Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Luật số: 09/2008/QH12

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2008

LUẬT

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị), bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.

2. Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Mọi tài sản nhà nước đều được Nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng.

2. Quản lý nhà nước về tài sản nhà nước được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.

3. Tài sản nhà nước phải được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, bảo đảm công bằng, hiệu quả, tiết kiệm.

4. Tài sản nhà nước phải được hạch toán đầy đủ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật. Việc xác định giá trị tài sản trong quan hệ mua, bán, thuê, cho thuê, liên doanh, liên kết, thanh lý tài sản hoặc trong các giao dịch khác được thực hiện theo cơ chế thị trường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Tài sản nhà nước được bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ theo chế độ quy định.

6. Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Chính sách quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển, khai thác và bảo vệ tài sản nhà nước; thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 4. Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có các quyền sau đây:

a) Sử dụng tài sản nhà nước phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Quyết định biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước được giao;

c) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;

d) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có các nghĩa vụ sau đây:

a) Sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm;

b) Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo chế độ quy định;

c) Lập và quản lý hồ sơ tài sản nhà nước; hạch toán, ghi chép tài sản; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của Luật này và pháp luật về kế toán, thống kê.

Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có các quyền sau đây:

a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có các nghĩa vụ sau đây:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền;

b) Chấp hành các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và hiệu quả, tiết kiệm;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhà nước dưới mọi hình thức.

2. Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

3. Sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng tài sản nhà nước lãng phí hoặc không sử dụng tài sản được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản nhà nước để kinh doanh trái pháp luật.

4. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhà nước; chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản nhà nước.

5. Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 7. Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản nhà nước và có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

b) Phân cấp đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, liên doanh, liên kết, cho thuê, tiêu hủy tài sản nhà nước;

c) Hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô và các tài sản khác có giá trị lớn, trang bị phổ biến tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài sản nhà nước và có trách nhiệm sau đây:

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

2. Quy định chế độ quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô và các tài sản khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này;

3. Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước, trừ tài sản quy định tại khoản 2 Điều 7 và khoản 1 Điều 9 của Luật này;

4. Tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

5. Phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản chuyên dùng;

6. Quyết định điều chuyển tài sản nhà nước giữa bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); mua sắm, thu hồi, thanh lý, bán tài sản nhà nước theo phân cấp của Chính phủ;

7. Hằng năm báo cáo Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong phạm vi cả nước;

8. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo thẩm quyền.

Điều 9. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương thực hiện quản lý nhà nước về tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý và có trách nhiệm sau đây:

1. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản chuyên dùng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

2. Quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, liên doanh, liên kết, cho thuê, tiêu hủy tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp của Chính phủ;

3. Hằng năm báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Điều 10. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Căn cứ quy định của Luật này, phân cấp của Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

1. Quyết định chủ trương, biện pháp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

2. Quyết định phân cấp đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, liên doanh, liên kết, cho thuê, tiêu hủy tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

3. Giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại địa phương.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Căn cứ quy định của Luật này, phân cấp của Chính phủ, phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

2. Quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, liên doanh, liên kết, cho thuê, tiêu hủy tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

3. Hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

4. Lập và quản lý hồ sơ về tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Chương 3.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ VŨ TRANG NHÂN DÂN

Điều 12. Nguồn hình thành tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước

1. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật, quyền sử dụng đất.

2. Nhà nước giao ngân sách để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

Điều 13. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc

1. Nhà nước đầu tư xây dựng trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước bằng các phương thức sau đây:

a) Giao cho tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc;

b) Giao ngân sách cho cơ quan trực tiếp sử dụng trụ sở làm việc thực hiện đầu tư xây dựng.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc quyết định phương thức đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc;

c) Thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

4. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 14. Mua sắm tài sản nhà nước

1. Việc mua sắm tài sản nhà nước phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Kinh phí mua sắm tài sản nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo trình tự, thủ tục do pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan quy định.

4. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Điều 15. Thuê trụ sở làm việc, tài sản khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước

1. Cơ quan nhà nước được thuê trụ sở làm việc, tài sản khác để phục vụ hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Khi chưa có trụ sở làm việc hoặc chưa được giao ngân sách đầu tư xây dựng, mua sắm;

b) Việc thuê trụ sở làm việc, tài sản khác có hiệu quả hơn việc đầu tư xây dựng, mua sắm.

2. Số lượng, chủng loại trụ sở làm việc, tài sản khác được thuê phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ; giá thuê được xác định theo cơ chế thị trường.

3. Nhà nước bảo đảmkinh phí thuê trụ sở làm việc, tài sản khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Thẩm quyền quyết định thuê trụ sở làm việc, tài sản khác được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định việc thuê trụ sở làm việc, tài sản khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thuê trụ sở làm việc, tài sản khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Điều 16. Sử dụng tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

2. Cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác.

Điều 17. Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước phải được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật.

2. Kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 18. Lập, quản lý hồ sơ tài sản nhà nước

1. Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan tài chính thống nhất quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Hạch toán tài sản nhà nước

Tài sản nhà nước phải được hạch toán kịp thời, đầy đủ cả về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

Điều 20. Thu hồi tài sản nhà nước

1. Thu hồi tài sản nhà nước là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu lại tài sản nhà nước đã giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng.

2. Tài sản nhà nước bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Không sử dụng;

b) Sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản nhà nước bị thu hồi được điều chuyển theo quy định tại Điều 21 của Luật này hoặc được bán theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

4. Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 21. Điều chuyển tài sản nhà nước

1. Điều chuyển tài sản nhà nước là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Tài sản nhà nước được điều chuyển trong các trường hợp sau đây:

a) Từ nơi thừa sang nơi thiếu;

b) Để mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 22. Thanh lý tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước được thanh lý trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản hết hạn sử dụng;

b) Tài sản bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả;

c) Trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

3. Việc thanh lý theo hình thức bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường.

4. Tiền thu được từ việc thanh lý tài sản nhà nước, sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc thanh lý tài sản được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Bán tài sản nhà nước

1. Bán tài sản nhà nước là việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản nhà nước cho tổ chức, cá nhân để nhận khoản tiền tương ứng.

2. Tài sản nhà nước được bán trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng không có hiệu quả, trừ trường hợp tài sản không được bán theo quy định của pháp luật;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường.

Việc bán tài sản nhà nước là trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.

5. Tiền thu được từ việc bán tài sản nhà nước, sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc bán tài sản được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Tiêu hủy tài sản nhà nước

1. Tiêu hủy tài sản nhà nước là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xóa bỏ sự tồn tại của tài sản nhà nước.

2. Tài sản nhà nước bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.

3. Thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài sản nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài sản của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài sản của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

c) Những người khác theo quy định của pháp luật;

4. Kinh phí tiêu hủy tài sản nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Điều 25. Kiểm kê, báo cáo tài sản nhà nước

Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thực hiện việc kiểm kê, báo cáo số lượng, giá trị, tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Công khai việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài sản nhà nước phải công khai tình hình thực hiện chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải công khai việc mua sắm, đầu tư xây dựng, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Chính phủ quy định cụ thể nội dung, hình thức công khai trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 27. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước của ViệtNam tại nước ngoài.

Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước của Việt Nam tại nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Luật này, phù hợp với quy chế ngoại giao và pháp luật của nước sở tại.

Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước của Việt Nam tại nước ngoài.

Điều 28. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân

Căn cứ các nguyên tắc quy định tại Luật này, Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân.

Chương 4.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP CHƯA TỰ CHỦ TÀI CHÍNH

Điều 29. Nguồn hình thành tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật, quyền sử dụng đất.

2. Nhà nước giao ngân sách để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

3. Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm bằng số tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Điều 30. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính

1. Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính là đơn vị có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

2. Thẩm quyền quyết định việc giao tài sản nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc phạm vi quản lý;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Điều 31. Quyền, nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Luật này và các quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này;

2. Bảo toàn, phát triển vốn và tài sản nhà nước được giao quản lý, sử dụng;

3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính

Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;

2. Sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm;

3. Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước;

4. Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 33. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính

1. Tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết phải được hạch toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính áp dụng đối với doanh nghiệp.

2. Tiền thu được từ cho thuê tài sản, đơn vị phải hạch toán riêng, sau khi trừ chi phí hợp lý liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, đơn vị được sử dụng để phát triển hoạt động sự nghiệp.

Điều 34. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính

Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước quy định tại chương III của Luật này.

Chương 5.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI – NGHỀ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI – NGHỀ NGHIỆP

Điều 35. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

1. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật, quyền sử dụng đất, giao ngân sách để tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Tài sản được Nhà nước giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quản lý, sử dụng hoặc được Nhà nước giao ngân sách để đầu tư xây dựng, mua sắm thuộc sở hữu của Nhà nước; việc quản lý, sử dụng tài sản này được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước quy định tại Chương III của Luật này.

Điều 36. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp

1. Tài sản là trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất mà Nhà nước giao cho tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp quản lý, sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước; việc quản lý, sử dụng tài sản này được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước quy định tại Chương III của Luật này. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản bằng kinh phí của tổ chức.

2. Tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà Nhà nước giao cho tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp quản lý, sử dụng thuộc sở hữu của tổ chức; việc quản lý, sử dụng tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức.

Điều 37. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp

1. Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghệp tự bảo đảm kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, Nhà nước không giao tài sản hoặc hỗ trợ ngân sách đầu tư, mua sắm tài sản cho tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

2. Tài sản là trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất mà Nhà nước đã giao cho tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp quản lý, sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước; việc quản lý, sử dụng tài sản này được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước quy định tại Chương III của Luật này. Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật và thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản bằng kinh phí của tổ chức.

3. Tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này mà Nhà nước đã giao cho tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp quản lý, sử dụng thuộc sở hữu của tổ chức; việc quản lý, sử dụng tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Hướng dẫn thi hành

Giao Chính phủ thực hiện các công việc sau đây để bảo đảm thi hành Luật này:

1. Tổ chức sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo mục đích được giao, bảo đảm để tài sản nhà nước không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định phải được thu hồi trước ngày 31 tháng 12 năm 2010;

2. Quy định cụ thể việc chuyển nhà khách của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sang hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp;

3. Quy định cụ thể việc dùng hội trường, phương tiện vận tải của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo đúng mục đích và thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí.

Điều 39. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 06 năm 2008.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008

  • Số hiệu: 09/2008/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 03/06/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 509 đến số 510
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản