Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/BYT-VPB1 | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2025 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri đề nghị việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cần tạo điều kiện cho người khám, chữa bệnh có sử dụng bảo hiểm y tế không còn lo lắng về điều kiện và thời gian khi chuyển tuyến để khám chuyên khoa; do đó nên quy định theo hướng người khám, chữa bệnh chuyên khoa chỉ cần xin giấy chuyển tuyến điều trị một lần để được khám, chữa bệnh cho đến khi hết bệnh và sau khi hết bệnh người khám bảo hiểm y tế sẽ trở về nơi đăng ký bảo hiểm y tế của mình để khám, chữa bệnh.
2. Cử tri cho rằng việc mở rộng chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế và giảm thiểu các thủ tục hành chính sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, giảm áp lực các bệnh viện lớn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, đặc biệt là những người có nhu cầu chuyển viện để điều trị các bệnh nặng. Đề nghị xem xét mở rộng chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế.
Ngày 01/01/2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế, trong đó có (1) danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế; (2) quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, quy định chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
3. Về mức hưởng y tế (Điều 22): cử tri đề nghị bổ sung quy định theo hướng mở rộng dịch vụ được chi trả khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Hiện nay, một số loại thuốc và dịch vụ điều trị mới, hiện đại chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả gây khó khăn cho người bệnh đặc biệt là những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, mãn tính như ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường... Ý kiến này cũng đề nghị bổ sung vào khoản 1, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế quy định về việc chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị bằng các phương pháp mới, thuốc mới nhằm đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận y tế như bổ sung danh mục thuốc điều trị ung thư hiện đại; đồng thời mở rộng dịch vụ khám sức khỏe định kỳ và các xét nghiệm phát hiện sớm bệnh tật.
4. Bảo hiểm y tế là một phần quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, nhằm mục đích cung cấp dịch vụ y tế cho người dân với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy nhiều người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc và các dịch vụ y tế cần thiết khi sử dụng bảo hiểm y tế như: danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả bị hạn chế, dẫn đến tình trạng người bệnh không thể nhận được những loại thuốc cần thiết cho điều trị; đối với một số người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, việc chi trả tiền thuốc trở thành gánh nặng, đôi khi không thể thực hiện được; nhiều loại thuốc mới hoặc thuốc điều trị đặc biệt không nằm trong danh sách này... Vấn đề này đã kéo dài trong thời gian qua. Do đó, đề nghị có giải pháp giải quyết hiệu quả bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
5. Đề nghị sớm có giải pháp về danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, phải được cập nhật, bổ sung các loại thuốc mới thường xuyên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh đã mua bảo hiểm y tế.
a. Về mức hưởng bảo hiểm y tế
Ngày 27/11/2024, Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, mức hưởng bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cụ thể như sau: (1) quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh theo hướng không phân biệt địa giới hành chính và mở rộng với một số trường hợp, trong đó có một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu; (2) mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; (3) điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chi dự phòng và tổ chức hoạt động bảo hiểm y tế từ số tiền đóng bảo hiểm y tế. Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ bảo hiểm y tế xuống còn 8%.
b. Về danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế
Ngày 16/11/2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 37/2024/TT-BYT, Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện rà soát, sửa đổi, cập nhật Thông tư ban hành danh mục thuốc để bổ sung vào danh mục các thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao và đưa ra khỏi danh mục các thuốc không còn phù hợp. Tuy nhiên, việc bổ sung danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế vào phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế cần được xem xét cẩn thận để đảm bảo khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.
6. Về quyền của tổ chức bảo hiểm y tế (Điều 40): cử tri đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm tra định kỳ các cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh; nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Ý kiến này cũng đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập các tổ giám sát độc lập, bao gồm cả đại diện người dân, để đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế và có quy định về mức xử phạt cụ thể đối với các cơ sở y tế vi phạm.
Theo quy định tại khoản 30, 31, Điều 1, Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã bổ sung quy định kiểm tra thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của tổ chức Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
7. Đề nghị chủ động hơn trong việc chuẩn bị các loại thuốc tiêm ngừa, trị bệnh cho Nhân dân, trẻ em trong thời gian tới như dịch sởi đang diễn ra.
Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023 về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 để mua vắc xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Chính phủ đã bổ sung dự toán năm 2023 để mua vắc xin Tiêm chủng mở rộng[1]. Bộ Y tế đã khẩn trương tiến hành các thủ tục mua sắm vắc xin theo đúng quy định của Luật giá và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2023 của Chính phủ. Đến đầu năm 2024, Bộ Y tế đã hoàn thành việc đặt hàng, đấu thầu mua sắm và tiếp nhận vắc xin để phân bổ cho các địa phương tổ chức tiêm bù mũi cho năm 2023 và tiêm chủng cho 6 tháng đầu năm 2024. Để đảm bảo việc cung ứng vắc xin trong thời gian thực hiện các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế đã chủ động làm việc với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng năm 2023-2024[2].
Đối với kế hoạch tiêm chủng 6 tháng cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, từ tháng 12/2023, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương đăng ký nhu cầu vắc xin Tiêm chủng mở rộng để tổng hợp và ban hành Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024[3]. Ngày 05/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất kinh phí để thực hiện hoạt động Tiêm chủng mở rộng năm 2024 và được Chính phủ phê duyệt bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 để thực hiện hoạt động Tiêm chủng mở rộng tại Quyết định số 1000/QĐ-TTg ngày 18/9/2024. Trong giai đoạn chờ phê duyệt kinh phí, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiến hành mua sắm các vắc xin cần cung ứng ngay để triển khai Tiêm chủng mở rộng (uốn ván, viêm gan B). Ngay sau khi có ngân sách bổ sung, Bộ Y tế đã khẩn trương tiến hành thực hiện các thủ tục mua sắm vắc xin Tiêm chủng mở rộng theo đúng các quy định để kịp thời phân bổ cho các địa phương tổ chức tiêm chủng năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục chủ động phối hợp, làm việc với WHO, UNICEF, Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng để huy động hỗ trợ, viện trợ vắc xin cho Tiêm chủng mở rộng.
Đối kế hoạch năm 2025, Bộ Y tế đã đôn đốc các địa phương đề xuất nhu cầu vắc xin 6 tháng cuối năm 2025 và 6 tháng đầu năm 2026 và tổng hợp, xây dựng, ban hành Kế hoạch năm 2025 ngay từ tháng 7/2024. Bộ Y tế sẽ tổ chức mua sắm vắc xin sớm, không để xảy ra gián đoạn cung ứng vắc xin.
8. Đề nghị đưa tiêm ngừa sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng để toàn dân được thụ hưởng.
Tại Việt Nam, vắc xin phòng, chống sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và phát triển để giúp ngăn ngừa bệnh này. Hiện tại, đã có vắc xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, thuộc danh mục vắc xin được cấp phép lưu hành theo Quyết định số 308/QĐ-QLD ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược. Một số nghiên cứu vắc xin trong nước và quốc tế cũng đang tiếp tục được phát triển và thử nghiệm để cung cấp thêm sự lựa chọn phòng, chống bệnh cho người dân.
Vắc xin phòng chống sốt xuất huyết - một vũ khí mới trong công tác phòng chống sốt xuất huyết nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do sốt xuất huyết, góp phần đạt được mục tiêu chung là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Việc sử dụng vắc xin phòng, chống sốt xuất huyết là một nhiệm vụ quan trọng, do đó trước khi đề xuất việc tổ chức triển khai chính thức, cần tiếp tục theo dõi tính an toàn, hiệu quả miễn dịch đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vắc xin phòng, chống sốt xuất huyết.
9. Đề nghị có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện trong công tác đấu thầu mua các loại thuốc đặc trị, hoạt chất phóng xạ trị các bệnh hiểm nghèo, ung thư,...
Bộ Y tế tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: (1) Trình Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác mua thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng thực hiện tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực tiễn thời gian qua[4]; (2) Ban hành theo thẩm quyền 04 Thông tư theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP[5]; phân cấp, phân quyền triệt để thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; (3) Tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến, quán triệt quy định của pháp luật về đấu thầu tới tất cả các địa phương, cơ sở y tế, đồng thời chủ động hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc thực hiện mua thuốc, thiết bị y tế bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, thiết bị y tế; (4) Chủ động làm việc trực tiếp với các đơn vị, địa phương để nắm bắt tình hình, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế trên toàn quốc về việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh[6].
Bộ Y tế tổ chức Đoàn công tác (gồm các Vụ, Cục chuyên môn của Bộ Y tế) làm việc trực tiếp với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các Bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Tại buổi làm việc, Sở Y tế và các đơn vị báo cáo những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện Luật, Nghị định và Thông tư. Đoàn công tác đã trực tiếp hướng dẫn, giải đáp và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế để các đơn vị thực hiện.
10. Cử tri cho rằng, năm 2023, tổng tỷ suất sinh là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Đồng thời, chi phí điều trị vô sinh quá cao; việc khám, xét nghiệm, điều trị vô sinh chưa được bảo hiểm y tế chi trả có thể gây khó khăn đối với nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn; do đó cử tri kiến Bộ Y tế xem xét hỗ trợ bảo hiểm y tế chi trả đối với việc điều trị vô sinh.
Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán khi người có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét để bổ sung mở rộng danh mục dịch vụ khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
11. Nhiều ý kiến cử tri cho rằng việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế từ 972.000 đồng lên 1.263.600đồng/năm từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đã ảnh hưởng những người lao động tự do, người dân khó khăn có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế. Từ đó làm giảm số lượng người mua bảo hiểm y tế, giảm độ bao phủ bảo hiểm y tế trên từng địa phương và cả nước. Do đó, đề nghị xem xét điều chỉnh giảm mức giá mua bảo hiểm y tế để mọi người dân đều có thể tham gia bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức tiền lương hoặc lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình[7].
Tại điểm e, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và khoản 11, Điều 1, Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế cũng đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như sau: (1) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; (3) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[8].
Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
| BỘ TRƯỞNG |
[1] Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05/8/2023.
[2] Ngân hàng Sacombank hỗ trợ 72.300 liều vắc xin DPT-VGB-Hib; WHO, UNICEF viện trợ 185.700 liều vắc xin DPT-VGB-Hib; Chính phủ Úc hỗ trợ 490.600 liều DPT-VGB-Hib. WHO viện trợ 1.134.200 liều vắc xin Sởi-Rubella (MR) để triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng chống bệnh Sởi năm 2024.
[3] Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10/6/2024.
[4] Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu; Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.
[5] Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
[6] Văn bản số 3314/BYT-KHTC ngày 17/6/2024; văn bản số 4060/BYT-KHTC ngày 16/7/2024 và văn bản số 5487/BYT-KHTC ngày 16/9/2024.
[7] a) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
b) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định này
[8] Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định:
a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
- 1Luật bảo hiểm y tế 2008
- 2Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014
- 3Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế
- 4Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
- 5Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024
- 6Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế
- 7Luật Đấu thầu 2023
- 8Luật Giá 2023
- 9Nghị quyết 98/NQ-CP về bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng do Chính phủ ban hành
- 10Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
- 11Nghị định 13/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng
- 12Thông tư 04/2024/TT-BYT quy định về danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 13Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 14Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 15Thông tư 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 16Thông tư 05/2024/TT-BYT quy định về danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 17Quyết định 308/QĐ-QLD năm 2024 về Danh mục 40 vắc xin, sinh phẩm được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam - Đợt 50 do Cục trưởng Cục Quản lý Dược ban hành
- 18Quyết định 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 19Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 20Thông tư 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Công văn 105/BYT-VPB1 năm 2025 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 105/BYT-VPB1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 07/01/2025
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đào Hồng Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/01/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra