Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4685/TCT-CS
V/v chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi:

- Cục Thuế thành phố Hà Nội;
- Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO).
(Đ/c: Tầng 21, 22 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, Q.Đống Đa, TP Hà Nội)

 

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1777/2014/TSC/TCKT ngày 11/9/2014 của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đề nghị hướng dẫn về xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi phí mua bảo hiểm sức khỏe cho cán bộ nhân viên (CBNV). Về vấn đề này, sau khi báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Đối với khoản chi mua bảo hiểm cho người lao động của Doanh nghiệp:

Tại điểm 2.11 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“2.11. Phần chi vượt mức 01 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động.

Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại điểm này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động theo quy định của pháp luật trước sau đó mới được tính vào chi phí được trừ đối với khoản bảo hiểm tự nguyện nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Doanh nghiệp không được tính vào chi phí đối với các khoản chi cho chương trình tự nguyện nêu trên nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).”

Căn cứ quy định nêu trên, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi phí mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động và bị khống chế theo quy định tại điểm 2.11, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 16/8/2014 của Bộ Tài chính.

2. Đối với các khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động:

Tại khoản 4a, Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế quy định được tính vào chi phí đối với các khoản chi có tính chất phúc lợi như sau:

“Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.”

Tại Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính trong đó sửa đổi, bổ sung điểm 2.31 Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính như sau:

2.31. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Quỹ lương thực hiện trong năm được quy định tại tiết c, điểm 2.5, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.

- Các khoản chi khác mang tính chất đặc thù, phù hợp theo từng ngành nghề, lĩnh vực theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

Đề nghị Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) căn cứ quy định nêu trên và thực tế tính chất của các khoản chi để xác định cho phù hợp. Trường hợp còn vướng mắc thì đề nghị Tổng công ty liên hệ với Cục Thuế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Tổng cục Thuế trả lời Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC-BTC;
- Vụ PC-TCT;
- Lưu VT, CS (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4685/TCT-CS năm 2014 về chính sách thuế đối với khoản chi phí mua bảo hiểm sức khỏe cho cán bộ nhân viên do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 4685/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/10/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản