Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3022/TCTHADS-NV1 | Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2017 |
Kính gửi: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Nghị quyết số 42/2017/QH14) và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14. Để thống nhất nguyên tắc áp dụng các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, trên cơ sở trao đổi ý kiến với Vụ 11 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) như sau:
1. Nguyên tắc áp dụng
Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có hiệu lực. Do đó, từ ngày 15/8/2017 đến khi Nghị quyết này hết hiệu lực, cơ quan THADS áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 để thực hiện việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Đối với những việc thi hành án liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đã được cơ quan THADS tổ chức thi hành xong một phần hoặc chưa thi hành xong trước ngày 15/8/2017 nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì trình tự, thủ tục và kết quả thi hành án được công nhận. Các thủ tục thi hành án tiếp theo mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 điều chỉnh thì được thực hiện theo Nghị quyết này.
2.1. Về nguyên tắc xác định các khoản nợ xấu (Điều 4)
Tại Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã xác định khoản nợ xấu gồm: Khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017; khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Do đó, tổ chức tín dụng có trách nhiệm xác định bằng văn bản về khoản nợ tại các bản án, quyết định của Tòa án là khoản nợ xấu để cơ quan THADS có cơ sở áp dụng các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong quá trình tổ chức thi hành án.
2.2. Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 7)
Theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14, tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật. Do đó, trong trường hợp cơ quan THADS đang kê biên tài sản bảo đảm (kể cả việc kê biên theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự) hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thì tổ chức tín dụng cũng không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Đối với trường hợp đương sự có thỏa thuận về việc tự tổ chức thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ các quy định pháp luật về thi hành án dân sự để thực hiện (ví dụ: các đương sự thỏa thuận với nhau về việc yêu cầu cơ quan thi hành án đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự áp dụng điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự để đình chỉ việc thi hành án nếu thỏa thuận đó không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba).
2.3. Về việc kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án (Điều 11)
Từ ngày 15/8/2017, cơ quan THADS chi kê biên tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) để thi hành bản án, quyết định của Tòa án về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; (ii) có sự đồng ý kê biên bằng văn bản của tổ chức tín dụng.
Đối với trường hợp cơ quan THADS đã thực hiện việc kê biên theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự trước ngày 15/8/2017 thì vẫn tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2.4. Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12)
Từ ngày 15/8/2017, khi thực hiện việc thanh toán khoản tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, cơ quan THADS ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi trừ chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Đối với các nghĩa vụ khác của người phải thi hành án chỉ được thực hiện thanh toán trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế.
Riêng đối với khoản án phí, cơ quan thi hành án dân sự tạo điều kiện để các bên đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thỏa thuận nhằm đảm bảo khoản thu nộp ngân sách Nhà nước và kết thúc được hồ sơ thi hành án chủ động đối với khoản án phí.
3. Tổ chức thực hiện
Yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nội dung được hướng dẫn tại Công văn này đến các Chấp hành viên, cán bộ công chức trong đơn vị và các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc địa bàn, bảo đảm triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc cần kịp thời báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự để có biện pháp giải quyết./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Chỉ thị 06/CT-NHNN năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 2Quyết định 1533/QĐ-NHNN năm 2017 Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 3Thông tư 09/2017/TT-NHNN về sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 4Công văn 8424/NHNN-TTGSNH năm 2018 về tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 1Luật thi hành án dân sự 2008
- 2Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Quốc hội ban hành
- 3Chỉ thị 32/CT-TTg năm 2017 thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 06/CT-NHNN năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 5Quyết định 1533/QĐ-NHNN năm 2017 Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 6Thông tư 09/2017/TT-NHNN về sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 7Công văn 8424/NHNN-TTGSNH năm 2018 về tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Công văn 3022/TCTHADS-NV1 năm 2017 về hướng dẫn nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 do Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành
- Số hiệu: 3022/TCTHADS-NV1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 15/08/2017
- Nơi ban hành: Tổng cục Thi hành án dân sự
- Người ký: Hoàng Sỹ Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/08/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra