Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 691/UBDT-VP135
V/v Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 135 sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2017

 

Kính gửi: Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Nhận được văn bản số 125/CV-VPQGGN ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, về việc Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Ủy ban Dân tộc báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 135 sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 (Báo cáo đính kèm) đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổng hợp vào báo cáo chung của Ban chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc;
- Lưu: VT, VP 135 (03b).

TL. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
VỤ TRƯỞNG, CHÁNH VĂN PHÒNG 135




Võ Văn Bảy

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ 6 THÁNG ĐẦU NĂM, NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017 THỰC HIỆN DỰ ÁN 2: CHƯƠNG TRÌNH 135 THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo văn bản số: 691/UBDT-VP135 ngày 24/7/2017 của Ủy ban Dân tộc)

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017.

1. Công tác chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện Chương trình.

1.1. Xác định diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Ủy ban Dân tộc đã rà soát, tổng hợp xin ý kiến các bộ danh sách các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020;

Từ kết quả trên Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 09/TTr-UBDT ngày 23/5/2017; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020;

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban đã ban hành Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 7 năm 2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

1.2. Xây dựng văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện Chương trình 135.

Ngay từ đầu năm để tạo điều kiện cho địa phương dễ thực hiện, Ủy ban Dân tộc đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 năm 2017 (văn bản số 130/UBDT-VP135 ngày 22/02/2017)

Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-UBDT ngày 10/5/2017 Quy định chi tiết thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra Ủy ban Dân tộc đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trả lời nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện chương trình, văn bản gửi các tỉnh tỉnh Hà Giang, Sơn La, Bình Định, Đắc Lắc, Quảng Trị...

2. Công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình.

2.1. Xây dựng kế hoạch năm và trung hạn.

Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xây dựng kế hoạch phân bố kinh phí thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020; phân bổ kinh phí đầu tư phát triển (bổ sung) cho Chương trình 135 năm 2017. Phân bổ chi tiết dự toán chi ngân sách trung ương thực hiện chương trình 135 năm 2017 gửi các địa phương theo quy định tại Quyết định số 556/QĐ BKHĐT ngày 19/4/2017. Với tổng số vốn thông báo cho các địa phương thực hiện Chương trình 135 năm 2017 là 3.769.753 triệu đồng trong đó: vốn đầu tư phát triển là 2.800.753 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 969.000 triệu đồng, vốn duy tu bảo dưỡng 170.000 triệu đồng, vốn đào tạo nâng cao năng lực 70.000 triệu đồng, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất là 729.000 triệu đồng.

2.2. Phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn.

Tham gia góp ý vào Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT, ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy định chế độ báo cáo việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công; Thông tư số 15/2017/TT-BTC, ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

3. Kết quả thực hiện Chương trình 135 sáu tháng đầu năm 2017.

3.1. Ở Trung ương:

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình tại các khu vực Tây bắc, miền trung Tây nguyên, đông Nam Bộ và tây Nam bộ, trong đó có địa bàn theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương. Qua các chuyến kiểm tra đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của địa phương, cơ sở.

Tiến hành khảo sát xây dựng mô hình đa dạng sinh kế để nhân rộng trong giảm nghèo tại Tuyên Quang và Bắc Giang. Tổ chức các Hội nghị triển khai, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện Chương trình.

Sáu tháng đầu năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành khối lượng công việc do ban chỉ đạo Trung ương phân công đảm bảo được thời gian, tiến độ đáp ứng được yêu cầu chung.

3.2. Ở Địa phương:

3.2.1. Về công tác chỉ đạo điều hành.

Triển khai thực hiện Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng đến nay, hầu hết các tỉnh/ TP trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG theo định hướng của Ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình MTQG.

Ủy ban nhân dân các tỉnh đã xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn thực hiện Chương trình 135, đảm bảo tập trung nguồn lực cho các xã, thôn khó khăn nhất trên địa bàn.

Ngay sau khi có quyết định thông báo vốn của Trung ương, các tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tiêu chí phân bổ vốn, giao kế hoạch cho các huyện, xã triển khai thực hiện các dự án của chương trình. Đến nay 39/50 tỉnh đã có quyết định phân bổ vốn; Các tỉnh triển khai còn chậm, chưa giao kinh phí, hoặc mới giao một phần như Bắc Kạn, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đắk Nông, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Long An, Ninh Thuận, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu...

3.2.2. Kết quả thực hiện.

Chương trình 135 thực hiện tại các địa phương, 6 tháng đầu năm 2017 theo báo cáo chưa đầy đủ kết quả thực hiện như sau:

Tổng vốn trung ương đã phân bổ cho các địa phương là 3.769.753 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 2.800.753 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 969.000 triệu đồng; Ngân sách địa phương tự cân đối là 225.920 triệu đồng; Đến nay các địa phương đã phê duyệt quyết định phân bổ vốn thực hiện Chương trình 135 là 3.137.977 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 2.332.424 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 805.553 triệu đồng. Thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 1872 công trình bao gồm: công trình chuyển tiếp 905 công trình; Khởi công mới 967 công trình; Duy tu bảo dưỡng 318 công trình. Các công trình được đầu tư tập trung chủ yếu vào công trình giao thông, thủy lợi, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, nước sinh hoạt, công trình điện, chợ và công trình khác....; vốn sự nghiệp các địa phương phân bổ thực hiện cho việc Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là 605.821 triệu đồng; Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở là 58.188 triệu đồng, duy tu bảo dưỡng công trình là 141.544 triệu đồng, Thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa phương tập trung chủ yếu là hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, vật tư và một số mô hình phát triển sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, một số tỉnh Lai Châu, Bắc Giang, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Hòa Bình... đã tổ chức một số lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã và các nhóm cộng đồng còn lại một số tỉnh hiện đang xây dựng nội dung, kế hoạch đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, khối lượng thực hiện đạt trên 50% so với kế hoạch, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 35% tập trung ưu tiên vào thanh toán trả nợ công trình đã hoàn thành năm 2016, duy tu bảo dưỡng các công trình của nhóm thợ cộng đồng thực hiện và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho các hộ dân.

3.4. Đánh giá chung kết quả thực hiện Chương trình.

Đến thời điểm hiện tại các văn bản khung như: Diện đầu tư của chương trình, các thông tư hướng dẫn của các bộ cơ bản đã được ban hành, chỉ còn Thông tư hướng dẫn tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chưa được ban hành. Nhìn chung tất cả các văn bản đều thể hiện phân cấp, giao quyền tự chủ cho các địa phương triển khai thực hiện. Nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép nguồn lực, ban hành bổ sung cơ chế của địa phương để thực hiện chương trình và đã thu được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, một số địa phương lúng túng trong việc ban hành nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn; lựa chọn danh mục công trình dự án đặc thù... dẫn đến phân bố kinh phí chậm ảnh hưởng đến tiến độ chung như: Bắc Kạn, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, An Giang, Bạc Liêu, Đắk Nông, Long An ...

4. Một số khó khăn vướng mắc thực hiện Chương trình.

a) Ở trung ương:

Thông tư hướng dẫn tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn vẫn chưa được ban hành cũng gây nhiều khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình 135.

b) Ở địa phương:

Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai Luật đầu tư công và các nghị định kèm theo, đặc biệt việc phê duyệt danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm đối với các dự án khởi công mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước năm kế hoạch (theo điều 27 nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015). Như vậy theo quy định về thời hạn hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2016-2020; theo đó UBND các tỉnh phải thực hiện nhiều khâu công việc vì vậy kéo dài thời gian thực hiện.

Một số địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ vốn thuộc diện đầu tư theo Quyết định số 204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/01/2016, hay chờ Quyết định mới về diện đầu tư.

II. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017.

1. Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ liên quan rà soát các xã bổ sung thuộc diện đầu tư Chương trình 135 theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; các thôn ĐBKK theo Quyết định 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT để bổ sung vốn trong năm 2017 cho các địa phương, dự kiến 238 xã, 703 thôn, đề nghị bổ sung số vốn là 314.655 triệu đồng;

2. Xây dựng tiêu chí xác định xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020;

3. Tổ chức các hoạt động kiểm tra đánh giá chuyên đề chương trình 135 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo;

4. Tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn chia sẻ kinh nghiệm các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện Chương trình 135 năm 2017; Hội thảo về giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng và cơ sở trong quản lý chỉ đạo, tham gia thực hiện kiểm tra giám sát các hoạt động của Chương trình 135 trên địa bàn; Tập huấn triển khai ứng dụng CNTT trong công tác tổng hợp, báo cáo Chương trình 135;

5. Xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn thực hiện Chương trình 135 năm 2018;

7. Thực hiện xây dựng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế trên địa bàn các tỉnh thuộc Chương trình 135;

8. Tiếp tục thực hiện triển khai tiếp nhận nguồn vốn viện trợ năm 2016 và hướng dẫn, theo dõi, đánh giá thực hiện nguồn vốn viện trợ năm 2015.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Đề nghị các bộ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động của địa phương nhằm nắm bắt được thực trạng cơ sở, kịp thời giải quyết các vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình 135 nói riêng và các chính sách giảm nghèo nói chung.

Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 135 trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Dân tộc đề nghị quý cơ quan tổng hợp vào báo cáo chung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 691/UBDT-VP135 báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 135 sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 691/UBDT-VP135
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/07/2017
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Võ Văn Bảy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản