Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10646/BKHĐT-KTCNDV | Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2023 |
Kính gửi: | - Các Bộ: Ngoại giao; Tư pháp; Công Thương; Công an (Cục An ninh kinh tế); Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Y tế; |
Nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập dịch vụ trong ASEAN và cải thiện khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ, cũng như góp phần thực thi các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN, Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân, Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ trong ASEAN (ASEAN Services Facilitation Framework - ASFF) đã được Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN (CCS) triển khai xây dựng và hoàn thiện trong năm 2023.
Với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong CCS, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham gia các phiên họp thường niên, phiên họp đặc biệt để thảo luận các nội dung của dự thảo ASFF và phiên họp rà soát pháp lý để hoàn thiện lời văn của ASFF. Thời điểm thông qua ASFF dự kiến tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế hẹp ASEAN lần thứ 30 tổ chức từ ngày 07-08/3/2024 tại Luông Pra-bang, Lào.
Để có cơ sở pháp lý thông qua ASFF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Chương II Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi kèm công văn này các tài liệu: i) Dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nội dung ASFF; ii) Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (bản tiếng Anh); iii) bản dịch tiếng Việt của ASFF; iv) Tổng hợp, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành đối với các nội dung của dự thảo ASFF.
Văn bản góp ý của Quý Cơ quan đề nghị gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/12/2023 để tổng hợp, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt ASFF. Sau thời hạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nhận được ý kiến của Quý Cơ quan xin được hiểu là nhất trí hoàn toàn với hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.
(Thông tin tiên hệ: đ/c Bùi Hồng Vinh, điện thoại: 0902166085; email: bhvinh@mpi.gov.vn)
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Cơ quan./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BKHĐT-KTCNDV | Hà Nội, ngày tháng năm 2023 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trong khuôn khổ chương trình công tác của Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN (CCS) năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng đại diện các nước ASEAN xây dựng và hoàn thiện Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASEAN Services Facilitation Framework - ASFF).
Căn cứ quy định tại Chương II Luật Thỏa thuận quốc tế số 70/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt ASFF như sau:
1. Yêu cầu, mục đích của ASFF
Tầm quan trọng của các quy định trong nước trong việc tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ xuyên biên giới đã được nhìn nhận trong quá trình đàm phán Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện đang có những nỗ lực đa phương nhằm cải thiện cơ chế thương mại dịch vụ, như tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN với các đối tác hay trong Sáng kiến Tuyên bố chung của WTO về quy định trong nước mà một số quốc gia thành viên ASEAN tham gia. Tuy nhiên, trong chính phạm vi của ASEAN, chưa có cách tiếp cận toàn diện và/hoặc độc lập nào để tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ, ngoài việc chỉ điều chỉnh các quy định trong nước từ tác động của các FTA.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 vào tháng 8 năm 2016, Kế hoạch hành động chiến lược về dịch vụ giai đoạn 2016-2025 đã được thông qua. Nhằm triển khai Kế hoạch hành động cũng như giải quyết bất cập nêu trên, nhiệm vụ “Thiết lập các nguyên tắc khả thi đối với các quy định trong nước để đảm bảo khả năng cạnh tranh của khu vực dịch vụ” đã được đề ra. Theo đó, tại các phiên họp của Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN (CCS), các nguyên tắc, thỏa thuận dịch vụ khả thi nhằm giải quyết các vấn đề mới đã được thảo luận và là một trong những nội dung ưu tiên hằng năm của CCS trong giai đoạn 2020-2023. CCS đã tiến hành xây dựng ý tưởng và triển khai thảo luận về ASFF và đặt ưu tiên hoàn thành lời văn của ASFF trong năm 2023.
Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ trong ASEAN được xác định như một bộ nguyên tắc chung và kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập dịch vụ trong ASEAN và cải thiện khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ, cũng như góp phần thực thi các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA), Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (MNP), Sáng kiến Tuyên bố chung của WTO về quy định trong nước đối với lĩnh vực dịch vụ, cũng như phù hợp với sự phát triển và thực tiễn hoạt động của khu vực trong những năm gần đây.
Mục tiêu của ASFF: (i) cải thiện chính sách và quy định hiện hành của các quốc gia trong khu vực ASEAN thông qua việc hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho thương mại và đầu tư; (ii) tăng cường lợi ích hiện có từ các cam kết mở cửa thị trường từ tiến trình hội nhập dịch vụ trong khu vực.
Sau khi được thông qua, ASFF sẽ không có tính chất ràng buộc về pháp lý giữa các nước thành viên ASEAN. Mỗi quốc gia thành viên sẽ nỗ lực duy trì và thực hiện các nguyên tắc của ASFF trong phạm vi có thể thực hiện được và phù hợp với luật pháp, quy định trong nước cũng như tương ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình.
Quá trình xây dựng ASFF:
Với mục tiêu nêu trên, tại CCS 100 (diễn ra trực tuyến từ ngày 07-09/3/2022), CCS yêu cầu Ban thư ký ASEAN xây dựng và đệ trình tài liệu về sự thích ứng của Khung tạo thuận lợi đầu tư ASEAN (AIFF) với ASFF. Để cung cấp thông tin cho Ban thư ký ASEAN, CCS đề nghị các quốc gia thành viên nghiên cứu, đề xuất các vấn đề có tính khả thi để đưa vào ASFF.
Tại CCS 101 (diễn ra trực tuyến từ ngày 25-27/4/2022), CCS đã thảo luận về một số nội dung có thể có trong ASFF, bao gồm: Tăng cường hơn nữa các cam kết của ATISA trong các quy định trong nước dựa trên các cam kết theo RCEP và một số FTA cũng như Sáng kiến chung của WTO về Quy định trong nước về dịch vụ được ký kết gần đây; Giải quyết các vấn đề mới và mới nổi như số hóa và nền kinh tế tuần hoàn hoặc phát triển bền vững; Đưa ra lộ trình hoặc danh sách các hoạt động hỗ trợ cần thực hiện được thực hiện trong tương lai, trong đó có việc phát triển cổng thông tin về các cam kết của các quốc gia ASEAN trong các FTA khác nhau.
Tại CCS 102 (diễn ra tại Phi-líp-pin từ ngày 28-30/9/2022), CCS đã thảo luận về dự thảo ASFF ban đầu do Ban Thư ký ASEAN đề xuất. Các nước thành viên đã bày tỏ quan điểm đối với bản dự thảo như cần tập trung vào hợp tác trong khu vực, tăng tính kết nối, tăng cường hơn nữa hiệu quả của hội nhập dịch vụ, giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch vụ, ảnh hưởng của ASFF tới cam kết trong ATISA.
Trong năm 2023, CCS đã tổ chức các cuộc họp để tiếp tục thảo luận và hoàn thiện Dự thảo chi tiết của ASFF (02 phiên họp thường niên: CCS 103 từ 28/02-02/3 tại Thái Lan; CCS 104 từ 15-19 tháng 5 tại In-đô-nê-xi-a; và 03 phiên họp đặc biệt: CCS đặc biệt lần 1 theo hình thức trực tuyến: từ 03-05/4; CCS đặc biệt lần 2 từ 05-07/7 tại Xinh-ga-po; CCS đặc biệt lần 3 từ 07-09/8 tại Lào). Phiên họp rà soát pháp lý đối với ASFF đã diễn ra trực tuyến vào ngày 16/10/2023 với sự thống nhất cao giữa các nước thành viên ASEAN đối với phần lời văn của ASFF.
2. Nội dung chính của ASFF
- ASFF bao gồm 16 nguyên tắc, cụ thể: (i) Ban hành và quản lý các biện pháp tác động tới thương mại dịch vụ; (ii) Thủ tục nộp hồ sơ cung cấp dịch vụ; (iii) Đánh giá năng lực doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; (iv) Minh bạch các biện pháp và thông tin; (v) Sự độc lập của các cơ quan có thẩm quyền; (vi) Chi phí; (vii) Tên doanh nghiệp; (viii) Hợp tác; (ix) Nhập cảnh và lưu trú của nhà cung cấp dịch vụ; (x) Tăng cường tận dụng Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau; (xi) Việc sử dụng công nghệ số và internet; (xii) Nền tảng số duy nhất; (xiii) Hoạt động triển khai sắp tới; (xiv) Kinh tế tuần hoàn; (xv) Sự tham gia của các bên liên quan; (xvi) Tổ chức thực hiện.
- Về tổ chức thực hiện: Trong khuôn khổ làm việc của CCS, đại diện các nước ASEAN sẽ thường xuyên cập nhật với Ban Thư ký ASEAN về quá trình triển khai các nguyên tắc của ASFF.
3. Sự phù hợp của ASFF với quy định của pháp luật Việt Nam
Nội dung của ASFF không có tính ràng buộc pháp về mặt pháp lý giữa các bên tham gia. Vì vậy, ASFF không xung đột với quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam như Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)..., cũng như các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
4. Tác động của ASFF
Việc tham gia triển khai ASFF khi được thông qua cũng thể hiện sự tích cực tham gia hợp tác toàn diện của Việt Nam trong khu vực, bảo đảm cùng với các nước thành viên khác hoàn thành các mục tiêu chung về hội nhập dịch vụ trong ASEAN.
Các điều khoản trong ASFF nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động cung cấp dịch vụ giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy mở cửa thị trường dịch vụ, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của các nước, không tạo ra các rủi ro về quốc phòng, an ninh.
5. Việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020
Nội dung của ASFF đảm bảo tuân thủ Điều 3 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.
6. Tính khả thi, hiệu quả của ASFF
ASFF là một khuôn khổ chính sách nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và tính minh bạch của các biện pháp, quy định trong từng nước thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, ASFF cũng thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ của mỗi nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ của khu vực ASEAN, từ đó góp phần vào tăng trưởng thương mại chung của khu vực.
7. Ý kiến của các Bộ ngành liên quan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi văn bản triển khai kết quả các phiên họp đặc biệt về ASFF trong năm 2023 (văn bản số: 2965/BKHĐT-KTCNDV ngày 18/4/2023, 4275/BKHĐT-KTCNDV ngày 07/6/2023, 5714/BKHĐT-KTCNDV ngày 19/7/2023 để các Bộ, ngành có ý kiến về dự thảo ASFF. 07 cơ quan có ý kiến bằng văn bản (các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và giải trình ý kiến của các Bộ, ngành tại Phụ lục kèm theo.
Ngày 18/8/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản số 6737/BKHĐT-KTCNDV về việc triển khai kết quả phiên họp đặc biệt lần thứ 3 về ASFF, trong đó có đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu dự thảo ASFF và có ý kiến đối với các nội dung khác biệt lớn của dự thảo ASFF so với pháp luật hiện hành trong nước của Việt Nam, chuẩn bị cho phiên họp rà soát pháp lý đối với ASFF vào ngày 16/10/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 01 ý kiến của Bộ Công Thương và đã có giải trình tại Phụ lục kèm theo.
Ngày 16/10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia phiên họp rà soát pháp lý đối với ASFF. Về cơ bản, nội dung các tiêu đề, lời văn của ASFF không thay đổi so với dự thảo ASFF sau phiên họp đặc biệt lần thứ 3, chỉ chỉnh lý lại một số đoạn lời văn về vị trí câu từ, lựa chọn loại từ cho phù hợp.
Để có cơ sở pháp lý nhằm thông qua ASFF tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế hẹp ASEAN lần thứ 30 tổ chức từ ngày 07-08/3/2024 tại Luông Pra-bang, Lào, ngày .../.../2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi công văn số ..../BKHĐT-KTCNDV lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với hồ sơ đề xuất thông qua ASFF theo quy định tại Chương II Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020. (Ý kiến của Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ được bổ sung sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan).
8. Kiến nghị
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét:
- Phê duyệt nội dung Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN.
- Giao Bộ Công Thương thông báo với Ban Thư ký ASEAN về việc Việt Nam thông qua Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN dự kiến tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế hẹp ASEAN lần thứ 30 tổ chức từ ngày 07-08/3/2023 tại Luông Pra-bang, Lào.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các nội dung của Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN; thông báo tới các nước thành viên ASEAN về quá trình triển khai của Việt Nam tại các cuộc họp của Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
| BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
TỔNG HỢP VÀ GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN CÁC BỘ, NGÀNH ĐỐI VỚI DỰ THẢO KHUÔN KHỔ TẠO THUẬN LỢI DỊCH VỤ ASEAN (ASFF)
CƠ QUAN, ĐƠN VỊ | NỘI DUNG Ý KIẾN | GIẢI TRÌNH, TIẾP THU CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
Bộ Công Thương (văn bản số 4362/BCT-ĐB, ngày 05/7/2023) | - Đối với lời văn tại điểm 4.5 và 5.1: Hiện nay, Việt Nam chưa tham gia WTO JISDR, do vậy Bộ Công Thương cho rằng ta nên ưu tiên sử dụng lời văn của Khung thuận lợi hóa đầu từ (AIFF) và Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) do đây là những Hiệp định mà ta đã là thành viên. | Việt Nam có cơ quan chuyên trách về đầu tư, nhưng không có cơ quan chuyên trách về dịch vụ. Các ngành/phân ngành dịch vụ do các cơ quan khác nhau quản lý, do vậy việc duy trì một đầu mối (contact point) là khó khả thi. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn lời văn của WTO JIDR trên cơ sở CCS bổ sung từ “encourage” vào lời văn các đoạn này. |
- Nhất trí với đề xuất của Thái Lan về việc bổ sung từ “applicable” tại mục 11.2 | Trước đó, lời văn 11.2 theo đề xuất của Thái Lan là “11.2. Establish or maintain online platforms for the administration of applications, renewals and aftercare needs for the supply of applicable services”. Sau đó, CCS đã lược bỏ đi “applicable” và bổ sung “encourage” để không mang tính bắt buộc. | |
- Nhằm duy trì sự nhất quán về nghĩa vụ thực thi của các điều khoản tại Mục C, Bộ Công Thương đề xuất thay thế từ "promote" thành "encourgage" | Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu và có ý kiến tại phiên họp CCS. CCS đã tiếp thu ý kiến của Việt Nam tại phiên họp CCS đặc biệt lần thứ 2. | |
- Đối với nội dung về kinh tế tuần hoàn: Bộ Công Thương cho rằng ta có thể linh hoạt theo đồng thuận của ASEAN đối với nội dung này, tuy nhiên các nội dung chỉ nên mang tính hợp tác. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu. CCS đã bổ sung từ “encourage” vào các nội dung của điều này. | |
Bộ Tài chính (văn bản số 7533/BTC- HTQT, ngày 21/7/2023) | (a) Ý kiến chung - Hiện nay dự thảo ASFF đang được xây dựng trên cơ sở các hiệp định ASEAN đã ký kết, một số nội dung được lấy từ các các tài liệu của WTO như Sáng kiến chung về nguyên tắc trong nước đối với lĩnh vực dịch vụ (WTO-JISDR) và Sáng kiến chung về tạo thuận lợi đầu tư cho phát triển (WTO-IFD). Trong bối cảnh tiến độ đàm phán ASFF theo kế hoạch sẽ kết thúc trong năm 2023, hiện nay các nước đã đồng ý nguyên tắc cam kết tại ASFF là mỗi Quốc gia Thành viên sẽ nỗ lực duy trì và thực hiện ở mức độ có thể và đảm bảo phù hợp với luật pháp và quy định trong nước của mình (đoạn 8 - 9 dự thảo Phần mở đầu), đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án đàm phán, đảm bảo lợi ích của Việt Nam, đặc biệt là các nội dung được lấy từ WTO-JISDR và WTO-IFD là các sáng kiến mà Việt Nam không phải là thành viên, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. | ASFF được xác định là khuôn khổ chính sách không mang tính chất ràng buộc pháp lý (non- legally binding) và các nước thành viên ASEAN sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp đề ra trong CCS phù hợp với luật pháp, quy định mỗi nước và các nguyên tắc quốc tế quy định tại ATISA và các hiệp định khác của ASEAN. Do vậy, các nội dung được tham khảo từ các tài liệu mà Việt Nam không tham gia (như WTO-JISDR) đều đã được bổ sung từ “encourage” để không mang tính bắt buộc thực hiện. Hơn nữa, các nội dung này phần lớn đều được các nước thành viên khác nhất trí cao. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ bản nhất trí với các nội dung này nhằm đảm bảo sự đồng thuận cao của ASEAN, nhưng cũng đảm bảo lợi ích của Việt Nam.
|
(b) Ý kiến cụ thể - Tại các mục 1.3 - 1.4 về yêu cầu xây dựng báo cáo đánh giá tác động đối với các biện pháp quản lý ban hành: đây là cam kết tương tự Sáng kiến WTO-IFD (Việt Nam chưa phải là thành viên). Để đảm bảo việc đánh giá tác động không tạo thêm gánh nặng cho cơ quan quản lý, đề nghị bổ sung cụm từ “to the extent practicable” vào đoạn 1.3. | - Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này quy định tại mục 1.5 và 1.6. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc đánh giá tác động chính sách là bắt buộc khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ một số trường hợp đặc biệt không phải đánh giá tác động. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính cũng như phù hợp với quy định của Việt Nam và thống nhất với các nước thành viên khác, lời văn đã được điều chỉnh, không mang tính bắt buộc. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất thay từ “interested person” thành “Service suppliers” và đã được CCS ghi nhận và chỉnh sửa. | |
- Tại các mục 1.5 - 1.9 về cơ chế bình luận và công khai thông tin trước khi các biện pháp có hiệu lực: Các cam kết này tương tự trong Sáng kiến WTO-JISDR (Việt Nam chưa phải là thành viên), mức độ quy định chi tiết hơn so với các điều khoản tương tự trong các FTA ASEAN/ASEAN+. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để đảm bảo các cam kết này phù hợp với quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và quy định về công khai thông tin, đặc biệt là mức độ chi tiết và việc công bố thông tin cho các nước thành viên khác có thể đánh giá mức độ tác động trước khi các biện pháp có hiệu lực (tại mục 1.5.2). | - Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này đã được xem xét và rút gọn lại ở mục 1.7, 1.8 và 1.9 và mang tính chất không bắt buộc. Đối với mục 1.9 về việc cần thời gian hợp lý giữa thời điểm ban hành biện pháp và ngày có hiệu lực của biện pháp đó: Trên thực tế, thời điểm ban hành của văn bản và thời điểm có hiệu lực của văn bản khác nhau, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận về việc cần một khoảng thời gian hợp lý giữa hai thời điểm và đề xuất bổ sung cụm từ “except in the urgent circumstances” tại mục này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Việt Nam đối với trường hợp văn bản có hiệu lực cùng thời điểm ban hành của văn bản, cũng như thống nhất với nội dung tại mục 6.2. | |
- Tại mục 1.11 về việc định kỳ xem xét phí cấp giấy phép với mục tiêu giảm số lượng và sự đa dạng: Việc điều chỉnh các loại phí, lệ phí được quy định tại Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát, đảm bảo nội dung tại mục này phù hợp với quy định trong nước. | - Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này đã được lược bỏ. | |
- Tại mục 2.1.7 quy định về thủ tục quy trình cấp giấy phép: Đề nghị cân nhắc sử dụng nội dung theo ATISA là Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết. | - Theo ý kiến của đa số các nước thành viên, lời văn của mục này đã được bổ sung từ “if applicable”, thể hiện tính chất không bắt buộc, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí với nội dung lời văn. | |
- Tại các mục 13.1-13.3 về việc cấp giấy phép dựa trên quản trị rủi ro nhằm giảm thời gian và chi phí: Hiện đối với các lĩnh vực dịch vụ tài chính chưa áp dụng việc cấp giấy phép dựa trên quản trị rủi ro. Vì vậy đề nghị loại trừ các lĩnh vực dịch vụ tài chính đối với nội dung này. | - Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này đã được lược bỏ. | |
Bộ Công an (văn bản số 3823/ANKT- ANTCĐT, ngày 19/5/2023) | - Tại mục C.11.2: Nhất trí với đề xuất của Thái Lan về việc bổ sung “các dịch vụ thích hợp (applicable services)” để đảm bảo tính phù hợp, khả thi. | - Lời văn 11.2 ban đầu theo đề xuất của Thái Lan là “11.2. Establish or maintain online platforms for the administration of applications, renewals and aftercare needs for the supply of applicable services”. Sau đó, CCS đã lược bỏ đi “applicable” và bổ sung “encourage” để không mang tính bắt buộc. |
- Tại mục C.12.2: Đề nghị xem xét tính khả thi và năng lực kỹ thuật của việc thiết lập, duy trì một nền tảng số chung duy nhất để nộp tất cả các tài liệu do cơ quan có thẩm quyền yêu cầu liên quan đến việc cấp phép cung cấp dịch vụ, trong đó có việc bảo đảm an ninh, an toàn và hệ thống bảo mật dữ liệu. | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung nội dung “Maintain the openess, seccurity of platform by promoting the importance of cyber security, collaboration and cooperation; create resilient platform and facilitate a trusted environment for communications”. | |
Bộ Tài chính (văn bản số 9174/BTC- HTQT, ngày 28/8/2023) | - Đối với mục 1.11 về việc định kỳ xem xét phí cấp giấy phép với mục tiêu giảm số lượng và sự đa dạng: Việc điều chỉnh các loại phí, lệ phí được quy định tại Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đề nghị Bộ KHĐT rà soát, đảm bảo nội dung tại mục này phù hợp với quy định trong nước. | - Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này đã được lược bỏ. |
- Đối với mục 6 về phí: |
| |
+ Tại mục 6.2: cân nhắc việc thực hiện trình tự thủ tục rút gọn như một trường hợp khẩn cấp để áp dụng ngoại lệ “except in urgent circumstances” trong mục này. | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và giữ nguyên nội dung này tại lời văn ASFF hoàn chỉnh. | |
+ Tại mục 6.3 quy định “Đảm bảo không quy định thu phí tiếp cận thông tin đối với ác thông tin được công bố theo mục 4”. Tại mục 3 dự thảo ASFF quy định công bố ngay tất cả các biện pháp liên quan và tất cả các hiệp định quốc tế có liên quan hoặc ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ chậm nhất vào thời điểm có hiệu lực, trừ trường hợp khẩn cấp. Pháp luật phí và lệ phí hiện không có quy định thu phí đối với việc tiếp cận thông tin với các thông tin được công bố theo mục 4. Theo đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp thêm thông tin từ các Bộ ngành quản lý các lĩnh vực dịch vụ để có cơ sở xem xét chấp thuận nghĩa vụ này của Việt Nam. | - Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này đã được lược bỏ. | |
Bộ Thông tin và Truyền thông (văn bản số 2317/BTTTT- HTQT, ngày 19/6/2023 | Dự thảo đề xuất đẩy mạnh sử dụng các công nghệ số, sử dụng các văn bản điện tử, thanh toán điện tử cùng với xây dựng một nền tảng số đơn nhất (a single digital platform). Tuy nhiên, ASEAN hiện vẫn đang áp dụng Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) để đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa trong bối cảnh tăng cường hội nhập kinh tế trong ASEAN. Việc đề xuất xây dựng và duy trì một nền tảng số mới cần cân nhắc kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, an ninh, tính tương thích với cơ chế cũ cũng như khung khổ các giấy tờ trao đổi cụ thể khi áp dụng nền tảng này. Đối với vấn đề này, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính. | Tiếp thu ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung nội dung “Maintain the openess, seccurity of platform by promoting the importance of cyber security, collaboration and cooperation; create resilient platform and facilitate a trusted environment for communications”. Theo đó, CCS đã đồng ý với nội dung đề xuất của Việt Nam và đưa vào mục 11.5 và 12.6 trong lời văn ASFF hoàn chỉnh. |
Bộ Công an (văn bản số 5785/ANKT- ANTCĐT, ngày 05/7/2023) | Mục 12 - Single Digital Platform quy định về một nền tảng số đơn nhất cho việc tập hợp toàn bộ các văn bản liên quan đến cung ứng dịch vụ. Việc này đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến cách thức, đầu mối thực hiện và quy định riêng của mỗi quốc gia về vấn đề này, do đó cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khả thi, năng lực kỹ thuật triển khai cũng như việc tính toán phương án bảo mật dữ liệu. | |
Bộ Công an (văn bản số 7149/ANKT- ANTCĐT, ngày 14/8/2023) | - Tại mục 9 (Nhập cảnh tạm thời và lưu trú của nhà cung cấp dịch vụ): + Đề nghị xác định rõ khái niệm "nhà cung cấp dịch vụ" (service suppliers) trong dự thảo ASFF vì theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thường sử dụng khái niệm "nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng" (phù hợp với quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam); qua đó rà soát thống nhất lại việc sử dụng cụm từ "service suppliers" và "interested persons" tại mục 9 (lý do tương tự khi chỉnh sửa hai cụm từ này tại mục 1.4). | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu và đề xuất sửa “interested persons” thành “service suppliers” tại một số nội dung liên quan đến nghĩa vụ của nhà cung ứng dịch vụ. Một số nội dung vẫn mang tính chất mở rộng thì CCS vẫn sử dụng “interested persons”. |
+ Đề nghị bỏ nội dung "giấy phép lao động hoặc bất kỳ loại giấp phép tương tự nào liên quan đến việc nhập cảnh và tạm trú" tại mục 9.4.1; giấy phép lao động” tại mục 9.4.6 để phù hợp phạm vi cung cấp thông tin về việc xin thị thực của nhà cung cấp dịch vụ. | - Các nước thành viên khác đều nhất trí với nội dung này tại mục 9.4.1 đến 9.4.9, do vậy để phù hợp với pháp luật của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có chú thích riêng đối với quy định của Việt Nam. CCS đã nhất trí với đề nghị của Việt Nam (chú thích số 12, 13 trong lời văn ASFF hoàn chỉnh). | |
+ Bổ sung một mục tiêu nêu rõ việc tiếp nhận, xử lý các hồ sơ nêu tại mục 9 phải phù hợp với quy định nội luật của mỗi nước thành viên ASEAN. | - Nội dung này đã được thể hiện trong khổ cuối của phần mở đầu (Herby regonise...). | |
- Tại mục 12 về nền tảng số duy nhất: + Nền tảng số duy nhất sẽ tạo thuận lợi cho quá trình cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, đây là nền tảng trực tuyến, tích hợp kết nối giữa các nước ASEAN nên đề nghị bổ sung nội dung này về yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu đối với nền tảng này. + Nội dung này được hiểu là thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cung ứng dịch vụ trên nền tảng số duy nhất, do đó cần xem xét tính khả thi về hạ tầng kỹ thuật, phương án lưu trữ và bảo mật dữ liệu, phương án đảm bảo an ninh mạng và tính tương thích của quy định pháp luật các nước về thực hiện thủ tục hành chính. + Đề nghị làm rõ hơn về nền tảng công nghệ số duy nhất (thành viên chủ trì, phương án triển khai...) và các loại hình dịch vụ được áp dụng. | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu và có ý kiến bổ sung đã đề xuất bổ sung nội dung “Maintain the openess, seccurity of platform by promoting the importance of cyber security, collaboration and cooperation; create resilient platform and facilitate a trusted environment for communications”. Theo đó, CCS đã đồng ý với nội dung đề xuất của Việt Nam và đưa vào mục 11.5 và 12.6 trong lời văn ASFF hoàn chỉnh. | |
Bộ Khoa học và Công nghệ (văn bản số 2496/BKHCN- HTQT, ngày 31/07/2023 | - Đối với mục 1.3, hiện nay, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, việc đánh giá tác động chính sách là bắt buộc khi xây dựng, ban hành VBQPPL (Luật, Nghị định, Thông tư) trừ một số trường hợp đặc biệt không phải đánh giá tác động (ví dụ trong trường hợp xây dựng, ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn). Bên cạnh đó, yêu cầu đánh giá tác động đối với các biện pháp được ban hành trên cơ sở các văn bản pháp luật cũng có lợi cho các nhà đầu tư của Việt Nam tại các nước. Do đó, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét cân nhắc tham gia đề xuất bổ sung "major regulatory", không bổ sung "encourage to", đồng thời bổ sung lời văn quy định ngoại lệ (trường hợp biện pháp được ban hành theo các thủ tục đặc biệt mà pháp luật quốc gia không yêu cầu đánh giá tác động). | - Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này quy định tại khoản 1.5. Việc đánh giá tác động chính sách áp dụng đối với các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định có liên quan. Tuy nhiên, không phải mọi chính sách ban hành là các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận với quan điểm của các nước thành viên khác trong việc sử dụng từ “encourage” trong nội dung này tại lời văn ASFF hoàn chỉnh. Việc đánh giá tác động chính sách đối với mọi biện pháp, quy định có thể tạo thêm gánh nặng đối với cơ quan quản lý nhà nước (theo ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 7533/BTC-HTQT, ngày 21/7/2023). |
- Đối với các mục từ 1.5 đến mục 1.9 (thuộc nội dung “Opportunity to Provide Comments before entry into force) đề xuất Bộ KHĐT xem xét cân nhắc đề xuất các nội dung phù hợp với Luật Ban hành VBQPPL do những yêu cầu về minh bạch này cũng có lợi cho nhà đầu tư VN ở các nước. | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu. Tại lời văn ASFF hoàn chỉnh, nội dung này quy định tại khoản 1.7, 1.8, 1.9. | |
- Đối với mục 4.4, đề xuất lựa chọn lời văn theo lời văn của WTO JIDR. | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu. | |
Bộ Thông tin và Truyền thông (văn bản số 3111/BTTTT- HTQT, ngày 02/8/2023) | - Tại Phần C, mục 11: Đề nghị bổ sung việc đảm bảo an toàn an ninh mạng cũng như tăng cường các hoạt động, chương trình hợp tác trong ASEAN, cụ thể: + 11.5: Tăng cường các hoạt động, chương trình hợp tác trong khối ASEAN nhằm chia sẻ về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao dịch điện tử, xác thực điện tử và chữ ký số, các bên xem xét, nghiên cứu lộ trình công nhận chéo về chữ ký số giữa các nước ASEAN. + 11.6: Đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu đối với các nền tảng số/trực tuyến trong ASEAN. - Tại Phần C, mục 12 về Nền tảng số một cửa: Nội dung tại mục này nên được xây dựng thống nhất với với nội dung tại mục 11.2 về "thiết lập hoặc duy trì các nền tảng trực tuyến dành cho quản lý các ứng dụng, gia hạn và yêu cầu chăm sóc hậu mãi dành cho cung cấp các dịch vụ". Đề nghị làm rõ với các nước các đề xuất về sự cần thiết của Nền tảng số một cửa này, mục đích, cách thức triển khai kỹ thuật, an ninh và danh sách các lĩnh vực, nội dung có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp liên thông giữa các nước ASEAN | Tiếp thu ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung nội dung “Maintain the openess, seccurity of platform by promoting the importance of cyber security, collaboration and cooperation; create resilient platform and facilitate a trusted environment for communications”. Theo đó, CCS đã đồng ý với nội dung đề xuất của Việt Nam và đưa vào mục 11.5 và 12.6 trong lời văn ASFF hoàn chỉnh. |
Bộ Xây dựng (văn bản số 3347/BXD- HTQT, 28/7/2023) | Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng không có ý kiến đối với Dự thảo ASFF. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận ý kiến. |
Bộ Công Thương (văn bản số 5938/BCT-ĐB, ngày 29/8/2023) | - Đề nghị tham khảo góp ý của Bộ Công Thương tại văn bản số 4362/BCT-ĐB ngày 05/7/2023, đảm bảo các nội dung của Khung ASFF phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam. | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có giải trình các ý kiến của Bộ Công Thương tại phần đầu của Bảng tổng hợp, giải trình này. |
- Về dự kiến thông qua Khung ASFF tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp năm 2024, đề nghị quý Bộ lưu ý chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép thông qua Khung ASFF ở cấp Bộ trưởng theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế, tạo cơ sở cho việc thông qua Khung ASFF tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp năm 2024. | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu ý kiến của Bộ Công Thương, tiến hành các thủ tục trong nước để thông qua ASFF theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020. |
Bản dịch tiếng Việt tham khảo
KHUÔN KHỔ TẠO THUẬN LỢI DỊCH VỤ ASEAN
Chính phủ các nước Bru-nây Đa-ru-sa-lem, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lay-xi-a, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, là thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (“ASEAN”), sau đây gọi chung là “Các Quốc gia Thành viên” hoặc “Quốc gia Thành viên”;
Xem lại/căn cứ vào Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (“ATISA”) được ký kết vào ngày 7 tháng 10 năm 2020 tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin, với mục tiêu tăng cường thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, đồng thời tạo ra các thị trường và quy mô kinh tế lớn hơn; và giảm bớt các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ và tạo ra một môi trường kinh doanh có thể dự đoán được;
Khẳng định tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi cho dịch vụ như một biện pháp chính sách thiết yếu để giảm thiểu và loại bỏ các quy định và biện pháp quản lý và hành chính không cần thiết đối với thương mại dịch vụ, góp phần giảm chi phí kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ và tạo ra một môi trường thuận lợi để tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ tiến hành các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới của họ một cách hiệu quả;
Cũng như khẳng định quyền của các Quốc gia Thành viên trong việc điều chỉnh và đưa ra các quy định mới về việc cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của mỗi quốc gia để đáp ứng các mục tiêu chính sách công của quốc gia đó;
Cùng với mong muốn thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (“AEC”) năm 2025 để thiết lập các nguyên tắc khả thi đối với các quy định trong nước, đồng thời mong muốn thực hiện khuyến nghị Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể này để ASEAN phát triển một khuôn khổ và kế hoạch chiến lược nhằm đạt được hội nhập dịch vụ ASEAN và cải thiện khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ ngoài ATISA;
Bên cạnh đó cũng tham khảo Khung tạo thuận lợi cho đầu tư ASEAN (“AIFF”) được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (“AEM”) và Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN (“AIA”) thông qua vào năm 2021, mỗi Quốc gia Thành viên sẽ nỗ lực thực hiện để: (i) cải thiện khả năng tiếp cận và tính minh bạch của các biện pháp áp dụng chung và thông tin liên quan đến đầu tư giúp tăng cường đầu tư; (ii) đơn giản hóa và đẩy nhanh các thủ tục hành chính và các yêu cầu đối với việc gia nhập, duy trì và mở rộng đầu tư; và (iii) tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh;
Cũng như tham khảo kết luận cuộc đàm phán trong Sáng kiến chung về Quy định nội địa về dịch vụ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (“WTO”) được tuyên bố thông qua tài liệu WT/L/1129 ngày 2 tháng 12 năm 2021 của WTO, nhằm tăng cường tính minh bạch, khả năng dự báo và hiệu quả của thủ tục hành chính cho các nhà cung cấp dịch vụ muốn kinh doanh ở thị trường nước ngoài;
Với quyết tâm thiết lập Khuôn khổ Tạo thuận lợi cho Dịch vụ ASEAN (“Khuôn khổ”) mang tính chất không ràng buộc pháp lý, mỗi Quốc gia Thành viên sẽ nỗ lực thực hiện nhằm: (i) tăng cường thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong các lĩnh vực dịch vụ; (ii) giảm các rào cản trong nước đối với thương mại và đầu tư vào dịch vụ; và (iii) thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi và có thể dự đoán được cho thương mại quốc tế và đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ;
Sau đây công nhận các nguyên tắc và hành động liên quan đến việc tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ quốc tế trong ASEAN, qua đó mỗi Quốc gia Thành viên sẽ nỗ lực duy trì và thực hiện ở mức độ có thể thực hiện được và phù hợp với luật pháp và quy định trong nước của mình, cũng như các nghĩa vụ quốc tế tương ứng bao gồm các nghĩa vụ áp dụng theo ATISA và các hiệp định khác của ASEAN như sau:
A. ĐỊNH HÌNH MỘT NỀN KINH TẾ DỊCH VỤ ASEAN CÔNG BẰNG VÀ NỀN TẢNG
1. Ban hành và quản lý các biện pháp[1] tác động đến thương mại dịch vụ
1.1. Đảm bảo rằng tất cả các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ được đưa ra một cách hợp lý, khách quan và công bằng.
1.1.1. Đảm bảo rằng các thủ tục hành chính và các yêu cầu về tài liệu kèm theo không đóng vai trò là rào cản đối với khả năng kinh doanh dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ, có tính đến quy mô khác nhau của các nhà cung cấp dịch vụ.
1.1.2. Đảm bảo rằng các thủ tục hành chính và các yêu cầu về tài liệu kèm theo được áp dụng theo cách không làm phát sinh thêm thời gian và chi phí quá mức cần thiết để hoàn thành các mục tiêu chính sách công.
1.2. Trong việc áp dụng hoặc duy trì các biện pháp liên quan đến việc cấp phép[2] cung cấp dịch vụ, đảm bảo rằng:
1.2.1. các biện pháp đó dựa trên các tiêu chí[3] khách quan và minh bạch;
1.2.2. các thủ tục là khách quan đầy đủ để người nộp đơn chứng minh liệu họ có đáp ứng các yêu cầu hay không, nếu các yêu cầu đó tồn tại;
1.2.3. các thủ tục đó không ngăn cản một cách vô lý việc thực hiện các yêu cầu; và
1.2.4. các biện pháp đó không phân biệt giới tính[4].
1.3. Khi chuẩn bị các biện pháp trong phạm vi của Khuôn khổ này, khuyến khích thực hiện đánh giá tác động[5] của các biện pháp đó.
1.4. Khi thực hiện các đánh giá tác động như vậy, khuyến khích tạo cơ hội hợp lý cho các nhà cung cấp dịch vụ, trên cơ sở không phân biệt đối xử, đưa ra nhận xét và xem xét tác động tiềm ẩn của quy định được đề xuất đối với các nhà cung cấp dịch vụ bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). ).
Cơ hội để đưa ra ý kiến trước khi có hiệu lực
1.5. Khuyến khích công bố trước bất kỳ luật và các quy định về hồ sơ cấp phép được đề xuất áp dụng (bao gồm các yêu cầu và thủ tục cấp phép, yêu cầu và thủ tục về trình độ chuyên môn, và các tiêu chuẩn kỹ thuật) cũng như công bố mục đích của luật và các quy định đó.
1.6. Tạo cơ hội hợp lý để những người quan tâm của các quốc gia thành viên có cơ hội đưa ra ý kiến về bất kỳ quy định liên quan đến hồ sơ cấp phép được đề xuất áp dụng, sửa đổi hoặc bãi bỏ, trước khi thông qua và công bố.
1.7. Cho phép một khoảng thời gian hợp lý giữa thời điểm công bố văn bản của một biện pháp được đề cập trong đoạn 1.5 và thời điểm mà các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ biện pháp đó, trừ những trường hợp khẩn cấp.
Rà soát định kỳ
1.8. Trong phạm vi có thể thực hiện được và phù hợp với hệ thống pháp luật của mỗi nước trong việc áp dụng các biện pháp, tiến hành xem xét, ở những khoảng thời gian thích hợp, tất cả các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ để xác định liệu các biện pháp cụ thể có nên được sửa đổi, sắp xếp lại, mở rộng hoặc bãi bỏ để các cơ chế dịch vụ thực hiện hiệu quả hơn tiến tới đạt được các mục tiêu chính sách của mỗi quốc gia thành viên.thuyvy
Kháng cáo hoặc xem xét
1.9. Duy trì hoặc thiết lập thủ tục tố tụng hoặc thủ tục pháp lý ngay khi có thể, theo yêu cầu của một nhà cung cấp dịch vụ bị ảnh hưởng, để nhanh chóng rà soát và nếu có thể, đưa ra các biện pháp phù hợp cho các quyết định hành chính có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ. Khi các thủ tục đó không độc lập với cơ quan được ủy thác với các quyết định hành chính có liên quan, phải đảm bảo tính khách quan và công bằng của các thủ tục.
1.10. Các quy định của đoạn 1.9 sẽ không được hiểu là yêu cầu một quốc gia thành viên thành lập các thủ tục nếu điều này không phù hợp với cấu trúc hiến pháp hoặc bản chất của hệ thống pháp luật của quốc gia đó.
1.11. Đảm bảo rằng các Bên được đề cập trong đoạn 1.9 có quyền:
1.11.1. Một cơ hội hợp lý để hỗ trợ hoặc bảo vệ các vị trí tương ứng của họ và gửi tất cả các thông tin liên quan; Và
1.11.2. Quyết định dựa trên bằng chứng và hồ sơ đệ trình hoặc, khi luật pháp và các quy định yêu cầu, hồ sơ do cơ quan hành chính tổng hợp.
1.12. Quyết định trong đoạn 1.11 phải được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền thực thi hành chính, tùy thuộc vào kháng cáo hoặc xem xét thêm theo quy định trong luật và quy định của mỗi Quốc gia Thành viên.
2. Thủ tục nộp hồ sơ xin cung cấp Dịch vụ
2.1. Trong trường hợp pháp luật và quy định trong nước yêu cầu phải có sự cho phép đối với việc cung cấp dịch vụ, trong một khoảng thời gian hợp lý:
2.1.1. Đưa ra một khung thời gian chỉ định cho quá trình nộp hồ sơ.
2.1.2. Nỗ lực cho phép nộp hồ sơ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm[6]. Nếu có một khoảng thời gian cụ thể để nộp hồ sơ, đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền cho phép một khoảng thời gian hợp lý để nộp hồ sơ.
2.1.3. Cung cấp thông tin liên quan đến trạng thái của việc nộp hồ sơ.
2.1.4. Xác định tính đầy đủ của một hồ sơ.
2.1.5. Đối với hồ sơ được coi là hoàn chỉnh theo luật và quy định trong nước, cần thông báo cho người nộp hồ sơ về quyết định liên quan đến hồ sơ, trong phạm vi có thể bằng văn bản[7].
2.1.6. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ:
2.1.6.1. thông báo cho người nộp biết việc hồ sơ không đầy đủ.
2.1.6.2. theo yêu cầu của người nộp hồ sơ, xác định tất cả các thông tin bổ sung cần thiết để hoàn thành việc nộ hồ sơ và cung cấp cơ hội để khắc phục những thiếu sót
2.1.7. Nếu hồ sơ bị chấm dứt hoặc bị từ chối, trong phạm vi tối đa có thể, cần thông báo cho người nộp hồ sơ bằng văn bản và không chậm trễ về lý do của hành động đó, và nếu có thể, các thủ tục nộp lại hồ sơ. Người nộp hồ sơ sẽ có khả năng gửi lại, theo quyết định của mình, một hồ sơ mới.
2.2. Đảm bảo rằng sự cho phép, sau khi được cấp, sẽ có hiệu lực mà không bị trì hoãn quá mức, tuân theo các điều khoản và điều kiện hiện hành.
3. Đánh giá năng lực
3.1. Nếu các yêu cầu về giấy phép hoặc trình độ chuyên môn bao gồm việc kiểm tra, cần đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền:
3.1.1. lên kế hoạch kiểm tra với khoảng thời gian hợp lý; và
3.1.2. đưa một khoảng thời gian hợp lý để cho phép những người quan tâm nộp hồ sơ.
3.1.3. khuyến khích chấp nhận các yêu cầu ở định dạng điện tử để tiến hành kiểm tra và
3.1.4. xem xét trong phạm vi có thể, việc sử dụng các phương tiện điện tử trong các khía cạnh khác của quy trình kiểm tra
3.2. Khi áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hãy áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật được phát triển thông qua các quy trình công khai và minh bạch, đồng thời khuyến khích bất kỳ cơ quan nào, kể cả các tổ chức quốc tế có liên quan[8], được chỉ định phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng các quy trình công khai và minh bạch.
3.3. Đối với các dịch vụ chuyên môn[9], cung cấp các thủ tục đầy đủ để xác minh năng lực của các chuyên gia.
4. Tính minh bạch của các biện pháp và thông tin
4.1. Công bố ngay tất cả các biện pháp liên quan và tất cả các hiệp định quốc tế liên quan có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ chậm nhất vào thời điểm các biện pháp này có hiệu lực, trừ trường hợp khẩn cấp.
4.2. Cung cấp các biện pháp và hiệp định quốc tế được đề cập trong đoạn 4.1 trên internet và, trong phạm vi có thể, bằng tiếng Anh.
4.3. Bao gồm các yêu cầu để có được, duy trì, sửa đổi và gia hạn thủ tục được đề cập trong đoạn 4.1 ở trên, ngoài những điều khác, nếu nó tồn tại:
4.3.1. các yêu cầu và thủ tục;
4.3.2. thông tin liên hệ của các cơ quan có thẩm quyền liên quan;
4.3.3. lệ phí;
4.3.4. tiêu chuẩn kỹ thuật;
4.3.5. thủ tục khiếu nại hoặc xem xét lại các quyết định liên quan đến việc nộp hồ sơ;
4.3.6. thủ tục giám sát hoặc thực thi việc tuân thủ các điều khoản và điều kiện của việc cấp giấy phép hoặc bằng cấp;
4.3.7. cơ hội cho sự tham gia của công chúng, chẳng hạn như thông qua các buổi lắng nghe và cho ý kiến; và
4.3.8. khung thời gian chỉ định để xử lý việc nộp hồ sơ.
4.4. Khuyến khích duy trì hoặc thiết lập các cơ chế phù hợp để phản hồi các câu hỏi từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc những người tìm kiếm việc cung cấp dịch vụ về các biện pháp liên quan đến các yêu cầu và thủ tục cấp phép, các yêu cầu và thủ tục về trình độ chuyên môn và các tiêu chuẩn kỹ thuật ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ.[10]
4.5. Khuôn khổ này không yêu cầu bất kỳ quốc gia thành viên nào cung cấp thông tin bí mật, việc tiết lộ thông tin đó sẽ cản trở các nỗ lực thực thi pháp luật hoặc trái ngược với lợi ích công hoặc ảnh hưởng đến lợi ích thương mại hợp pháp của các pháp nhân cụ thể.
5. Tính độc lập của Cơ quan có thẩm quyền
5.1. Khi tiến hành thủ tục hành chính đối với việc cung cấp dịch vụ, cần đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền đưa ra và thực hiện các quyết định của họ độc lập với bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào.
6. Chi phí
6.1. Đảm bảo rằng chi phí hành chính[11] đưa ra bởi cơ quan có thẩm quyền là hợp lý, minh bạch, được công bố theo cách dễ tiếp cận và bản thân chúng không hạn chế việc cung cấp dịch vụ liên quan.
6.2. Thỏa thuận một khoảng thời gian thích hợp giữa thời điểm công bố các khoản chi phí hành chính mới hoặc sửa đổi và thời điểm có hiệu lực, trừ những trường hợp khẩn cấp. Các chi phí sẽ không được áp dụng cho đến khi thông tin về chúng đã được công bố.
7. Tên doanh nghiệp
7.1. Cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sử dụng, không hạn chế quá mức, tên doanh nghiệp mà họ thường kinh doanh trong lãnh thổ của các Bên khác và đảm bảo rằng việc sử dụng tên doanh nghiệp không bị hạn chế quá mức.
8. Hợp tác
8.1. Tạo điều kiện giao tiếp và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN về các vấn đề liên quan đến tạo thuận lợi cho dịch vụ, bao gồm thông qua trao đổi thông tin về các yêu cầu thủ tục, thực tiễn tốt nhất, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.
B. HỖ TRỢ VIỆC DI CHUYỂN VÀ NỀN KINH TẾ DỊCH VỤ KẾT NỐI ASEAN
9. Nhập cảnh và Lưu trú Tạm thời của nhà cung cấp dịch vụ
9.1. Ban hành, trực tuyến nếu có thể, thông tin về các yêu cầu hiện tại đối với việc nhập cảnh và lưu trú tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm các tài liệu giải thích, các biểu mẫu và tài liệu liên quan, cho phép những người quan tâm dễ dàng tiếp cận với các yêu cầu đó.
9.2. Duy trì hoặc thiết lập các đầu mối liên lạc hoặc các cơ chế khác để trả lời các câu hỏi của những người quan tâm về các quy định ảnh hưởng đến việc nhập cảnh tạm thời hoặc lưu trú tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ.
9.3. Cho phép khoảng thời gian hợp lý giữa việc công bố các quy định mới ảnh hưởng đến việc tạm nhập cảnh hoặc tạm trú của các nhà cung cấp dịch vụ và ngày có hiệu lực của chúng.
9.4. Thông tin được đề cập trong đoạn 9.1 nên bao gồm, nếu có thể, các thông tin sau, ngoài các thông tin khác:
9.4.1. Các loại thị thực và giấy phép lao động[12] hoặc bất kỳ loại giấy phép tương tự nào liên quan đến việc nhập cảnh và lưu trú tạm thời;
9.4.2. Tài liệu, bằng chứng cần thiết và các điều kiện cần đáp ứng;
9.4.3. Phương pháp nộp đơn và các tùy chọn về nơi nộp đơn, chẳng hạn như cơ quan lãnh sự hoặc nộp trực tuyến;
9.4.4. Thời gian xử lý;
9.4.5. Lệ phí nộp đơn;
9.4.6. Thời hạn hiệu lực của thị thực và giấy phép lao động[13];
9.4.7. Điều kiện gia hạn, xem xét lại;
9.4.8. Tham khảo luật nhập cư có liên quan áp dụng chung; và
9.4.9. Các thủ tục xem xét và/hoặc kháng cáo, nếu có.
9.5. Đảm bảo rằng các tài liệu cần thiết cho các đơn xin cấp phép nhập cảnh và lưu trú tạm thời có liên quan và tương xứng với mục đích mà chúng được thu thập.
9.6. Theo yêu cầu và trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi nhận được đơn đăng ký hoàn chỉnh về thủ tục nhập cư từ một nhà cung cấp dịch vụ của một quốc gia thành viên khác, đề nghị thông báo cho người nộp đơn về:
9.6.1. biên nhận hồ sơ;
9.6.2. tình trạng của ứng dụng; Và
9.6.3. quyết định liên quan đến việc đăng ký bao gồm, nếu được chấp thuận, thời gian lưu trú và các điều kiện khác.
9.7. Xử lý kịp thời các đơn xin nhập cảnh tạm thời và tạm trú hoàn chỉnh, bao gồm cả các đơn xin gia hạn.
10. Tăng cường tận dụng các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs)
10.1. Xác định các cách thức để nâng cao việc sử dụng các MRAs hiện có.
10.2. Khuyến khích xem xét với các bên có liên quan bất kỳ hình thức thỏa thuận nào để công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn, cấp phép hoặc đăng ký trong các lĩnh vực dịch vụ chuyên môn mà các bên cùng quan tâm.
10.3. Khai thác khả năng các MRAs trong các lĩnh vực mới để tạo điều kiện công nhận các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới.
C. THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ TRONG ASEAN[14]
11. Sử dụng Công nghệ số và Internet
11.1. Khuyến khích áp dụng các công nghệ số để cải thiện các quy trình đăng ký, phê duyệt, gia hạn và chăm sóc hậu mãi đối với việc cung cấp dịch vụ.
11.2. Khuyến khích thiết lập hoặc duy trì các nền tảng trực tuyến để quản lý các ứng dụng, gia hạn và các nhu cầu chăm sóc sau khi cung cấp dịch vụ.
11.3. Khuyến khích sử dụng các bản sao điện tử của các tài liệu được xác thực theo luật pháp và quy định trong nước của quốc gia thành viên tương ứng, thay cho các tài liệu gốc.
11.4. Khuyến khích phương án sử dụng phương thức thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền thu để quản lý việc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả phí, lệ phí cấp phép cung cấp dịch vụ.
11.5. Khuyến khích duy trì các cơ chế hợp tác liên quan đến an ninh mạng, có thể bao gồm trao đổi các thông lệ tốt nhất.
12. Nền tảng kỹ thuật số duy nhất
12.1. Khuyến khích giảm thiểu yêu cầu đối với người nộp đơn phải tiếp cận nhiều hơn một cơ quan có thẩm quyền cho mỗi đơn xin phép cung cấp dịch vụ.
12.2. Khuyến khích thiết lập hoặc duy trì một nền tảng kỹ thuật số duy nhất để nộp tất cả các tài liệu theo yêu cầu của các cơ quan hoặc cơ quan quản lý liên quan đến việc đăng ký cung cấp dịch vụ.
12.3. Khuyến khích công bố các biện pháp được các quốc gia thành viên áp dụng hoặc duy trì liên quan đến việc cung cấp dịch vụ thông qua một nền tảng kỹ thuật số duy nhất.
12.4. Khuyến khích cung cấp thông tin trên nền tảng kỹ thuật số duy nhất đủ rõ ràng, chính xác và cập nhật để cho phép nhà cung cấp dịch vụ được thông báo về:
12.4.1. các cơ quan hoặc cơ quan quản lý liên quan đến hồ sơ cung cấp dịch vụ;
12.4.2. các tài liệu theo yêu cầu của từng cơ quan có thẩm quyền đối với bất kỳ hồ sơ cung cấp dịch vụ cụ thể nào; Và
12.4.3. khoảng thời gian ước tính cần thiết để xử lý một hồ sơ liên quan đến hồ sơ cung cấp dịch vụ cụ thể.
12.5. Khuyến khích cung cấp một nền tảng kỹ thuật số duy nhất để các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán chi phí hành chính và các loại thuế liên quan đến việc cung cấp dịch vụ.
12.6. Khuyến khích tạo nền tảng linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường trao đổi thông tin đáng tin cậy.
D. TẠO NỀN KINH TẾ DỊCH VỤ ASEAN BỀN VỮNG VÀ SÁNG TẠO
13. Công việc trong tương lai
Tìm hiểu các hoạt động nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại dịch vụ trong ASEAN thông qua, ngoài những điều khác, nhưng không giới hạn ở những điều sau:
13.1. Nghiên cứu các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ.
13.2. Xác định các dịch vụ mới cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế dịch vụ bền vững và đổi mới, đồng thời thảo luận về cách ASEAN có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ này trong khu vực.
13.3. Khuyến khích các quốc gia thành viên xem xét các chính sách trong nước liên quan đến dịch vụ tương ứng. Điều này có thể bao gồm hợp lý hóa các quy trình ứng dụng hoặc xem xét lại các yêu cầu truyền thống, có tính đến phản hồi của doanh nghiệp.
13.4. Phối hợp với các Nhóm công tác ASEAN có liên quan khác để áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn đối với việc cung cấp dịch vụ
13.5. Khuyến khích thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng đổi mới dịch vụ.
13.6. Cân nhắc áp dụng cam kết chọn bỏ cho các Hiệp định ASEAN để đảm bảo rằng các hiệp định được minh bạch, dễ tiếp cận và thân thiện với doanh nghiệp.
14. Nền kinh tế tuần hoàn
14.1. Khuyến khích sự phát triển và liên kết của các ngành dịch vụ góp phần vào nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả việc loại bỏ các rào cản hiện hành.
14.2. Khuyến khích các ưu đãi chính sách không phân biệt đối xử để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn bao gồm nhưng không giới hạn ở các chính sách thiết kế sinh thái, yêu cầu tái chế, mua sắm tuần hoàn và dán nhãn sinh thái.
14.3. Khuyến khích áp dụng các nguyên tắc Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp (ESG) trong việc cung cấp dịch vụ và báo cáo tài chính của các nhà cung cấp dịch vụ.
14.4. Theo dõi và cập nhật các thông lệ và phát triển quốc tế đang phát triển trong nền kinh tế tuần hoàn liên quan đến thương mại dịch vụ.
E. HỢP TÁC VỚI CÁC DOANH NGHIỆP ĐỂ CÙNG NHAU ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI CỦA NỀN KINH TẾ DỊCH VỤ ASEAN
15. Sự tham gia của các bên liên quan
15.1. Khuyến khích xem xét các cơ chế tham vấn và đối thoại thường xuyên với các bên liên quan, nhằm thu hút các thông tin cập nhật và đầu vào về các nhu cầu và thách thức của việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và dịch vụ của họ.
15.2. Cân nhắc các kết quả của đoạn 15.1, khuyến khích các cơ chế đánh giá và cập nhật thường xuyên các biện pháp dịch vụ, đồng thời cân nhắc sử dụng các chỉ số hiệu suất quốc tế có liên quan, nhằm đảm bảo rằng môi trường thương mại dịch vụ vẫn thuận lợi và đáp ứng các thông lệ kinh doanh đang phát triển và nhu cầu.
16. Thực hiện
16.1. Hướng tới việc thực hiện Khuôn khổ này và thường xuyên cập nhật Ủy ban Điều phối ASEAN về Dịch vụ (“CCS”).
ASEAN Services Facilitation Framework
The Governments of Brunei Darussalam, Kingdom of Cambodia, the Republic of Indonesia, the Lao People’s Democratic Republic, Malaysia, the Republic of the Union of Myanmar, the Republic of the Philippines, the Republic of Singapore, the Kingdom of Thailand and the Socialist Republic of Viet Nam, Member States of the Association of Southeast Asian Nations (“ASEAN”), hereinafter collectively referred to as “Member States” or singularly as “Member State”;
RECALLING the ASEAN Trade in Services Agreement (“ATISA”) signed on 7 October 2020 in Manila, the Philippines, which aims, inter alia, to increase trade and investment in the area of services and create larger markets and greater economies of scale, and to reduce barriers to trade and investment in services and to create a predictable business environment;
RECOGNISING the importance of services facilitation as an essential policy measure to reduce and eliminate unnecessary regulatory and administrative measures on trade in services, which contributes to reducing the cost of doing business in the services sectors, and ultimately creates an enabling environment to facilitate service suppliers in conducting their cross-border businesses in an efficient manner;
RECOGNISING the right of Member States to regulate, and to introduce new regulations, on the supply of services within their territories in order to meet their public policy objectives;
ASPIRING to fulfil the mandate of the ASEAN Economic Community Blueprint 2025 to establish possible disciplines on domestic regulations, while ALSO ASPIRING to implement the recommendation of the Mid-Term Review of this Blueprint for ASEAN to develop a framework and strategic plan to achieve ASEAN services integration and to improve competitiveness of services sectors beyond the ATISA;
NOTING the ASEAN Investment Facilitation Framework adopted by the ASEAN Economic Ministers and ASEAN Investment Area Council in 2021, that each Member State will endeavour to put in place in order to: (i) improve accessibility and transparency of measures of general application and information related to investment conducive to increased investment; (ii) streamline and expedite administrative procedures and requirements for the entry, retention and expansion of investment; and (iii) create favourable conditions for investment and doing business;
ALSO NOTING the successful conclusion of the negotiations on the Joint Initiative on Services Domestic Regulation at the World Trade Organisation (“WTO”) as declared in the WTO document WT/L/1129 dated 2 December 2021, which aims, at increasing transparency, predictability and efficiency of authorisation procedures for service providers hoping to do business in foreign markets;
DESIRING to establish this non-legally binding ASEAN Services Facilitation Framework (“Framework”) that each Member State will endeavour to put in place in order to: (i) increase cross-border trade and investment in the services sectors; (ii) reduce domestic barriers to trade and investment in services; and (iii) establish a favourable and predictable business environment for international trade and investment in the services sectors;
HEREBY RECOGNISE the following principles and actions regarding facilitation of international trade in services in ASEAN, which each Member State will endeavour to uphold and implement to the extent practicable and in accordance with its respective domestic laws and regulations, as well as its respective international obligations including applicable obligations under the ATISA and other ASEAN agreements:
A. SHAPING A FAIR AND ENABLING ASEAN SERVICES ECONOMY
1. Development and Administration of Measures1 Affecting Trade in Services
1.1. Ensure that all measures affecting trade in services are administered in a reasonable, objective and impartial manner.
1.2. Ensure that administrative procedures and documentation requirements do not act as barriers to the ability of service suppliers to provide their services, taking into account the varying sizes of services suppliers.
1.3. Ensure that administrative procedures and documentation requirements are applied in a manner that does not unduly incur more time and costs than necessary to fulfil the government’s policy objectives.
1.4. Ensure that in adopting or maintaining measures relating to the authorisation2 for the supply of a service:
1.4.1. such measures are based on objective and transparent criteria3;
1.4.2. the procedures are impartial, and that the procedures are adequate for applicants to demonstrate whether they meet the requirements, if such requirements exist;
1.4.3. the procedures do not in themselves unjustifiably prevent the fulfilment of requirements; and
1.4.4. such measures do not discriminate between men and women4.
1.5. Encourage the carrying out of impact assessments5 in preparing measures within the scope of this Framework.
1.6. Encourage the offer of reasonable opportunities for service suppliers, on a non-discriminatory basis, to provide comments and take into consideration the potential impact of the proposed measure on service suppliers, which may include micro, small and medium enterprises, when conducting such impact assessments.
Opportunity to Provide Comments before Entry into Force
1.7. Encourage the advance publication of any laws and regulations of general application which may include licensing requirements and procedures, qualification requirements and procedures, and technical standards, relating to the supply of services that the Member State proposes to adopt and the purpose of such law and regulations.
1.8. Provide a reasonable opportunity for comments by interested persons from the Member States on any regulation of general application affecting trade in services that a Member State proposes to adopt, amend or repeal, before its adoption and publication.
1.9. Allow reasonable time between publication of the text of a measure referred to in Paragraph 1.7 and the date on which service suppliers must comply with the measure, except in urgent circumstances.
Periodic Review
1.10. Review, at appropriate intervals, to the extent practicable and in a manner consistent with its legal system for adopting measures, all measures affecting trade in services, to determine whether specific measures should be modified, streamlined, expanded or repealed so as to make the trade in services regime more effective in achieving each Member State’s policy objectives.
Appeal or Review
1.11. Maintain or institute judicial, arbitral or administrative tribunals or procedures which provide, at the request of an affected service supplier, for the prompt review of, and where justified, appropriate remedies for, administrative decisions affecting trade in services. Where such procedures are not independent of the agency entrusted with the administrative decision concerned, ensure that the procedures in fact provide for an objective and impartial review.
1.12. The provisions of Paragraph 1.11 will not be construed to require a Member State to institute such tribunals or procedures where this would be inconsistent with its constitutional structure or the nature of its legal system.
1.13. Ensure that the affected service supplier referred to in Paragraph 1.11 is provided with:
1.13.1. a reasonable opportunity to support or defend its position and submit all relevant information; and
1.13.2. a decision based on the evidence and submissions by the affected service supplier or, where required by the Member State’s laws and regulations, the record compiled by the administrative authority.
1.14. The decision in Subparagraph Error! Reference source not found. should be implemented by the authority entrusted with administrative enforcement, subject to appeal or further review as provided for in each Member State’s laws and regulations.
2. Authorisation of Applications to Supply a Service
2.1. Where authorisation is required by the domestic laws and regulations for the supply of a service, within a reasonable period of time:
2.1.1. provide an indicative timeframe for processing an application;
2.1.2. endeavour to permit submission of an application at any time throughout the year.6 If a specific time period for the submission of an application exists, ensure that the competent authorities allow a reasonable period for the submission of an application;
2.1.3. provide information concerning the status of the application;
2.1.4. ascertain the completeness of an application that is submitted by an applicant;
2.1.5. inform the applicant of the decision concerning the application, to the extent possible in writing7, for an application that is considered complete under domestic laws and regulations.
2.1.6. in the case of an incomplete application:
2.1.6.1. inform the applicant that the application is incomplete; and
2.1.6.2. identify all the additional information that is required to complete the application and provide the opportunity to remedy deficiencies, upon request of the applicant; and
2.1.7. in the case of termination or denial of an application, to the maximum extent possible, inform the applicant in writing and without delay, the reasons why an application is terminated or denied, and if applicable, the procedures for resubmission of an application. The applicant will have the possibility of resubmitting, at its discretion, a new application.
2.2. Ensure that authorisation, once granted, enters into effect without undue delay, subject to applicable terms and conditions.
3. Assessment of Qualifications
3.1. If licensing or qualification requirements include the completion of an examination, ensure that the competent authorities:
3.1.1. schedule the examination at reasonably frequent intervals;
3.1.2. provide a reasonable period of time to enable interested persons to submit an application;
3.1.3. encourage to accept requests in electronic format to take such examinations; and
3.1.4. consider, to the extent practicable, the use of electronic means in other aspects of examination processes.
3.2. Adopt the technical standards developed through open and transparent processes, and encourage any body, including relevant international organisations8, designated to develop technical standards, to use open and transparent processes.
3.3. Provide adequate procedures to verify the competence of the professionals, with respect to professional services9.
4. Transparency of Measures and Information
4.1. Publish promptly all relevant measures and all international agreements which pertain to, or affect, trade in services, at the latest by the time of their entry into force, except in emergency situations.
4.2. Ensure the measures and international agreements referred to in Paragraph 4.1 are available on the internet and, to the extent possible, in the English language.
4.3. Include the requirements and procedures for obtaining, maintaining, amending and renewing authorisation for such information referred to in Paragraph 4.1 above, inter alia, where it exists:
4.3.1. the requirements and procedures;
4.3.2. contact information of relevant competent authorities;
4.3.3. fees;
4.3.4. technical standards;
4.3.5. procedures for appeal or review of decisions concerning applications;
4.3.6. procedures for monitoring or enforcing compliance with the terms and conditions of licenses or qualifications;
4.3.7. opportunities for public involvement, such as through hearings or comments; and
4.3.8. indicative timeframes for processing an application.
4.4. Encourage the maintenance or establishment of appropriate mechanisms for responding to enquiries from service suppliers or persons seeking to supply a service regarding the measures relating to licensing requirements and procedures, qualification requirements and procedures, and technical standards affecting trade in services.10
4.5. This Framework does not require any Member State to provide confidential information, the disclosure of which would impede law enforcement efforts, or would otherwise be contrary to the public interest, or which would prejudice legitimate commercial interests of particular public or private juridical persons, public or private.
5. Independence of Competent Authorities
Ensure that the competent authorities reach and administer their decisions in a manner independent of any supplier of the service for which authorisation is required.
6. Fees
6.1. Ensure that applicable authorisation fees11 charged by competent authorities are reasonable, transparent, published in an easily accessible manner and do not in themselves restrict the supply of the relevant service.
6.2. Accord an adequate period between the publication of new or amended authorisation fees and their entry into force, except in urgent circumstances. Such fees will not be applied until information about them has been published.
7. Business Names
Permit foreign service suppliers to use, without undue restrictions, the business names under which they ordinarily trade in the territories of the other Member States, and otherwise ensure that the use of business names is not unduly restricted.
8. Cooperation
Facilitate communication and cooperation among Member States on matters relating to services facilitation, including through the exchange of information on procedural requirements, best practices, technical assistance and capacity building.
B. SUPPORTING MOBILITY AND A CONNECTED ASEAN SERVICES ECONOMY
9. Temporary Entry and Stay of Service Suppliers
9.1. Publish, online where possible, information on the current requirements for temporary entry and stay of service suppliers, including explanatory materials, relevant forms and documents, that will enable interested persons to become acquainted with those requirements.
9.2. Maintain or establish contact points or other mechanisms to respond to inquiries from interested persons regarding regulations affecting the temporary entry or temporary stay of service suppliers.
9.3. Allow reasonable time between the publication of new regulations affecting the temporary entry or temporary stay of service suppliers and their effective date.
9.4. The information referred to in Paragraph 9.1 should include, where applicable, the following information, inter alia:
9.4.1. categories of visas and work permits12 or any similar type of authorisation regarding entry and temporary stay;
9.4.2. documentation and evidence required and conditions to be met;
9.4.3. method of filing and options on where to file, such as consular offices or online;
9.4.4. processing time;
9.4.5. application fees;
9.4.6. period of validity of the visas and work permits13;
9.4.7. conditions for extensions or renewal;
9.4.8. reference to relevant immigration laws of general application; and
9.4.9. review and/or appeal procedures, where these exists.
9.5. Ensure that documents required for applications for the granting of entry and temporary stay are relevant and commensurate with the purpose for which they are collected.
9.6. Notify the applicant of the following, upon request and within a reasonable period after receiving a complete application for an immigration formality from a service supplier of another Member State:
9.6.1. the receipt of the application;
9.6.2. the status of the application; and
9.6.3. the decision concerning the application including, if approved, the period of stay and other conditions.
9.7. Promptly process complete applications concerning temporary entry and temporary stay, including extension applications thereof.
10. Enhancing Utilisation of Mutual Recognition Arrangements (“MRAs”)
10.1. Identify ways to enhance the utilisation of existing MRAs.
10.2. Encourage the consideration, in consultation with the relevant bodies, of any form of arrangements for the mutual recognition of professional qualifications, licensing, or registration in professional services sectors of mutual interest.
10.3. Explore the possibility of MRAs in new areas to facilitate the recognition of skills needed for the new economy.
C. ADVANCING A DIGITAL ASEAN SERVICES ECONOMY14
11. Use of Digital and Internet Technologies
11.1. Encourage the adoption of digital technologies to improve application, approval, renewal and aftercare processes for the supply of services.
11.2. Encourage the establishment or maintenance of online platforms for the administration of applications, renewals and aftercare needs for the supply of services.
11.3. Encourage the use of electronic copies of documents that are authenticated in accordance with the respective Member State’s domestic laws and regulations, in place of original documents.
11.4. Encourage the option of using an electronic payment for fees and charges collected by competent authorities for administering supply of services, including fees and charges for the authorisation for supply of services.
11.5. Encourage the maintenance of collaboration mechanisms related to cyber security which may include exchange of best practices.
12. Single Digital Platform
12.1. Encourage the minimisation of the requirement for an applicant to approach more than one competent authority for each application for authorisation to supply services.
12.2. Encourage the establishment or maintenance of a single digital platform for the submission of all documents required by the agencies or regulatory bodies involved in the application for the supply of services.
12.3. Encourage the publication of measures adopted or maintained by Member States related to the supply of service through a single digital platform.
12.4. Encourage the provision of information on the single digital platform in a manner that is sufficiently clear, precise and up-to-date so as to enable a service supplier to be informed of:
12.4.1. the agencies or regulatory bodies involved in the applications for the supply of services;
12.4.2. the documents required by each competent authority for any specific supply of services application; and
12.4.3. the estimated period of time required to process an application associated with any specific supply of service application.
12.5. Encourage the provision of a single digital platform for service suppliers to pay authorisation fees and taxes associated with the supply of service.
12.6. Encourage the creation of resilient platforms and the facilitation of a trusted environment for communications with service suppliers.
D. CREATING A SUSTAINABLE AND INNOVATIVE ASEAN SERVICES ECONOMY
13. Future Works
Explore activities to further facilitate trade in services in ASEAN through, inter alia, but not limited to the following:
13.1. study global best practices in promoting the growth of the services sector;
13.2. identify new services that are required to support a sustainable and innovative services economy and discuss how ASEAN can facilitate the provision of these services in the region;
13.3. encourage Member States to review their respective services-related domestic policies. This may include the streamlining of application processes or rethinking of traditional requirements, taking into account business feedback;
13.4. collaborate with other relevant ASEAN Working Groups to adopt a more holistic approach to the provision of service;
13.5. encourage the implementation of policies that are targeted at promoting the growth of services innovation; and
13.6. consider the adoption of negative list scheduling of services commitments for ASEAN Agreements to ensure that they are transparent, accessible, and business friendly.
14. Circular Economy
14.1. Encourage the development and interlinkages of services industries that contribute to the circular economy, including through removal of applicable barriers.
14.2. Encourage non-discriminatory policy incentives to foster a transition to the circular economy including but not limited to eco-design policies, recycling requirements, circular procurement, and ecolabelling.
14.3. Encourage the adoption of Environmental, Social, and Corporate Governance principles in supplying services and financial reporting of service suppliers.
14.4. Monitor and keep up with evolving international developments and practices in circular economy pertaining to trade in services.
E. PARTNERING WITH BUSINESSES TO SHAPE THE FUTURE OF ASEAN SERVICES ECONOMY TOGETHER
15. Stakeholder Engagement
15.1. Encourage the consideration of mechanisms for regular consultation and dialogue with relevant stakeholders, with a view to soliciting updates and inputs on their business and services facilitation needs and challenges.
15.2. Taking into account the outcomes of Paragraph 15.1, encourage the adoption of mechanisms for the regular evaluation and update of services measures, and consider making use of relevant international performance indicators, with a view to ensuring that the services trade environment remains conducive and responsive to evolving business practices and needs.
16. Implementation
Work towards the implementation of this Framework and regularly update the ASEAN Coordinating Committee on Services.
ADOPTED at the Thirtieth ASEAN Economic Ministers Retreat Meeting, this [8th] day of [March] in the Year Two Thousand and Twenty-Four, in a single original copy in the English Language.
[1] “các biện pháp” được hiểu là các luật, quy định và hướng dẫn hành chính áp dụng chung.
[2] "Cấp phép" được hiểu là sự cho phép cung cấp dịch vụ, là thủ tục mà người nộp đơn phải tuân thủ theo các yêu cầu về việc cấp phép, yêu cầu về trình độ chuyên môn hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật.
[3] Các tiêu chí đó có thể bao gồm năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ phù hợp với các quy định của từng quốc gia thành viên, chẳng hạn quy định về sức khỏe và môi trường. Cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá mức độ quan trọng của từng tiêu chí.
[4] Sự đối xử khác biệt cần phải hợp lý và khách quan, và đảm bảo mục đích hợp pháp; việc thành viên áp dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới sẽ không bị coi là phân biệt đối xử vì mục đích của điều khoản này.
[5] Đánh giá tác động nhằm mục đích xem xét tác động xã hội, kinh tế và môi trường của biện pháp dự kiến, cũng như các lựa chọn thay thế thích hợp cho một biện pháp hiện hành.
[6] Cơ quan có thẩm quyền không xem xét hồ sơ đăng ký ngoài ngày giờ làm việc chính thức.
[7] “Bằng văn bản” có thể bao gồm ở dạng điện tử.
[8] "Các tổ chức quốc tế có liên quan" đề cập đến các cơ quan quốc tế có tư cách thành viên được mở cho các cơ quan có liên quan của ít nhất tất cả các Thành viên của WTO.
[9] Như được phân loại trong Lĩnh vực Dịch vụ Kinh doanh của tài liệu MTN.GNS/W/120 của Tổ chức Thương mại Thế giới.
[10] Điều này được hiểu rằng các hạn chế về nguồn lực có thể là một yếu tố quyết định liệu cơ chế phản hồi các câu hỏi có phù hợp hay không.
[11] Chi phí hành chính bao gồm chi phí cấp phép và chi phí liên quan đến các thủ tục đủ điều kiện; chúng không bao gồm phí sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các khoản thanh toán cho đấu giá, đấu thầu hoặc các biện pháp nhượng bộ không phân biệt đối xử khác, hoặc các khoản đóng góp bắt buộc cho việc cung cấp dịch vụ toàn cầu.
[12] phép và chi phí liên quan đến các thủ tục đủ điều kiện; chúng không bao gồm phí sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các khoản thanh toán cho đấu giá, đấu thầu hoặc các biện pháp nhượng bộ không phân biệt đối xử khác, hoặc các khoản đóng góp bắt buộc cho việc cung cấp dịch vụ toàn cầu.
12 Trong trường hợp của Việt Nam, là giấy phép lưu trú
[13] Trong trường hợp của Việt Nam, là giấy phép lưu trú
[14] Để chắc chắn hơn, việc triển khai phần này sẽ tính đến năng lực và nguồn lực của AMS trong việc thúc đẩy nền kinh tế dịch vụ kỹ thuật số của ASEAN.
1 “Measures” refers to laws, regulations and administrative guidelines of general application.
2 “Authorisation” means the permission to supply a service, resulting from a procedure to which an applicant must adhere in order to demonstrate compliance with licensing requirements, qualification requirements, or technical standards.
3 Such criteria may include, inter alia, competence and the ability to supply a service, including to do so in a manner consistent with the Member State’s regulatory requirements, such as health and environmental requirements. Competent authorities may assess the weight to be given to each criterion.
4 Differential treatment that is reasonable and objective, and aims to achieve a legitimate purpose, and adoption by Member States of temporary special measures aimed at accelerating de facto equality between men and women, will not be considered discrimination for the purposes of this provision.
5 The impact assessment aims to consider, among others, the social, economic and environmental impact of the intended regulatory measure, as well as appropriate alternatives to a given measure.
6 Competent authorities are not required to start considering applications outside of their official working hours and working days.
7 “In writing” may include in electronic form.
8 “Relevant international organisations” refers to international bodies whose membership is open to the relevant bodies of at least all Members of the WTO.
9 As classified under Business Services Sector of the WTO document MTN.GNS/W/120.
10 It is understood that resource constraints may be a factor in determining whether a mechanism for responding to enquiries is appropriate.
11 Authorisation fees include licensing fees and fees relating to qualification procedures; they do not include fees for the use of natural resources, payments for auction, tendering or other non-discriminatory means of awarding concessions, or mandated contributions to universal service provision.
12 In the case of Viet Nam, stay permits.
13 In the case of Viet Nam, stay permits.
14 For greater certainty, implementation of this section will take into account the capacity and resources of Member States in advancing the digital ASEAN services economy.
- 1Công văn 5079/BKHĐT-QLĐT năm 2020 về thực hiện cam kết về đấu thầu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Thông tư 15/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu xây lắp đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3Thông tư 12/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 1Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
- 2Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
- 3Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 4Luật phí và lệ phí 2015
- 5Luật Thỏa thuận quốc tế 2020
- 6Thông báo 23/2018/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (ASEAN Agreement on the Movement of Natural Persons)
- 7Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019
- 8Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
- 9Công văn 5079/BKHĐT-QLĐT năm 2020 về thực hiện cam kết về đấu thầu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 10Thông báo 30/2021/TB-LPQT về hiệu lực Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN [ASEAN Trade in Services Agreement (ATISA)] do Bộ Ngoại giao ban hành
- 11Thông tư 15/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu xây lắp đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 12Thông tư 12/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Công văn 10646/BKHĐT-KTCNDV năm 2023 lấy ý kiến đối với hồ sơ đề xuất thông qua Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- Số hiệu: 10646/BKHĐT-KTCNDV
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 18/12/2023
- Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Người ký: Đỗ Thành Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra