Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN “NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” NĂM 2014 TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Luật Phổ biến giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 quy định: “Ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Năm 2014 là năm đánh dấu những kết quả tích cực trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (sau đây gọi chung là Ngày Pháp luật), ngày 29/9/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản 12209/BGTVT-PC hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức Ngày Pháp luật đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, đặc biệt là từ chính những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các em học viên, sinh viên trong ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục, Viện, Ban, trường, doanh nghiệp thuộc Bộ; các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện các nội dung sau đây:

I. YÊU CẦU CHUNG

1. In ấn, treo pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử về Ngày pháp luật tại cổng và khuôn viên cơ quan trong ngày 09/11/2014 để giáo dục ý thức tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình.

Tham khảo, sử dụng mẫu pa nô, áp phích về Ngày Pháp luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để tuyên truyền trong Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình.

2. Quán triệt tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về nội dung, ý nghĩa, mục đích của Ngày Pháp luật thông qua các hình thức khác nhau như mít tinh, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tìm hiểu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động, quyền, lợi ích và nghĩa vụ của cơ quan, đơn vị mình (tổ chức trong thời gian từ ngày 03/11/2014 đến ngày 09/11/2014, trong đó tập trung vào ngày 09/11/2014 theo các nội dung gợi ý tại Phụ lục kèm theo Chỉ thị này).

3. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành bằng nhiều hình thức khác nhau tùy vào điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt tập trung tuyên truyền những điểm mới của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 (Luật số 48/2014/QH14); Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bên cạnh đó, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung do Bộ chủ trì soạn thảo, trình; các dự thảo Nghị định, Thông tư do cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo...

4. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị thực hiện có hiệu quả Ngày Pháp luật; đồng thời phê bình, nhắc nhở các cá nhân, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc các nội dung của Ngày Pháp luật theo quy định.

II. YÊU CẦU CỤ THỂ

1. Đối với các Sở Giao thông vận tải, cần nghiên cứu lồng ghép các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về Ngày Pháp luật với hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai có hiệu quả Ngày Pháp luật tại địa phương.

2. Đối với các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT, ngoài các yêu cầu chung, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nội dung theo Hướng dẫn tại công văn số 12209/BGTVT-PC ngày 29/9/2014 của Bộ GTVT để Ngày Pháp luật được tổ chức thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và đạt được mục đích đề ra.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ: các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục, Viện, Ban, trường thuộc Bộ; Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ; Giám đốc các Sở Giao thông vận tải; có trách nhiệm:

- Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này;

- Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị thực hiện có hiệu quả Ngày Pháp luật; đồng thời phê bình, nhắc nhở các cá nhân, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc các nội dung của Ngày Pháp luật;

- Báo cáo kết quả thực hiện Ngày Pháp luật về Bộ GTVT (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 25/11/2014.

2. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm:

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Ngày Pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;

- Phối hợp với Văn phòng Bộ treo băng rôn, biểu ngữ tại cơ quan Bộ để tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa của Ngày Pháp luật;

- Tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở GTVT báo cáo Lãnh đạo Bộ và Bộ Tư pháp theo quy định.

3. Các tổ chức, bộ phận Pháp chế thuộc các cơ quan, đơn vị và các Sở GTVT là đầu mối triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình.

4. Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Giao thông, Tạp chí GTVT tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về ý nghĩa, mục đích Ngày Pháp luật và Chỉ thị này trên Trang thông tin điện tử và các số báo, tạp chí.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo kịp thời về Bộ GTVT (qua Vụ Pháp chế) để hướng dẫn, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Các Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Công đoàn GTVT Việt Nam;
- Đoàn thanh niên Bộ GTVT;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Các Sở Giao thông vận tải;
- Website Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 22/CT-BGTVT ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

NỘI DUNG TÌM HIỂU VỀ NGÀY PHÁP LUẬT
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (09/11)

I. QUY ĐỊNH VỀ NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

1. Nội dung tổ chức Ngày Pháp luật

(Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật)

- Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;

- Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật;

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

- Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;

- Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

- Nội dung khác theo hướng dẫn tại công văn số 12209/BGTVT-PC ngày 29/9/2014 của Bộ Giao thông vận tải.

2. Hình thức tổ chức Ngày Pháp luật

(Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP)

- Mít tinh, hội thảo, tọa đàm;

- Thi tìm hiểu pháp luật;

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm;

- Các hình thức khác theo hướng dẫn tại công văn số 12209/BGTVT-PC ngày 29/9/2014 của Bộ Giao thông vận tải.

II. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để từ một ngày này góp phần 364 ngày còn lại đều là Ngày Pháp luật.

2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật

Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

3. Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước.

Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

4. Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

- Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn của pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, công bằng và dân chủ. Tổ chức Ngày Pháp luật góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và trở thành một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi việc nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương, pháp luật; là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật. Pháp luật chỉ có thể trở thành điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp nhận, chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người.

Bởi thế, phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là khâu đầu tiên của việc thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

- Đối với việc tín hành pháp luật, tổ chức Ngày pháp luật nhằm động viên toàn xã hội thi hành luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

5. Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý

Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp lý, nâng cao trình độ dân trí pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật.

Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài.

Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức về sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện, từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của người dân vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức với ý nghĩa đó.

III. CHỦ ĐỀ, KHẨU HIỆU NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2014

1. Chủ đề

Chủ đề Ngày pháp luật năm 2014 là: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. Các khẩu hiệu

- “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”;

- “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;

- “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật”;

- “Tuân theo Hiến pháp và pháp luật là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”;

- “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và góp phần xây dựng xã hội Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”;

- “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức”;

- “Tôn trọng, bảo vệ và chấp hành Hiến pháp, pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân”

- Các khẩu hiệu khác phù hợp với chủ đề Ngày Pháp luật, gắn với lĩnh vực giao thông vận tải và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/CT-BGTVT tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Việt Nam trong ngành giao thông vận tải năm 2014 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/10/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản