Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6937/BGTVT-TC | Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2021 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhận được văn bản số 4780/BTC-QLG ngày 12/5/2020 của Bộ Tài chính về việc đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 47/2018/TT-BTC ngày 15/5/2018 hướng dẫn xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông và thủy lợi (sau đây viết tắt: Thông tư 47). Về vấn đề này, trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Thông tư 47 và báo cáo của các đơn vị, trong phạm vi chuyên ngành Bộ GTVT có ý kiến như sau:
1. Đối với hoạt động chung khai thác tài sản KCHT giao thông:
a) Khoản 1 Điều 3 Thông tư 47 hướng dẫn nguyên tắc xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê phải “bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ để hình thành, quản lý tài sản, phù hợp … và phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, …” hiện nay rất khó áp dụng do mỗi tài sản có đặc điểm, giá trị, công năng, mục đích sử dụng, quy mô đầu tư, vị trí ... là khác nhau. Mặt khác, tài sản KCHT giao thông có thể được đầu tư trong thời gian dài, nhiều giai đoạn khác nhau; đặc biệt đây là tài sản sử dụng chung nên giá trị sử dụng của tài sản tại thời điểm đấu giá là quan trọng nhất. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư 47 hướng dẫn cho phù hợp.
- Về nội dung hướng dẫn “Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là giá thu cố định, giá thu biến đổi được xác định theo phương pháp chi phí, …”: đề nghị Bộ Tài chính làm rõ “Giá khởi điểm” bằng (=)“giá thu cố định” cộng (+) “giá thu biến đổi” hay là (=)“giá thu cố định” hoặc (=)“giá thu biến đổi” tùy theo phương pháp xác định.
- Về Khoản 1: hướng dẫn giá thu cố định năm bằng (=) Giá trị hao mòn hoặc khấu hao tài sản hàng năm cộng (+) Tiền trả nợ gốc, lãi vay hàng năm (nếu có) cộng (+) Chi phí phục vụ quản lý, khai thác tài sản hàng năm. Theo đó, đối với những tài sản sắp hết hao mòn hoặc khấu hao thì việc xác định giá theo phương pháp trên sẽ không bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ để hình thành, quản lý tài sản. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư 47 hướng dẫn cho phù hợp.
- Về Khoản 2: hướng dẫn giá thu biến đổi được xác định theo tỷ lệ (%) của doanh thu khai thác. Tỷ lệ % tối thiểu được xác định trên cơ sở đề nghị của đối tượng được giao tài sản sẽ dẫn đến khó thống nhất do các bên có thể xác định khác nhau về cơ sở, phương pháp tính toán Tỷ lệ % tối thiểu. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư 47 hướng dẫn cho phù hợp.
c) Điều 7 Thông tư 47 có hướng dẫn “Giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản KCHT bao gồm: Giá trị hao mòn còn lại hoặc khấu hao còn lại sau khi đánh giá lại của tài sản trong thời gian chuyển nhượng cộng (+) Tổng lợi nhuận, ... Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể việc “đánh giá lại của tài sản trong thời gian chuyển nhượng”. Đặc biệt, đặc thù của tài sản KCHT giao thông do lịch sử hình thành, đầu tư từ lâu đời, nhiều tài sản được đầu tư từ thời Pháp thuộc (trên 100 năm), việc theo dõi, ghi chép còn hạn chế cho nên việc đánh giá lại tài sản rất khó thực hiện.
Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi theo hướng xác định giá khởi điểm căn cứ vào mức độ khai thác trước đây (nếu có) hoặc doanh thu dự báo, lợi nhuận dự kiến Nhà nước thu được từ việc khai thác tài sản trong thời gian chuyển nhượng cộng với chi phí phục vụ quản lý, khai thác tài sản (nếu có).
d) Nội dung liên quan mà Thông tư 47 chưa hướng dẫn hoặc cần làm rõ:
- Về giá khởi điểm:
Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ- CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá) có quy định "Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối đa hoặc giá tối thiểu đối với giá cho thuê tài sản nhà nước là công trình KCHT phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng".
Điểm h khoản 1 Điều 8 Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2016 của Bộ Tài chính (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá) thì Cục Quản lý giá có trách nhiệm “tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối đa hoặc giá tối thiểu đối với giá cho thuê tài sản nhà nước là công trình KCHT phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực”.
Theo quy định tại các Nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHT giao thông, đối với quy định giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản KCHT giao thông thì Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, quyết định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản KCHT giao thông.
Như vậy, có 2 cơ quan quyết định giá cho thuê là Bộ Tài chính và Bộ GTVT và đồng thời có 03 giá khác nhau là "giá tối đa", "giá tối thiểu" và "giá khởi điểm". Vì vậy đề nghị có quy định, hướng dẫn, làm rõ giữa "giá tối thiểu" và "giá khởi điểm"; khi nào "giá tối thiểu" là "giá khởi điểm" và khi đó cơ quan nào là cơ quan duyệt giá. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn làm rõ.
- Thông tư 47 chưa hướng dẫn việc sau khi có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản thì phải thực hiện những nội dung gì liên quan đến giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá, … đối với tài sản KCHT chưa có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 47 (vì có thể đến thời điểm có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản đề án cho thuê đã được phê duyệt, đã lựa chọn được bên thuê, Hợp đồng cho thuê đã được ký kết, ...). Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung hướng dẫn Thông tư 47.
- Việc “đánh giá lại của tài sản trong thời gian chuyển nhượng” trong Điều 7 - Thông tư 47 khi quy định “Giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản KCHT bao gồm: Giá trị hao mòn còn lại hoặc khấu hao còn lại sau khi đánh giá lại của tài sản trong thời gian chuyển nhượng cộng (+) Tổng …. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung hướng dẫn Thông tư 47
- Thông tư 47 chưa hướng dẫn cách xác định tiền thuê đất, thuê mặt nước trong cơ cấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn khai thác đối với tài sản KCHT gắn với đất, mặt nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ như quy định tại các Nghị định: số 43/2018/NĐ-CP (khoản 6 Điều 16) về hàng hải; số 45/2018/NĐ-CP (khoản 4 Điều 15) về đường thủy nội địa; … Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung hướng dẫn Thông tư 47.
- Điều 9 (Tổ chức thực hiện) Thông tư 47 chưa hướng dẫn xử lý chuyển tiếp đối với các Hợp đồng cho thuê khai thác tài sản KCHT ký trước ngày các Nghị định của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHT có hiệu lực nhưng thời điểm sửa đổi, bổ sung Hợp đồng lại sau ngày hiệu lực của Nghị định thì có phải xây dựng lại phương án giá cho thuê hay không?. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung hướng dẫn Thông tư 47.
2. Đối với riêng hoạt động khai thác tài sản KCHT đường sắt:
a) Vướng mắc về đối tượng trong xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (KCHTĐS) liên quan trực tiếp đến chạy tàu (Điều 6 Thông tư 47) và không trực tiếp đến chạy tàu (Điều 8 Thông tư 47): thực tế cho thấy có một số KCHTĐS trực tiếp đến chạy tàu (như đường truyền, cáp tín hiệu, ống, …) nhưng khi cho thuê thì việc tính giá lại không lấy doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt làm căn cứ nên không áp dụng được theo Điều 6 Thông tư 47. Do đó sẽ thiếu quy định để xác định giá khởi điểm cho đối tượng KCHTĐS này. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung hướng dẫn các trường hợp này được áp dụng theo Điều 5 Thông tư 47.
b) Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 47/2018/TT-BTC hướng dẫn “Giá khởi điểm bình quân cho thuê tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư liên quan trực tiếp đến chạy tàu là 8% tính trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt.” nhưng chưa quy định cụ thể doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt tính trong thời gian nào. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung Thông tư 47 hướng dẫn rõ cụ thể doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt tính trong thời gian nào.
c) Về phương thức xây dựng, trình tự phê duyệt xác định giá cho thuê hoặc giá khởi điểm để đấu giá cho thuê trong trường hợp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng và khai thác KCHTĐS hoặc tổ chức, cá nhân sử dụng KCHTĐS: đây là các nội dung có trong Thông tư 21 và hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào thay thế (nếu áp dụng Thông tư 47 đối với doanh nghiệp trực tiếp khai thác, cung cấp dịch vụ cho thuê sử dụng KCHTĐS là không phù hợp). Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, bổ sung hướng dẫn Thông tư 47.
d) Ngoài ra, TCTy Đường sắt VN có đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 47:
- Về phạm vi áp dụng: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư 47 thì Thông tư này hướng dẫn cơ quan quản lý nhà nước xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuê hoặc tổ chức, cá nhân thuê quyền khai thác hoặc nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản KCHTĐS. Thông tư 47 không áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản KCHTĐS.
Do đó, TCTy Đường sắt VN (là doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) chưa đủ cơ sở áp dụng các quy định của Thông tư 47 đối với việc cho thuê quyền khai thác tài sản KCHTĐS.
- Về hướng dẫn thực hiện việc cho thuê tài sản KCHTĐS trong giai đoạn chuyển tiếp: Hiện nay, Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHTĐS vẫn chưa được phê duyệt và đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện; chưa xác định được chủ thể (cơ quan, doanh nghiệp) được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHTĐS. Trong thời gian chuyển tiếp từ thời điểm Nghị định số 46/2018/NĐ-CP có hiệu lực đến thời điểm Đề án được phê duyệt, TCTy Đường sắt VN vẫn đang tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS phục vụ kinh doanh vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn; đồng thời tổ chức cung cấp các dịch vụ kinh doanh KCHTĐS theo đơn giá cho thuê tối thiểu áp dụng theo Quyết định số 1129/QĐ-BTC ngày 27/5/2014 của Bộ Tài chính để duy trì nguồn thu cho NSNN. TCTy Đường sắt VN chưa nhận được các văn bản hướng dẫn liên quan về nguyên tắc, phương pháp, phương thức xây dựng, trình tự phê duyệt, thẩm quyền xác định đơn giá dịch vụ cho thuê tài sản KCHTĐS trong giai đoạn chuyển tiếp.
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, trình và thẩm quyền phê duyệt xác định đơn giá, khung giá dịch vụ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực tiếp quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHTĐS.
- Ban hành đơn giá, khung giá dịch vụ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực tiếp quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHTĐS (tương tự như đối với lĩnh vực hàng không).
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, trình và phê duyệt xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê tài sản KCHTĐS cho các đối tượng áp dụng của Thông tư 47.
- Bổ sung quy định về xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác KCHTĐS liên quan trực tiếp đến chạy tàu hoặc không liên quan trực tiếp đến chạy tàu mà doanh thu vận tải không phải là căn cứ để tính giá.
- Đề nghị áp dụng phương pháp so sánh khi xác định giá cho thuê quyền khai thác, giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản KCHTĐS, không áp dụng phương pháp chi phí.
- Hướng dẫn để TCTy Đường sắt VN thực hiện các hợp đồng cho thuê tài sản KCHTĐS trong thời gian chuyển tiếp từ thời điểm Nghị định số 46/2018/NĐ-CP có hiệu lực đến thời điểm Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHTĐS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên đây là các nhận xét, đánh giá, kiến nghị của Bộ GTVT về Thông tư 47 trong phạm vi đối với tài sản KCHT giao thông; do tính chất phức tạp của hoạt động khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nói chung và KCHT giao thông nói riêng, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp thêm ý kiến của cơ quan, đơn vị liên quan và sớm xem xét các vướng mắc, khó khăn, tồn tại để có văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư 47 hướng dẫn cho phù hợp đúng quy định.
Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính xem xét các ý kiến có liên quan đến Thông tư 47 và việc bãi bỏ Thông tư số 21/2008/TT-BTC đã được Bộ GTVT nêu tại văn bản số 1622/BGTVT-TC ngày 26/02/2021 của Bộ GTVT gửi Bộ Tài chính khi tham gia dự thảo Thông tư bãi bỏ Thông tư số 21/2008/TT-BTC ngày 04/4/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phương thức thu phí và mức thu phí, giá thuê sử dụng KCHT đường sắt quốc gia.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết theo quy định.
Trân trọng!
Tài liệu gửi kèm văn bản: số 1622/BGTVT-TC ngày 26/02/2021 của Bộ GTVT; số 1224/CĐSVN-QLXD&KCHTĐS ngày 28/5/2021 của Cục Đường sắt VN; số 1903/CHHVN-KCHTHH ngày 20/5/2021 của Cục Hàng hải VN; số 1405/ĐS-TCKT ngày 07/6/2021 của TCTy Đường sắt VN./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 5659/BTC-QLCS năm 2018 thực hiện các Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và giao thông do Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn 12254/VPCP-CN năm 2018 về hoàn thiện Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 5765/BGTVT-TC năm 2021 về xử lý vướng mắc trong bàn giao tài sản công trình điện của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt sang Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Thông tư 21/2008/TT-BTC hướng dẫn phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư do Bộ Tài chính ban hành
- 2Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá
- 3Thông tư 56/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 177/2013/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Nghị định 149/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá
- 5Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- 6Nghị định 43/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
- 7Nghị định 45/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa
- 8Thông tư 47/2018/TT-BTC hướng dẫn xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 9Công văn 5659/BTC-QLCS năm 2018 thực hiện các Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và giao thông do Bộ Tài chính ban hành
- 10Công văn 12254/VPCP-CN năm 2018 về hoàn thiện Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Công văn 5765/BGTVT-TC năm 2021 về xử lý vướng mắc trong bàn giao tài sản công trình điện của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt sang Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Công văn 6937/BGTVT-TC năm 2021 về đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 47/2018/TT-BTC do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 6937/BGTVT-TC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 16/07/2021
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/07/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra