Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 10 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THANH TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NGHỀ CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

Căn cứ Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác;

Căn cứ Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu;

Căn cứ vào đặc điểm nghề cá và tình hình thực tế, UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng và ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo các nội dung chính sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác hải sản, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi.

2. Yêu cầu

- Cơ quan cử cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá có trình độ chuyên môn phù hợp;

- Cơ quan chủ trì tổ chức tập huấn, đào tạo các bước, quy trình, nội dung thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển và tại cảng. Đảm bảo các cán bộ tham gia thực hiện nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của kế hoạch này và các quy định pháp luật về thủy sản của Việt Nam, quốc tế và khu vực về khai thác IUU.

II. PHẠM VI, NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Phạm vi áp dụng

Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá được chỉ định; các Trạm kiểm soát Biên phòng tại các cửa sông, cửa biển; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá và các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung thanh tra, kiểm tra, kiểm soát

- Giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng

- Kiểm tra tàu cá cập hoặc rời cảng cá,

- Kiểm tra tàu cá ra hoặc vào Trạm kiểm soát Biên phòng.

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng.

3. Cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát

3.1. Giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng

- Cơ quan chủ trì: Ban Quản lý cảng cá, bến cá

- Cơ quan phối hợp: Tổ kiểm tra (Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng),

- Đối tượng giám sát: 100% thủy sản bốc dỡ qua cảng.

- Nội dung giám sát: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Các bước thực hiện:

Bước 1: Trước khi tàu cập cảng cá, chủ tàu/thuyền trưởng trực tiếp hoặc điện thoại cho Tổ điều hành cảng cá trước 01 giờ các thông tin: Về số đăng ký tàu, chiều dài tàu, công suất tàu, thời gian cập cảng, sản lượng, thành phần loài dự kiến để chuẩn bị bố trí nơi cập tàu và cán bộ giám sát thủy sản bốc dỡ qua cảng. Đồng thời thông báo cho Tổ kiểm tra biết để tổ chức kiểm tra theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 7 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT .

Bước 2: Đối chiếu với danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.

- Trường hợp tàu cá không nằm trong danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thì bố trí cho tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản và cử cán bộ giám sát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ thực tế qua cảng.

- Trường hợp tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thì không cho bốc dỡ thủy sản và thông báo cho Tổ kiểm tra để xử lý theo quy định.

Bước 3: Giám sát sản lượng thực tế bốc dỡ tại cảng

- Cán bộ Tổ điều hành cảng cá trực thuộc Phòng Khai thác điều hành sẽ theo dõi, ghi chép sản lượng thực tế của từng chủng loại thủy sản (mực, cá ngừ, cá thu, cá đổng,....) qua cân của chủ tàu hoặc chủ nậu vựa đặt tại nhà lựa hoặc chuyển thẳng lên xe của doanh nghiệp; tiến hành đối chiếu sản lượng thực tế bốc dỡ tại cảng với sản lượng khai báo ước tính trước khi cặp cảng.

- Trường hợp qua giám sát, tàu cá đáp ứng các yêu cầu, cán bộ Tổ điều hành sẽ cùng với chủ tàu/ thuyền trưởng điền các thông tin về sản lượng ước tính và sản lượng thực tế và ký vào giấy giám sát thủy sản bốc dỡ qua cảng; Tổ điều hành cảng cá đóng dấu xác nhận vào giấy giám sát thủy sản bốc dỡ qua cảng.

- Trường hợp qua giám sát phát hiện sản lượng thủy sản bốc dỡ thực tế sai lệch trên, dưới 20% so với sản lượng khai báo trước khi cặp cảng thì Tổ điều hành cảng cá lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT .

- Theo đề nghị của Chủ tàu hoặc thuyền trưởng, Tổ điều hành sẽ cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT .

Bước 4: Thu nhật ký khai thác theo quy định (trong khoảng thời gian 24 giờ sau khi tàu hoàn tất việc bốc dỡ thủy sản qua cảng).

Trong quá trình giám sát sản lượng, thu nhật ký nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản (không có giấy phép khai thác hoặc giấy phép khai thác hết hạn; ghi không đúng, không đủ nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải, không báo trước ít nhất 1 giờ tàu cặp cảng, rời cảng,... thì Tổ điều hành cảng cá lập biên bản bàn giao cho Tổ kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bước 5: Thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ theo quy định.

Ban Quản lý cảng cá, bến cá hàng tháng tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động giám sát và xác nhận nguyên liệu thủy sản cho Chi cục Thủy sản để tổng hợp tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

3.2. Kiểm tra tàu cá cập hoặc rời cảng cá.

- Cơ quan chủ trì: Tổ kiểm tra (Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng).

- Cơ quan phối hợp: Ban Quản lý cảng cá, bến cá.

- Đối tượng kiểm tra: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điểm a, Khoản 5, Điều 7 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT .

- Nội dung kiểm tra: Theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điểm b, Khoản 5, Điều 7 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT .

- Các bước thực hiện:

Bước 1: Nhận thông tin, tài liệu từ Tổ điều hành cảng cá, vào sổ theo dõi, cử cán bộ tiến hành kiểm tra.

Bước 2: Thực hiện kiểm tra theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điểm b, Khoản 5, Điều 7 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT. Sử dụng biên bản kiểm tra theo mẫu số 3, mẫu số 4 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT. Ghi chép cụ thể kết quả kiểm tra, kết quả xử lý vào sổ nhật ký theo dõi kiểm tra của Tổ.

Trường hợp phát hiện có sai phạm khai thác IUU thì tiến hành xử lý theo quy định (lập biên bản vi phạm hành chính và các thủ tục để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định).

Bước 3: Thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ theo quy định.

3.3. Kiểm tra tàu cá ra hoặc vào Trạm kiểm soát Biên phòng.

- Cơ quan chủ trì: Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng.

- Cơ quan phối hợp: BQL cảng cá, bến cá; Tổ kiểm tra.

- Đối tượng kiểm tra: 100% tàu cá ra vào trạm.

- Nội dung kiểm tra:

+ Kiểm tra hồ sơ: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; số danh bạ thuyền viên tàu cá; các văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; Giấy phép khai thác thủy sản; nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản (theo mẫu).

+ Kiểm tra thực tế trên tàu: Kiểm tra trang bị an toàn thông tin liên lạc (phương tiện cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện tín hiệu, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị hàng hải, thiết bị khác...); thiết bị giám sát hành trình (kẹp chì); ngư cụ, nghề khai thác; kiểm tra số lượng thuyền viên trên tàu; đánh dấu tàu cá.

- Các bước thực hiện:

Bước 1: Nhận thông tin, tài liệu trình báo trực tiếp từ tàu cá, ghi sổ theo dõi, cử cán bộ tiến hành kiểm tra.

Bước 2: Thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế (sử dụng Biên bản kiểm tra theo mẫu số 3 kèm theo Kế hoạch này, biên bản này giao cho chủ tàu/thuyền trưởng một bản). Ghi chép cụ thể kết quả kiểm tra, kết quả xử lý.

- Trường hợp phát hiện có sai phạm thì tiến hành xử lý theo quy định (lập biên bản vi phạm hành chính, tạm thời không cho ra hoặc vào trạm. Tiến hành lập các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định).

- Trường hợp không có sai phạm hoặc đã thực hiện xong việc xử lý các sai phạm thì cho ra hoặc vào trạm.

Bước 3: Thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ theo quy định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hàng tháng (ngày 15) tổng hợp báo kết quả thực hiện Kế hoạch bao gồm: Kết quả xử lý tàu cá khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài; kết quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tàu cá ra, vào các đồn, trạm) cho Chi cục Thủy sản để tổng hợp tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

3.4. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng.

- Cơ quan chủ trì: Chi cục Thủy sản

- Cơ quan phối hợp: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đồn, trạm); Sở Thông tin và Truyền thông (báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh), các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.

- Đối tượng kiểm tra: Tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng.

- Nội dung kiểm tra: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng.

- Các bước thực hiện:

Bước 1: Chi cục Thủy sản tiến hành các thủ tục thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra, kiểm soát trên biển với đầy đủ thành phần tham gia. Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện (Kế hoạch phải thể hiện đầy đủ chi tiết căn cứ pháp luật đến mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi vùng biển kiểm tra, phương pháp tiến hành, phân công nhiệm vụ từng thành viên, chế độ báo cáo, phương tiện, kinh phí, tổ chức thực hiện).

Bước 2: Tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.

- Trường hợp kiểm tra phát hiện tàu cá có sai phạm thì Chi cục Thủy sản tiến hành xử lý theo quy định và ghi vào nhật ký kiểm tra.

- Trường hợp kiểm tra không có sai phạm thì ghi vào nhật ký kiểm tra.

Bước 3: Sau khi kết thúc tuần tra, tiến hành họp Đoàn thanh tra thông qua báo cáo kết quả kiểm tra, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với các hoạt động của đợt tuần tra phối hợp.

4. Mục tiêu và các ưu tiên

Mục tiêu kiểm soát chính: Đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát, thanh tra truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản một cách đầy đủ, minh bạch. Các tiêu chuẩn kiểm tra đảm bảo thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động IUU theo các hướng dẫn của EC, mục tiêu cụ thể:

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu rời bến.

100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi tàu xuất bến, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các tàu nằm trong danh sách vi phạm, các tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài, nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước.

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khi tàu về bến, lên cá.

100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng; thu nộp nhật ký khai thác; kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác được; kiểm ha ngư cụ, kích thước mắt lưới.

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển

Đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát (Bước 1, Mục 3.4), kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Ưu tiên tập trung kiểm tra đối với các nhóm tàu làm các nghề khai thác có nguy cơ thực hiện hoạt động khai thác thủy sản trái phép cao (nghề giã cào; sử dụng xung điện, chất nổ; sử dụng các nghề xâm hại đến môi trường và nguồn lợi....);

- Ngăn chặn đánh bắt sai vùng, sai tuyến.., xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thủy sản;

Sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị kiểm soát, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý.

5. Tiêu chuẩn kiểm tra

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thủy sản tham mưu) quy định các tiêu chuẩn kiểm tra được xác định dựa trên các văn bản pháp luật và quy định hướng dẫn và căn cứ vào đặc điểm tình hình nghề cá của địa phương, cụ thể:

- Xác định các tiêu chuẩn kiểm tra cho mỗi loại nghề khai thác, đội tàu khai thác, hoạt động kiểm soát (trên biển, trên đất liền, giám sát, kiểm tra chéo tại các nhà máy chế biến...) theo cách tiếp cận đánh giá rủi ro.

- Các tiêu chuẩn kiểm tra cần được xác định rõ ràng theo từng năm và loại hoạt động kiểm soát: Ví dụ như số lần kiểm tra trên biển dựa trên số lần khai thác/số đội tàu, % cập bến hoặc sản lượng khai thác được kiểm tra, số lần kiểm tra các nhà máy chế biến...). Đối với mỗi loại nghề khai thác, cần xác định tần suất kiểm tra dựa trên cách tiếp cận đánh giá rủi ro.

6. Lựa chọn tiêu chí kiểm tra

Các tiêu chí kiểm tra đối với các đối tượng ưu tiên kiểm tra cần phải được xác định dựa trên các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của việc không tuân thủ cần lưu ý, cảnh báo để đánh dấu cho tàu khai thác để theo dõi và có các biện pháp kiểm soát, xử lý.

Danh sách các chỉ tiêu (có thể chưa đầy đủ): lịch sử tuân thủ của tàu /ngư dân/thuyền trưởng/ nhà máy chế biến, hạn mức hoặc cường lực khai thác liên quan đến loài cá được khai báo (nguy cơ không báo cáo), giá thành các loài khai thác, sản lượng chế biến, thiết bị trên tàu (ví dụ: VMS, nhật ký điện tử, quan sát viên), mùa khai thác (ví dụ: Mùa cấm sử dụng các thiết bị dẫn dụ cá) và ngư trường. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện các thủ tục hành chính và các hoạt động kiểm tra.

III. NGUỒN LỰC

Chọn Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) và Cảng cá An Thới (Phú Quốc) là 02 cảng chỉ định theo Quyết định số 988/QĐ-BNN-TCTS ngày 26/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí Văn phòng cho Tổ kiểm tra tàu cá làm việc, tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại Cảng cá thường trực 24/24. Các cảng cá còn lại trên địa bàn tỉnh giao cho lực lượng Biên phòng chủ trì phối hợp kiểm tra, kiểm soát.

1. Tổ chức, nhân lực

- Chi cục Thủy sản thành lập Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng để thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá. Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng bao gồm Chi cục Thủy sản và Bộ đội Biên phòng. Ban Quản lý cảng cá, bến cá là cơ quan phối hợp. Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Đảm bảo nhân lực hoạt động 24/24, các cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá có trình độ chuyên môn phù hợp.

- Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng, được sử dụng con dấu của Tổ điều hành cảng cá phục vụ cho hoạt động của Tổ. Người đứng đầu Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng chịu trách nhiệm chủ trì, tham mưu, điều phối, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của Tổ theo kế hoạch và theo quy định của pháp luật.

- Chi cục Thủy sản tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy chế làm việc của Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng. Trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; chế độ thông tin, báo cáo và việc xử lý tàu vi phạm.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Là cơ quan phối hợp, bố trí cán bộ tham gia thường trực tại Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng để phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của tàu cá và thuyền viên ra vào cảng. Đảm bảo nhân lực hoạt động 24/24. Đồng thời chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

2. Cơ sở vật chất

2.1. Ban Quản lý cảng cá có trách nhiệm: Bố trí văn phòng làm việc Tổ kiểm tra. Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ.

2.2. Chi cục Thủy sản có trách nhiệm:

- Trang bị máy vi tính, máy in, máy fax, điện thoại.

- Cung cấp các văn phòng phẩm phục vụ cho các hoạt động thanh, kiểm tra; kết nối, sử dụng dữ liệu thông tin quản lý về tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác; thông tin về thuyền viên tàu cá để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cảng và trên biển; cập nhật các thông tin vào dữ liệu phần mềm quản lý nghề cá.

- In ấn các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản có liên quan phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá; sổ tay hướng dẫn quy trình, các bước về thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá; danh bạ điện thoại của các cơ quan đơn vị phối hợp.

- Tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh và tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

- Trình UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính) để bố trí kinh phí bổ sung cho các hoạt động của Tổ kiểm tra tàu cá tại cảng và công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Trước mắt, trong năm 2019, Chi cục Thủy sản sử dụng kinh phí hoạt động của Chi cục Thủy sản. Từ năm 2020 trở đi kinh phí hoạt động hàng năm được ngân sách tỉnh cấp dựa trên cơ sở đề xuất từ kế hoạch tài chính hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.

- Sử dụng hệ thống thông tin đài bờ, phối hợp sử dụng thông tin giám sát tàu cá MOVIMAR của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các kênh thông tin khác để kiểm tra, phân tích, quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá và lấy bằng chứng vi phạm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo các bước, quy trình, nội dung thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá cả trên biển và tại cảng; đảm bảo các cán bộ tham gia thực hiện việc thanh tra, kiểm tra kiểm soát nghề cá phải nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của kế hoạch kiểm soát nghề cá và các quy định của pháp luật Thủy sản Việt Nam, quốc tế và khu vực về khai thác IUU.

IV. ĐÁNH GIÁ, PHẢN HỒI VÀ RÀ SOÁT

1. Đánh giá và chỉ đạo

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức đánh giá các hoạt động tại cảng cá của các bên liên quan.

- Báo cáo và theo dõi đối với mỗi hoạt động kiểm tra và phân tích thường xuyên ít nhất một năm một lần để đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và tác động của kế hoạch đến những đối tượng hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và buôn bán đối với việc tuân thủ pháp luật. Hàng tháng Chi cục Thủy sản tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh.

- Thông tin phản hồi được cung cấp tới tất cả các cơ quan có liên quan.

- Hiệu quả của hệ thống thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá được củng cố hoàn thiện bằng việc xác định rõ quy trình chất lượng trong các hoạt động thanh, kiểm tra và bằng sự đánh giá của cơ quan cấp trên và các cơ quan phối hợp đối với thực hiện các mục tiêu đã được xác định cũng như quy trình thanh, kiểm tra.

2. Rà soát, điều chỉnh

Kế hoạch này được rà soát theo sự đánh giá để phù hợp với những ưu tiên, mục tiêu, mục đích và sự phân bổ phương tiện thanh, kiểm tra đối với sự phát triển của các hoạt động đánh bắt, khai thác và vấn đề tuân thủ pháp luật; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế và quy định hiện hành.

3. Trách nhiệm tham gia của các bên

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng, việc tham gia, hợp tác của ngư dân sẽ góp phần triển khai thực hiện thành công kế hoạch. Vì vậy, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo có trách nhiệm chủ động triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thủy sản, phổ biến, thông tin rộng rãi Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức cho tất cả ngư dân phải được thực hiện xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ quan chức năng trực tiếp tham gia và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ven biển có liên quan khẩn trương tập trung nguồn lực triển khai thực hiện. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong triển khai Kế hoạch này làm ảnh hưởng đến nỗ lực tháo gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Châu Âu.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc chưa có quy định, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hoặc đề nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ngành: NN&PTNT, TC, TT&TT, BCH BĐBP tỉnh, CA tỉnh;
- UBND các huyện: Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, Kiên Hải, Phú Quốc, TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên.
- LĐVP, Phòng: KTCN, NCPC, TH;
- Lưu: VT, tvhung.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Anh Nhịn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2019 về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 134/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/09/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Mai Anh Nhịn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản