Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 03 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018

Thực hiện Chương trình số 909-CTr/TU ngày 26/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác PCTN năm 2018, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCTN nhằm từng bước hạn chế và đẩy lùi tình trạng tham nhũng.

- Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp PCTN góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức cách mạng, có năng lực và trình độ chuyên môn vững vàng; tự giác chấp hành nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về PCTN; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã phải xác định công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, lâu dài; cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về công tác PCTN

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, trong đó chú trọng: Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 25/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017); Chương trình số 909-CTr/TU ngày 26/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính và PCTN, lãng phí năm 2018,...

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 2989/UBND-NC ngày 29/6/2016 của UBND tỉnh.

- Tăng cường đưa tin, bài viết, phóng sự về các hoạt động đấu tranh PCTN và gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh chống tham nhũng.

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chú trọng các giải pháp

2.1. Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị:

- Thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan theo các nội dung được quy định tại Luật PCTN và các văn bản quy định khác có liên quan.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước của tỉnh giai đoạn 2012 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 29/02/2012 của UBND tỉnh); Kế hoạch số 433/KH-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh về cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2018; Kế hoạch số 394/KH-UBND ngày 04/12/2017 của UBND tỉnh về tuyên truyền cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2018; thực hiện rà soát, thay thế, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong giao dịch hành chính, quản lý ngân sách, quản lý đất đai, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng công chức, viên chức.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc công khai, minh bạch trong các hoạt động nhằm chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, góp phần phòng ngừa tham nhũng phát sinh.

2.2. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn

Thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về, chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng tại đơn vị mình theo nguyên tắc công khai, dân chủ.

2.3. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp

- Tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 52/2017/QĐ-UBND ngày 22/11/2017 của UBND tỉnh quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ công chức, viên chức;

- Xây dựng và tổ chức quán triệt những quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đơn vị, ngành mình.

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

2.4. Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức

Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/ND-CP.

2.5. Minh bạch tài sản, thu nhập

Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 21/02/2014 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; đặc biệt là thực hiện tốt việc công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

2.6. Cải cách hành chính

- Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử theo Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 25/5/2011 của UBND tỉnh Quy định về tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước.

- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế và chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo quy định.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương theo hướng gọn nhẹ, đủ năng lực hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Thực hiện tốt Đề án xác định vị trí việc làm, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường trao đổi văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử; tăng cường số lượng dịch vụ được cung cấp trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

3. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác PCTN; nghiêm túc thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 và Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.

- Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ, đảng viên công chức, viên chức và người lao động có ý thức tham gia phát hiện hành vi tham nhũng; đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ.

4. Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội:

Tăng cường, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên và cơ quan thông tin đại chúng trong giám sát, phản biện xã hội, phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng.

5. Tăng cường công tác thanh tra và xử lý hành vi tham nhũng

5.1. Công tác thanh tra, kiểm tra gắn với PCTN

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo tiến hành thanh tra theo đúng kế hoạch công tác năm 2018 đã được phê duyệt: Hoạt động thanh tra, kiểm tra tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong quản lý và cơ chế chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, PCTN. Đặc biệt, chú trọng thanh tra kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với thủ trưởng các cấp, các ngành. Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra; các kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý cần phải được đôn đốc thực hiện nghiêm hoặc kiểm tra xử lý kịp thời đối với những đơn vị, cá nhân cố tình không thực hiện.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý nhằm ngăn ngừa kịp thời hành vi tham nhũng.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân trong công tác PCTN.

5.2. Công tác điều tra, truy tố, xét xử

Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án cùng cấp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, nhất là các vụ việc do cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố và trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm tham nhũng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã

Theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của mình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch này; định kỳ hàng quý, 06 tháng, 09 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện công tác PCTN về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp, báo cáo các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Tư pháp

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác PCTN. Hướng dẫn, đôn đốc các sở, bạn, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng.

3. Sở Tài chính

Theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc ban hành, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy trình nghiệp vụ trong chế độ tài chính - kế toán của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách để kịp thời ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực; phát hiện và báo cáo UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

4. Sở Nội vụ

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong việc chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức theo đúng quy định; thanh tra, kiểm tra công vụ việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của các đơn vị, của cán bộ công chức, viên chức.

5. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh

Tăng cường phối hợp với cơ quan Thanh tra, điều tra cùng cấp trong giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm tham nhũng và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng

Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng và tuyên truyền pháp luật về PCTN.

Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Giao Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tinh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Thanh tra tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu:VT,NC

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đặng Ngọc Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 88/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 88/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Ngọc Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản