Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Căn cứ Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 18/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế,

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (gọi tắt là Chương trình) năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ cơ chế, chính sách, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, nhất là các cơ chế đặc thù để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt các nội dung chính sách của Chương trình, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn kinh phí được phân bổ năm 2024 và nguồn kinh phí chuyển tiếp của các năm 2022, 2023 góp phần hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về thực hiện Chương trình. Phân công trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong từng nhiệm vụ, nội dung thành phần của Chương trình. Chú trọng công tác phối hợp và kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện để bảo đảm tiến độ; phát huy hiệu quả nguồn lực cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong triển khai thực hiện Chương trình.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu

1.1. Cơ bản hoàn thành, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. 100% xã thuộc phạm vi Chương trình kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo, Ban dự án cấp xã, Ban phát triển cấp thôn bảo đảm đúng quy định và hoạt động hiệu quả.

1.2. Hoàn thành một số chỉ tiêu, nội dung chủ yếu:

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 6-7%. Hỗ trợ xây dựng hoàn thành cơ bản nhà ở theo đề án giai đoạn 2022 - 2025 đã được phê duyệt, dự kiến 766 nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hộ nghèo người kinh sống trong xã đặc biệt khó khăn, (trong đó: huyện A Lưới: 725 nhà; huyện Nam Đông: 41 nhà); giải quyết cơ bản tình trạng hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt phân tán.

- Hỗ trợ xây dựng hơn 30 danh mục công trình đầu tư mới như: đường giao thông; công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; nước sinh hoạt, trường học, kênh mương, đập thuỷ lợi, kè chống sạt lở, cầu dân sinh và một số công trình thiết yếu khác. Hoàn thành 02 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở huyện Nam Đông (xã Thượng Long, xã Hương Hữu) và 02 dự án làng văn hóa các DTTS ở 02 huyện A Lưới và Nam Đông và các dự án, công trình đã được bố trí vốn kế hoạch năm 2022, 2023 mà chưa hoàn thành; triển khai đầu tư Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

- Thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp: Phấn đấu mỗi huyện miền núi (A Lưới, Nam Đông) có ít nhất 01 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; mỗi xã đặc biệt khó khăn xây dựng ít nhất 01 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý ở huyện A Lưới.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cấp huyện; Ban Chỉ đạo, Ban quản lý xã; Ban Phát triển cấp thôn; năng lực nghiên cứu, nắm bắt cơ chế, chính sách và tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện cho cán bộ Chương trình các cấp; năng lực cán bộ cộng đồng trong tổ chức thực hiện chính sách, nhất là năng lực tổ chức thực hiện các công trình, dự án theo cơ chế đặc thù.

- Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chương trình, vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh biên giới.

2. Nội dung và giải pháp

2.1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

Thực hiện rà soát, bình chọn hộ hưởng lợi, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ gia đình hỗ trợ các nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất (chuyển đổi nghề), nước sinh hoạt (tập trung và phân tán) và triển khai thực hiện chính sách theo quy định, cơ chế và hướng dẫn hiện hành[1].

2.2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư

Tiếp tục hỗ trợ, thực hiện hoàn thành các hạng mục thuộc 02 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại xã Hương Hữu và xã Thượng Long (huyện Nam Đông) đã được phê duyệt và triển khai thực hiện các chính sách để đưa các hộ gia đình vào sinh sống. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc lập, phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

2.3. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

Rà soát, phê duyệt hộ gia đình hưởng lợi để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS theo quy định, cơ chế, hướng dẫn hiện hành[2]. Căn cứ các cơ chế, quy định, hướng dẫn hiện hành[3] để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; quan tâm thu hút doanh nghiệp để bước đầu hình thành một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; rà soát để xác định nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc nội dung khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ở huyện A Lưới và huyện Nam Đông, xây dựng và tiến hành các hoạt động hỗ trợ mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp ở các xã ĐBKK, ít nhất 01 mô hình/xã. Phê duyệt và lập kế hoạch thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý tại huyện A Lưới.

2.4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN

Tiếp tục hoàn thành các danh mục công trình đã phân bổ vốn trong năm 2023; triển khai đầu tư mới 14 danh mục công trình đường giao thông; 04 danh mục công trình nhà sinh hoạt cộng đồng (trong đó xây mới 01 công trình); 01 công trình hệ thống nước sinh hoạt; 05 danh mục công trình kênh mương, kè sạt lở; 05 công trình trường học; 01 cây cầu và 01 danh mục công trình điện sinh hoạt tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Rà soát hạng mục công trình cơ sở hạ tầng để thực hiện việc duy tu bảo dưỡng theo đúng quy định. Chỉ đạo tập trung tháo gỡ các vướng mắc và hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù để các địa phương triển khai việc giao cộng đồng tự thực hiện công trình theo quy định, phân cấp[4].

2.5. Dự án 5: Phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Có kế hoạch chi tiết, cụ thể để hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung: (i) Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, 4 theo quy định tại Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”; (ii) Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn vùng đồng DTTS; (iii) Đào tạo nghề, định hướng xuất khẩu lao động cho địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; (iv) Tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ thực hiện Chương trình ở các cấp. Trình HĐND tỉnh ban hành quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích đồng bào DTTS tham gia học xóa mù chữ. Tiếp tục xây dựng và hoàn thành cơ sở vật chất tại các trường THCS-DTNT huyện A Lưới, Nam Đông.

2.6. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch

Tổ chức triển khai, thực hiện nội dung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về thực hiện Dự án “bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình. Hoàn thành 02 dự án làng văn hóa các DTTS ở 02 huyện A Lưới và Nam Đông.

2.7. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

Triển khai, thực hiện có hiệu quả một số nội dung theo hướng dẫn tại Quyết định số 2415/QĐ-BYT ngày 05/9/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn thực hiện dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình nhằm góp phần hạ thấp tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Xây dựng mô hình thôn, xã không có người sinh con thứ 3; tăng cường cơ sở, vật chất, thiết bị y tế nhất là ở các trạm y tế xã; tiếp tục phối hợp thực hiện kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế đối với đồng bào DTTS, hộ nghèo.

2.8. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Lập kế hoạch và hướng dẫn, triển khai thực hiện trong năm 2024 theo Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022 của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Hướng dẫn số 03/HD-BTV ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế về hướng dẫn triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

2.9. Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

- Lập kế hoạch và tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc; Kế hoạch số 55/KH-BDT ngày 13/10/2022 của Ban Dân tộc về thực hiện Tiểu dự án 02, Dự án 9 và Tiểu dự án 01, Dự án 10 thuộc Chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, lập kế hoạch; tổ chức hội thi, thiết kế sản phẩm truyền thông; tổ chức tham qua, học tập kinh nghiệm, triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS cho cán bộ xã, thôn và người có uy tín trên địa bàn.

2.10. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình

Bám sát văn bản hướng dẫn và quy định[5] để lập kế hoạch cụ thể, chi tiết tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung: Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động; tham quan học tập kinh nghiệm nội, ngoại tỉnh cho người có uy tín, lực lượng cốt cán. Tổ chức hội thi; hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ xã, thôn và hộ gia đình. Tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh, vinh danh gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN. Thực hiện phóng sự và xây dựng nội dung truyền thông, hỏi đáp pháp luật trên trang thông tin điện tử. Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông (tờ gấp, bản tin...) về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số; giới thiệu, tuyên truyền về mục tiêu, đối tượng, nội dung trọng tâm của Chương trình thông qua các thiết chế thông tin ở cơ sở.

- Triển khai: Xây dựng hệ thống họp trực tuyến tại Ban Dân tộc tỉnh; Dự án hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2022-2025; Dự án hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình hàng năm, giữa kỳ và giai đoạn theo Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Uỷ ban Dân tộc và Kế hoạch số 372/KH-UBND ngày 17/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức giám sát, đánh giá, thực hiện Chương trình. Hoàn thành các thông tin chỉ số đầu vào của Chương trình. Tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình ở cấp huyện, cấp xã.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn vốn kế hoạch Chương trình năm 2024 là 281.593 triệu đồng (chưa bao gồm nguồn năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024; các nguồn vốn tín dụng và nguồn hợp pháp khác). Trong đó:

Ngân sách Trung ương là 253.956 triệu đồng, bao gồm

- Vốn đầu tư phát triển[6]: 124.630 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp: 129.326 triệu đồng;

Ngân sách tỉnh[7] là 27.637 triệu đồng.

Phân bổ nguồn vốn chi tiết theo Nghị quyết số 106/NQ-HĐND ngày

07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các Quyết định kèm theo.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch nhằm đạt mục tiêu đề ra.

- Theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án để báo cáo kết quả định kỳ và đột xuất với Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Chủ trì, tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện Dự án 1; Dự án 2; tiểu dự án 1 của Dự án 4; tiểu dự án 2, 4 của Dự án 5; tiểu dự án 1, 2 của Dự án 9; tiểu dự án 1 (nội dung 1, 2), tiểu dự án 2 (nội dung chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình), 3 thuộc Dự án 10 của Chương trình trên địa bàn tỉnh. Ban hành các kế hoạch thực hiện những nội dung được giao chủ trì để thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổng hợp các kiến nghị về cơ chế, giải pháp bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch; phối hợp tham mưu phân bổ nguồn kinh phí Chương trình trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu nhằm giảm nghèo theo kế hoạch đề ra.

- Chủ trì thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá Chương trình theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì tham mưu cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù sau khi được Quốc hội thông qua để triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

- Giám sát, kiểm tra, tình hình thực hiện các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định hiện hành trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

- Tổng hợp kế hoạch và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động vốn hợp pháp khác thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung sử dụng nguồn vốn đầu tư, phát triển; phối hợp với Ban Dân tộc rà soát tham mưu điều chỉnh các dự án, danh mục đầu tư (nếu có) để báo cáo cấp có thẩm quyền.

- Kiểm tra, hướng dẫn tổ chức và hoạt động Ban Chỉ đạo/tổ giúp việc cấp huyện; Ban Chỉ đạo/Ban Dự án cấp xã và Ban Phát triển cấp thôn.

3. Sở Tài chính

- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước, Sở Tài chính phối hợp với Ban Dân tộc, các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan nhằm tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù sau khi được Quốc hội thông qua theo chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Chủ trì, tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện tiểu dự án 1 của Dự án 3; nội dung số 01, tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3. Hướng dẫn các địa phương triển khai các quy định trong thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 (thuộc tiểu dự án 2, Dự án 3). Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các nội dung được phân công theo Kế hoạch.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, tham mưu, lập kế hoạch để hướng dẫn, triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5. (Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS). Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích đồng bào DTTS tham gia học xóa mù chữ.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp lập kế hoạch tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện tiểu dự án 3, Dự án 5 (phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN).

8. Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ trì, tham mưu, lập kế hoạch để hướng dẫn, triển khai thực hiện Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

9. Sở Y tế: Chủ trì, tham mưu, lập kế hoạch để hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

10. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, tham mưu, lập kế hoạch để hướng dẫn, triển khai thực hiện nội dung “hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS&MN ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh trật tự, tiểu dự án 2, Dự án 10.

11. Sở Tư pháp: Chủ trì, tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện nội dung số 03 (Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN) tiểu dự án 1, Dự án 10; Tiếp tục biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông (tờ gấp, bản tin...) và tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân tộc thiểu số; giới thiệu, tuyên truyền về mục tiêu, đối tượng, nội dung trọng tâm của Chương trình thông qua các thiết chế thông tin ở cơ sở”.

12. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Chủ trì, lập kế hoạch để hướng dẫn, triển khai thực hiện Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

13. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Chủ trì, lập kế hoạch để hướng dẫn, triển khai thực hiện nội dung: “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS&MN” tiểu dự án 2, Dự án 10. Phối hợp thực hiện có hiệu quả nội dung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN theo phân công của cơ quan chủ trì nội dung này.

14. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đối với tín dụng tín sách trên địa bàn tỉnh theo đúng mục tiêu Chương trình.

15. Sở Công thương; Hội Nông dân; Đoàn Thanh niên phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN theo phân công của cơ quan chủ trì nội dung này.

16. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Lập kế hoạch thực hiện các nội dung được giao nhiệm vụ và được cấp kinh phí (kể cả nguồn kinh phí được cấp trong năm 2022, năm 2023 nhưng chưa thực hiện). Phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc và các đơn vị, địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện nội dung được phân công. Cung cấp thông tin các chỉ số đầu vào của các nội dung được giao nhiệm vụ để phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá theo Thông tư 01 của Ủy ban Dân tộc.

17. Ủy ban nhân dân các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà

- Lập kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2024 trên phạm vi của địa phương theo quy định. Chỉ đạo các xã: rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Dự án cấp xã/Ban phát triển thôn; lập kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2024 theo quy định, hướng

dẫn.

- Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm bố trí nguồn vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của địa phương và chủ động huy động thêm các nguồn lực khác thực hiện Chương trình.

18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh: Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào DTTS&MN; thực hiện tốt giám sát, phản biện xã hội góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ngành, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ, kinh phí lập kế hoạch thực hiện nội dung được phân công gửi về Ban Dân tộc tỉnh theo dõi, tổng hợp; báo cáo kết quả thực hiện gửi Ban Dân tộc tổng hợp báo cáo năm trước ngày 01/11/2024; thực hiện báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban Dân tộc và cơ quan thẩm quyền.

2. Ban Dân tộc tỉnh chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các sở, ngành và uỷ ban nhân dân các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà về các nội dung của Kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện năm 2024 trước ngày 10/11/2024.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, các vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Dân tộc tổng hợp) để chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP Điều phối Chương trình, UBDT (b/c);
- Các đơn vị nêu tại mục IV;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, XH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Thanh Bình

 



[1] Cụ thể: Quyết định 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/5/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định định mức hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 quy định định mức đất sản xuất thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;; Công văn số 490/BDT-CSDT ngày 8/9/2022 của Ban Dân tộc về quy trình rà soát đối tượng, quy định đối tượng ưu tiên thực hiện dự án 1, dự án 2.

[2] Cụ thể: Các văn bản cấp Trung ương: Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025;

[3] Cụ thể: Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh

[4] Cụ thể: Quyết định số 39/2022/QĐ-UBND ngày ngày 18/8/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 2536 /QĐ-UBND ngày 20/10/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Ban hành danh mục loại dự án đầu tư xây dựng được áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

[5] Cụ thể: Thông tư số 01/2022/TT-UBDT, ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc; Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc; Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc; Thông tư số 55/2013/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính; Quyết định 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 330/QĐ-UBDT ngày 12/5/2023 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025.

[6] Quyết định số 3111 /QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

[7] Quyết định số 3111 /QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 10/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 10/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/01/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản