Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4794/TCT-QLN | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2011 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 7032/CT-QLCCN ngày 13/12/2011 của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa kiến nghị về việc tính phạt chậm nộp đối với nợ khó thu; về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc tính phạt nộp chậm
Khoản 1, Điều 106 Luật Quản lý thuế quy định:”Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”
Căn cứ quy định trên, nếu người nộp thuế (NNT) có hành vi chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước so với thời hạn quy định thì sẽ bị xử phạt, không phân biệt khoản tiền thuế nợ do nguyên nhân nào.
2. Về một số trường hợp cụ thể của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa
2.1. Đối với các khoản tiền thuế nợ của NNT đã chấm dứt hoạt động, Cục Thuế chỉ đạo phòng Kiểm tra thuế xác minh về người nộp thuế:
a. Nếu NNT vẫn còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sinh sống tại địa bàn (cơ quan thuế A) thì tiến hành đôn đốc thu tiền thuế nợ theo Quy trình quản lý nợ thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TCT ngày 14/10/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (viết tắt là Quy trình 1395).
Nếu phát hiện NNT hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sinh sống tại địa bàn khác với địa bàn quản lý thì phối hợp với cơ quan thuế tại địa bàn NNT đang sản xuất kinh doanh hoặc đang sinh sống (cơ quan thuế B) để đôn đốc thu tiền thuế nợ. Quy trình đôn đốc thực hiện như sau:
- Cơ quan thuế A dự thảo văn bản kèm theo Thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp (mẫu số 07/QLN), gửi cho cơ quan thuế B đề nghị phối hợp đôn đốc NNT nộp tiền thuế nợ vào NSNN.
- Cơ quan thuế B gửi Thông báo 07/QLN cho NNT, sau 10 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo 07/QLN, nếu NNT chưa nộp tiền thuế nợ vào NSNN thì cơ quan thuế B mời NNT đến làm việc tại trụ sở cơ quan thuế hoặc làm việc trực tiếp tại trụ sở của NNT (thực hiện theo quy định tại điểm 5.2, khoản 5, mục II, phần B, Quy trình 1395).
- Nếu khoản nợ của NNT trên 90 ngày, cơ quan thuế A lập thông báo sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế (mẫu số 09/TB-CCNT) gửi cho cơ quan thuế B đề nghị tổ chức thực hiện cưỡng chế nợ thuế, đồng thời gửi cho NNT để biết.
Cơ quan thuế B ban hành Quyết định thành lập Tổ cưỡng chế nợ thuế (đối với các biện pháp có quy định) để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế, thành phần Tổ cưỡng chế nợ thuế sẽ bao gồm một thành viên là đại diện của cơ quan thuế A. Quy trình thực hiện theo quy định tại Quy trình cưỡng chế nợ thuế ban hành kèm theo Quyết định số 490/QĐ-TCT ngày 08/5/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
b. Nếu NNT không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sinh sống tại địa bàn:
- Từ 6 tháng trở lên thì thực hiện như sau: Dự thảo “Đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú” gửi tới Tòa án theo quy định tại Điều 324 Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội: Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú khi người đó biệt tích trong sáu tháng liền trở lên và đồng thời có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt đó theo quy định của Bộ luật dân sự.
Đơn yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú phải có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 của Bộ luật này. Đồng thời, gửi kèm theo đơn yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú phải có chứng cứ để chứng minh là người đó biệt tích trong sáu tháng liền trở lên.
- Từ 2 năm trở lên thì thực hiện như sau: Dự thảo “Đơn yêu cầu tuyên bố người mất tích” gửi tới Tòa án theo quy định tại Điều 330 Bộ luật tố tụng dân sự (nêu trên): Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích phải có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 của Bộ luật này. Đồng thời, gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Trong trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
Khi có quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án, cơ quan thuế lập đầy đủ hồ sơ và đề nghị xóa nợ thuế theo quy định tại các Điều 66, 67, 68 Chương VIII của Luật quản lý thuế.
2.2. Đối với trường hợp người nộp thuế lâm vào tình trạng giải thể, phá sản
a. Trường hợp phá sản
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 65 Luật Quản lý thuế quy định: Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt thì được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt.
Cơ quan thuế lập hồ sơ, gửi cơ quan thuế cấp trên để xem xét xóa nợ tiền thuế, tiền phạt theo quy định tại các Điều 66, 67, 68 Chương VIII của Luật quản lý thuế.
Trường hợp Tòa án chưa ra Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi đến khi Tòa án ra Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thu thập đủ hồ sơ, trình cơ quan thuế cấp trên xem xét xóa nợ tiền thuế.
b. Trường hợp giải thể
- Khoản 3, Điều 158 Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội quy định: “Quyết định giải thể phải được gửi cho các chủ nợ kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ”
- Khoản 4, Điều 158 Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội quy định: “Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
b) Nợ thuế và các khoản nợ khác.
Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty”
Căn cứ các quy định nêu trên, khi cơ quan thuế nhận được Quyết định giải thể của doanh nghiệp gửi đến, cơ quan thuế phải tiến hành đôn đốc để thu hồi tiền thuế nợ.
2.3. Đối với trường hợp người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự chưa có hồ sơ đề nghị xóa nợ như đã nêu tại điểm 3 công văn 7032/CT-QLCCN (nêu trên)
Đề nghị Cục Thuế thống kê đầy đủ các trường hợp, nêu rõ các hồ sơ còn thiếu theo quy định và đề xuất xử lý đối với từng trường hợp cụ thể để Tổng cục Thuế tổng hợp báo cáo Bộ.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Bộ luật Dân sự 2005
- 2Luật Doanh nghiệp 2005
- 3Luật quản lý thuế 2006
- 4Bộ luật Tố tụng dân sự 2004
- 5Quyết định 490/QĐ-TCT năm 2009 ban hành quy trình cưỡng chế nợ thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 6Quyết định 1395/QĐ-TCT năm 2011 về Quy trình quản lý nợ thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 7Công văn 1660/TCHQ-PC về phạt chậm nộp thuế và xử phạt vi phạm hành chính do Tổng cục Hải quan ban hành
- 8Công văn 1163/TCT-CS xử phạt chậm nộp thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 9Công văn 3826/TCT-QLN năm 2015 về phân loại nợ khó thu do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 4794/TCT-QLN về tính phạt chậm nộp nợ khó thu do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 4794/TCT-QLN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 29/12/2011
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Trịnh Hoàng Cơ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/12/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra