ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/KH-UBND | Đắk Lắk, ngày 01 tháng 04 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08/CT-TTG NGÀY 23/02/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 08/CT-TTg).
- Nhằm phục hồi tăng trưởng du lịch tỉnh Đắk Lắk sau dịch COVID-19, chủ động ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành Du lịch Đắk Lắk, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Đắk Lắk an toàn, thân thiện và mến khách, hấp dẫn với các sự kiện, sản phẩm du lịch mới đặc sắc và hấp dẫn.
- Phát huy lợi thế của khu vực, khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch mạo hiểm.
- Phát huy tiềm năng, lợi thế hiện có nhằm phát triển các dịch vụ du lịch ổn định, bền vững và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc thù (di tích, di sản), thu hút nhiều hơn nữa thị trường khách trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk.
2. Yêu cầu
- Thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và sự tích cực tham gia, hưởng ứng của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo được ý nghĩa và dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh và người dân hướng tới phát triển du lịch bền vững. Nâng cao sự quan tâm và nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan với cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu, toàn dân theo tinh thần: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới - Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp"; tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác.
- Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng và UBND các cấp trong việc chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong hợp tác công - tư; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tích cực kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... trong hoạt động kinh doanh du lịch.
- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn.
- Triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công - tư trong phát triển du lịch trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; kịp thời đề xuất, kiến nghị tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch".
- Xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan ở các khu du lịch, các đô thị và vùng nông thôn. Nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Đề xuất, kiến nghị tỉnh ban hành theo thẩm quyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn; quy hoạch khu vực phát triển kinh tế đêm gắn với dịch vụ du lịch; phát triển đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch về đêm tại các khu vực tập trung đông khách du lịch của địa phương; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt việc kéo dài thời gian hoạt động tại các khu vực được xác định phát triển kinh tế đêm.
- Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm "một cung đường - nhiều điểm đến", hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.
- Bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện, tránh tình trạng manh mún, lãng phí nguồn lực.
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phát huy vai trò người đứng đầu, đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành quản lý phát triển du lịch theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân đồng hành phát triển du lịch".
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 82/NQ- CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 04/7/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ.
- Đẩy mạnh liên kết vùng, hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của các Hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp du lịch theo phương châm "một cung đường - nhiều điểm đến", hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị; hợp tác chặt chẽ trong phát triển sản phẩm, thị trường, truyền thông quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.
- Chủ động đổi mới phương thức, công cụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; phát huy hiệu quả công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch; tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch của tỉnh; huy động mạnh mẽ sự tham gia của Hiệp hội du lịch Đắk Lắk và các doanh nghiệp du lịch; tăng cường phối hợp với các ngành liên quan kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch.
- Bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu với các ngành khác; phát triển cơ sở dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch gắn với chuyển đổi số.
- Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, các kỹ năng cần thiết cho cộng đồng tham gia kinh doanh, khai thác các dịch vụ phục vụ du lịch. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương trong tỉnh, nhất là vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm, các khu di tích, các công trình văn hóa, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa với trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chú trọng triển khai các chương trình hỗ trợ tư vấn, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung liên quan đến quản trị, thị trường, chuyển đổi số.
- Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp.
- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt Hội nghị đối thoại doanh nghiệp; Chương trình Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
5. Sở Giao thông vận tải
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bằng phương tiện đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, bến xe phổ biến, tuyên truyền cho viên chức, nhân viên và hành khách việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng; bảo đảm an toàn cho người và hành lý tại các Cảng hàng không, bến xe...; tăng cường các phương tiện kỹ thuật, hỗ trợ cung cấp thông tin, quảng bá du lịch Đắk Lắk và hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm du lịch tại ga hàng không, bến xe.
- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh nội dung làm việc, kiến nghị các Hãng hàng không có chính sách ưu tiên giảm giá vé phù hợp để kích cầu du lịch; có kế hoạch mở thêm các tuyến bay mới từ Đắk Lắk đi một số tỉnh, thành phố trong nước.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ, lái xe điện, taxi, ô tô vận chuyển khách du lịch…; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu di tích, các điểm du lịch, các điểm dừng chân không thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu chính sách về thí điểm thực hiện khai thác du lịch kết hợp trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm không thay đổi kết cấu, hiện trạng, tính chất, môi trường và mục đích sử dụng đất.
- Hướng dẫn, xác định các loại đất nông nghiệp được kết hợp tổ chức hoạt động du lịch, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
7. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu tăng cường các hoạt động ngoại giao, tổ chức các sự kiện giao lưu, quảng bá văn hóa Đắk Lắk với các đối tác ở nước ngoài; đa dạng hóa hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, thu hút khách nước ngoài đến Đắk Lắk.
8. Sở Công Thương tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép với việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Đắk Lắk trong chương trình Hội chợ xúc tiến thương mại, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; quảng bá thương hiệu, du lịch Đắk Lắk trong phát triển các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ du lịch.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Tham mưu triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển đổi số cho ngành du lịch tỉnh; kết hợp tuyên truyền thông tin đối ngoại với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương ra nước ngoài.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giới thiệu tiềm năng và hình ảnh du lịch Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình truyền thông thiết thực, đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch có hiệu quả.
10. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách về tài chính, thuế và hải quan của Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Đắk Lắk phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
11. Công an tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu di tích, điểm du lịch; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch.
12. Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk, Báo Đắk Lắk và các Cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, thông tin đối ngoại, chú trọng tuyên truyền các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch tại các thị trường nước ngoài; đa dạng hóa hình thức truyền tải để thông tin đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
13. Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk
- Phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch với các hiệp hội, hội ngành nghề khác liên quan, chủ động trong việc tham gia, tổ chức các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, tham gia các chương trình hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với du lịch trong tình hình mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch...; kịp thời tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc.
14. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước; phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò động lực, chủ động, tham vấn trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
- Thực hiện nghiêm quy định về quản lý giá, thị trường, văn minh thương mại, công khai các thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ sản xuất cung ứng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
- Chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc cải thiện môi trường văn hóa du lịch; tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần để Du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các nội dung, hoạt động phát triển kinh tế thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình tại Kế hoạch này; đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện nội dung này của cơ quan, đơn vị định kỳ 06 tháng (trước ngày 10/6), hàng năm (trước ngày 10/12), gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Số hiệu: 58/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 01/04/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Người ký: H’Yim Kđoh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/04/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra