công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ cho đời sống của cư dân tòa nhà) và diện tích làm chỗ để xe theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có nhiều khối nhà thì chủ đầu tư được lựa chọn bố trí trong từng khối nhà hoặc gộp chung toàn bộ phần diện tích sàn để kinh doanh dịch vụ, thương mại của từng khối nhà vào phần diện tích sàn để kinh doanh dịch vụ, thương mại của một hoặc vài khối nhà.

5. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trên phần diện tích đất hoặc dành phần diện tích sàn của dự án để kinh doanh dịch vụ, thương mại thì không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích đất hoặc phần diện tích sàn này, trừ trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng hoặc góp vốn phần diện tích đất hoặc phần diện tích sàn này.

Điều 24. Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đó

1. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 83 của Luật Nhà ở thì chủ đầu tư được hưởng các ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Nhà ở, Điều 22 và Điều 23 của Nghị định này.

2. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 83 của Luật Nhà ở thì chủ đầu tư được hưởng ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Nhà ở, Điều 22 và Điều 23 của Nghị định này.

Điều 25. Vay vốn ưu đãi của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn

Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay ưu đãi tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Nhà ở theo quy định sau:

1. Điều kiện được vay vốn:

a) Có dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Đã được lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan;

c) Đủ điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;

d) Áp dụng biện pháp bảo đảm trong hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng.

2. Mức vốn vay:

a) Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua: Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phương án sử dụng vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay;

b) Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê: Mức cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án sử dụng vốn và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

3. Thời hạn vay:

a) Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán thì thời hạn cho vay tối đa không quá 10 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên;

b) Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua thì thời hạn cho vay tối đa không quá 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên;

c) Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì thời hạn cho vay tối đa không quá 20 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

4. Lãi suất vay:

a) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, để cho thuê mua thì lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng 120% lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay;

b) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay;

c) Lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận.

5. Giải ngân vốn vay: Vốn vay được giải ngân theo tiến độ thực hiện và đề nghị của chủ đầu tư. Số tiền giải ngân từng đợt căn cứ vào khối lượng hoàn thành công trình theo điểm dừng kỹ thuật.

6. Điều kiện vay vốn, mức vốn vay, thời hạn vay, lãi suất vay, bảo đảm tiền vay và các nội dung khác có liên quan đối với khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

7. Ngoài các nội dung đã quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này, các nội dung khác liên quan đến hoạt động cho vay, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Điều 26. Ưu đãi cá nhân vay vốn để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để cho thuê

Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê theo quy định tại khoản 4 Điều 85 của Luật Nhà ở thì được vay vốn ưu đãi theo quy định sau:

1. Điều kiện được vay vốn

a) Có khả năng trả nợ theo cam kết với tổ chức tín dụng cho vay vốn;

b) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với công trình nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa;

c) Có phương án sử dụng vốn, có giấy phép xây dựng đối với trường hợp yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật thì được xem xét cho vay vốn phù hợp với thời hạn được tồn tại của công trình;

d) Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.

2. Mức vốn vay: Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án sử dụng vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

3. Thời hạn vay: Thời hạn cho vay tối đa không quá 20 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

4. Lãi suất vay:

a) Lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay;

b) Lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận.

5. Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê theo quy định tại khoản 4 Điều 85 của Luật Nhà ở thì được vay vốn ưu đãi đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều này và phải lập dự án đầu tư. Không được kinh doanh sản phẩm nhà ở xã hội dưới hình thức mua bán. Trong quá trình triển khai, phải báo cáo về cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo định kỳ 03 tháng.

Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

  • Số hiệu: 100/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/07/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH