Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Phú Yên, ngày 14 tháng 7 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN (2015 – 2020)

Thực hiện Thông báo số 169/TB-BVHTTDL, ngày 19/01/2015 của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nghệ thuật Bài Chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn (2015- 2020), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy có chọn lọc giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh; phục vụ nhu cầu nhận thức và hưởng thụ văn hóa tại địa phương.

- Gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

- Thu hút, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động triển khai đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả;

- Kết hợp lồng ghép các hoạt động của kế hoạch với các nhiệm vụ thường xuyên của mỗi đơn vị.

- Công tác triển khai kế hoạch phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Khảo sát, kiểm kê, đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh;

2. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân dân gian. Khôi phục và kiện toàn các nhóm (đội), câu lạc bộ Bài Chòi hiện có của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân Bài Chòi;

3. Tạo sân chơi cho các câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân Bài Chòi tham gia trình diễn Nghệ thuật Bài chòi chuyên nghiệp thông qua cuộc thi “Liên hoan dân ca Bài chòi” do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức hằng năm, đồng thời lồng ghép cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật lấy cảm hứng từ Nghệ thuật Bài Chòi;

4. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật cho các nghệ nhân, Câu lạc bộ, nhóm (đội), giáo viên thanh nhạc và những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi;

5. Hỗ trợ việc xây dựng hồ sơ xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân có đóng góp to lớn trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài Chòi truyền thống tại địa phương;

6. Tư liệu hóa toàn bộ di sản Nghệ thuật Bài Chòi sưu tầm được từ trong dân gian, các câu lạc bộ, nhóm (đội);

7. Nghiên cứu, phục dựng lại các bài bản, làn điệu và hình thức biểu diễn của Nghệ thuật Bài Chòi cổ;

8. Đăng tải các thông tin về giá trị di sản Bài Chòi trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; trang website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch; Trung tâm Văn hóa tỉnh và báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng;

9. Xây dựng và thực hiện Đề án đưa Nghệ thuật Bài Chòi vào trường học;

10. Gắn kết Nghệ thuật Bài Chòi với hoạt động du lịch nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản, cụ thể biên soạn tài liệu, tờ gấp giới thiệu vắn tắt về di sản văn hóa Nghệ thuật Bài Chòi để phổ biến, giới thiệu, quảng bá, đưa chương trình biểu diễn Bài Chòi vào các Tour/tuyến du lịch tại địa phương.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiến hành nghiên cứu, điều tra, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Phú Yên

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên.

3. Phổ biến di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên trong đời sống cộng đồng.

4. Xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho các nghệ nhân. Chú trọng các chính sách, chế độ ưu đãi đối với các nghệ nhân có công lưu giữ, bảo tồn, phổ biến và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên, đồng thời khuyến khích các nghệ nhân trao truyền cho lớp trẻ các làn điệu Bài chòi cổ đang dần mai một.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh.

- Huy động xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

- Sở chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết để phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi.

- Xây dựng dự toán kinh phí trình Sở Tài chính xem xét trình UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện.

- Đôn đốc các sở, ngành và đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch chi tiết.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để cân đối nguồn vốn, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội để thực hiện kế hoạch.

3. Sở Tài chính:

Thẩm định kinh phí do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự toán trình UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài của tỉnh:

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng và một số trang web của địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền các nội dung thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Bài Chòi.

5. Các Sở: Giáo dục - Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan, tổ chức và hội nghề nghiệp có liên quan:

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xây dựng các chương trình, dự án, các phong trào, cuộc vận động nhằm triển khai một số nội dung trong Kế hoạch chi tiết của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra của kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các nội dung của kế hoạch chi tiết.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai các nội dung theo trách nhiệm được giao.

- Chịu trách nhiệm tổ chức vận động, huy động nguồn xã hội hóa phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Bài Chòi tại địa phương, đồng thời đề xuất hình thức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài Chòi gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hằng năm, tổng họp báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Bố trí nguồn kinh phí của địa phương để triển khai kế hoạch.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố liên quan xây dựng kế hoạch triển khai của đơn vị, địa phương mình, định kỳ hằng năm (trước ngày 30/11) báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các Sở: VHTTDL; KHĐT; LĐTBXH; Thông tin và TT; GDĐT, KHCN, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan, tổ chức và hội nghề nghiệp có liên quan;
- Ban VHXH HĐND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, PVP.UBND tỉnh;
- Các cơ quan báo đài tại địa phương;
- Các phòng: TH, KT, VX(3);
- Lưu VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Nhất

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2015 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn (2015 – 2020)

  • Số hiệu: 94/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Trần Quang Nhất
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản