Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

Mục 2. CẤP BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ CHO KHOẢN VAY TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI

Điều 15. Hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay

Ngoài hồ sơ đã gửi theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này, Người vay đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay nộp bổ sung cho Bộ Tài chính trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính các hồ sơ sau:

1. Văn bản yêu cầu khoản vay có bảo lãnh chính phủ của người cho vay gửi người vay (bản chính).

2. Văn bản đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kèm theo đề xuất Ngân hàng phục vụ cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh (bản chính).

3. Các văn bản theo quy định tại Điều 13 nếu có bất kỳ điều chỉnh nào so với văn bản đã nộp trước đây.

4. Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp chỉ nộp cho Bộ Tài chính Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khi thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh) (bản sao có chứng thực).

5. Văn bản phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh của cấp có thẩm quyền (bản sao có chứng thực).

6. Đề án vay (bản chính) là đề án được cập nhật ít nhất 06 tháng trước khi nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ theo các nội dung nêu tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này, đồng thời bổ sung các nội dung sau:

a) Tóm tắt các điều kiện của khoản vay đề nghị cấp bảo lãnh và các khoản vay khác (nếu có).

b) Kế hoạch rút vốn tổng thể theo quý của khoản vay.

7. Văn bản phê duyệt đề án vay được Chính phủ bảo lãnh của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại tổ chức đó nếu là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách có từ 50% vốn góp của Nhà nước trở lên (bản chính).

8. Dự thảo thỏa thuận vay cuối cùng đã được các bên ký tắt hoặc thỏa thuận vay đã được ký kết, có quy định về yêu cầu bảo lãnh chính phủ (bản sao có chứng thực).

9. Báo cáo tài chính 03 năm liền kề gần nhất với thời điểm gửi hồ sơ thẩm định cấp bảo lãnh đã được kiểm toán theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định này (bản sao có chứng thực). Báo cáo tài chính 06 tháng đầu năm trường hợp thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh vào nửa cuối năm tài chính.

10. Báo cáo chi tiết của Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình tín dụng của Người vay (bản chính).

11. Văn bản cam kết theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định này (bản chính) kèm theo xác nhận của đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ hoặc tổ chức, cá nhân góp vốn từ 65% vốn điều lệ trở lên về việc đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp Người được bảo lãnh gặp khó khăn trong việc trả nợ.

12. Văn bản cam kết của các tổ chức và cá nhân sở hữu cổ phần hoặc vốn góp từ 5% vốn điều lệ thực góp trở lên về việc cùng nhau nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ thực góp trong suốt thời gian bảo lãnh có hiệu lực, kèm theo danh sách các cổ đông, cá nhân nói trên (đối với công ty cổ phần).

13. Các thông tin bổ sung nếu phát sinh trong quá trình thẩm định cấp bảo lãnh cho khoản vay đầu tư dự án (thiết kế cơ sở được duyệt, Hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thuyết minh về công nghệ, thiết bị của dự án đầu tư).

14. Kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu hàng năm theo hồ sơ chứng minh năng lực thu xếp vốn chủ sở hữu (nếu có).

Người vay có trách nhiệm gửi cho Bộ Tài chính đầy đủ hồ sơ nêu tại Điều 13 và tài liệu nêu tại Điều này trước khi thẩm định cấp bảo lãnh.

Điều 16. Thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay

1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này từ người vay, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định với các nội dung chính sau:

a) Tính hợp lệ của hồ sơ cung cấp.

b) Đánh giá về doanh nghiệp, tổ chức tài chính tín dụng, chương trình, dự án và khoản vay đề nghị cấp bảo lãnh theo các tiêu chí và điều kiện quy định tại Điều 32, 33 và 34 của Luật quản lý nợ công và các điều kiện đối với khoản vay.

c) Đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổ chức tài chính tín dụng vay vốn được Chính phủ bảo lãnh.

d) Đánh giá phương án tài chính của chương trình, dự án sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của doanh nghiệp, trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép không thẩm định lại phương án tài chính và sử dụng kết quả thẩm định của chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương pháp thẩm định được quy định chi tiết tại Phụ lục I của Nghị định này.

đ) Đánh giá về sự phù hợp (loại hình, tính chất, giá trị...) của tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

e) Đánh giá các rủi ro của chương trình, dự án có liên quan tới khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

g) Tổng số tiền vay và số dự án Chính phủ đã bảo lãnh mà doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã thực hiện cho tới thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh; dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh.

h) Mức phí bảo lãnh đề nghị áp dụng.

i) Các đề xuất, kiến nghị.

2. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu tại khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính thông báo cho người vay trong vòng 05 ngày làm việc sau khi hoàn tất thẩm định.

3. Trường hợp cần bổ sung thông tin trong quá trình thẩm định, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến chương trình, dự án vay vốn đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ.

Điều 17. Quyết định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay

1. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ nội dung Thư bảo lãnh cùng với báo cáo kết quả thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.

2. Quyết định cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay do Thủ tướng Chính phủ ban hành gồm các nội dung:

a) Phê duyệt nội dung Thư bảo lãnh và giao Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh.

b) Phê duyệt mức phí bảo lãnh chính phủ áp dụng cho khoản vay.

c) Giao Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý theo quy định của pháp luật (nếu có).

d) Giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính chỉ định cơ quan đại diện thích hợp của Việt Nam ở nước ngoài Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng theo quy định của Thư bảo lãnh.

đ) Phê duyệt tổ chức khác làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng theo quy định của Thư bảo lãnh.

e) Các nội dung khác.

Điều 18. Cấp Thư bảo lãnh đối với khoản vay

1. Thư bảo lãnh được Bộ Tài chính cấp trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay và sau khi Người được bảo lãnh đã hoàn thành các thủ tục sau:

a) Ký với Bộ Tài chính Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

b) Mở Tài khoản Dự án tại Ngân hàng phục vụ; thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản về số tài khoản của Tài khoản Dự án và toàn bộ tài khoản tiền gửi hiện có tại các tổ chức tín dụng kèm theo xác nhận của tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản (bản chính) hoặc hợp đồng mở Tài khoản Dự án.

c) Nộp cho Bộ Tài chính Hợp đồng vay đã được các bên ký chính thức (bản sao có chứng thực).

2. Thư bảo lãnh được cấp trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các thủ tục tại khoản 1 Điều này:

a) Đối với khoản vay nước ngoài, Thư bảo lãnh được lập thành 04 bản chính, trong đó: Bộ Tài chính lưu hồ sơ 01 bản, người được bảo lãnh lưu 01 bản, Bộ Tư pháp lưu 01 bản và 01 bản được chuyển cho người cho vay hoặc đại diện của người cho vay.

b) Đối với khoản vay trong nước, Thư bảo lãnh được lập thành 06 bản chính, trong đó: Bộ Tài chính lưu hồ sơ 02 bản, người được bảo lãnh lưu 01 bản và 01 bản được chuyển cho người cho vay, 02 bản được gửi cho các cơ quan liên quan.

3. Bộ Tài chính quyết định việc cấp thêm số bản chính cho các cơ quan có liên quan không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này theo từng trường hợp cụ thể nếu cần thiết.

Điều 19. Thủ tục có liên quan đến hiệu lực của khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh

1. Người được bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện các thủ tục quy định trong Thỏa thuận vay để Thư bảo lãnh và Thỏa thuận vay có hiệu lực đầy đủ.

2. Người được bảo lãnh có trách nhiệm làm việc với Bộ Tư pháp để được cấp ý kiến pháp lý đối với Thư bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

3. Sau khi Thư bảo lãnh được phát hành, Người được bảo lãnh có trách nhiệm đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật quản lý nợ công và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý vay trả nợ nước ngoài.

4. Trường hợp thủ tục tố tụng được quy định trong thỏa thuận vay nước ngoài và Thư bảo lãnh có yêu cầu Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng:

a) Người được bảo lãnh đề xuất với Bộ Tài chính về tổ chức được chọn làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng cho Người vay, Người bảo lãnh theo yêu cầu của thỏa thuận vay và lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao trong quá trình đàm phán.

b) Sau khi Thỏa thuận vay được ký kết và cấp bảo lãnh chính phủ, Người được bảo lãnh gửi mẫu văn bản ủy quyền của Người vay và Người bảo lãnh (nếu có) cho tổ chức được lựa chọn làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng ký xác nhận đồng ý, gửi cho Người được bảo lãnh để gửi tiếp cho Người nhận bảo lãnh và sao gửi cho Bộ Tài chính.

Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

  • Số hiệu: 04/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 121 đến số 122
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN