Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ỦY BAN KIỂM TRA
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
------------------

Số: 11-HD/UBKTTW

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC NHÂN SỰ ỦY BAN KIỂM TRA TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban kiểm tra Trung ương khóa XI;

- Căn cứ Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong chương VII, chương VIII Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;

- Căn cứ Quy định số 219-QĐ/TW, ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy; Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy;

- Căn cứ Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18-8-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;

- Căn cứ Công văn số 8923-CV/VPTW, ngày 21-10-2014 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về hướng dẫn nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng;

Ủy ban kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, như sau:

I- VỀ SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU, TIÊU CHUẨN

1- Cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra

1.1- Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương:

- Số lượng từ 9 đến 11 ủy viên, trong đó có 2 ủy viên kiêm chức; riêng Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh số lượng từ 13 đến 15 ủy viên; Thanh Hóa, Nghệ An số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do tỉnh ủy, thành ủy quyết định).

- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 2 đến 3 phó chủ nhiệm và một số ủy viên. Trong đó, 1 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm và một cấp ủy viên làm phó chủ nhiệm thường trực (riêng Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 phó chủ nhiệm; Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, Nghệ An từ 3 đến 4 phó chủ nhiệm).

- Ủy viên kiêm chức gồm: Trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức của cấp ủy là cấp ủy viên và chánh thanh tra tỉnh, thành phố.

1.2- Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

- Số lượng từ 9 đến 11 ủy viên (do Đảng ủy Khối quyết định).

- Các ủy viên, chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 2 đến 3 phó chủ nhiệm và từ 3 đến 5 ủy viên; trong đó có 2 cấp ủy viên, 1 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm và 1 cấp ủy viên làm phó chủ nhiệm thường trực.

- Ủy viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, cấp ủy viên phụ trách công tác khác, bí thư hoặc phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc đảng ủy khối.

1.3- Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

- Số lượng tù 11 đến 13 ủy viên (do Đảng ủy Khối quyết định).

- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 2 đến 3 phó chủ nhiệm và từ 4 đến 6 ủy viên; trong đó có 2 cấp ủy viên, 1 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm và 1 cấp ủy viên làm phó chủ nhiệm thường trực.

- Ủy viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, bí thư hoặc phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc đảng ủy khối.

1.4- Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương

- Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Quân ủy Trung ương quyết định), trong đó có 8 ủy viên chuyên trách và từ 3 đến 5 ủy viên kiêm chức; có 2 đến 3 ủy viên là cấp ủy viên cùng cấp.

- Các ủy viên chuyên trách gồm: 4 phó chủ nhiệm, trong đó có 1 phó chủ nhiệm thường trực, các phó chủ nhiệm có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các ủy viên chuyên trách có nhóm chức vụ; trần quân hàm bằng Cục trưởng Cục Tổ chức, Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị.

- Ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Tổ chức; Cục trưởng Cục Cán bộ; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.

1.5- Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương

- Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Đảng ủy Công an Trung ương quyết định), trong đó có từ 9 đến 11 ủy viên chuyên trách và 2 ủy viên kiêm chức; có 2 đến 3 ủy viên là cấp ủy viên cùng cấp.

- Các ủy viên chuyên trách gồm: 4 phó chủ nhiệm, phó chủ nhiệm thường trực là Đảng ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng Tổng cục trưởng; 3 phó chủ nhiệm có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng phó tổng cục trưởng và 5 đến 7 ủy viên chuyên trách có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng cục trưởng.

- Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là đồng chí Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ.

1.6- Ủy ban kiểm tra của cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy:

Số lượng từ 7 đến 9 ủy viên (do cấp ủy quyết định), trong đó đồng chí chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy, từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên chuyên trách; 2 ủy viên kiêm chức gồm trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp (nơi không có chánh thanh tra cùng cấp là đồng chí phó bí thư của cấp ủy trực thuộc).

1.7- Ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở:

- Số lượng từ 5 đến 7 ủy viên (do cấp ủy cấp trên cơ sở quyết định), trong đó chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy, có từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là chuyên trách) và một số ủy viên chuyên trách.

- Ủy viên kiêm chức gồm đồng chí trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp (nơi không có chánh thanh tra cùng cấp là đồng chí phó bí thư hoặc chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc).

1.8- Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở:

- Số lượng từ 3 đến 5 ủy viên (do Đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó đồng chí phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ, thường trực cấp ủy làm chủ nhiệm, Trường hợp không có ban thường vụ cấp ủy thì đồng chí phó bí thư làm chủ nhiệm; phó chủ nhiệm là cấp ủy viên hoặc đảng viên.

- Các ủy viên khác có thể là cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân.

Ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn; những tổ chức đảng trong cơ quan và doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên thì bố trí 1 ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm.

1.9- Đảng ủy bộ phận và chi bộ:

Đảng ủy bộ phận và chi bộ không lập ủy ban kiểm tra; tập thể cấp ủy, chi bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phân công 1 cấp ủy viên phụ trách. Ngoài ra, có thế lựa chọn phân công một số đảng viên giúp đồng chí cấp ủy viên phụ trách làm công tác kiểm tra, giám sát.

Đối với Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Ngoài nước; ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở thuộc Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng bộ Ngoài nước, Ủy ban kiểm tra Trung ương có hướng dẫn riêng sau khi thống nhất với các đảng ủy trên và Ban Tổ chức Trung ương.

Trường hợp có những yêu cầu khác với quy định nêu trên, cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy phải báo cáo với cấp ủy cấp trên trực tiếp, khi được sự đồng ý mới tổ chức thực hiện.

2- Tiêu chuẩn

Đối với ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp, tiêu chuẩn được vận dụng theo tiêu chuẩn cấp ủy viên cùng cấp được quy định tại Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đồng thời cần chú ý một số tiêu chuẩn sau:

- Có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, có nghiệp vụ, chuyên môn và hiểu biết về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

- Không đưa vào ủy ban kiểm tra nhũng đồng chí để cơ quan, đơn vị quản lý xảy ra mất đoàn kết nội bộ, những đồng chí có nhiều dư luận về phẩm chất đạo đức, lối sống; bản thân và gia đình thiếu gương mẫu; uy tín thấp; những đồng chí có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật; những đồng chí ngại va chạm, ngại đấu tranh bảo vệ lẽ phải, cơ hội, cục bộ địa phương, cá nhân, không có bản lĩnh chính kiến, không chấp hành sự phân công công tác của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.

- Về độ tuổi: Về độ tuổi vận dụng như tuổi tham gia cấp ủy cùng cấp; đảm bảo tính kế thừa, có cán bộ nữ, trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số, căn cứ vào tình hình cụ thể các cấp ủy vận dụng bố trí cho phù hợp. Cụ thể:

+ Các đồng chí lần đầu tham gia ủy ban kiểm tra: vận dụng tuổi như lần đầu tham gia cấp ủy cùng cấp.

+ Các đồng chí giới thiệu tái cử: Đối với các đồng chí dự kiến giới thiệu tái cử để làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy khóa mới thì thực hiện theo Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị. Đối với các đồng chí phó chủ nhiệm (trong đó có đồng chí phó chủ nhiệm là cấp ủy viên, không còn đủ tuổi tham gia cấp ủy khóa mới) và các đồng chí ủy viên ủy ban kiểm tra nếu còn đủ tuổi công tác từ 24 tháng trở lên (tính đến thời điểm tổ chức đại hội) được xem xét giới thiệu tái cử phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban kiểm tra.

Đối với các đồng chí thành viên Ủy ban không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ mới được thực hiện chế độ, chính sách như đối với các đồng chí cấp ủy viên không tái cử cấp ủy khóa mới theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

II- CHUẨN BỊ NHÂN SỰ ỦY BAN KIỂM TRA TRƯỚC ĐẠI HỘI

1- Ủy ban kiểm tra các cấp phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp chuẩn bị đề án nhân sự ủy ban kiểm tra khóa tới, báo cáo cấp ủy đương nhiệm.

2- Căn cứ đề án do ủy ban kiểm tra và ban tổ chức báo cáo, cấp ủy đương nhiệm thảo luận tập thể, dự kiến số lượng, cơ cấu, nhân sự cụ thể ủy ban kiểm tra khóa tới.

3- Cấp ủy đương nhiệm chỉ đạo công tác chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra với cấp ủy khóa mới. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự ủy ban kiểm tra, cấp ủy cần phối hợp với ủy ban kiểm tra cấp trên, sau khi đã dự kiến số lượng, cơ cấu, nhân sự phải trao đổi và thống nhất với ủy ban kiểm tra cấp trên về nhân sự của ủy ban kiểm tra khóa mới (số lượng, danh sách cụ thể).

4- Về trách nhiệm của ủy ban kiểm tra cấp trên trong công tác nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới:

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình công tác nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới.

- Cho ý kiến về số lượng, cơ cấu nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới.

III- VIỆC BẦU CỬ ỦY BAN KIỂM TRA

Việc bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng, ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương.

- Trong phiên họp đầu tiên của cấp ủy khóa mới, cấp ủy nghe báo cáo về công tác chuẩn bị và đề án nhân sự ủy ban kiểm tra của cấp ủy khóa trước, thảo luận về số lượng, cơ cấu, nhân sự và tiến hành bầu ủy ban kiểm tra:

+ Biểu quyết số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra.

+ Bầu ủy ban kiểm tra.

+ Bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy ban kiểm tra.

+ Ủy ban kiểm tra bầu các phó chủ nhiệm và phân công các đồng chí trong ủy ban. Sau khi được bầu, đồng chí chủ nhiệm điều hành công việc của ủy ban kiểm tra khóa mới; nơi chưa bầu được chủ nhiệm thì phân công đồng chí phó chủ nhiệm là cấp ủy viên phụ trách việc điều hành các công việc của ủy ban kiểm tra cho đến khi cấp ủy bầu được chủ nhiệm.

IV- THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ CHUẨN Y ỦY BAN KIỂM TRA

Sau khi cấp ủy bầu ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra; ủy ban kiểm tra bầu các phó chủ nhiệm, cấp ủy có văn bản báo cáo đề nghị cấp ủy cấp trên chuẩn y ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra (gửi qua ủy ban kiểm tra cấp trên), thủ tục gồm:

- Tờ trình của cấp ủy đề nghị chuẩn y ủy ban kiểm tra và các chức danh của Ủy ban kiểm tra kèm theo biên bản bầu cử ủy ban và các chức danh trong ủy ban.

- Danh sách trích ngang các đồng chí trong ủy ban kiểm tra.

- Sơ yếu lý lịch của từng đồng chí trong ủy ban kiểm tra có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ.

Trên đây là Hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần bổ sung, làm rõ, thì cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới phản ánh về cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên./.

 

 

T/M ỦY BAN KIỂM TRA
PHÓ CHỦ NHIỆM THƯỜNG TRỰC




Mai Thế Dương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 11-HD/UBKTTW năm 2014 về công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng do Ủy ban kiểm tra Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 11-HD/UBKTTW
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 27/10/2014
  • Nơi ban hành: Ủy ban kiểm tra trung ương
  • Người ký: Mai Thế Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản