Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2002/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỤC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2001/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2001 (sau đây gọi là Nghị định số 92) về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo quy định tại Nghị định số 92 của Chính phủ, những xe khách quá 20 năm, xe khách được cải tạo từ xe khác quá 17 năm không được kinh doanh vận tải khách. Sau một năm triển khai thực hiện Nghị định số 92, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, chủ xe trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ, khắc phục khó khăn, bước đầu đổi mới phương tiện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông vận tải. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số doanh nghiệp, chủ xe, vì lợi riêng không chịu chấp hành Nghị định vẫn tiếp tục sử dụng phương tiện quá niên hạn quy định để kinh doanh vận tải khách, vi phạm Nghị định số 92 và vi phạm Luật Giao thông đường bộ, để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, đặc biệt có vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, bị dư luận xã hội và công luận lên án.

Để thực hiện nghiêm Nghị định số 92 và Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế sự gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, lấy năm 2003 là năm thiết lập trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước theo Nghị quyết Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ hai, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện kiên quyết và có hiệu quả việc đình chỉ lưu hành đối với các xe khách đã quá niên hạn sử dụng theo quy định của Nghị định số 92.

Đồng thời, để khắc phục những tồn tại đang diễn ra gây nguy cơ mất an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) thực hiện một số công việc sau đây:

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam:

- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2003 không kiểm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (tem kiểm định mầu vàng) cho các xe quá niên hạn quy định tại Nghị định số 92.

- Thống kê số lượng, kiểu loại, năm sản xuất các xe khách đã hết niên hạn sử dụng và thông báo cho: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để phối hợp xử lý lưu hành và quản lý đăng ký hành chính.

2. Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính):

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra tại các điểm giao thông tĩnh, xử lý nghiêm các xe có dán tem vàng mà chở khách hoặc cho thuê chở người. Nếu phát hiện các vi phạm phải tạm giữ phương tiện và Giấy phép lái xe của người điều khiển và các giấy tờ khác của xe để xử lý theo quy định.

- Phổ biến nhắc nhở các doanh nghiệp, các chủ xe và yêu cầu cam kết không dừng các xe đã quá niên hạn, mất an toàn kỹ thuật vào chở khách, chở người. Thường xuyên kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, các chủ xe vi phạm quy định.

3. Cục Đường bộ Việt Nam.

Chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) tổ chức nhanh các tuyến vận tải khách công cộng liên tỉnh theo đúng quy định 4127/2001/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân giữa các vùng, các miền, không để các xe quá niên hạn lén lút lừa khách, ngoài bến hoặc tại những "bến cóc, bến dù" trên địa bàn.

4. Thanh tra giao thông

Phối hợp với Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các bến xe, các điểm đón trả khách để đình chỉ việc chở khách của các xe đã quá niên hạn, xử phạt nghiêm các chủ xe cố tình vi phạm; được phép thu hồi Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tem kiểm định (tem vàng) của xe vi phạm và Giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự trong việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để các xe khách đã hết niên hạn sử dụng theo quy định, tham gia hoạt động vận chuyển khách.

- Tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Nhà nước không đưa các xe hết hạn vào chở khách, chở người. Đồng thời tuyên truyền để nhân dân không sử dụng các phương tiện không đưa kiểm định hoặc đã kiểm định mà còn mang tem vàng.

- Thực hiện biện pháp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới phương tiện; đầu tư kinh doanh trên những tuyến vùng sâu, vùng xa và vận tải xe buýt trong các thành phố, thị xã đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân.

- Yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp, trường học không thuê, mượn, không sử dụng xe của đơn vị đã hết hạn theo Nghị định số 92 vào việc: đưa, đón cán bộ, công nhân, học sinh đi làm, đi học, tham quan nghỉ mát.... Nếu còn sử dụng các phương tiện đã quá niên hạn thì Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp và trường học phải chịu trách nhiệm về mất an toàn giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý phương tiện nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông.

 

 

Phạm Thế Minh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/2002/CT-BGTVT thực hiện Nghị định 92/2001/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 27/2002/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/12/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Phạm Thế Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản