Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2005/CT-UBND | Bến Tre, ngày 10 tháng 11 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH LỊCH SỬ.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện nay đã có 13 di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia, 03 di tích được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh, hơn 50 bia - tượng đài. Những năm qua, các di tích cấp quốc gia đã được đầu tư tôn tạo và chống xuống cấp. Có di tích đã được đầu tư tôn tạo lớn như: di tích Nguyễn Đình Chiểu, di tích Đồng Khởi, đền thờ bà Nguyễn Thị Định, đền thờ ông Huỳnh Tấn Phát, di tích Ngã ba Cây da đôi, nhà ông Nguyễn Văn Cung – nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bến Tre…. Các tượng đài cũng được xây dựng như: tượng đài Đồng Khởi, tượng đài Trần Văn Ơn…. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngôi đình, chùa… đã xây dựng cách đây trăm năm với nhiều di vật, cổ vật quý đang được nhân dân quản lý, giữ gìn.
Hệ thống di tích, bia, tượng đài đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về tinh thần uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương, đất nước; là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân, là bộ mặt văn hoá của tỉnh nhà, là nơi thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Di tích lịch sử là tài sản quý giá được nhà nước và nhân dân giữ gìn cho hôm nay và mai sau.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử, bia, tượng đài cũng có nhiều yếu kém, bất cập. Nhiều di tích chỉ mới ở tình trạng chống xuống cấp với mức đầu tư ít; việc quản lý các di tích quốc gia được phân cấp cho cấp huyện (trừ di tích Nguyễn Đình Chiểu và Đồng Khởi) chưa được huyện quan tâm đúng mức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị; một số di tích còn bị xâm hại; một số bia, tượng đài được địa phương quan tâm xây dựng nhưng công tác bảo quản yếu kém dẫn đến tình trạng xuống cấp, làm giảm giá trị về văn hoá lịch sử, thậm chí còn phản tác dụng về giáo dục; các di tích lịch sử chưa được phát huy đúng mức trong công tác giáo dục truyền thống, khai thác phát triển kinh tế phục vụ cho địa phương; một số đình chùa bị kẻ gian lấy cắp các di vật, cổ vật.
Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hoá vật thể cũng như văn hoá phi vật thể của di tích lịch sử, đồng thời khắc phục những yếu kém của công tác bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích lịch sử trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện, thị:
a. Tổ chức điều tra thực trạng các di tích văn hoá lịch sử, bia, tượng trên địa bàn, đáng giá những mặt tích cực cũng như những yếu kém, từ đó có các biện pháp phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những tồn tại, yếu kém. Hàng năm, phối hợp với Sở Văn hoá – Thông tin có kế hoạch tôn tạo các di tích tại địa phương, bao gồm cả di tích quốc gia được tỉnh phân cấp quản lý và các di tích khác.
b. Quan tâm đến việc tổ chức các lễ hội ở đình làng, nơi thờ tự… phù hợp với truyền thống văn hoá, lành mạnh và tiết kiệm. Chỉ đạo cho Công an huyện, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có kế hoạch bảo vệ chống sự xâm hại, mất cắp tại các di tích trên địa bàn, báo cáo kịp thời về cơ quan chuyên môn khi người dân phát hiện những hiện vật lịch sử trong quá trình lao động tìm thấy theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá. Phát huy tinh thần tự giác của nhân dân trong việc giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử, đình chùa, nơi thờ tự để những nơi đó trở thành điểm sáng văn hoá tại địa phương.
2. Trách nhiệm của Sở Văn hoá – Thông tin:
a. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về chuyên môn trong việc đầu tư tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử; xây dựng kế hoạch tổng thể bảo vệ và khai thác các di tích văn hoá lịch sử trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức các hoạt động lễ hội tại các di tích lịch sử để phát huy các giá trị văn hoá của di tích. Nghiên cứu đề xuất về nội dung lễ hội ở hai di tích Nguyễn Đình Chiểu và di tích Đồng Khởi, để dần hình thành nếp lễ hội truyền thống, đặc biệt phát huy vai trò của nhân dân trong tổ chức hai lễ hội trên.
b. Sở Văn hoá – Thông tin phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị và các ngành có liên quan lập đề án về xây dựng Tượng đài Danh nhân trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ di tích Nhà Cổ Hương Liêm ở Đại Điền (Thạnh Phú) để Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm kê, nghiên cứu Nhà cổ ở Bến Tre. Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp cùng các địa phương tiến hành kiểm kê các hiện vật ở các di tích được xếp hạng; tăng cường công tác đào tạo và chuyên môn hoá đội ngũ thuyết minh tại các di tích lịch sử.
Phối hợp với Uỷ ban nhân dân thị xã có kế hoạch bảo quản, giới thiệu di chỉ Giồng Nổi (xã Bình Phú).
c. Sở Văn hoá – Thông tin phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị và các ngành tập trung đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để xây dựng các địa phương có di tích lịch sử phấn đấu đạt chuẩn đơn vị văn hoá.
3. Sở Tài nguyên Môi trường:
Hướng dẫn việc cấp quyền sử dụng đất cho các di tích lịch sử, trước mắt là các di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh.
4. Sở Thương mại và Du lịch:
Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm cùng với Sở Văn hoá – Thông tin giữ gìn và tôn tạo lại các di tích văn hoá lịch sử, góp ý với ngành Văn hoá – Thông tin để phát huy hết giá trị truyền thống, lịch sử của từng địa phương, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Hằng năm, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp và tôn tạo di tích của Bộ Văn hoá – Thông tin, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ dành kinh phí cho công việc tôn tạo di tích, tu sửa các bia, tượng đài đã được xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg ngày 24/02/2005 lấy ngày 23/11 là ngày Di sản văn hoá Việt Nam. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện, thị, Sở Văn hoá – Thông tin và các ngành tuỳ theo chức năng của mình mà có các hoạt động thiết thực để tổ chức kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam.
Giao cho Uỷ ban nhân dân, huyện, thị, Sở Văn hoá – Thông tin, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường và các ngành liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ các tổ chức thực hiện chỉ thị. Sở Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm theo dõi và tổng hợp báo cáo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện chỉ thị này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 27/2014/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 2Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 3Quyết định 25/2014/QĐ-UBND về phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 4Quyết định 27/2019/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Quyết định 36/2005/QĐ-TTg về Ngày Di sản văn hoá Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 27/2014/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 4Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 5Quyết định 25/2014/QĐ-UBND về phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Chỉ thị 26/2005/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử do tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 26/2005/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/11/2005
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Võ Thành Hạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra