Điều 2 Dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù do hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành
1. “Cố tình trốn tránh” quy định tại khoản 5 Điều 60 của Bộ luật Hình sự là cố tình giấu hoặc khai không đúng nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại; thay đổi thông tin cá nhân, nhân dạng hoặc giới tính nhằm gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc nhận dạng, xác định nơi ở hiện tại.
Thông tin cá nhân gồm quốc tịch; họ tên, ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp; chứng minh nhân dân, căn cước công dân, căn cước hoặc hộ chiếu; thông tin khác gắn liền với việc xác định danh tính của một người cụ thể.
2. “Lập công” quy định tại điểm a khoản 2, khoản 4 Điều 62, Điều 64 và khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu, giúp được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, cá nhân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có sáng kiến, phát minh, sáng chế hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.
3. “Lập công lớn” quy định tại các khoản 3, 5 Điều 62 và khoản 3 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, cá nhân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có sáng kiến, phát minh, sáng chế hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.
4. “Mắc bệnh hiểm nghèo” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 62, Điều 64, khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị (ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, lao nặng độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên) hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
5. “Bị bệnh nặng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị xử phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này hoặc đang bị bệnh khác tới mức không thể chấp hành hình phạt và nếu phải chấp hành hình phạt sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
6. “Chấp hành tốt pháp luật” quy định tại điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 62 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó xác nhận đã chấp hành đúng và đầy đủ nội quy, quy chế; chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước tại nơi cư trú.
7. “Không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 62 của Bộ luật Hình sự được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội hoặc họ đã quá già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
8. “Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn” quy định tại điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 62, “gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gia đình của người bị kết án gặp tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng dưới mức chuẩn hộ nghèo;
b) Bố, mẹ, vợ, chồng, con của người bị kết án ốm đau kéo dài mà không có người chăm sóc.
9. “Đã quá già yếu” quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự là người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Từ đủ 70 tuổi trở lên;
b) Từ đủ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau, phải nằm điều trị tại bệnh viện liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ 03 lần trở lên (mỗi lần từ 01 tháng trở lên), không có khả năng tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bệnh viện.
10. “Do nhu cầu công vụ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp cơ quan có thẩm quyền thấy cần thiết phải có người bị xử phạt tù để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ.
Dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù do hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Về một số từ ngữ
- Điều 3. Về thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự
- Điều 4. Về miễn chấp hành hình phạt quy định tại Điều 62 của Bộ luật Hình sự
- Điều 5. Về giảm mức hình phạt đã tuyên quy định tại Điều 63 của Bộ luật Hình sự
- Điều 6. Về giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự
- Điều 7. Về hoãn chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 67 của Bộ luật Hình sự
- Điều 8. Về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 68 của Bộ luật Hình sự
- Điều 9. Hiệu lực thi hành