Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH BẮC GIANG
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1122/SXD-HĐXD
V/v hướng dẫn quản lý chất lượng công tác khảo sát, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình

Bắc Giang, ngày 29 tháng 09 năm 2015

 

Kính gửi:

- Các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh;
- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Bắc Giang;
- Các chủ đầu tư xây dựng công trình;
- Các Ban QLDA đầu tư xây dựng;
- Các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn xây dựng.

 

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, thời gian qua, Sở Xây dựng đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hoạt động đầu tư xây dựng của các chủ thể đã cơ bản đi vào nề nếp, chất lượng từng bước được nâng lên và kiểm soát chặt chẽ từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp báo cáo của các đơn vị trong quá trình thực hiện thẩm định dự án, thiết kế, dự toán và thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ và hiệu quả dự án. Nguyên nhân là do khâu khảo sát, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chưa được kiểm soát chặt chẽ; nhiều hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế, dự toán chất lượng chưa cao, còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót như: Kết quả khảo sát xây dựng không phù hợp với thực tế; tính toán quy mô, lựa chọn giải pháp thiết kế chưa phù hợp với mục tiêu đầu tư và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng; hồ sơ dự án, thuyết minh thiết kế và các bản vẽ thể hiện còn sơ sài; thiếu các chi tiết và chỉ dẫn kỹ thuật về quy cách, chất lượng, thông số kỹ thuật của vật tư, vật liệu, thiết bị sử dụng cho công trình; thiếu quy trình bảo trì công trình và chưa xác định được thời hạn sử dụng theo thiết kế (tuổi thọ thiết kế) của công trình theo quy định.

Để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tốt chất lượng, ngăn ngừa và hạn chế những tồn tại, thiếu sót nêu trên; Sở Xây dựng hướng dẫn và đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện tốt nội dung sau:

1. Đối với chủ đầu tư xây dựng công trình

a) Thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc khảo sát, lập dự án, thiết kế và dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 68, 76, 85 Luật Xây dựng 2014; Chương II, Chương III Nghị định số 46/2015/NĐ- CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Nghị định số 46/2015/NĐ-CP); Điều 31 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Nghị định số 32/2015/NĐ-CP).

b) Lựa chọn nhà thầu khảo sát, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình phải đủ điều kiện năng lực theo quy định.

c) Quản lý chặt chẽ chất lượng công tác khảo sát xây dựng, bao gồm: Tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát; tổ chức giám sát công tác khảo sát, kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu khảo sát về nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường, phòng thí nghiệm (nếu có) được sử dụng so với phương án khảo sát được duyệt và quy định của hợp đồng đã ký với nhà thầu; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện khảo sát của nhà thầu về vị trí, khối lượng, quy trình thực hiện khảo sát, lưu trữ số liệu, mẫu thí nghiệm, quy trình thí nghiệm trong phòng và hiện trường, công tác an toàn lao động, môi trường trong quá trình thực hiện khảo sát; nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát theo quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14, 15, 16 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

d) Quản lý chặt chẽ chất lượng công tác lập dự án, thiết kế và dự toán xây dựng công trình, bao gồm:

- Tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình phù hợp với báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình. Nội dung nhiệm vụ thiết kế phải tuân thủ quy định tại Điều 18 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ chất lượng công tác lập dự án, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, thiết kế và dự toán xây dựng công trình theo đúng quyết định chủ trương đầu tư và nhiệm vụ thiết kế được duyệt, bao gồm:

+ Nội dung dự án, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình theo quy định tại Điều 54, 55 Luật Xây dựng 2014.

+ Thiết kế xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu và quy cách hồ sơ thiết kế theo quy định tại Điều 79 Luật Xây dụng 2014 và Điều 21 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Nội dung thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (bao gồm: thiết kế kỹ thuật - trường hợp thiết kế 3 bước, thiết kế bản vẽ thi công - trường hợp thiết kế 1 bước và 2 bước) theo quy định tại Điều 80 Luật Xây dựng 2014. Yêu cầu nhà thầu thiết kế phải quy định cụ thể trong hồ sơ thiết kế các nội dung về chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình; đối với công trình từ cấp II trở lên, chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu lập chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình riêng.

Nội dung chỉ dẫn kỹ thuật theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 và Điều 19 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; trong đó, quy định cụ thể về quy cách, chất lượng, thông số kỹ thuật của vật tư, vật liệu, thiết bị sử dụng cho công trình, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình và yêu cầu của thiết kế xây dựng công trình.

Nội dung quy trình bảo trì công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

+ Tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng phải phù hợp với bước thiết kế xây dựng. Nội dung và cách xác định tổng mức đầu tư, nội dung và cách xác định dự toán xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 4, 5, 8, 9 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP.

- Khi tổ chức lập dự án, tổng mức đầu tư, thiết kế và dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư cần lưu ý trong các trường hợp sau đây:

+ Trường hợp các công việc xây dựng chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của công trình thì chủ đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 4, Điều 19 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP.

+ Trường hợp sử dụng các loại vật liệu xây dựng, vật tư, thiết bị lắp đặt vào công trình không có trong Công bố giá của Liên Sở: Xây dựng-Tài chính tại thời điểm lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình thì chủ đầu tư tổ chức lập danh mục kèm theo mức giá, gửi về Liên Sở: Xây dựng-Tài chính để Liên Sở cho ý kiến về giá, làm cơ sở áp dụng.

Các loại vật tư, vật liệu, thiết bị gửi về Liên Sở để cho ý kiến về giá, chủ đầu tư phải chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ, quy cách, chất lượng, thông số kỹ thuật của sản phẩm, mức giá và tài liệu quản lý chất lượng kèm theo (nếu có).

Hồ sơ tham gia ý kiến về giá vật tư, vật liệu xây dựng gửi Liên Sở: Xây dựng - Tài chính được thực hiện theo Hướng dẫn số 01/HDLS: XD-TC ngày 02/01/2014 của Liên sở: Xây dựng- Tài chính.

+ Trường hợp sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình có yêu cầu nâng tầng, chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện kiểm định, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình làm cơ sở cho việc thiết kế xây dựng công trình. Tài liệu kiểm định, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình phải do đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện và là thành phần của hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng công trình.

- Sau khi hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, thiết kế và dự toán xây dựng công trình được phê duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu theo đúng quy định.

- Dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng đã được phê duyệt, trong quá trình thực hiện, nếu phải điều chỉnh thì chủ đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định tại: Điều 61, 84 Luật Xây dựng 2014; Điều 14 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 59/2015/NĐ-CP); Điều 7, 11 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP và các quy định hiện hành liên quan. Các nội dung điều chỉnh phải được cấp có thẩm quyền (Người có thẩm quyền) cho phép trước khi thực hiện.

2. Đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn khảo sát xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình (sau đây gọi là nhà thầu tư vấn)

a) Thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn theo quy định tại Điều 70, 77, 86 Luật Xây dựng 2014; Chương II, Chương III Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; Điều 32 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP.

b) Hoạt động xây dựng (tư vấn lập dự án, khảo sát, thiết kế xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ...) là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Do vậy, nhà thầu tư vấn phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Chương VIII Luật Xây dựng 2014 và Chương IV Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

c) Chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi hoạt động xây dựng, phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động xây dựng được cấp có thẩm quyền cho phép.

d) Thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn theo đúng nội dung hợp đồng đã được ký kết với chủ đầu tư, phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động xây dựng và pháp luật liên quan.

đ) Thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng công tác lập dự án, khảo sát, thiết kế xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo các nội dung tại Điểm d, Mục 1 Công văn này và Điều 14, 20 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Trong hồ sơ thiết kế xây dựng phải quy định rõ về chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng (không áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã hết hết hiệu lực). Việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải tuân thủ theo quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng 2014 và Điều 6 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Đối với công trình từ cấp II trở lên, phải lập chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình riêng, các công trình còn lại có thể quy định nội dung chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình trong thuyết minh thiết kế xây dựng. Trong nội dung quy trình bảo trì công trình phải xác định thời hạn sử dụng của công trình theo thiết kế (tuổi thọ thiết kế) của công trình.

e) Chịu trách nhiệm về chất lượng hồ sơ dự án, kết quả khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng công trình do mình thực hiện.

g) Thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

3. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm tra, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng công trình

a) Thực hiện đúng quyền, trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 71, 87 Luật Xây dựng 2014. Tổ chức thực hiện thẩm tra, thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng theo đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự, thời gian theo quy định tại Điều 57, 58, 59, 82, 83 Luật Xây dựng 2014; Điều 10, 11, 13, 14, 24, 25, 26, 27, 30 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; Điều 6, 10 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP và các quy định có liên quan.

b) Kiện toàn tổ chức bộ máy, trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, thiết bị, công nghệ và bố trí cán bộ có chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định theo quy định.

c) Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc tham mưu, thẩm tra, thẩm định theo quy định của pháp luật. Không trình cấp thẩm quyền (Người có thẩm quyền) phê duyệt dự án, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế và dự toán xây dựng đối với những hồ sơ dự án, công trình có chất lượng sản phẩm tư vấn xây dựng thấp; không đáp ứng được yêu cầu theo chủ trương đầu tư, nhiệm vụ khảo sát, thiết kế được duyệt; không đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức - kinh tế xây dựng được áp dụng.

d) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà thầu tư vấn có chất lượng sản phẩm tư vấn thấp, phải chỉnh sửa nhiều lần, không đủ điều kiện để trình phê duyệt, vi phạm những quy định về lập dự án, khảo sát, thiết kế và dự toán xây dựng công trình. Đồng thời thống kê, báo cáo tên dự án, công trình, chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn vi phạm về Sở Xây dựng theo định kỳ quý, 6 tháng, năm để đăng tải trên Trang Web của Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan theo quy định.

Trên đây là hướng dẫn của Sở Xây dựng, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu, thực hiện đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng đế nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, HĐXD.
Bản điện tử:
- UBND tỉnh (B/c);
- Website Sở Xây dựng:
- Các phòng ban, đơn vị thuộc Sở;
- Lãnh đạo Sở.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Vi Thanh Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1122/SXD-HĐXD năm 2015 hướng dẫn quản lý chất lượng công tác khảo sát, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình do Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang ban hành

  • Số hiệu: 1122/SXD-HĐXD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/09/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Vi Thanh Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản