Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 183/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHỤ NỮ TỈNH THANH HÓA HỌC NGHỀ, TẠO VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2018 - 2021

Căn cứ Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Thông tư số 152/2016/TT-BCT ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh về Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 3443/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đối với người học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Công văn số 473/CV-DCT ngày 7/7/2017 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về việc triển khai hoạt động Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm. UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2018 - 2021, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ là góp phần bảo đảm quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ; tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ; tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đảm bảo 80% trở lên lao động nữ được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và việc làm.

- Hỗ trợ đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.200 lao động nữ, trong đó nghề nông nghiệp là 2.200 người, nghề phi nông nghiệp là 1.000 người; tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%.

3. Yêu cầu

- Đảm bảo sự lãnh đạo các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phát huy vai trò tích cực tham gia từ việc xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá hiệu quả để thực hiện “Kế hoạch hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2018 - 2021” đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng và hiệu quả thiết thực.

- Tập trung tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho lao động nông thôn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tập trung tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho các đối tượng là lao động nữ nòng cốt tại địa phương, đủ điều kiện áp dụng kiến thức sau học nghề.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Hỗ trợ phụ nữ học nghề

1.1. Đối tượng được hỗ trợ

Lao động nữ trong độ tuổi lao động (từ đủ 15 - 55 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là phụ nữ thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm.

Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách này. Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì tiếp tục được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm nhưng tối đa không quá 03 lần.

1.2. Nghề đào tạo

- Nghề nông nghiệp: Kỹ thuật trồng cây lương thực thực phẩm; Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiếp tục nghiên cứu dạy các nghề gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới.

- Nghề phi nông nghiệp: Mây tre đan; Móc hộp xuất khẩu; Thêu zen đính cườm; Tranh đá quý, Dịch vụ chăm sóc gia đình. Tiếp tục nghiên cứu dạy các nghề mới trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhằm phát huy lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực du lịch.

1.3. Số lao động nữ học nghề

Tổng số lao động nữ được hỗ trợ học nghề giai đoạn 2018 - 2021 là 3.200 người.

* Chia theo đối tượng:

- Lao động nữ thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm: 888 người.

- Lao động nữ khác: 2.312 người.

* Chia theo nhóm nghề đào tạo:

- Nghề nông nghiệp: 2.200 người

- Nghề phi nông nghiệp: 1.000 người

1.4. Trình độ đào tạo: Sơ cấp

1.5. Thời gian đào tạo: 3 tháng

1.6. Cơ sở đào tạo và hình thức đào tạo

- Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa trực tiếp đào tạo hoặc phối hợp, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức đào tạo.

- Đào tạo chính quy tại Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa hoặc đào tạo thường xuyên, lưu động tại các làng, xã, thôn, bản; đào tạo tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với giải quyết việc làm cho học viên sau học nghề.

2. Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm

- Tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo việc làm trước, trong và sau đào tạo nghề. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng tại cơ sở.

- Phối hợp với các doanh nghiệp nữ, cơ sở sản xuất kinh doanh,... đặc biệt là các Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ doanh nhân nữ tạo việc làm mới cho phụ nữ và tổ chức cung ứng lao động nữ.

- Hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, tập huấn kỹ năng, phối hợp xây dựng chuỗi liên kết, thí điểm một số mô hình giúp phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng để tạo việc làm mới, phát triển sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ phụ nữ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm từ các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

- Phối hợp với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ quốc gia về việc làm, Chương trình tổ chức Tài chính vi mô, Quỹ vệ sinh quay vòng, Quỹ phụ nữ nghèo và Quỹ Tym để hỗ trợ vốn vay cho hội viên phụ nữ được vay vốn tạo việc làm sau học nghề.

- Xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã cho hội viên phụ nữ sau học nghề.

3. Thời gian thực hiện: Trong giai đoạn 2018 - 2021.

4. Kinh phí thực hiện

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018-2021: 8.000.000 nghìn đồng.

(Có dự toán chi tiết kèm theo)

- Định mức hỗ trợ kinh phí: Thực hiện theo Quyết định số 3443/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đối với người học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Nguồn kinh phí: Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề ngân sách tỉnh hàng năm.

Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lập kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai thực hiện gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt theo quy định.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm; về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với dạy nghề và việc làm cho phụ nữ

- Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có kế hoạch truyền thông về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc học nghề và việc làm đối với phụ nữ trong chương trình tuyên truyền, vận động của Hội; tăng cường công tác tuyên truyền đối với phụ nữ, cộng đồng và các cơ sở dạy nghề nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm về học nghề, ý thức về học nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ và cho xã hội;

- Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống... các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và việc làm để lao động nữ biết và chủ động tham gia học nghề;

- Tổ chức tư vấn học nghề, việc làm đối với lao động nữ tại cộng đồng;

- Tổ chức biểu dương, khen thưởng đối với những người có nhiều đóng góp trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; lao động nữ giỏi nghề và tham gia học nghề đạt kết quả cao nhằm khuyến khích sự tham gia của xã hội trong dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tích cực học nghề, làm nghề tốt.

2. Điều tra khảo sát và nhu cầu dạy nghề cho lao động nữ

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Hội liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nữ, nhu cầu sử dụng lao động nữ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh làm căn cứ xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nữ hàng năm của tỉnh.

3. Nâng cao năng lực đào tạo của Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh

- Huy động các nguồn lực tài chính hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trung tâm đáp ứng yêu cầu đào tạo.

- Nghiên cứu, xây dựng chương trình, giáo trình những nghề mới phù hợp với thị trường lao động và phù hợp với lao động nữ, chú trọng việc cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới cho các nghề truyền thống, nghề có thu nhập cao, thu hút nhiều lao động nữ; Huy động các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các trường đại học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tham gia đào tạo nghề cho lao động nữ.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Kế hoạch

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm và kết thúc giai đoạn thực hiện Kế hoạch vào cuối năm 2021.

- Hàng năm tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch, nhân rộng mô hình hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

- Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nội dung của Kế hoạch; tình hình quản lý và sử dụng ngân sách của Kế hoạch báo cáo UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa

- Chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ban, ngành có liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, nhằm huy động đông đảo lao động nữ tham gia học nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh theo đúng nội dung kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả thiết thực.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

2. Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa

- Tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề mới đặc thù cho phụ nữ đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội của tỉnh.

- Tổ chức đào tạo và liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có uy tín tổ chức các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng theo nội dung Kế hoạch; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp tìm việc làm cho lao động nữ sau đào tạo nghề đạt tỷ lệ 80% trở lên.

- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng và phát huy tốt năng lực của người học, đảm bảo công tác dạy nghề đạt chất lượng và hiệu quả.

3. Các sở, ngành cấp tỉnh

3.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch “Hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2018 - 2021” lồng ghép với các hoạt động của Kế hoạch 144/KH-UBND ngày 29/9/2010 của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 09/5/2017 của UBND tỉnh về đào tạo nghề phục vụ tái cơ cấu kinh tế tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020 đạt hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch “Hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2018 - 2021”.

3.2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch “Hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2018 - 2021”.

- Hướng dẫn Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc sử dụng nguồn kinh phí và thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch “Hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2018 - 2021”.

3.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cung cấp các định hướng sản xuất, thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho lao động nữ. Chỉ đạo việc gắn kết các hoạt động khuyến nông với hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho phụ nữ.

Phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nữ.

3.4. Sở Công thương

Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cho lao động nữ. Chỉ đạo việc gắn kết các hoạt động khuyến công với hoạt động đào tạo nghề và tổ chức nhân rộng mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ theo nhu cầu của doanh nghiệp.

4. Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị, xã, thành phố

Căn cứ nội dung Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Định kỳ, báo cáo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để tổng hợp báo cáo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

Phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp hướng dẫn, triển khai, giám sát thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước./.

 

 

Nơi nhận:
- Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ VN;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh (Mục IV);
- UBND các huyện, thị xã, TP;
- Lưu: VT, VX.DN104

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

"KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHỤ NỮ THANH HÓA HỌC NGHỀ, TẠO VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2018 - 2021"
(Kèm theo Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

STT

Nội dung

Thời gian đào tạo (tháng)

Số lớp

Số người học

Chi phí đào tạo

Tiền ăn

Tổng chi phí hỗ trợ (nghìn đồng)

Tổng số

Trong đó đối tượng ưu tiên được hỗ trợ tiền ăn

Mức hỗ trợ (nghìn đồng/người/khóa học)

Thành tiền (nghìn đồng)

Mức hỗ trợ (nghìn đồng/người /ngày

Thành tiền (nghìn đồng)

Dự toán kinh phí 1 năm

1

Dịch vụ chăm sóc gia đình

3

5

150

32

2.000

300.000

30

57.600

357.600

2

Thủ công mỹ nghệ

3

3

100

25

2.000

200.000

30

45.000

245.000

3

Kỹ thuật trồng cây lương thực, thực phẩm

3

8

250

75

2.000

500.000

30

135.000

635.000

5

Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm

3

10

300

90

2.000

600.000

30

162.000

762.000

Cộng

 

26

800

222

 

1.600.000

 

399.600

1.999.600

Tổng kinh phí giai đoạn (2018-2021): 4 năm x 1.999.600 nghìn đồng/năm

7.998.400

(Bảy tỷ, chín trăm chín mươi tám triệu, bốn trăm nghìn đồng)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 183/KH-UBND năm 2017 về hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2018-2021

  • Số hiệu: 183/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/10/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Phạm Đăng Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản