Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 818/KH-UBND | Quảng Bình, ngày 25 tháng 5 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2016 VÀ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
Tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2015 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017 định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014; Quyết định số 3219/QĐ-UBND ngày 09/12/2008 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
- Triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, cấp tỉnh.
- Tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật, chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh doanh có hiệu quả, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của tỉnh Quảng Bình.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ các nội dung, hình thức, thời gian, đối tượng được hỗ trợ và trách nhiệm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Hội Doanh nghiệp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được kịp thời, thuận lợi.
- Thực hiện hỗ trợ pháp lý đối với mọi doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh, thời gian, lĩnh vực hoạt động.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp cận tài liệu pháp lý; sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật, giải đáp pháp luật, hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật;
- Nâng cao nhận thức và lòng tin của doanh nghiệp đối với pháp luật trong thực thi hợp đồng; sử dụng pháp luật để bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra;
- Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải được thực hiện một cách đồng bộ với các nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp. Kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thực hiện các chương trình, đề án khác có liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
a) Thường xuyên, kịp thời cập nhật cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và các văn bản có liên quan về thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
b) UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm gửi các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND cấp mình ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp về Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Tin học- Công báo) để đăng Công báo theo quy định.
- Cơ quan làm đầu mối: Sở Tư pháp
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
2. Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật
a) Biên soạn, phát hành và tổ chức phổ biến tài liệu giới thiệu các văn bản pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, hội nghị phổ biến văn bản pháp luật; cấp, phát miễn phí tài liệu Hỏi - đáp pháp luật, bản tin, tờ gấp, sách bỏ túi, đề cương giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật...
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu pháp lý một cách thuận tiện nhất với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; giảm tối đa thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp.
- Cơ quan làm đầu mối: Sở Tư pháp
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình; Báo Quảng Bình; Hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
3. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương; chú trọng các chuyên đề về thuế, tài chính, lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đất đai, đầu tư, kinh doanh...
- Cơ quan đầu mối: Sở Tư pháp
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
4. Tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp
Trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thực hiện việc tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các hình thức: tư vấn, giải đáp bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, tư vấn, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng pháp luật để khởi kiện khi có tranh chấp xảy ra. Tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp đối với khả năng bảo vệ của pháp luật trong thực thi hợp đồng.
- Cơ quan làm đầu mối: Sở Tư pháp
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, theo yêu cầu của doanh nghiệp.
5. Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp
a) Tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan Trung ương.
b) Khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, các sở, ban, ngành có trách nhiệm xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình, đồng thời chuyển cho Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.
- Cơ quan đầu mối: Sở Tư pháp
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, khi có kiến nghị của doanh nghiệp.
6. Thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành
Căn cứ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành; đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khuyến khích các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Trung tâm Tư vấn pháp luật và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp luật tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn.
- Cơ quan đầu mối: Sở Tư pháp
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm, theo Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm và kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc sử dụng kinh phí, thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ căn cứ Kế hoạch này xây dựng dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
Chủ động, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ đã được phân công; theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Kế hoạch này.
2. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch; hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng, kiện toàn và củng cố tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để làm đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Kế hoạch này.
4. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, phân cấp có các hình thức, biện pháp tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước. Thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kịp thời tiếp cận các tài liệu pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
5. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tăng cường thời lượng giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
6. Hội Doanh nghiệp tỉnh
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên hiểu rõ và thực hiện đúng chủ chương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Có các hình thức, biện pháp phù hợp nhằm tư vấn, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp; kịp thời đề xuất, kiến nghị những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.
Căn cứ nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức có liên quan chủ động triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; hàng năm thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 20/11 để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Nghị định 66/2008/NĐ-CP về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- 3Quyết định 2139/QĐ-TTg năm 2014 tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 41/KH-UBND hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2017 trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 7Kế hoạch 113/KH-UBND hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2017 do tỉnh An Giang ban hành
- 8Kế hoạch 1659/KH-UBND năm 2017 hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 9Quyết định 3219/QĐ-UBND năm 2008 Kế hoạch thực hiện Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Kế hoạch 818/KH-UBND về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- Số hiệu: 818/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 25/05/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Nguyễn Tiến Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/05/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra