Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
TIỂU BAN TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3/KH-TBTT

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 VỚI THÔNG ĐIỆP “LINH HOẠT THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH PHÙ HỢP, HIỆU QUẢ, BẢO VỆ SỨC KHỎE, TÍNH MẠNG VÀ SINH HOẠT BÌNH THƯỜNG CỦA NHÂN DÂN, VÌ MỘT TẾT NHÂM DẦN SUM HỌP, AN TOÀN”
(TỪ NGÀY BAN HÀNH ĐẾN NGÀY 15/02/2022)

Dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tuy nhiên, nước ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng của công tác phòng chống dịch, đặc biệt là trong việc tiêm đủ vắc xin đúng đối tượng, làm tốt hơn công tác chăm sóc người nhiễm COVID-19 từ cơ sở, với ngày càng nhiều bệnh nhân được tiếp cận oxy, thuốc đặc trị từ sớm. Tất cả vì một cuộc sống sớm trở lại bình thường, trẻ em sớm được quay lại trường, các hoạt động kinh tế được phục hồi giao thương, đi lại được thông suốt, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Công tác báo chí - truyền thông đã và đang tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thông tin kịp thời, khách quan về diễn biến của công tác phòng chống dịch và về những nỗ lực chung nhằm thích ứng linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tuy nhiên, tâm lý chung của toàn xã hội vẫn còn nhiều lo ngại khi cách hiểu và cách làm của nhiều tỉnh, thành phố, nhiều ngành vẫn còn rất khác nhau, dẫn đến nhiều biện pháp hành chính “cực đoan” vẫn đang được áp dụng cục bộ ở một số địa phương, gây phiền hà cho người dân và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội khi phải chịu tác động của các quyết định thiếu cơ sở khoa học. Một số tiêu chí phân vùng dịch bệnh, xác định cấp độ dịch và kịch bản ứng phó với dịch không còn phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn chậm được điều chỉnh. Nhiều số liệu “thô” của tình hình dịch bệnh vẫn được đưa lên không gian truyền thông mà thiếu sự phân tích để thấy được trọng tâm, bản chất vấn đề, khiến cho báo chí - truyền thông và dư luận hoang mang, các cấp chính quyền thiếu cơ sở để đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình mới.

Kế hoạch truyền thông này, cũng như những kế hoạch sắp tới do Tiểu ban Truyền thông ban hành có sự điều chỉnh phù hợp cả về tần suất ban hành lẫn nội dung, nội hàm.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo đảm việc phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chỉ đạo, quản lý trong việc định hướng thông tin; xử lý sự cố truyền thông; xử lý triệt để việc đưa tin không chính xác, giật tít, câu “view”, gây tâm lý hoang mang cho người dân về dịch bệnh.

- Bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác công tác phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới". Nêu bật và làm rõ các giải pháp, quyết sách của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đối với công tác phòng, chống dịch trong năm 2022.

- Truyền thông tác động hiệu quả đến công tác xây dựng, hoạch định chính sách y tế, bảo hiểm... cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Truyền thông tạo đồng thuận xã hội, người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao nhất. Truyền thông luôn đi trước, chủ động, kịp thời, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận.

2. Yêu cầu

- Công tác truyền thông được thực hiện thống nhất theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời dựa trên kiến thức tổng hợp và dữ liệu chính xác, thông tin chuyên môn, khoa học được cung cấp từ Bộ Y tế để có những bài viết phân tích, bình luận thực chất tình hình bệnh dịch.

- Tổ chức nắm bắt thông tin, dư luận xã hội về công tác phòng, chống dịch ở các địa phương.

- Đa dạng hình thức truyền thông, kết hợp với công nghệ mới, nhằm đảm bảo tính thiết thực, chất lượng và hiệu quả để người dân yên tâm và đồng thuận trong công tác phòng, chống dịch.

II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

1. Chủ đề truyền thông:

“Linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt bình thường của nhân dân, vì một Tết Nhâm Dần sum họp, an toàn”.

2. Các nội dung truyền thông cụ thể:

2.1. Đối với Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19):

- Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo dứt khoát việc tách bạch 2 luồng thông tin trong phòng chống dịch: 01 Luồng thông tin mang tính chuyên môn sâu phục vụ các công tác chỉ đạo chuyên môn đối với các lực lượng tuyến đầu (không đưa tất cả lên không gian truyền thông, đặc biệt là không chỉ cung cấp số liệu thô mà không phân tích, đánh giá, làm rõ bản chất vấn đề từ góc độ chuyên môn khoa học), 01 luồng thông tin cung cấp cho báo chí, với nhiều nhận định, tuyên bố, đánh giá, phân tích để dư luận hiểu và thống nhất nhận thức đúng về kết quả của công tác kiểm soát dịch bệnh[1].

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 354/VPCP-KGVX ngày 15/01/2022, để chuẩn bị những nội dung, thông điệp truyền thông (nếu có).

- Đối với việc rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Tiểu ban Truyền thông và các cơ quan báo chí, truyền thông có ảnh hưởng để đảm bảo “truyền thông chính sách” đi trước một bước, để các bộ, ngành, địa phương, người dân nắm rõ, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sửa đổi, ban hành và triển khai thực hiện.

2. Đối với các cơ quan báo chí:

Công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng với phương châm “truyền thông đi trước”, chủ động giải thích rõ chính sách, thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận đối với các giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ giám sát công tác thực thi chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giải toả bức xúc của người dân và doanh nghiệp, cụ thể:

- Truyền thông rõ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch; tuyên truyền về việc chúng ta tiếp tục kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Xác định tiêm chủng vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh thành công để phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán sắp đến gần, người dân có nhu cầu về quê ăn Tết, thăm hỏi trong dịp Tết, các hoạt động đi lại, buôn bán, giao thương tăng cao...; bên cạnh tuyên truyền về việc đi lại đảm bảo an toàn, báo chí cần tăng cường truyền thông, tuyên truyền, cảnh báo để người dân không chủ quan về việc đã tiêm vắc-xin mà lơ là phòng dịch, không để lây lan, bùng phát dịch; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

- Báo chí - Truyền thông cần tăng cường tham gia kiến nghị các giải pháp cho các vấn đề mà COVID-19 gây ra (vấn đề huy động y tế tư nhân, huy động các nguồn lực xã hội hoá tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19, vấn đề tăng cường chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế cho công tác điều trị, xét nghiệm, giảm tải cho ngân sách, cho người bệnh, cho doanh nghiệp,...), chứ không chỉ đi tìm “thủ phạm”, tìm “người chịu trách nhiệm”, vì việc này sẽ đẩy tâm lý “né tránh trách nhiệm” lên cao, và góp phần dẫn tới những quyết định hành chính gây khó khăn cho xã hội.

- Tăng cường tuyên truyền việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19. Truyền thông rõ nội dung yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với tất cả các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh như thực hiện 5K, tổ chức tiêm vắc-xin, đảm bảo thuốc và oxy y tế, giám sát dịch và chăm sóc, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay tại cơ sở... Biểu dương kịp thời các địa phương làm tốt công tác chăm sóc sớm cho bệnh nhân COVID-19 từ cơ sở.

- Về vụ việc vi phạm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo khẩn trương tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, sự quan tâm của dư luận xã hội và của truyền thông đến vụ án này thời gian gần đây phần nào đã làm “lu mờ” hình ảnh ngành y, với những cống hiến, hy sinh của hàng chục nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu vẫn đang ngày đêm vật lộn với dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân. Thông qua truyền thông, rất cần tạo nên một góc nhìn công tâm và cân bằng giữa một bên là những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh và một bên là những đóng góp to lớn không thể phủ nhận của ngành y đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 từ 02 năm qua, để tiếp tục động viên lực lượng tuyến đầu an tâm nỗ lực cống hiến.

- Để có thể vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục kinh tế, vai trò và trách nhiệm của truyền thông rất lớn trong việc thông tin cân bằng, khoa học, không làm nóng vấn đề. Về dịch bệnh hiện nay nhận thức xã hội đã thay đổi rất nhiều, tâm thế cũng khác, nguồn lực vắc-xin, thuốc men, oxy y tế cũng đã dồi dào hơn. Vì vậy báo chí cần chuyển hướng linh hoạt để phản ánh sự thay đổi này, đồng thời thay đổi một số cách tiếp cận vấn đề, cách đưa tin không còn phù hợp (khai thác quá sâu vào các khía cạnh bi lụy, giật tít làm sai bản chất vấn đề...).

- Quan tâm phản ánh và phản biện xây dựng về việc một số tỉnh, thành phố vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế tập thể dục ngoài trời, coi đây như những hoạt động “không thiết yếu” và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thể dục thể thao giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện sức khoẻ thể chất và tinh thần, cần được coi là một hoạt động thiết yếu để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

III. HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG

- Các báo, tạp chí, các trang điện tử chuyên đề phòng chống dịch.

- Đài phát thanh và truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở.

- Các ứng dụng kết nối mạng xã hội: Facebook Messenger, Instagram, Viber, Zalo, youtube ...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì xây dựng Kế hoạch truyền thông của Tiểu ban Truyền thông theo từng giai đoạn và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp, hỗ trợ với Bộ y tế, các bộ ngành, địa phương và các cơ quan báo chí đối với các chương trình, kế hoạch truyền thông, đảm bảo tính hiệu quả của công tác truyền thông.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì thực hiện, phân công các đầu mối theo dõi các hoạt động thông tin, truyền thông theo kế hoạch truyền thông của Tiểu ban Truyền thông.

- Phối hợp với Cục Báo chí đảm bảo công tác truyền thông của đơn vị phù hợp với định hướng chung của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và của Tiểu ban Truyền thông.

3. Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời đánh giá tác động truyền thông của các chính sách y tế áp dụng cho phòng chống dịch thời gian qua để làm cơ sở điều chỉnh phương pháp, thông điệp truyền thông.

4. Các Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương:

Thực hiện đồng bộ theo Kế hoạch truyền thông; báo cáo kết quả thực hiện về Tiểu ban Truyền thông.

5. Các cơ quan truyền thông, báo chí:

- Chủ động tuyên truyền về dịch bệnh theo đúng tôn chỉ mục đích và kế hoạch truyền thông của Tiểu ban Truyền thông.

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong truyền thông kịp thời, rõ ràng về chính sách chống dịch nhằm tăng cường hiệu quả thông tin ra xã hội.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay trong phòng chống dịch.

Tiểu ban Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch truyền thông đã ban hành và chỉ đạo truyền thông các nội dung tại Kế hoạch này; thực hiện chế độ báo cáo tuần và đề xuất các giải pháp để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Đề nghị các thành viên Tiểu ban, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong thời gian thực hiện, cần chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chủ động báo cáo Trưởng Tiểu ban xem xét, quyết định./.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19;
- Các Tiểu ban thuộc BCĐ Quốc gia;
- Các thành viên Tiểu ban Truyền thông;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Các Thứ trưởng Bộ TTTT;
- Bộ TTTT: Văn phòng, Vụ Pháp chế, các Cục: BC, PTTH&TTĐT, THH, TTĐN, VT, TTCS, ATTT;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố;
- Các cơ quan báo chí;
- Lưu: VT, VP, TBTT, CBC (120).

TRƯỞNG TIỂU BAN




BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN
VÀ TRUYỀN THÔNG
Nguyễn Mạnh Hùng

 



[1] Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đặt ưu tiên cao cho việc thông báo số ca nhiễm hàng ngày trên cả nước và các địa phương dẫn đến việc các cơ quan báo chí vẫn có xu hướng coi số liệu này như số liệu quan trọng nhất của công tác phòng, chống dịch. Đây là vấn đề cần được xem xét, đánh giá để chuyển hướng truyền thông và định vị lại các ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch, cần tập trang thông tin nhiều hơn về tình hình và các giải pháp, kết quà điều trị, tự điều trị đối với người nhiễm COVID-19 để giảm ca chuyển nặng, giảm ca từ vong, chứ không phải là gày hoang mang, ngăn sông cấm chợ giữa các vùng, các địa phương, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề, nhu cầu đi lại, về quê của người lao động là rất lớn và chính đáng, trong khi nhiều người dân đi làm xa quê bày tỏ nỗi lòng với khuyên cáo không về quê ăn Tết đầy cứng nhắc, hay vẫn còn hàng loạt địa phương tiếp tục quy định khắt khe với những người về quê.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3/KH-TBTT năm 2022 về truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 với thông điệp “Linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt bình thường của nhân dân, vì một tết Nhâm Dần sum họp, an toàn” do Tiểu ban Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 3/KH-TBTT
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/01/2022
  • Nơi ban hành: Tiểu Ban Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản