Hệ thống pháp luật

Chương 5 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 1997

Chương 5:

XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG

Điều 24. Xử lý vi phạm về thuế đối với đối tượng nộp thuế

Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì bị xử lý như sau:

1 - Không thực hiện đúng những quy định về chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế theo quy định tại các điều 11, 12, 13 và 14 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế;

2 - Nộp chậm tiền thuế, tiền phạt so với ngày quy định phải nộp hoặc quyết định xử lý về thuế thì ngoài việc nộp đủ số thuế, số tiền phạt, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt 0,1% (một phần nghìn) số tiền nộp chậm;

3 - Khai man thuế, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ một đến năm lần số thuế gian lận; trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

4- Không nộp thuế, nộp phạt theo thông báo hoặc quyết định xử lý về thuế thì bị xử lý như sau:

a) Trích tiền gửi của cơ sở kinh doanh tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt.

Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ sở kinh doanh để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách Nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc của cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ;

b) Giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt;

c) Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.

Điều 25. Thẩm quyền của cơ quan thuế trong việc xử lý vi phạm về thuế

1 - Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được quyền xử lý đối với các vi phạm của đối tượng nộp thuế quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 của Luật này.

2 - Cục trưởng, Chi cục trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật này và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.

Điều 26. Xử lý vi phạm đối với cán bộ thuế và cá nhân khác

1 - Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng trái phép, chiếm đoạt tiền thuế, tiền phạt thì phải bồi hoàn cho Nhà nước toàn bộ số tiền thuế, số tiền phạt đã sử dụng trái phép, chiếm đoạt và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2- Cán bộ thuế, cá nhân khác thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp thuế thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3 - Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, bao che cho người vi phạm Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc có hành vi khác vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4 - Người cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Khen thưởng

Cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; cơ sở kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế thì được khen thưởng.

Chính phủ quy định cụ thể việc khen thưởng.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 1997

  • Số hiệu: 57-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 10/05/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đức Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH