Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 09/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Chương II

GIẤY PHÉP KINH DOANH

Điều 9. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh

1. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa

a) Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

c) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

2. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

a) Điều kiện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;

b) Đáp ứng tiêu chí sau:

- Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;

- Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;

- Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;

- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí

a) Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn: Xem xét cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động sau:

- Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam;

- Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.

c) Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí: Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.

Điều 10. Căn cứ xem xét chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh

Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung sau để xem xét chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp quy định tài khoản 2, 3 và 4 Điều 9 Nghị định này:

1. Sự phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của vùng, quốc gia.

2. Tiến trình đàm phán mở cửa thị trường của Việt Nam.

3. Nhu cầu mở cửa thị trường của Việt Nam.

4. Chiến lược hợp tác với đối tác nước ngoài của Việt Nam.

5. Quan hệ ngoại giao, vấn đề an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 11. Nội dung Giấy phép kinh doanh, thời hạn kinh doanh

1. Nội dung Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và người đại diện theo pháp luật;

b) Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập;

c) Hàng hóa phân phối;

d) Các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;

đ) Các nội dung khác.

2. Thời hạn kinh doanh

a) Thời hạn kinh doanh đối với trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 9 Nghị định này là 05 năm;

b) Thời hạn kinh doanh cấp lại bằng thời hạn còn lại của Giấy phép kinh doanh đã được cấp.

Điều 12. Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh

Hồ sơ gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

2. Bản giải trình có nội dung:

a) Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của kế hoạch kinh doanh;

c) Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;

d) Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.

3. Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.

4. Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).

Điều 13. Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh

1. Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép.

2. Số lượng hồ sơ

- Trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này: 01 bộ;

- Trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại các điểm b, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 5 Nghị định này: 02 bộ;

- Trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định này: 03 bộ.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện tương ứng quy định tại Điều 9 Nghị định này

a) Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

b) Trường hợp đáp ứng ứng điều kiện

- Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này; trường hợp từ chối cấp phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

- Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành theo quy định tại điểm a hoặc b khoản 3 Điều 8 Nghị định này (Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

5. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung tương ứng quy định tại Điều 10 Nghị định này để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh; trường hợp từ chối, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do (Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh. Trường hợp Bộ Công Thương hoặc bộ quản lý ngành có văn bản từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 14. Điều chỉnh Giấy phép kinh doanh

Giấy phép kinh doanh được điều chỉnh khi có thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

Điều 15. Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép kinh doanh

Hồ sơ gồm:

1. Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

2. Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp chuyển địa điểm đặt trụ sở chính quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nội dung điều chỉnh.

3. Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 11 Nghị định này: Tài liệu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 12 Nghị định này.

Điều 16. Trình tự điều chỉnh Giấy phép kinh doanh

1. Hồ sơ gửi trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nội dung điều chỉnh quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

2. Trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy phép kinh doanh đã được điều chỉnh, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm hoàn trả Giấy phép kinh doanh đã được cấp cho Cơ quan cấp Giấy phép,

Điều 17. Cấp lại Giấy phép kinh doanh

Giấy phép kinh doanh được cấp lại trong trường hợp sau:

1. Chuyển địa điểm đặt trụ sở chính từ một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đến một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khác.

2. Giấy phép kinh doanh bị mất hoặc bị hỏng.

Điều 18. Hồ sơ cấp lại Giấy phép kinh doanh

Hồ sơ gồm:

1. Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp cấp lại theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

Điều 19. Trình tự cấp lại Giấy phép kinh doanh

1. Hồ sơ gửi trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nội dung điều chỉnh trong trường hợp cấp lại quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

2. Hồ sơ 01 bộ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép nơi chuyển đến.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp lại Giấy phép kinh doanh, trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Cơ quan cấp Giấy phép cấp lại Giấy phép kinh doanh cho trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này, sao gửi 01 bản Giấy phép kinh doanh cho Cơ quan cấp Giấy phép nơi chuyển đi để cập nhật vào Hệ thống cơ sở dữ liệu.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được cấp lại Giấy phép kinh doanh, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này có trách nhiệm hoàn trả Giấy phép kinh doanh đã được cấp trước đó cho Cơ quan cấp Giấy phép nơi chuyển đi.

Điều 20. Hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép kinh doanh đồng thời với Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

1. Hồ sơ gồm:

a) Tài liệu quy định tại Điều 12 và khoản 1, 2 Điều 27 Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có).

2. Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh đồng thời với Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 13 và 28 Nghị định này.

Điều 21. Từ chối cấp Giấy phép kinh doanh

Ngoài các trường hợp không đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định này, Cơ quan cấp Giấy phép từ chối cấp Giấy phép kinh doanh trong trường hợp sau:

1. Thời hạn hoạt động của dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa đã hết.

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định này.

Nghị định 09/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

  • Số hiệu: 09/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/01/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 219 đến số 220
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH