Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13869/BTC-TCHQ
V/v chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2017

 

Kính gửi: Công ty TNHH Tân Bình.
(Số 56, đường Nguyễn Văn Linh, TP. Hải Phòng)

Bộ Tài chính nhận được công văn số 5177/VPCP-ĐMDN ngày 19/5/2017, số 7002/VPCP-ĐMDN ngày 05/7/2017 của Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét, trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Tân Bình. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc tính thuế, thu thuế khâu nhập khẩu tàu và dầu chứa trong tàu.

Trường hợp của Công ty TNHH Tân Bình mua của đối tác nước ngoài 07 tàu biển vận tải quốc tế mang quốc tịch Việt Nam theo điều kiện giao hàng tại cảng nước ngoài. Công ty đã mua một lượng nhiên liệu dầu DO, FO chứa trong tàu.

Một phần nhiên liệu chứa trong tàu đã trực tiếp chuyển hóa thành năng lượng vận hành tàu về đến Việt Nam, không phải là hàng hóa nhập khẩu độc lập, hữu hình hiện diện tại thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam vì đã tiêu hao thuộc loại chi phí vận chuyển tàu về Việt Nam.

Khi tàu nhập khẩu vào Việt Nam, phần nhiên liệu còn lại chứa trong tàu là hàng hóa nhập khẩu độc lập, hữu hình. Như vậy, tại thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam tồn tại 02 mặt hàng nhập khẩu: (i) Tàu; (ii) Dầu DO, FO còn lại trong tàu.

Do đó, ngoài việc doanh nghiệp kê khai nộp thuế đối với tàu nhập khẩu vào Việt Nam, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế đối với lượng dầu còn lại trong tàu nhập khẩu. Vì lượng dầu này thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Điều 2), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 2, Điều 3), Luật thuế bảo vệ môi trường (Điều 3, Điều 4), Luật thuế giá trị gia tăng (Điều 3, Điều 5), Luật Biên giới quốc gia (Điều 1). Nếu sau đó lượng dầu này không sử dụng tại Việt Nam mà được tái xuất ra nước ngoài theo tàu xuất cảnh thì sẽ được hoàn lại tiền thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã nộp theo quy định của pháp luật về thuế.

Theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 30 Luật quản lý thuế, Điều 5 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, Điều 2 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, người nộp thuế có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ, tự tính, xác định số tiền thuế phải nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kê khai số tiền thuế phải nộp. Trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra phát hiện việc khai thuế, tính thuế không đúng quy định thì có quyền thực hiện ấn định thuế và thu đủ tiền thuế cho Ngân sách Nhà nước.

Trên thực tế, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 843/TCHQ-TXNK ngày 14/02/2017 gửi Công ty TNHH Tân Bình xử lý vướng mắc chính sách thuế đối với lượng nhiên liệu chứa trong 01 tàu (TanBinh139) trong 07 tàu biển nhập khẩu của Công ty TNHH Tân Bình tại Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công văn số 10114/TCHQ-TXNK ngày 25/10/2016 gửi Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang xử lý vướng mắc chính sách thuế đối với lượng nhiên liệu chứa trong tàu nhập khẩu của Công ty CP tàu cao tốc Superdong đóng tại Malaysia.

Như vậy, các văn bản hướng dẫn về chính sách thuế của Tổng cục Hải quan tại các công văn nêu trên là đúng quy định pháp luật thuế hiện hành.

2. Về thông tin doanh nghiệp nêu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh không yêu cầu phải nộp thuế đối với lượng nhiên liệu chứa trong tàu nhập nhập khẩu.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo kiểm tra làm rõ thông tin doanh nghiệp nêu tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và chấn chỉnh việc làm thủ tục hải quan, thủ tục thuế, thu thuế đối với loại hàng hóa này đảm bảo thống nhất đúng pháp luật thuế.

3. Về trị giá hải quan, việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan.

Căn cứ Điều 5, Điều 6, Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Trường hợp Công ty TNHH Tân Bình đã mua bán với đối tác nước ngoài 07 tàu biển vận tải hàng hóa theo điều kiện giao hàng tại cảng nước ngoài. Khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu 07 tàu biển, Công ty khai báo điều kiện giao hàng là giá CFR (bao gồm cả chi phí vận chuyển F) với giá khai báo chỉ là nguyên giá của tàu biển được quy định trong hợp đồng mua bán tàu, tuy nhiên thực tế các tàu trên đều được giao hàng tại nước ngoài (nơi bán tàu), ngoài nguyên giá của tàu ghi trong hợp đồng còn phát sinh các chi phí liên quan đến việc mua tàu như phí vận chuyển tàu từ nước ngoài về Việt Nam, tiền mua dầu cho tàu để chạy về Việt Nam, tiền mua thêm tài sản cho tàu, phụ tùng thay thế, sơn,... Vì vậy, các chi phí phát sinh trước khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được cộng vào trị giá hải quan.

Việc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm tại trụ sở người khai hải quan được quy định tại điểm 2 Điều 78, Điều 80 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 là đúng quy định. Người khai hải quan không đồng ý với kết quả kiểm tra có thể khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa hành chính theo quy định.

Bộ Tài chính thông báo để Công ty TNHH Tân Bình biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/cáo);
- TT Vũ Thị Mai (để b/cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để đăng cổng TT Điện tử);
- Vụ Chính sách thuế;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, TCHQ (12).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 13869/BTC-TCHQ năm 2017 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 13869/BTC-TCHQ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/10/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Dương Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản