Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1024/HTQTCT-HT | Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2016 |
Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang
Về kiến nghị của Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang liên quan đến vướng mắc thực hiện Luật hộ tịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn như sau:
1. Kiến nghị 1: Theo Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, thì chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm:
“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con ...”
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp xin nhận cha, mẹ, con của một số xã vùng sâu, vùng xa do trình độ dân trí thấp, là dân tộc thiểu số nên nhiều trường hợp tảo hôn sau khi sinh con một thời gian mới đủ tuổi đăng ký kết hôn và tiến hành đăng ký khai sinh cho con đồng thời làm thủ tục nhận con nhưng lại không có điều kiện để đáp ứng theo đúng yêu cầu của Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP. Nếu cơ quan có thẩm quyền từ chối không đăng ký hộ tịch vì lý do không đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định thì công dân sẽ không tiếp tục có yêu cầu nhận cha, mẹ, con, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em, nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành đăng ký nhận cha, mẹ, con cho công dân khi chưa đủ các giấy tờ cần thiết sẽ trái quy định. Vì vậy, rất cần có quy định cụ thể về vấn đề này (huyện Sơn Dương).
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn như sau:
Quy định pháp luật về chứng cứ chứng minh quan hệ cha mẹ con (như Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP) là đã khá cụ thể, nhằm giúp các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước áp dụng thống nhất, bảo đảm quyền lợi của trẻ em cũng như cha mẹ. Đồng thời, để thực hiện tốt quy định này, đề nghị cơ quan đăng ký hộ tịch tích cực, chủ động tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được hậu quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Tuy nhiên, đối với những địa bàn như tỉnh Tuyên Quang, với những xã vùng sâu, vùng xa do trình độ dân trí thấp, là dân tộc thiểu số, không có điều kiện để có được những chứng cứ như pháp luật quy định nhằm chứng minh quan hệ cha mẹ con, thì để bảo đảm quyền lợi của các bên, nhất là quyền khai sinh của trẻ em, đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đăng ký hộ tịch vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP cho phép cha, mẹ của trẻ em nộp văn bản cam đoan về việc trẻ em đó là con chung của hai người, đồng thời phải có người thân thích của cha mẹ đứng ra làm chứng. Cơ quan đăng ký hộ tịch phải trực tiếp kiểm tra, xác minh, bảo đảm yêu cầu nhận cha, mẹ, con là đúng thực tế, tránh lợi dụng việc nhận cha, mẹ, con để trục lợi.
Trường hợp còn vướng mắc phát sinh tiếp, đề nghị Sở Tư pháp phản ánh về Bộ (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) để hướng dẫn kịp thời.
2. Kiến nghị 2: Tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: “Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ số hộ tịch tại địa phương”. Tuy nhiên, trường hợp UBND xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây đã giải thể, không xác định được nơi lưu trữ sổ hộ tịch thì việc xác minh sẽ gặp khó khăn.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn như sau:
Thực tế ở nước ta chưa bao giờ có việc giải thể UBND cấp xã, mà chỉ xảy ra việc sáp nhập hoặc chia tách nên dẫn đến thay đổi tên/địa danh của UBND. Trong trường hợp này, trách nhiệm đăng ký, quản lý hộ tịch của đơn vị cũ, kể cả Sổ hộ tịch đã đăng ký trước đây, sẽ được chuyển giao cho đơn vị hành chính mới. Do đó, có thể căn cứ vào quyết định chia tách, sáp nhập địa danh hành chính để xác định UBND cấp xã nào sau đó được giao thẩm quyền và trách nhiệm đăng ký, quản lý hộ tịch, trong đó có việc xác minh tình trạng hôn nhân của công dân trước đây có thời gian cư trú trên địa bàn.
Trường hợp không xác định được UBND xã nào đã tiếp nhận bàn giao công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của công dân trước đây hoặc không còn lưu giữ được Sổ hộ tịch, thì cho phép công dân lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước đây và hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan đó.
3. Kiến nghị 3: Tại khoản 2, Điều 25 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền đăng ký lại khai tử như sau:
“2. Ủy ban nhân dân xã nơi đã đăng ký khai tử trước đây thực hiện việc đăng ký lại khai tử”.
Quy định này gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền đăng ký khai tử với các trường hợp trước kia đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo quy định thì Ủy ban nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền đăng ký lại khai tử).
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn như sau:
Thẩm quyền đăng ký hộ tịch ở nước ta có sự thay đổi qua các thời kỳ khác nhau. Theo pháp luật hộ tịch hiện hành, UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký mọi việc hộ tịch của công dân Việt Nam cư trú trong nước, trong đó có việc đăng ký lại khai sinh, khai tử, kết hôn. UBND cấp huyện thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và đăng ký lại khai sinh, khai tử, kết hôn có yếu tố nước ngoài. Do đó, nếu trước đây việc khai tử của công dân Việt Nam do UBND cấp huyện đăng ký, thì nay yêu cầu đăng ký lại việc khai tử đó sẽ do UBND cấp xã, nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện. Tương tự, nếu việc khai sinh, kết hôn của công dân Việt Nam trước đây đăng ký tại UBND cấp huyện, thì nay yêu cầu đăng ký lại việc khai sinh, kết hôn đó sẽ do UBND cấp xã, nơi cư trú của người yêu cầu thực hiện.
Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã mà trên địa bàn của xã đó đóng trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp huyện đã khai sinh, khai tử trước đây, thực hiện đăng ký lại việc khai sinh, khai tử đó.
4. Kiến nghị 4: Việc cấp Giấy chứng tử cho các trường hợp chết tại nhà chưa có hướng dẫn cụ thể (mẫu giấy báo tử).
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn như sau:
Nghị định số 123/2015/NĐ-CP (khoản 2 Điều 5) giao Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử và cung cấp số liệu thống kê sinh, tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn các vấn đề này. Để tạo thuận lợi cho người dân, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, đề nghị Sở Tư pháp tạm thời hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện như sau:
- Nếu người chết chết bình thường do già yếu tại địa phương mình (nơi cư trú cuối cùng) thì căn cứ vào khai báo của những người thân thích để thực hiện đăng ký khai tử và cấp Trích lục khai tử, không cần cấp Giấy báo tử. Nếu người đó chết tại địa phương do ốm đau, bệnh tật, tai nạn... thì phải có Biên bản xác nhận của cơ quan y tế, cơ quan công an xã về thời gian, nguyên nhân chết.
- Nếu người chết chết ở nơi khác (không phải là nơi cư trú cuối cùng), thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết cấp giấy báo tử, trong đó ghi rõ các thông tin: họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết (nếu có); nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết (theo Dương lịch); quốc tịch của người chết.
- Nếu người chết là người nước ngoài thì cần trao đổi với cơ quan công an cấp huyện, cơ quan y tế để xác minh làm rõ thời gian, nguyên nhân chết, sau đó mới thực hiện các thủ tục khai tử theo quy định.
Trên đây là hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực về những kiến nghị vướng mắc khi thi hành Luật hộ tịch, xin gửi để Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch thống nhất thực hiện./.
| CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn 6555/HTQTCT-HT năm 2015 triển khai thi hành Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
- 2Công văn 336/HTQTCT-HT năm 2017 về hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
- 3Công văn 394/HTQTCT-HT năm 2017 về hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
- 1Luật Hộ tịch 2014
- 2Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch
- 3Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 4Công văn 6555/HTQTCT-HT năm 2015 triển khai thi hành Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
- 5Công văn 336/HTQTCT-HT năm 2017 về hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
- 6Công văn 394/HTQTCT-HT năm 2017 về hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
Công văn 1024/HTQTCT-HT năm 2016 vướng mắc thực hiện Luật hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
- Số hiệu: 1024/HTQTCT-HT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 13/07/2016
- Nơi ban hành: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
- Người ký: Nguyễn Công Khanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra