Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2010

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG LUẬT PHÁ SẢN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn Luật Phá sản ngày 24 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với tổ chức tín dụng về điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản trong thủ tục phá sản; điều kiện, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, của tổ chức tín dụng bị yêu cầu tuyên bố phá sản và của người tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Điều 2. Thủ tục phá sản

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thủ tục phá sản được áp dụng đối với tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản bao gồm:

a) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản;

b) Phục hồi hoạt động kinh doanh;

c) Thanh lý tài sản, các khoản nợ;

d) Tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

2. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản về việc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với tổ chức tín dụng, sau khi mở thủ tục phá sản, Thẩm phán quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ quy định tại điểm c khoản 1 và tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản mà không áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp Nghị định này không có quy định thì những nội dung liên quan đến thủ tục phá sản tổ chức tín dụng sẽ được áp dụng theo Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. “Kiểm soát đặc biệt” là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

2. “Các khoản nợ đến hạn” là các khoản tiền hoặc tài sản mà tổ chức tín dụng nợ người khác (sau đây gọi là chủ nợ) không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (chỉ tính phần không có bảo đảm) đã đến hạn thanh toán theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Điều kiện xác định tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản

Tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Điều 5. Thẩm quyền của Tòa án

1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đó.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đó.

Điều 6. Tổ quản lý, thanh lý tài sản

1. Đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán phụ trách (sau đây gọi chung là Thẩm phán) việc phá sản tổ chức tín dụng ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản.

2. Thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm có:

a) Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản làm Tổ trưởng;

b) Một cán bộ của Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

c) Một đại diện của chủ nợ là tổ chức, cá nhân có số nợ lớn nhất trong số các chủ nợ;

d) Một đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bị mở thủ tục phá sản;

đ) Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

e) Một đại diện của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng của tổ chức tín dụng;

g) Trong trường hợp tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản có nợ lương hoặc các khoản nợ khác đối với người lao động, Thẩm phán xem xét, quyết định việc có đại diện công đoàn, đại diện người lao động tham gia Tổ chức quản lý, thanh lý tài sản.

3. Tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm cử đại diện tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Thẩm phán.

4. Trường hợp tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản có chi nhánh hoạt động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản có thể thành lập bộ phận giúp việc làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của chi nhánh của tổ chức tín dụng đó.

Tổ quản lý, thanh lý tài sản quy định cụ thể thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận giúp việc này.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản

1. Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 10 và 11 của Luật Phá sản.

2. Chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 20 từ Điều 22 đến Điều 33 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Chương 2.

NỘP ĐƠN YÊU CẦU VÀ MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN

Điều 8. Những người có quyền và nghĩa vụ trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Những người sau đây có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

a) Chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của tổ chức tín dụng;

b) Người lao động làm việc trong tổ chức tín dụng;

c) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng nhà nước, cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần.

2. Đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận thấy tổ chức mình lâm vào tình trạng phá sản.

3. Trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu nhận thấy tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật có nhiệm vụ thông báo bằng văn bản cho những người nêu tại khoản 1 Điều này biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cơ quan thông báo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông báo đó.

4. Những người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại khoản 1 và 2 Điều này có các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Điều 19 của Luật Phá sản.

Điều 9. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được lập và nộp theo quy định từ Điều 13 đến Điều 17 của Luật Phá sản.

2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải được nộp tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

Điều 10. Phí phá sản

Việc nộp phí phá sản, tạm ứng phí phá sản thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Luật Phá sản.

Điều 11. Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật Phá sản

Điều 12. Thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Trong thời hạn năm (05) ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biết. Chậm nhất là mười lăm (15) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có văn bản về việc có hoặc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt.

2. Trường hợp người nộp đơn không phải là chủ sở hữu hoặc đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản thì trong thời hạn năm (05) ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo cho tổ chức tín dụng đó biết. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, tổ chức tín dụng phải xuất trình cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 15 của Luật Phá sản; nếu tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản là người bảo lãnh cho người khác thì trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, tổ chức tín dụng phải thông báo việc mình bị yêu cầu mở thủ tục phá sản cho những người có liên quan.

Điều 13. Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Tòa án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong những trường hợp sau:

a) Người nộp đơn không nộp tiền tạm ứng phí phá sản trong thời hạn do Tòa án ấn định;

b) Người nộp đơn không có quyền nộp đơn;

c) Có Tòa án khác đã mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản đó;

d) Có căn cứ rõ ràng cho thấy việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng hoặc có sự gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản;

đ) Tổ chức tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc có quyết định áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đang còn hiệu lực;

e) Tổ chức tín dụng chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản.

2. Người làm đơn có quyền khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 25 của Luật Phá sản.

Điều 14. Tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản

Việc tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật Phá sản.

Điều 15. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

1. Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có đầy đủ các điều kiện sau:

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt.

b) Tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

2. Quyết định mở thủ tục phá sản phải có các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Phá sản.

3. Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản khi không đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Việc khiếu nại quyết định không mở thủ tục phá sản được thực hiện theo Điều 32 của Luật Phá sản.

Điều 16. Thông báo quyết định mở thủ tục phá sản

1. Quyết định của Tòa án về mở thủ tục phá sản được gửi cho tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản, Viện Kiểm sát cùng cấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và đăng trên báo địa phương nơi tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản đặt trụ sở chính và nơi mở chi nhánh, báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp

2. Quyết định của Tòa án về mở thủ tục phá sản phải được thông báo cho các chủ nợ, những người mắc nợ của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản.

3. Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở thủ tục phá sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là bảy (07) ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Điều 17. Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản

1. Mọi hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản được tiến hành dưới sự giám sát, kiểm tra của Thẩm phán và Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Trường hợp mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này thì tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.

2. Trường hợp xét thấy người quản lý của tổ chức tín dụng không có khả năng điều hành hoặc nếu tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh sẽ không có lợi cho việc bảo toàn tài sản của tổ chức tín dụng thì theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán ra quyết định cử người quản lý đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để điều hành hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

3. Kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;

b) Thanh toán nợ không có bảo đảm;

c) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

d) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp.

4. Sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, các hoạt động sau đây của tổ chức tín dụng phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện:

a) Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản;

b) Nhận tài sản từ một hợp đồng chuyển nhượng;

c) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

d) Vay tiền;

đ) Bán, chuyển đổi cổ phần hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản;

e) Thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và trả lương cho người lao động trong tổ chức tín dụng.

Chương 3.

NGHĨA VỤ VỀ TÀI SẢN

Điều 18. Xác định nghĩa vụ về tài sản

Nghĩa vụ về tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản được xác định theo quy định tại Điều 33 của Luật Phá sản

Điều 19. Xử lý các khoản nợ chưa đến hạn, các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố

Việc xử lý các khoản nợ chưa đến hạn, các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố thực hiện theo quy định tại Điều 34 và 35 của Luật Phá sản.

Điều 20. Hoàn trả lại tài sản

Tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hỗ trợ tài chính để phục hồi hoạt động kinh doanh trước thời điểm Tòa án thụ lý đơn, nhưng vẫn không phục hồi được mà phải áp dụng thủ tục thanh lý thì phải hoàn trả lại giá trị của khoản vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng khác, khoản hỗ trợ tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước khi thực hiện quy định tại Điều 21 của Ngân hàng này về phân chia tài sản.

Điều 21. Thứ tự phân chia tài sản

1. Thứ tự phân chia tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật Phá sản.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành chủ nợ của tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi với số tiền bảo hiểm đã chi trả và được phân chia giá trị tài sản theo thứ tự thanh toán như đối với người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng bị phá sản.

Điều 22. Xác định giá trị của nghĩa vụ không phải là tiền

Việc xác định giá trị của nghĩa vụ không phải là tiền được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật Phá sản.

Điều 23. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh

Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Phá sản. Các khoản bảo lãnh theo quy định này bao gồm: các cam kết bảo lãnh, cam kết thanh toán Thư tín dụng chưa đến hạn, trừ trường hợp các thư tín dụng đã được xác nhận.

Điều 24. Trả lại tài sản khi tổ chức tín dụng bị áp dụng thủ tục thanh lý

1. Việc trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi tổ chức tín dụng bị áp dụng thủ tục thanh lý được thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật Phá sản. Quy định này cũng được áp dụng để trả các khoản tiền, tài sản được gửi, giữ, ủy thác tại tổ chức tín dụng thông qua hợp đồng gửi giữ, ủy thác, quản lý tài sản. Tiền gửi trên tài khoản thanh toán cũng được coi là tài sản gửi giữ theo quy định này.

2. Trong trường hợp các tài sản nêu tại khoản 1 Điều này không còn đủ để trả lại thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi thường đối với phần còn thiếu đó như khoản nợ có bảo đảm. Quy định này cũng được áp dụng đối với việc trả lại tài sản cho người mắc nợ có tài sản bảo đảm tại tổ chức tín dụng.

Điều 25. Cấm đòi lại tài sản

Cấm đòi lại tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật Phá sản.

Điều 26. Nhận lại hàng hóa đã bán

Việc nhận lại hàng hóa đã bán được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật Phá sản.

Chương 4.

CÁC BIỆN PHÁP BẢO TOÀN TÀI SẢN

Điều 27. Các giao dịch bị coi là vô hiệu

1. Các giao dịch bị coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 43 của Luật Phá sản, trừ trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này.

2. Nếu trong khoảng thời gian ba tháng trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tổ chức tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc đang được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hỗ trợ tài chính thì việc thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn, thực hiện thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ, chi trả tiền gửi, thanh toán bù trừ liên ngân hàng dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không áp dụng các quy định về giao dịch vô hiệu.

3. Chủ nợ không có bảo đảm, Tổ quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố các giao dịch bị coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 44 của Luật Phá sản.

Điều 28. Đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực

Việc đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực được thực hiện theo quy định tại các Điều 45, 46 và 47 của Luật Phá sản.

Điều 29. Bù trừ nghĩa vụ

Việc bù trừ nghĩa vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật Phá sản.

Điều 30. Tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản

1. Tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản được xác định theo quy định tại Điều 49 của Luật Phá sản.

2. Tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 24 Nghị định này không được xem là tài sản của tổ chức tín dụng.

Điều 31. Kiểm kê tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản

1. Việc kiểm kê tài sản của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Phá sản.

2. Bảng kiểm kê tài sản của tổ chức tín dụng phải xác định được tài sản của tổ chức tín dụng, tài sản được khách hàng gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, ủy thác tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng.

3. Sau khi kiểm kê tài sản, Tổ quản lý, thanh lý tài sản căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu để trả lại tài sản gửi lại tổ chức tín dụng cho các khách hàng trước khi phân chia tài sản theo thủ tục phá sản.

Điều 32. Gửi giấy đòi nợ, lập và niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ

1. Việc gửi giấy đòi nợ, lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 53 của Luật Phá sản.

2. Danh sách chủ nợ, người mắc nợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án tiến hành thủ tục phá sản và tại trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản. Việc giải quyết khiếu nại liên quan đến các danh sách này được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 52 và khoản 2, 3 Điều 52 của Luật Phá sản.

Điều 33. Đăng ký giao dịch bảo đảm của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản

Việc đăng ký giao dịch bảo đảm của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật Phá sản.

Điều 34. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật Phá sản.

2. Người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể khiếu nại theo quy định tại Điều 56 của Luật Phá sản.

Điều 35. Đình chỉ thi hành án dân sự hoặc giải quyết vụ án

Việc đình chỉ thi hành án dân sự hoặc giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật Phá sản.

Điều 36. Giải quyết vụ án bị đình chỉ trong thủ tục phá sản

Việc giải quyết vụ án bị đình chỉ trong thủ tục phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật Phá sản.

Điều 37. Nghĩa vụ của ngân hàng nơi tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản có tài khoản

Nghĩa vụ của ngân hàng nơi tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản có tài khoản được thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Luật Phá sản.

Điều 38. Nghĩa vụ của người lao động

Nghĩa vụ của người lao động của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật Phá sản.

Chương 5.

HỘI NGHỊ CHỦ NỢ

Điều 39. Hội nghị chủ nợ

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Nghị định này, Thẩm phán quyết định việc triệu tập Hội nghị chủ nợ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản về việc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 98 của Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Các nội dung liên quan đến Hội nghị chủ nợ được thực hiện theo quy định từ Điều 61 đến 77, 79 và 80 của Luật Phá sản.

Chương 6.

THỦ TỤC THANH TOÁN TÀI SẢN

Điều 40. Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản trong trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng mà không triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét áp dụng thủ tục phục hồi.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm bàn giao kết quả kiểm soát đặc biệt, kết quả áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm bàn giao kết quả hỗ trợ tài chính (tài sản, hồ sơ, tài liệu có liên quan) cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản ngay sau khi Tổ quản lý, thanh lý tài sản được thành lập.

3. Sau khi Tổ quản lý, thanh lý tài sản tiếp nhận kết quả kiểm soát đặc biệt, kết quả áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kết quả hỗ trợ tài chính từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Tòa án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng.

Điều 41. Nội dung Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản

1. Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản phải có các nội dung chính theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Phá sản.

2. Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản, các chủ nợ, người mắc nợ của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 83 và 84 của Luật Phá sản.

3. Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản phải được Tòa án gửi và thông báo công khai theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

Điều 42. Hoạt động của tổ chức tín dụng trong quá trình thanh lý tài sản

Hoạt động của tổ chức tín dụng trong quá trình thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật Phá sản.

Điều 43. Đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản

Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản trong những trường hợp sau đây:

1. Tổ chức tín dụng không còn tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản;

2. Phương án phân chia tài sản đã được thực hiện xong.

Chương 7.

TUYÊN BỐ TỔ CHỨC TÍN DỤNG PHÁ SẢN

Điều 44. Quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng bị phá sản

1. Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản.

2. Các nội dung liên quan đến việc tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản được thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật Phá sản.

Chương 8.

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 45. Xử lý vi phạm

Việc xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 93 và 94 của Luật Phá sản.

Điều 46. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2010.

2. Trong quá trình Tòa án xem xét, giải quyết thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các tổ chức liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Tòa án.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng

  • Số hiệu: 05/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/01/2010
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 61 đến số 62
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản