Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/UB-CT

Bến Tre, ngày 28 tháng 8 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỦ ĐỘNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT, BÃO

Thực hiện Chỉ thị số 142/CT ngày 26/4/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về công tác phòng chống lụt bão. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã lập kế hoạch và triển khai cho các ngành và các địa phương vào ngày 30/6/1987. Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh ngày 22/8/87 Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh đã họp kiểm điểm tình hình triển khai công tác phòng chống lụt và sinh hoạt Chỉ thị số 237/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh công tác phòng chống lụt bão. Sau khi nghe đồng chí Giám đốc Sở Thuỷ lợi báo cáo kết quả triển khai công tác này ở các huyện, thị và các ngành tỉnh đến ngày 20/8/1987 mới có ngành nông nghiệp và 3 huyện: Mỏ Cày, Thạnh Phú, Châu Thành đã lập kế hoạch phương án triển khai xuống cơ sở, còn hầu hết đều chưa triển khai và tổ chức thực hiện, chứng tỏ nhiều nơi còn chủ quan và xem nhẹ công tác này.

Tình hình thời tiết năm nay rất không bình thường, đầu vụ hè thu bị hạn hán nhưng mưa có thể muộn và tập trung vào thời kỳ giữa và cuối vụ mùa. Đồng thời có thể xuất hiện cơn bão muộn dẫn đến thiệt hại cho sản xuất, và tài sản tính mạng của nhân dân. Để kịp thời khắc phục mặt yếu, và chủ động phòng chống lụt, bão, úng thuỷ cục bộ một số vùng. Các huyện, thị xã, các ngành và cơ sở sản xuất kinh doanh cần thực hiện một số việc cấp bách sau đây:

1. Các ngành, huyện, thị xã cần tổ chức Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và phân công từng thành viên chịu trách nhiệm từng vùng, từng cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng các phương án phòng chống lụt bão cụ thể triển khai cho đơn vị, địa phương mình. Chống tư tưởng chủ quan, phải đề cao cảnh giác trước tình hình thiên nhiên không bình thường. Cần gắn chỉ đạo chống hạn sản xuất vụ mùa với công tác phòng chống thiên tai bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản XHCN và tài sản tính mạng của nhân dân.

2. Ngành Thuỷ lợi cùng các huyện, thị xã phải kiểm tra các cống tiêu úng, các đê ven sông, bờ vùng, những nơi suy yếu đã hư cần phải khẩn trương sửa chữa, chống nước biển tràn vào, và lúc mưa dồn dập tập trung có thể gây úng. Phải khẩn trương thi công các cống tiêu như: cống Láng sen, cống Cầu tàu, cống Bình bát… trước mùa mưa lũ lớn để tiêu úng kịp thời.

3. Ngành Thuỷ sản hướng dẫn địa phương, đơn vị sản xuất kiểm tra đôn đốc, bờ vùng, ngư trường, bờ ven ao hồ cá của nhân dân. Nếu chưa đủ cao phải cho tôn cao đảm bảo chống đươc lũ lớn nhất bằng mức 1978, và kịp thời thông báo bão cho ngư dân đánh bắt ngoài khơi vào bờ, ẩn tránh bão lụt xảy ra, không để thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

4. Ngành điện lực, bưu điện cùng với Ban Quản lý cây xanh, công trình đô thị (nếu thị xã) và cùng ngành lâm nghiệp và các huyện thị (nếu trên tuyến giao thông, khu dân cư) có kế hoạch chặt mé nhánh, cành cây trên đường dây điện, đường dây điện thoại, đảm bảo an toàn khi có bão, tránh cây ngã gãy làm đứt dây điện gây tai nạn. Các huyện, thị xã, xã, phường phải giáo dục nhân dân thấy được sự nguy hiểm của vấn đề này để ủng hộ lực lượng chặt mé cây bảo đảm sự an toàn tính mạng tài sản của nhân dân.

5. Các ngành giao thông, bưu điện cần kiểm tra cầu, đường, phà, bến bãi, phương tiện thông tin liên lạc, bảo đảm thông tin được nhanh nhạy kịp thời. Tổ chức phương tiện giao thông để ứng phó ở vùng, các địa phương xảy ra bão lụt khi cần thiết.

6. Các ngành nông nghiệp, lương thực, xuất khẩu, thương nghiệp… nói chung là các ngành có vật tư, hàng hóa, phải kiểm tra lại kho tàng, chống gió bão tốc mái kho, nước ngập ẩm ướt hàng hóa. Cần phải có kho dự phòng trong trường hợp cần thiết dời hàng hóa, vật tư đến nơi an toàn.

7. Các ngành quân sự, công an cần có kế hoạch cho ngành mình, chuẩn bị lực lượng ứng phó với tình hình trước, trong và sau bão lụt, ngăn chặn kịp thời phần tử, kẻ xấu lợi dụng tình hình bão lụt cướp phá tài sản XHCN và tài sản của nhân dân, tung tin tác động gây hoang mang trong quần chúng.

8. Uỷ ban Kế hoạch, Tài chánh, Ngân hàng, Lâm nghiệp, Công ty Vật liệu xây dựng, Sở Y tế cần có kinh phí vật tư dự phòng, chuẩn bị thuốc men cần thiết để ứng phó trong khi xảy ra lụt bão và khắc phục hậu quả sau bão lụt.

9. Các ngành thông tin đại chúng, cần tuyên truyền gây ý thức quần chúng đề cao cảnh giác, sẵn sàng chống thiên tai bất lợi. Đồng thời chống lại chiến tranh tâm lý của bọn xấu. Kịp thời thông tin dự báo tình hình thời tiết, hướng bão, lụt, một cách nhanh nhất để nhân dân, các địa phương, các ngành kịp thời đối phó, tránh tổn thất một cách thấp nhất.

Các ngành khác, căn cứ vào nhiệm vụ của mình phải làm tốt công tác phòng chống lụt bão cho ngành mình, và đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện kịp thời giúp đỡ ngành, địa phương khác khi bị bão lụt.

Bão lụt tỉnh ta thường ít xảy ra, nhưng không vì thế mà chủ quan. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương phải có ý thúc chủ động phòng chống lụt bão và chịu trách nhiệm trước nhân dân trong vấn đề này.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm BCH phòng chống lụt bảo tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, giám đốc, Thủ trưởng ban ngành kiểm tra, đôn đốc các ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, và kịp thời chỉ đạo các kế hoạch chuẩn bị phòng chống, khắc phục mọi hậu quả trong và sau khi bão lụt./.

  

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
 KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Ngẩu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 47/UB-CT năm 1987 về chủ động công tác phòng chống lụt, bão do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 47/UB-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/08/1987
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Văn Ngẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/08/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 09/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản