Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/KH-UBND | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2012 |
KẾ HOẠCH
ĐƯA THÔNG TIN VỀ CÁC XÃ MIỀN NÚI, XÃ KHÓ KHĂN ĐẶC BIỆT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
Thực hiện Quyết định số 2331/QĐ-TTg ngày 20/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011; Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 – 2015; Công văn số 499/BTTTT-KHTC, ngày 24/2/2011 của Bộ TT&TT về xây dựng, đề xuất dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2011 – 2015; Công văn số 1245/BTTTT-KHTC ngày 28/4/2011 của Bộ TT&TT về xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2011 – 2015 ban hành kèm theo Hướng dẫn xây dựng kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2011 – 2015; Công văn số 1403/BTTTT-KHTC ngày 4/6/2012 của Bộ TT&TT về Hướng dẫn xây dựng kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo năm 2011, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011 – 2015như sau:
A. BỐI CẢNH, SỰ CẦN THIẾT
I. Đặc điểm, tình hình:
Sau mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội là thành phố đứng đầu cả nước về diện tích tự nhiên và đứng thứ hai về diện tích đô thị với: 10 quận, 01 thị xã, và 18 huyện ngoại thành. Địa hình đa dạng gồm: đồng bằng, trung du, miền núi. Số lượng dân cư đứng thứ hai cả nước với hơn 6,9 triệu người, trong đó có hơn 60 nghìn người dân tộc thiểu số (thuộc 33 dân tộc thiểu số) sống chủ yếu ở 16 xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt thuộc 6 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ và Phúc Thọ.
Trước năm 2008, toàn bộ khu vực miền núi, thuộc địa bàn các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, nay thuộc các huyện miền núi phía Tây thành phố Hà Nội. Khu vực miền núi có tổng diện tích tự nhiên là 344,45km2, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; Dân số có 46.753 người, chiếm 76/5% người dân tộc ít người toàn thành phố, trong đó chủ yếu là là dân tộc Mường (42.158 người), dân tộc Dao (1.899 người), còn lại là các dân tộc khác. Đồng bào dân tộc, miền núi sản xuất nông, lầm nghiệp như: trông các loại cây ngắn ngày: lúa, ngô, sắn, rong riềng; cây lâu năm: chè, cây ăn quả, cây lấy gỗ (keo). Những năm gần đây, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố, khu vực miền núi phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử; phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là chế biến nông lâm sản ở quy mô nhỏ, bước đầu phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân.
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc, miền núi ngày một nâng cao. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, nhiều thôn, bản đã có hương ước làng văn hóa. Tất cả các xã đều có đài truyền thanh, nhà văn hóa, có tủ sách pháp luật đặt tại các điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện xã. Phong trào thể dục thể thao phát triển, thu hút đông đảo người dân tham gia...
Tuy nhiên, đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn. Thu nhập của người dân trên địa bàn còn thấp, trung bình 750.000 đ/tháng/người, bằng 75% so với toàn thành phố; số hộ chính sách, số người nghèo còn cao: 18.209 người, chiếm 17,22 % tổng số dân trên địa bàn. Do địa hình đồi núi, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, sản xuất canh tác còn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên sản xuất nông, lâm nghiệp còn nhiều khó khăn, một số xã thiếu nước vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa...; sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, manh mún, chưa tạo hiệu quả kinh tế bền vững; đời sống văn hóa trong bối cảnh giao thoa văn hóa, đang dần làm phai đi những giá trị văn hóa truyền thông...
Thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn còn hạn chế. Kênh thông tin tại địa phương hoạt động chưa hiệu quả; việc hỗ trợ thông tin phát thanh - truyền hình từ Trung ương, thành phố không được thường xuyên, do các thiết bị thu - phát tín hiệu phát thanh, truyền hình kém chất lượng; số lượng sách, báo, các ấn phẩm truyền thông khác phát hành với số lượng hạn chế, không đến được với đông đảo người dân. Các điểm văn hóa công cộng và các kênh tuyên truyền khác đang xuống cấp và hoạt động không hiệu quả...
Đồng bào dân tộc miền núi rất coi trọng đời sống tâm linh, tín ngưỡng, có thôn là thôn công giáo toàn tòng. Do tính chất đặc thù của tôn giáo, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá cách mạng nước ta, thực tế các hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn miền núi đang có xu hướng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, việc đưa thông tin về cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác quản lý điều hành của thành phố, nâng cao mức hưởng thụ thông tin cho người dân các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt, đồng thời góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng. Mặt khác, chương trình đưa thông tin về cơ sở triển khai quy mô, đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho hệ thống truyền thông cơ sở miền núi; phù hợp với mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2015 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.
II. Kết quả phát triển thông tin từ 2008 đến nay và những hạn chế, bất cập trong công tác thông tin và truyền thông các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt:
1. Kết quả phát triển thông tin từ 2008 đế nay:
Những năm qua, công tác thông tin và truyền thông trên địa bàn miền núi, xã khó khăn đặc biệt được quan tâm đầu tư xây dựng. Hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở miền núi gồm: 16 đài xã, 16 điểm bưu điện văn hóa xã, 16 thư viện xã, 16 nhà văn hóa xã, 154 nhà văn hóa thôn; ngoài ra có các đội tuyên truyền lưu động và các kênh tuyên truyền cổ động khác. Các đài truyền thanh xã được quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, làm nhiệm vụ thông tin địa phương và cổ động tuyên truyền các sự kiện; duy trì thực hiện truyền thanh 4 cấp (Trung ương, thành phố, huyện và xã). Đây là kênh thông tin quan trọng trong việc truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Để tổ chức tuyên truyền hiệu quả trên đài truyền thanh xã, thành phố quan tâm hỗ trợ nội dung thông tin: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức xuất bản Bản tin Văn hóa - Thông tin; từ năm 2011, Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thông tin phát thanh qua Trang thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông. Đây là nguồn thông tin hỗ trợ kịp thời đài phát thanh cơ sở trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn khu vực miền núi, xã khó khăn đặc biệt nói riêng.
Trong các đợt tuyên truyền chính trị tập trung như: bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND các cấp, Đại hội Đảng các cấp, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn... các đài có sự hỗ trợ thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các ban, ngành chức năng tổ chức xuất bản nội dung tuyên truyền phát thanh và ghi vào đĩa CD phát tới các đài cơ sở sử dụng tuyên truyền hiệu quả.
Cùng đó, với sự hỗ trợ của các thiết bị nghe - xem (máy thu thanh, máy thu hình, ăng ten chảo, ăng ten dàn, truyền hình cáp...) đồng bào dân tộc, miền núi được tiếp cận thông tin của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH Hà Nội với nhiều kênh, chương trình tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước; phản ánh về đời sống đồng bào dân tộc khu vực miền núi; kỹ thuật sản xuất, canh tác phát triển nông, lâm nghiệp...
Việc phổ cập thông tin cho người dân trên địa bàn miền núi, xã khó khăn đặc biệt qua báo chí, xuất bản phẩm và các ấn phẩm truyền thông được quan tâm. Các báo được phát hành về khu vực này gồm: báo Nhân dân, Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, bản tin Văn hóa - Thông tin với các chuyên trang, chuyên mục phản ánh thông tin về đời sống kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành, khu vực miền núi, xã khó khăn đặc biệt. Từ năm 2008, thành phố có ấn phẩm chuyên biệt dành cho đồng bào dân tộc, miền núi là Bản tin Dân tộc. Bản tin được xuất bản định kỳ hàng tháng, do Ban Dân tộc Thành phố chịu trách nhiệm xuất bản và phát hành.
Hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện xã, nhà văn hóa xã, thôn được nhận các sách về văn hóa, kinh tế, pháp luật và các ấn phẩm truyền thông khác từ các sở chuyên ngành: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Sở thông tin và Truyền thông. Tủ sách pháp luật được xây dựng ở tất cả các xã, được đặt tại các điểm bưu điện văn hóa xã hoặc thư viện xã, làm tài liệu cho người dân tiếp cận thông tin pháp luật, từng bước nâng cao tình độ dân trí, hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân.
2. Hạn chế và nguyên nhân:
- Cơ sở hạ tầng thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Đài truyền thanh xã được xem là kênh thông tin chủ lực trên địa bàn hầu hết xây dựng từ năm 2003, một số được nâng cấp từ năm 2008, đầu tư thiết bị không đồng bộ, không có kinh phí duy tu bảo dưỡng định kỳ nên đã xuống cấp. Nhiều đài đặt tại hội trường UBND xã, không có phòng máy, phòng thu âm; trang thiết bị làm việc vừa thiếu, vừa không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng âm thanh gây khó chịu cho người nghe.
Hệ thống các trạm thu-phát lại tín hiệu phát thanh phục vụ thực hiện truyền thanh 4 cấp không được đảm bảo. Hầu hết các trạm thu - phát lại tín hiệu phát thanh, truyền hình đều được xây dựng từ 2003, các thiết bị cũ không đảm bảo kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị mới không đồng bộ; việc chuyển tiếp các tín hiệu âm thanh của đài cấp trên về đài xã thường xuyên bị gián đoạn, cá biệt có 3 đài xã thuộc huyện Ba Vì (xã Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang) nhiều năm thường xuyên không bắt được sóng của Đài PTTH Hà Nội.
Việc thông tin qua các thiết chế văn hóa cơ sở rất khó khăn, do các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã đều đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị, hoạt động không hiệu quả, không thu hút người dân.
- Cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông chủ yếu kiêm nhiệm, vừa yếu, vừa thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Do chưa có tiêu chí tuyển dụng nên hầu hết cán bộ trình độ THPT, cá biệt có cán bộ trình độ THCS; một số ít trình độ Đại học, cao đẳng và trung cấp. Mặt bằng trình độ thấp, không có nghiệp vụ, chuyên môn; hàng năm không được bồi dưỡng, tập huấn; làm việc theo kinh nghiệm... Do vậy, đài truyền thanh xã hầu như không xây dựng được chương trình phát thanh riêng; thông tin ở dạng sơ khai - thông báo văn bản về các nội dung như: tuyển quân, thu quỹ nghĩa vụ lao động công ích, tiêm chủng cho trẻ em, phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, phòng chống lụt bão...
Chế độ phụ cấp trách nhiệm với hệ số thấp từ 1,0% - 1,46%, thậm chí hợp đồng 500.000đ/tháng; không được tham gia bảo hiểm xã hội. Với đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm đối với cán bộ kỹ thuật đài... do vậy, ít người gắn bó lâu dài với công việc.
- Mức độ phổ cập thiết bị nghe - xem chưa đầy đủ và không đảm bảo chất lượng. Theo Thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe nhìn toàn thành phố năm 2010, trên địa bàn khu vực miền núi, xã khó khăn đặc biệt số hộ gia đình có máy thu hình cao từ 80% - 96%, song các thiết bị thu nhận túi hiệu không đảm bảo, người dân chủ yếu dùng ăng ten dàn, ăng ten chảo kém chất lượng của Trung Quốc, nên thường xuyên bị đài của địa phương khác và đài Trung Quốc chèn tín hiệu âm thanh, hình ảnh. Truyền hình cáp hầu như không có (0,08% -0,17%). Đường truyền internet về xã túi hiệu và tốc độ xử lý còn kém.
- Mức độ phổ cập tiếp cận thông tin qua sách, báo, xuất bản phẩm và các ấn phẩm truyền thông khác còn hạn chế. Qua khảo sát thực tế cho thấy sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã, thôn vừa cũ, vừa thiếu; đồng thời việc tổ chức hoạt động kém hiệu quả, nên người dân gần như không tiếp cận được các thông tin tại đây.
Chậm triển khai dịch vụ viễn thông công ích. Theo kế hoạch, từ năm 2006 dịch vụ viễn thông công ích được triển khai trên toàn quốc. Hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã là nơi truy nhập viễn thông công cộng được đầu tư với quỷ mô từ 1 - 3 cabin điện thoại, 2 - 5 máy tính được kết nối mạng Internet băng rộng, và được trang bị máy tính. Song đến nay người dân trên địa bàn thuộc đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận dịch vụ này.
B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CÁC XÃ MIỀN NÚI, XÃ KHÓ KHĂN ĐẶC BIỆT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2012 - 2015:
I. Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể:
1. Mục tiêu chung:
Xây dựng và củng cố hệ thống thông tin truyền thông cơ sở nhằm đảm bảo thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin phát triển kinh tế chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật được đưa đến phụ vụ người dân các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt; rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin và nhu cầu hưởng thụ thông tin trên địa bàn thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; ngăn chặn đẩy lùi những thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng ở khu vực các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt.
2. Các chỉ tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2013: Hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị thiết bị đầu tư phục vụ công tác thông tin và truyền thông cơ sở:
- 6/6 trạm thu - phát lại tín hiệu phát thanh, truyền hình tại các huyện có các xã miền núi, xã có khó khăn đặc biệt được cải tạo, nâng cáp đáp ứng yêu cầu chuyển tiếp âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH Hà Nội, Đài phát thanh huyện cho các đài truyền thanh xã, đáp ứng yêu cầu truyền thanh 4 cấp tại cơ sở; đảm bảo các xã, đài được phủ sóng phát thanh, truyền hình của Quốc gia và thành phố Hà Nội.
- 100% điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã được trang bị máy tính và đường truyền internet, các thiết bị đầu cuối phục vụ nhu cầu thông tin điện tử cho người dân trên địa bàn.
- 100% thôn có bảng tin công cộng và duy trì hoạt động thông tin thiết thực, hiệu quả đến với người dân trên địa bàn.
- Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động đài cơ sở; tiêu chí cán bộ đài phát thanh, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã và xây dựng chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở.
+ Đến năm 2014: tăng cường tổ chức thông tin, hỗ trợ đưa thông tin về cơ sở:
-100% thôn, bản có mạng internet, đảm bảo kết nối với hệ thống máy tính tại các hộ gia đình.
- 100% cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phục vụ yêu cầu công việc.
- Hoàn thiện cơ chế chính sách cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở.
+ Đến năm 2015: tiếp tục tập huấn đào tạo cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở và hỗ trợ thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn:
- 16/16 đài truyền thanh xã tổ chức tốt truyền thanh 4 cấp, bước đầu tự sản xuất chương trình riêng đáp ứng yêu cầu quy chuẩn của chương trình phát thanh, phục vụ hiệu quả nhu cầu thông tin cho đông đảo người dân và công tác chỉ đạo điều hành của thành phố, huyện và xã.
-16/16 đài truyền thanh xã có ít nhất 01 viên chức phát triển từ nguồn tại chỗ.
- 70% cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, chủ động triển khai tốt công việc.
80% người dân được tiếp cận sách, báo chuyên đề tìm hiểu kiến thức pháp luật, kiến thức về khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
II. PHẠM VI THỰC HIỆN:
Kế hoạch triển khai tại 16 xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt thuộc 6 huyện như sau:
1. Huyện Ba Vì: xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa, Minh Châu.
2. Huyện Thạch Thất: xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân.
3. Huyện Quốc Oai: xã Đông Xuân, Phú Mãn.
4. Huyện Chương Mỹ: xã Trần Phú.
5. Huyện Mỹ Đức: xã An Phú.
6. Huyện Phúc Thọ: xã Vân Hà.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN:
1. Tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ
a. Mục tiêu:
- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở cấp huyện, xã thuộc phạm vi chương trình.
- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, đánh giá, giám sát chương trình cho cán bộ tham gia quản lý và triển khai Kế hoạch; bồi dưỡng cán bộ truyền thông trên địa bàn thành phố tham gia tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
b. Nội dung:
- Mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức pháp luật nâng cao năng lực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc; thông tin đối ngoại; đặc biệt chủ trương xóa đói giảm nghèo, các chính sách xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa vận động người dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền thông tin đối ngoại; nâng cao năng lực đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch phản động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
- Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thông tin, kỹ năng viết tin, bài phát thanh, truyền hình; kỹ năng tuyên truyền cổ động; kỹ năng sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ: như máy tính, máy ảnh, máy chiếu...; kỹ năng quản lý, vận hành, bảo dưỡng trạm truyền thanh, đài truyền thanh; lưu giữ thông tin dưới dạng file điện tử.
- Tập trung nâng cao số lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các huyện, xã, thôn về kỹ năng quản lý nhà nước thông tin và truyền thông trong công tác chỉ đạo điều hành.
- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, đánh giá, giám sát chương trình cho cán bộ tham gia quản lý và triển khai Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2015 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; tập huấn kỹ năng đánh giá kết quả hoạt động và chuẩn bị báo cáo định kỳ công tác thông tin và truyền thông phục vụ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình thành phố.
- Nghiên cứu cơ chế chính sách cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, cụ thể những vấn đề phù hợp về tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, mức chi nhuận bút, quy chế chi tiêu tại các đài truyền thanh xã; xây dựng quy chuẩn cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở.
c. Đối tượng:
- Cán bộ quản lý và triển khai chương trình các cấp.
- Cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin huyện và đài phát thanh huyện.
- Lãnh đạo UBND xã và các trưởng đài, phát thanh viên, kỹ thuật viên đài truyền thanh xã.
- Cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền cổ động trên địa bàn huyện, xã, thôn.
- Cán bộ làm công tác tại nhà văn hóa xã, thôn; điểm bưu điện văn hóa xã.
d. Số lượng học viên và các lớp: (biểu đính kèm)
2. Tăng cường cở sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở:
a. Mục tiêu:
Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở tại các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt, bao gồm việc đầu tư xóa trắn và nâng cao chất lượng phủ sóng phát thanh, truyền hình, đảm bảo điều kiện để nhân dân được hưởng thụ các dịch vụ nghe - xem, đảm bảo duy trì, khai thác, vận hành các đài truyền thanh tại các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt.
b. Nội dung:
- Xây mới, cải tạo, nâng cấp các trạm thu - phát lại tín hiệu phát thanh, truyền hình tại các huyện, đảm bảo chuyển tiếp có chất lượng các tín hiệu phát thanh tới các đài truyền thanh xã, thôn, thực hiện hiệu quả truyền thanh 4 cấp (Trung ương, thành phố, huyện và xã) tăng cường sự chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Đầu tư xây dựng mới trụ sở các đài truyền thanh xã hiện không có trụ sở riêng, tạm thời đặt tại hội trường UBND xã, không có phòng cách âm, phòng máy, không có đủ trang thiết bị làm việc...
- Cải tạo, nâng cấp Đài truyền thanh xã đảm bảo hoạt động thông tin phát thanh; thực hiện nâng cấp các trang thiết bị đồng bộ, đổi mới phương thức hoạt động của cán bộ đài xã, thông tin kịp thời chỉ đạo của chính quyền cơ sở tới người dân.
- Xây dựng hệ thống tháp loa, trang bị thêm số lượng loa đáp ứng thông tin trên địa bàn đồi núi, nhiều vùng lồi lõm, dân cư thưa thớt, đảm bảo 80% người dân nghe được thông tin từ các đài truyền thanh xã.
- Đầu tư xây dựng và triển khai thông tin hiệu quả trên các Bảng tin công cộng đặt tại các thôn, phục vụ công tác quản lý nhà nước của chính quyền xã, thôn, bản và đáp ứng một phần nhu cầu thông tin của người dân.
- Trang bị máy tính và đường truyền internet đến các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã: ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thông tin điện tử, phổ cập phương thức tiếp cận thông tin hiện đại đến với người dân, giúp người dân nhanh chóng nắm bắt thông tin, có cơ hội lựa chọn thông tin phong phú trên môi trường mạng, nâng cao hiểu biết xã hội và kiến thức sản xuất canh tác phát triển nông, lâm nghiệp...
- Hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu đầu cuối, thiết bị nghe - xem cho các nhà văn hóa xã, thôn và các hộ gia đình nghèo không có điều kiện tiếp cận thông tin; cùng đó trang bị thiết bị phụ trợ (ăng ten...) đề sử dụng hiệu quả các máy thu thanh, thu hình đã có tại các điểm văn hóa cộng cộng, các hộ gia đình, đảm bảo thu nhận tốt các tín hiệu âm thanh, hình ảnh để người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, hiệu quả hơn.
- Trang bị phương tiện tác nghiệp cho cán bộ thông tin và và truyền thông cơ sở, cung cấp đủ các phương tiện tác nghiệp cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, phục vụ tốt yêu cầu công việc. Các thiết bị hỗ trợ gồm: máy ghi âm, USB lưu trữ dữ liệu, máy tính nối mạng intemet...
- Trang bị thiết bị chuyên dùng cho hoạt động thông tin cổ động, phù hợp đặc thù khu vực miền núi; thói quen phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số. Các thiết bị cần hỗ trợ gồm: đài, loa phát thanh, máy chiếu, tờ rơi, pa nô, áp phích...
c. Số lượng thiết bị và địa điểm thực hiện từng nội dung: (biểu đính kèm)
3. Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở:
a. Mục tiêu:
Tăng cường đưa nội dung thông tin tuyên truyền hỗ trợ thông tin và truyền thông cơ sở nhằm phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp, giới thiệu các kinh nghiệm, các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất; giới thiệu phổ biến các thông tin về bảo tồn văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc xã miền núi, thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, ấn phẩm truyền thông, xuất bản phẩm.
b. Nội dung:
Trong khi triển khai đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thông cơ sở và tăng cường đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở, để kịp thời cung cấp thông tin có chất lượng cho người dân trên địa bàn, rút ngắn khoảng cách về thông tin, Kế hoạch tập trung xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình; biên tập sản xuất các tài liệu tuyên truyền; đưa sách, báo, xuất bản phẩm và các ấn phẩm truyền thông khác về các xã, thôn, bản.
Nội dung thông tin hỗ trợ gồm:
- Xây dựng và phát sóng tổng số 100 chương trình phát thanh - truyền hình, với những nội dung phản ánh đời sống đồng bào khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khó khăn đặc biệt; thông tin kịp thời kết quả thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; những chỉ đạo của Trung ương và thành phố...
- Hỗ trợ đưa các sách văn hóa miền núi, văn hóa dân tộc thiểu số; chuyên đề tìm hiểu phát luật; sách ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, canh tác trên địa bàn miền núi.
- Đưa các báo Đảng, chính quyền, báo chuyên biệt cho đặc thù khu vực miền núi, các xã khó khăn đặc biệt gồm: báo Nhân dân, Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, báo Dân tộc và phát triển, bản tin Thông tin - Văn hóa, bản tin Dân tộc... với số lượng phát hành đảm bảo để người dân được tiếp cận thường xuyên.
- Hỗ trợ thông tin qua việc tổ chức xuất bản các đĩa CD với các nội dung phong phú về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; đặc biệt thông tin về các đợt sinh hoạt chính trị tập trung, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và thành phố; tìm hiểu về pháp luật...
- Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin điện tử, trang bị máy tính, đường truyền internet, phát triển mạng cáp quang phục vụ các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt làm cơ sở cho việc phát triển thông tin điện tử trên địa bàn, đồng thời đổi mới phương thức tiếp cận thông tin cho người dân, theo kịp xu thế phát triển xã hội, góp phần quan trọng nâng cao dân trí và rút ngắn khoảng cách thông tin cho người dân.
- Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ sáng tác và xuất bản các ấn phẩm truyền thông khác.
b. Số lượng các chương trình, ấn phẩm hỗ trợ: (biểu đính kèm)
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
Tổng kinh phí: 72,332 tỷ đồng (Bảy mươi hai tỷ ba trăm ba mươi hai triệu đồng)
Chi tiết kinh phí trong biểu đính kèm.
V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Về chỉ đạo, điều hành:
Thành lập “Ban Chỉ đạo Chương trình đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 – 2015” để chỉ đạo thống nhất triển khai nội dung kế hoạch trên toàn thành phố.
Thành phần Ban chỉ đạo, gồm:
- Trưởng Ban chỉ đạo: Lãnh đạo UBND Thành phố.
- Các thành viên: Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc Thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Lãnh đạo UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phúc Thọ.
- Các Sở, Ban, Ngành, UBND quận, huyện, thị xã liên quan nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp về triển khai thực hiện kế hoạch, xây dựng các văn bản, làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng chương trình.
2. Về cơ chế, chính sách:
- Hoàn thiện văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, cụ thể những vấn đề phù hợp về tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, mức chi nhuận bút, quy chế chi tiêu tại các đài truyền thanh xã; xây dựng quy chuẩn cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở cho phù hợp.
- Xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện công tác quản lý thông tin truyền thông theo Quy hoạch phát triển Báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sau khi được ban hành.
- Ban hành hướng dẫn hệ thống tiêu chuẩn đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở đảm bảo lưu trữ, xử lý văn bản điện tử đúng quy định về an toàn, an ninh thông tin.
3. Tăng cường giám sát, đánh giá:
- Thường xuyên rà soát tiến độ triển khai kế hoạch và kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đạc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015.
- Hướng dẫn, thực hiện công tác đánh giá tình hình đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đạc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015 của thành phố và của các đơn vị, mức độ sử dụng và hài lòng của người dân đối với các dịch vụ này để có những giải pháp thúc đẩy kịp thời.
4. Nâng cao nhận thức:
Tăng cường công tác tuyên truyền về đưa thông tin đến các xã miền núi, xã khó khăn đạc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015, rút ngắn khoảng cách thông tin trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chính xác, kịp thời truyền tải ý kiến chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.
- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và các lợi ích trong việc đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt.
- Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền cổ động trên địa bàn huyện, xã, thôn; điểm bưu điện văn hóa xã bằng nhiều hình thức như: Đào tạo từ xa trên mạng, qua truyền hình, xuất bản sách phổ biến kiến thức, đưa những ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông, lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa.
VI. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:
1. Giai đoạn 2012 - tháng 6/2013:
- Thí điểm 3 nội dung kế hoạch trên địa bàn 6 xã thuộc 6 huyện. Dự kiến đến hết tháng 6/2013 hoàn tất thí điểm, đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm; xây dựng mô hình thông tin và truyền thông hiệu quả trên địa bàn các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp quản lý chương trình, đảm bảo theo đúng hướng dẫn và các quy định hiện hành; đồng thời thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra
- Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, xây dựng cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng nội dung thông tin về cơ sở.
2. Từ tháng 7/2013-2014:
- Từ mô hình điểm sẽ triển khai đồng loạt trên địa bàn 10 xã còn lại. Trong đó, từ tháng 7/2013 - 12/2013 hoàn thành xong tăng cường cơ sở vật chất cho 10 xã; kết hợp với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; duy trì vận hành ổn định cơ sở vật chất đã được trang bị; tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng nội dung thông tin về cơ sở. Hoàn thiện cơ chế cung cấp và nhận thông tin từ thành phố, huyện đến các xã, tổ chức cập nhật, phổ biến thông tin kịp thời đến với người dân.
3. Năm 2015:
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nội dung thông tin các chương trình phát thanh - truyền hình, sách báo, chuyên đề... về các xã miền núi, xã khó khăn; Duy trì, vận hành ổn định cơ sở vật chất đã được trang bị.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, làm đầu mối xây dựng và triển khai Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phô Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015. Đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện các nội dung. Định kỳ hàng quý, năm tổng hợp, báo cáo kết quả tổng thể việc thực hiện kế hoạch về UBND Thành phố và Bộ Thông tin Truyền thông; Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện.
- Chủ trì thực hiện tổ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn và thực hành kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, phát ngôn cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ SỞ; tập huấn kiến thức quản lý Kế hoạch cho cán bộ triển khai Kế hoạch của các huyện và xã; tổ chức xây dựng các chương trình phát thanh - truyền hình, xuất bản sách, báo, các ấn phẩm, chuyên đề, đĩa CD... hỗ trợ cho các kênh thông tin cơ sở.
- Thực hiện trang bị đường truyền internet, máy tính thiết bị hỗ trợ thu tín hiệu phát thanh - truyền hình, thiết bị nghe - xem và các thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng và hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; trang thiết bị cho đài phát thanh, truyền thanh cơ sở, phương tiện tác nghiệp cho cán bộ phát thanh, truyền thanh cơ sở...
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền cổ động về các sự kiện chính trị -văn hóa - xã hội cho cán bộ thông tin và truyền thông các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hạng mục mua sắm thiết bị chuyên dùng cho hoạt động thông tin và truyền thông cổ động.
3. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất cơ chế chính sách về lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; thẩm định nội dung đào tạo và tổ chức hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; bố trí biên chế cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, giai đoạn 2012 - 2015; chú trọng đối tượng làm tại đài truyền thanh xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt.
4. Sở Tài chính:
Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện lập dự toán, bố trí kinh phí kịp thời phục vụ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia và Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015 theo quy định.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì tham mưu bố trí kế hoạch vốn cho các dự án thuộc Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đạc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015 theo quy định.
- Đảm bảo cân đối với các chương trình khác đã và đang triển khai tại các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt, tránh trùng lặp.
- Hướng dẫn các đơn vị chủ trì các Dự án xây đựng kế hoạch thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra.
6. Ban Dân tộc Thành phố:
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc; tuyên truyền chủ trương xóa đói giảm nghèo, thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc miền núi.
- Tổ chức xuất bản và phát hành Bản tin Dân tộc; In sổ tay học tập, tìm hiểu pháp luật và khoa học kỹ thuật...
- Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự án, lập dự toán chi tiết kinh phí.
7. UBND các huyện:
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hạng mục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trạm thu - phát tín hiệu phát thanh, truyền hình, trụ sở các đài truyền thanh xã, xây dựng hệ thống tháp loa... đảm bảo thông tin thông suốt trên địa bàn.
- Căn cứ Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015, xây đựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch, dự án về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và các cấp có thẩm quyền.
8. Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nội:
Tổ chức xây dựng nội dung phát thanh - truyền hình, phù hợp với nhu cầu thông tin của người dân trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khó khăn đặc biệt; Xuất bản đĩa CD hỗ trợ tuyên truyền phát thanh - truyền hình.
9. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy:
Chỉ đạo Ban Tuyên giáo cơ sở kết hợp nội dung kế hoạch với chương trình giáo dục lý luận chính trị tại địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng báo cáo viên tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đồng bào các xã dân tộc miền núi, các xã khó khăn đặc biệt.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố, các đoàn thể chính trị Thành phố: phối hợp triển khai Kế hoạch hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và đối tượng của tổ chức mình đạt hiệu quả.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện tổ chức triển khai các nội dung kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015; định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm có báo cáo tiến độ thực hiện gửi về UBND Thành phố (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để tổng hợp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 2331/QĐ-TTg năm 2010 về Danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện năm 2011 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1245/BTTTT-KHTC về Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2011-2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3Quyết định 1212/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 499/BTTTT-KHTC hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo năm 2011 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Kế hoạch 121/KH-UBND năm 2012 đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015
- Số hiệu: 121/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 13/09/2012
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/09/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra