Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1940/CT-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ NHÀ, ĐẤT LIÊN QUAN ĐẾN TÔN GIÁO

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, thời gian qua các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tôn giáo và đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ pháp luật, đa số tín đồ tôn giáo an tâm, phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng đất nước. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của quần chúng tín đồ ngày càng tăng, trong đó có nhu cầu sử dụng nhà, đất. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, việc quản lý sử dụng nhà, đất nói chung và nhà, đất liên quan đến tôn giáo nói riêng ở nước ta đang đặt ra một số vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Để việc quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến tôn giáo được thực hiện thống nhất, đúng pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến tôn giáo; rà soát quy hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng đất và chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nhà, đất liên quan đến tôn giáo, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích tôn giáo với lợi ích dân tộc.

Việc quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến tôn giáo phải thực hiện đúng chính sách, pháp luật và theo những nguyên tắc, nội dung sau đây:

1. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và các nhu cầu chính đáng về nhà, đất để phục vụ mục đích tôn giáo của tổ chức, tín đồ tôn giáo.

2. Cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng về nhà, đất để phục vụ cho hoạt động tôn giáo thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xem xét, căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quỹ đất của địa phương, quyết định giao cho cơ sở tôn giáo diện tích nhà, đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

3. Đối với nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 thì thực hiện theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó cần chú ý một số trường hợp cụ thể như sau:

a) Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để bố trí sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà, đất với diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo quy định của pháp luật;

b) Đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện và đất do cơ sở tôn giáo sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai (kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 01 tháng 7 năm 2004) nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng theo chế độ sử dụng đất tương ứng với mục đích sử dụng của loại đất đó như đối với hộ gia đình, cá nhân, được chuyển mục đích sử dụng đất theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện của cơ sở tôn giáo mà không phải là đất do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp cơ sở tôn giáo đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nhưng có tranh chấp thì phải giải quyết dứt điểm tranh chấp theo quy định của pháp luật trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

c) Sau khi có quyết định giải quyết từng trường hợp đất đai liên quan đến tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo để cơ sở tôn giáo và quần chúng tín đồ biết, thực hiện.

Những hành vi lợi dụng việc giải quyết nhà, đất liên quan đến tôn giáo gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến tôn giáo; căn cứ chính sách tôn giáo, chính sách đất đai, quỹ đất của từng địa phương và nhu cầu thực tế của cơ sở tôn giáo để xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

5. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, về nhà, đất và các quy định khác có liên quan.

6. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, những vấn đề còn vướng mắc hoặc phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

7. Ban Tôn giáo Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, NC (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 1940/CT-TTg năm 2008 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1940/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/12/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 37 đến số 38
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản