Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 321-CT

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH CỦA NGÀNH VĂN HOÁ

Nhằm giải quyết một phần những khó khăn trước mắt, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hoá nghệ thuật, xây dựng đời sống văn hoá phong phú và lành mạnh trong nhân dân, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

1. Chính sách tài chính đối với ngành văn hoá.

a) Để xây dựng một nền văn hoá dân tộc và xã hôi chủ nghĩa, Nhà nước ta không chủ trương tất cả các hoạt động văn hoá nghệ thuật đều phải kinh doanh để tự trang trải mọi chi phí, mà Nhà nước sẽ tăng thêm mức đầu tư của ngân sách Nhà nước cho các hoạt động này ở trung ương và ở các địa phương.

Cùng với việc tăng thêm kinh phí của Nhà nước, khuyến khích các đơn vị văn hoá nghệ thuật có điều kiện tìm thêm nguồn thu và mở rộng thêm nguồn thu bằng hoạt động nghệ thuật của mình để bổ sung cho phần ngân sách được cấp; song không được vì tạo thêm nguồn thu mà hạ thấp chất lượng phục vụ của các hoạt động văn hoá nghệ thuật.

b) Thực hiện cơ chế tài chính sau đây đối với ngành văn hoá:

- Ngân sách Nhà nước (trung ương và địa phương) cấp 100% kinh phí cho sự nghiệp đào tạo, bảo tồn bảo tàng, thư viện và các hoạt động văn hoá nghệ thuật ở vùng cao, biên giới, hải đảo.

Ngân sách Nhà nước (trung ương và địa phương) cấp 50% chi phí hoạt động thường xuyên của:

Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp (không kể kinh phí mua sắm tài sản, sửa chữa lớn). Đối với các đoàn nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, múa rối, các đoàn nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, v.v..., có thể tài trợ ở mức cao hơn;

Sản xuất các phim thời sự, tài liệu, phim thiếu nhi, những phim truyện về đề tài lịch sử và cách mạng theo chế độ Nhà nước đặt hàng;

Các xuất bản phẩm phục vụ đối ngoại và phục vụ các dân tộc thiểu số;

Hoạt động của các nhà văn hoá ở trung ương và địa phương.

- Thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh, tự bù đắp chi phí đối với việc sản xuất vật phẩm văn hoá dùng trong nước và xuất khẩu, các dịch vụ văn hoá nghệ thuật khác.

c) Cùng với việc sắp xếp lại các tổ chức văn hoá nghệ thuật từ trung ương đến địa phương và xác định rõ đơn vị nào có thể lấy thu bù chi, đơn vị nào cần được Nhà nước tài trợ, Bộ Văn hoá phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định cụ thể về chế độ tài chính cho các đơn vị văn hoá nghệ thuật.

Bộ Văn hoá làm việc ngay với Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về các vấn đề đầu tư, kinh phí hoạt động để kịp thời đưa vào kế hoạch ngân sách năm 1990. Chú ý giải quyết các vấn đề sau đây:

- Tăng thêm kinh phí cho việc tu sửa và nâng cấp các công trình văn hoá quan trọng như Nhà hát lớn Hà Nội, Thư viện quốc gia, hoàn thành việc xây dựng rạp xiếc, Nhà hát chèo, bổ sung thêm sách cho các thư viện, cải thiện điều kiện dạy và học của trường văn hoá nghệ thuật.

- Cấp một số vốn lưu động ban đầu, tối cần thiết cho hoạt động của các hãng sản xuất phim, các đơn vị sản xuất sản phẩm văn hoá đang gặp khó khăn, cho quỹ của các Hội văn học nghệ thuật.

- Xem xét giảm mức thu quốc doanh (thuế doanh thu) chiếu bóng của ngành điện ảnh; tạm thời cho ngành chiếu bóng miễn nộp lợi nhuận (thuế lợi tức) tới khi có quyết định mới. Bộ Văn hoá cùng Bộ Tài chính bàn bạc để xác định cụ thể.

2. Về quản lý Nhà nước.

Trong công tác quản lý Nhà nước về văn hoá nghệ thuật, Bộ Văn hoá và các cơ quan khác có trách nhiệm về văn hoá phải tập trung đúng mức vào việc xây dựng nền văn hoá mới dân tộc và hiện đại, tiếp tục đổi mới các hoạt động văn hoá nghệ thuật để nâng cao chất lượng, làm cho hoạt động văn hoá nghệ thuật có nội dung và hình thức phong phú và hấp dẫn, nhưng không chạy theo thương mại để kiếm lời, gây nhiễm độc về văn hoá và tư tưởng, Bộ Văn hoá cần phối hợp với các ngành và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc biệt chăm lo đời sống văn hoá ở các cơ sở, nhất là ở nông thôn, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ.

Cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Bộ Văn hoá phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để chỉ đạo thường xuyên việc kiểm tra các hoạt động chiếu vidéô thu tiền, âm nhạc, mua bán tranh ảnh và văn hoá phẩm độc hại theo các quyết định đã ban hành.

3. Bộ Văn hoá phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật, các cơ quan Nhà nước có liên quan và các Uỷ ban Nhân dân địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật đặt trong chương trình chung của Đảng và Nhà nước về tổ chức các ngày lễ lớn năm 1990.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 321-CT năm 1989 về một số vấn đề cấp bách của ngành Văn hoá do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 321-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/11/1989
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 30/11/1989
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 02/12/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản