Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 09 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 7/7/2021 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2022 như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Tăng cường sự đồng thuận, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội, chính quyền các cấp, các Sở, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại của tệ nạn mại dâm đối với xã hội.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh chống các tội phạm liên quan việc chứa, môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm; giảm tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm; giảm tác hại của hoạt động mại dâm, hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm hoàn lương.

- Đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững.

2. Chỉ tiêu

- 100% xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm với nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức, nhận biết tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội.

- 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

- 100% số xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm”.

- Tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn, xử lý 100% các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính và phạm tội liên quan đến mại dâm.

- Tổ chức và nhân rộng 04 mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.

- 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá kết quả trong công tác phòng, chống mại dâm.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

- Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 7/7/2021 của UBND Tỉnh về phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm trong tình hình mới; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm, nhằm giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.

- Thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm với các chương trình an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội; quản lý chặt chẽ các yếu tố dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan, gắn kết chặt chẽ với xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm như: Nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn quán cà phê, karaoke nhằm phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tội phạm về mại dâm; kết hợp công tác phòng, chống mại dâm với phòng, chống tội phạm về mua bán người và bóc lột tình dục phụ nữ, trẻ em.

- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa-Xã hội về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai nhân rộng “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” tại các huyện: Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình và Châu Thành; đồng thời duy trì tốt “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” (tại thành phố Cao Lãnh, huyện Lai Vung).

- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước, công tác xã hội để làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở địa phương.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện là 1.391.140.000 đồng (một tỷ ba trăm chín mươi mốt triệu một trăm bốn mươi ngàn đồng), chi từ nguồn đảm bảo xã hội được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

(kèm phụ lục kinh phí)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - xã hội khảo sát, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn tỉnh; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa-Xã hội cấp huyện, cấp xã thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm ở địa bàn.

- Tổ chức triển khai nhân rộng “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” tại các huyện, thành phố được chọn trong năm 2022.

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thành viên lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa-Xã hội các cấp về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.

- Thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm với các Chương trình an sinh xã hội như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức và hướng dẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm tác hại, tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; thực hiện tốt công tác quản lý lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

2. Các Sở, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã được phân công tại Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 07/7/2021 của UBND Tỉnh về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, phối hợp tổ chức, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương, đơn vị. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/6) và năm (trước 15/12) gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp; báo cáo UBND Tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (Cục PCTNXH);
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- UBMTTQVN và các tổ chức CT-XH Tỉnh;
- Thành viên BCĐ 138/ĐP Tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND Tỉnh;
- Lưu: VT, THVX(Tuyen).

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

PHỤ LỤC

KINH PHÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM NĂM 2022
(Kèm theo Kế hoạch số: 162/KH-UBND ngày 09/05/2022 của UBND Tỉnh)

Đơn vị tính: ngàn đồng

TT

NỘI DUNG CHI

TỔNG KINH PHÍ

GHI CHÚ

1

Thông tin, tuyên truyền, giáo dục

1,071,140

 

 

- Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng

(Báo Đồng Tháp 32,916 triệu đồng, Bản tin PCTNXH 31,524 triệu đồng)

64,440

 

 

- Tuyên truyền trực tiếp cho từng nhóm đối tượng, thông qua các ngành, đoàn thể cấp tỉnh (hỗ trợ 10 đơn vị x 10 triệu/đv)

100,000

 

 

- Hỗ trợ truyền thông các xã, phường, thị trấn phức tạp về tệ nạn mại dâm (12 xã x 5 triệu/xã)

60,000

Mỗi huyện, thành phố đăng ký 01 xã

 

- Xây dựng xã, phường lành mạnh không có cả tệ nạn ma túy, mại dâm (12 xã x 5 triệu/xã)

60,000

Kết hợp với xã thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

 

- Nhân rộng Mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” huyện Thanh Bình, Châu Thành, Tam Nông, Cao Lãnh (4 mô hình x 150 triệu/mô hình)

600,000

Năm 2021: Huyện Thanh Bình và Châu Thành đã xây dựng kế hoạch nhưng chưa thực hiện do tình hình dịch bệnh; năm 2022: Huyện Cao Lãnh, Tam Nông.

 

- Duy trì Mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” TP Cao Lãnh và huyện Lai Vung (2 đơn vị x 88,350 triệu đồng/ĐV)

176,700

 

 

- In ấn tài liệu tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về phòng, chống tệ nạn mại dâm cấp cho các cơ quan Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có môi trường dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh

10,000

 

2

Kiểm tra, thanh tra, điều tra, triệt phá ổ nhóm

150,000

 

 

- Hỗ trợ Công an Tỉnh truy quét, triệt phá ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm

100,000

 

 

- Chi hoạt động Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội tỉnh (hỗ trợ cho thành viên đi kiểm tra bao gồm xăng xe, phụ cấp công tác phí, làm thêm giờ công tác ban đêm; chi phí thuê mướn chuyên gia, kỹ thuật và thu thập thông tin phục vụ chuyên môn (đo độ ồn về âm thanh, ánh sáng, mua tin…) thuê xe, tài liệu phục vụ chuyên môn cho Đoàn kiểm tra

50,000

Hoạt động theo Quyết định số 1032/QĐ-UBND của UBND Tỉnh ban hành quy chế hoạt động lực lượng kiểm tra liên ngành (thanh toán theo thực tế)

3

Các hoạt động nâng cao năng lực

170,000

 

 

Tham gia và tổ chức các cuộc Hội nghị, triển khai, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, chính sách pháp luật mới ban hành

200,000

Thanh toán theo thực tế

 

Tổng cộng

1,391,140

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 162/KH-UBND về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022

  • Số hiệu: 162/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/05/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Đoàn Tấn Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản