Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 247/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2024

Thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Rà soát, đánh giá việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; đôn đốc, hướng dẫn, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố về tiến độ, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch CCHC năm 2024.

b) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện CCHC và việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân, giải trình với cấp thẩm quyền về thực hiện thủ tục hành chính.

c) Đánh giá những nội dung chưa làm được, hạn chế, nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác CCHC. Qua đó xác định những vấn đề cần tập trung chỉ đạo hoặc bổ sung, điều chỉnh trong thời gian tiếp theo.

d) Phát hiện kịp thời những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình hiệu quả để có phương án nhân rộng mô hình trong toàn thành phố.

đ) Kết quả kiểm tra CCHC là một trong các căn cứ quan trọng trong hoạt động xác định Chỉ số CCHC các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, UBND quận, huyện.

2. Yêu cầu

a) Việc kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, chính xác; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cử cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm, nắm vững nghiệp vụ chuyên môn để phối hợp và cung cấp các thông tin, hồ sơ, biểu mẫu cho Đoàn Kiểm tra nhằm đạt mục đích đề ra.

b) Trong thời gian làm việc với Đoàn Kiểm tra, các cơ quan, đơn vị cần đảm bảo không để ảnh hưởng đến việc phục vụ tổ chức và công dân.

c) Các thành viên Đoàn Kiểm tra sắp xếp công việc chuyên môn tham gia theo đúng lịch, thời gian để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

d) Các kiến nghị của Đoàn Kiểm tra phải được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc và có báo cáo kết quả khắc phục. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn Kiểm tra có thể thực hiện tái kiểm tra, phúc tra đối với các cơ quan, đơn vị.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

Tùy theo từng đợt kiểm tra sẽ có những nội dung kiểm tra cụ thể, nhưng phải đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

1. Việc triển khai Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch CCHC năm 2024 của thành phố.

2. Việc xây dựng kế hoạch CCHC, công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC; công tác kiểm tra về CCHC năm 2024 tại đơn vị, địa phương.

3. Việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

4. Tình hình tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND cấp huyện. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại các cơ quan hành chính các cấp; việc thực hiện phân cấp quản lý theo quy định.

5. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

6. Thực hiện cơ chế tự chủ về sử dụng kinh phí quản lý hành chính tại cơ quan hành chính; thực hiện quy định về việc phân phối kết quả tài chính hoặc sử dụng kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách; việc ban hành quy chế, sử dụng tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

7. Việc thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số tại các đơn vị, địa phương; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 của các cơ quan hành chính nhà nước.

8. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thực hiện quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước các cấp trong thành phố về thực hiện CCHC.

9. Việc triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước...

III. HÌNH THỨC KIỂM TRA

1. Kiểm tra định kỳ

a) Nội dung kiểm tra: Theo nội dung được nêu tại mục II Kế hoạch này.

b) Thời gian, đối tượng kiểm tra:

- Thời gian: Quý II - III năm 2024;

- Đối tượng kiểm tra: 06 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 02 cơ quan ngành dọc tại địa phương, đơn vị sự nghiệp thành phố; 03 UBND quận, huyện.

Đơn vị và thời gian kiểm tra cụ thể sẽ được Đoàn Kiểm tra CCHC thành phố năm 2024 thông báo sau.

c) Cơ quan chủ trì: Lãnh đạo UBND thành phố.

d) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan.

đ) Mời tham gia: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố.

2. Kiểm tra đột xuất

a) Nội dung kiểm tra: Việc chấp hành Quy chế văn hóa công sở, thực hiện giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; tình hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân.

b) Thời gian, đối tượng kiểm tra:

- Thời gian: Đoàn Kiểm tra không báo trước thời gian;

- Đối tượng kiểm tra: sở, ban, ngành thành phố, cơ quan ngành dọc tại địa phương, đơn vị sự nghiệp thành phố, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

c) Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.

3. Kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính nhà nước thành phố

a) Đối tượng: Các cơ quan hành chính thuộc thành phố Cần Thơ.

b) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

c) Thời gian và hình thức kiểm tra: Lồng ghép trong các đợt kiểm tra CCHC định kỳ của thành phố và kiểm tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị.

4. Kiểm tra theo Chương trình của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố thành lập Đoàn Kiểm tra CCHC của thành phố thực hiện hoạt động kiểm tra định kỳ với các nội dung nêu trên; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, đề cương kiểm tra cụ thể; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn Kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm tra theo kế hoạch. Đoàn Kiểm tra có trách nhiệm thông báo lịch, kế hoạch kiểm tra và hướng dẫn đề cương báo cáo để các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị đáp ứng mục đích, yêu cầu kiểm tra.

2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì giúp UBND thành phố tổ chức kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính nhà nước thành phố:

a) Thành lập Đoàn Kiểm tra và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra về hồ sơ, báo cáo theo quy định.

b) Phối hợp với Đoàn Kiểm tra CCHC để tổ chức lồng ghép việc kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị theo nội dung Kế hoạch; tổng hợp tình hình, kết quả công tác kiểm tra trình UBND thành phố.

c) Báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

3. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố là thành viên Đoàn Kiểm tra có trách nhiệm cử công chức tham gia Đoàn Kiểm tra đầy đủ, đúng thành phần; hỗ trợ và phối hợp tốt với cơ quan chủ trì để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ CCHC của thành phố.

4. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã thuộc đối tượng kiểm tra có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo đầy đủ các nội dung theo thông báo của Đoàn Kiểm tra, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn Kiểm tra làm việc trong quá trình kiểm tra; cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận của Đoàn Kiểm tra; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những thiếu sót trong công tác CCHC.

5. Thông báo kết luận của các cuộc kiểm tra, các hình thức kiểm tra phải được lập đầy đủ và lưu trữ theo đúng quy định. Tùy tính chất vụ việc và thẩm quyền của cơ quan được kiểm tra, các kiến nghị của Đoàn Kiểm tra phải được thực hiện nghiêm túc và đúng pháp luật.

Trường hợp đơn vị, địa phương được kiểm tra chưa thống nhất với các kiến nghị của Đoàn Kiểm tra cần nêu rõ lý do để Đoàn Kiểm tra báo cáo UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo. Nếu đã thống nhất mà không tổ chức thực hiện, giao Sở Nội vụ kiến nghị trình UBND thành phố xử lý.

6. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ vào Kế hoạch kiểm tra có trách nhiệm tổ chức thực hiện tự kiểm tra và có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra về Sở Nội vụ (lồng ghép trong báo cáo CCHC định kỳ) để tổng hợp trình UBND thành phố.

7. Kinh phí thực hiện kiểm tra

a) Kinh phí thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất được chi từ nguồn kinh phí CCHC năm 2024 cấp cho Sở Nội vụ.

b) Kinh phí kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 chi từ nguồn kinh phí được UBND thành phố cấp cho Ban Quản lý ISO thành phố Cần Thơ năm 2024.

Trên đây là Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2024 của UBND thành phố. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh trực tiếp về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TT TU; TT HĐND TP;
- TT UBND TP;
- UBMTTQ VN TP và các đoàn thể;
- Liên đoàn Lao động TP;
- UBKT TU, VP TU;
- Ban Pháp chế HĐND TP;
- Sở, ban, ngành TP;
- Trường Chính trị TP;
- UBND quận, huyện; 
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Báo Cần Thơ, Đài PTTH TP;
- VP UBND TP (2,3,4,5,6,7);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT,ĐTS.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2023 kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2024 do Thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 247/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 14/12/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Việt Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản