Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-CTUBND

Hưng Yên, ngày 31 tháng 10 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

Nước sạch là thành phần thiết yếu cấu thành nên sự sống. Liên Hợp quốc xác định nước sạch là một trong tám mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Ở nước ta hiện nay nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng, nước sạch là nhân tố then chốt gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội và tăng trưởng bền vững, đồng thời là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm gần đây, Chương trình cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục, tỉnh Hưng Yên đã tích cực đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, kêu gọi đầu tư từ các nguồn xã hội hóa xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung, cấp nước sạch bảo đảm chất lượng cho nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có: 153/161 đơn vị hành chính cấp xã được quy hoạch cấp nước sạch; 45 dự án cấp nước sạch đã hoạt động cấp nước hoặc đang xây dựng công trình; 88 xã, phường, thị trấn đã có đường ống cấp nước sạch cấp 3 đến từng đường ngõ, xóm; 44 xã đang xây dựng công trình xử lý nước và đường ống cấp nước; 90% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Tuy nhiên mới có khoảng 108.900/330.000 hộ dân được sử dụng nước sạch từ các dự án cấp nước tập trung, đạt khoảng 33%. Nguyên nhân là do việc thực hiện chương trình cấp nước sạch còn nhiều khó khăn, bất cập: Có 26 dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có quy mô nhỏ, cấp nước từ 01- 05 xã; 21 xã trong quy hoạch, chưa được xây dựng đường ống; 06 xã chưa có dự án cấp nước; 02 xã còn sử dụng nước thô là nước sông Bắc Hưng Hải, có chất lượng kém; nhiều dự án được phân vùng cấp nước cho các xã nhưng chỉ cấp được cho khu vực trung tâm, nhiều khu dân cư trong khu vực dự án chưa được cấp nước, điển hình là nhà máy nước thành phố Hưng Yên. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước cấp còn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở; công tác thông tin, tuyên truyền còn chưa được quan tâm đúng mức khiến một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích của việc sử dụng nước sạch bảo đảm chất lượng là góp phần phòng, chống bệnh tật, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn một bộ phận cán bộ cơ sở và nhân dân chưa nhận thức đúng, đủ về chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về trách nhiệm thực hiện Chương trình cấp nước sạch là trách nhiệm chung của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp và của toàn thể nhân dân, trong đó doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình đầu mối, đường ống truyền tải và phân phối, người dân thỏa thuận, đóng góp một phần kinh phí đấu nối đồng hồ và cơ quan nhà nước quản lý quy hoạch, kế hoạch thực hiện Chương trình, quản lý, kiểm soát đầu tư và chất lượng nước, ban hành giá nước sạch; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân dùng nước sạch nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình, sớm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra: Đến hết năm 2019 đạt 90% và hết năm 2020 đạt 100% người dân Hưng Yên được sử dụng nước sạch từ các nhà máy cấp nước tập trung với chất lượng nước đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện:

- Theo dõi, giám sát và đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước khẩn trương thi công hoàn thành công trình, mạng đường ống cấp nước theo phân vùng cấp nước được phê duyệt, thực hiện bàn bạc, thỏa thuận công khai, dân chủ đấu nối đồng hồ cấp nước, đường ống dẫn nước với từng hộ dân theo đúng quy định; không để lợi ích nhóm, tiêu cực phát sinh...

- Đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát thống kê số lượng đấu nối đồng hồ sử dụng nước sạch của các nhà máy cấp nước theo địa bàn cấp xã; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu đấu nối đối với cấp xã cho từng năm đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu;

- Đánh giá khả năng thực hiện theo phân vùng cấp nước của các doanh nghiệp theo phân vùng cấp nước được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2416/QĐ-UBND ngày 28/8/2017, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh phân vùng cấp nước cho các đơn vị, doanh nghiệp cấp nước có đủ năng lực trong tháng 11 năm 2018 (gồm các xã đã được quy hoạch và 08 xã thuộc huyện Mỹ Hào và Ân Thi chưa được quy hoạch);

- Cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện Chương trình; ban hành sổ tay cấp nước sạch làm tài liệu cung cấp cho các cơ quan phối hợp tuyên truyền và cấp cho từng hộ dân dùng nước sạch;

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên, hoàn thành trong tháng 11 năm 2018;

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc chuyển nhượng các công trình cấp nước tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định, hoàn thành trong quý IV/2018;

- Chủ trì đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Là cơ quan phụ trách Tiểu ban cơ chế chính sách, chịu trách nhiệm thực hiện:

- Tiếp nhận, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung theo quy hoạch cấp nước sạch được phê duyệt và chỉ được lấy nguồn nước từ sông Hồng, sông Luộc để xử lý thành nước sạch theo công nghệ tiên tiến, hiện đại;

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình, sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, giúp người dân sớm tiếp cận, tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch từ các nhà máy cấp nước tập trung; báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11 năm 2018;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ theo cơ chế chính sách do tỉnh ban hành;

3. Sở Y tế: Là cơ quan phụ trách Tiểu ban quản lý chất lượng nước

- Chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, thường xuyên chất lượng nguồn nước, chất lượng nước cấp phục vụ nhân dân theo quy chuẩn chất lượng nước do Bộ Y tế quy định;

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện theo dõi, giám sát công tác nội kiểm chất lượng nước; thực hiện công tác ngoại kiểm chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện tăng cường công tác ngoại kiểm chất lượng nước, hằng tháng kiểm tra xét nghiệm tối thiểu 50 chỉ tiêu chất lượng nước theo quy chuẩn QCVN01:2009/BYT của Bộ Y tế ở tất cả các nhà máy sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh;

- Báo cáo UBND tỉnh kết quả xét nghiệm nước; công bố đến chính quyền địa phương, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh kết quả xét nghiệm nước đối với các nhà máy cấp nước không đảm bảo chất lượng để thông tin cho người dân biết chủ động không sử dụng; tham mưu UBND tỉnh quyết định xử lý hành chính, chuyển vùng cấp nước, thu hồi giấy phép, quyết định đầu tư… của các đơn vị cấp nước vi phạm pháp luật không đảm bảo chất lượng nước.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Là cơ quan phụ trách Tiểu ban truyền thông và tuyên truyền: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, thường trú Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam tại Hưng Yên, Đài Truyền thanh các địa phương phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và nhân dân về lợi ích trong việc sử dụng nước sạch bảo đảm chất lượng đối với sức khỏe cộng đồng; nhận thức đầy đủ chủ trương và cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng, sản xuất, cung cấp nước sạch và tiêu thụ nước sạch, nhất là việc thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân đấu nối, sử dụng nước sạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, giảm giá thành tiêu thụ nước sạch cho người dân.

5. Sở Xây dựng: Là cơ quan phụ trách Tiểu ban cấp nước an toàn, chống thất thoát thất thu nước sạch, chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra chất lượng xây dựng công trình cấp nước; quản lý nguồn nước theo quy định;

- Chủ trì xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm nguồn nước thô, phá hoại công trình cấp nước và đường ống cấp nước.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định sử dụng nguồn nước tiết kiệm nước; chống thất thoát, thất thu nước sạch, bảo đảm thực hiện theo kế hoạch của Chính phủ đến năm 2020, tỷ lệ thất thoát nước sạch còn dưới 15%; giảm thất thoát nước sạch, góp phần giảm giá mua nước sạch của người dân.

6. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ các quy định của nhà nước, từ điều kiện đặc thù của tỉnh Hưng Yên xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt giá trần nước sạch trên địa bàn tỉnh, phù hợp với khung giá nước sạch do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012; hoàn thành trong tháng 11 năm 2018;

- Thẩm định phương án giá nước sạch do các đơn vị doanh nghiệp cấp nước lập; xây dựng biểu giá nước sạch cho từng mục đích sử dụng của các doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 75/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 trình UBND tỉnh ban hành; tham mưu UBND tỉnh cơ chế đầu tư cấp nước sạch cho trường học, trạm y tế; hoàn thành trong tháng 11 năm 2018;

- Đôn đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và phê duyệt quyết toán các công trình cấp nước sạch tập trung đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã xây dựng hoàn thành; báo cáo UBND tỉnh tình hình và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các công trình cấp nước do Trung tâm Nước làm chủ đầu tư đến ngày 31/8/2018;

- Chủ trì thẩm định giá chuyển nhượng công trình cấp nước tập trung đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

- Tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách về hỗ trợ kinh phí đấu nối và sử dụng nước sạch; hoàn thành trong tháng 11 năm 2018;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác nước ngầm, nước mặt không có phép, sai phép hoặc gây ô nhiễm nguồn nước ngầm; Báo cáo UBND tỉnh định kỳ 03 tháng một lần;

- Không tham mưu UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò, khai thác nước ngầm tại nơi đã có hệ thống cấp nước tập trung. Lấy ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì quản lý quy hoạch cấp nước sạch) khi thẩm định; tham mưu UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho các doanh nghiệp thăm dò, khai thác nước dưới đất hoặc nước mặt sông Hồng, sông Luộc phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt thông thường của doanh nghiệp;

- Không tham mưu cấp phép xả thải vào nguồn nước, trong phạm vi 500m nơi có công trình thu hệ thống cấp nước tập trung;

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các huyện trong việc thu phí bảo vệ môi trường của các cơ sở cấp nước sạch và các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nước sạch và xả nước thải trên địa bàn tỉnh;

- Quản lý và sử dụng nước sạch được đầu tư hiệu quả, tiết kiệm.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo, hướng dẫn trường học các cấp tăng cường giáo dục kỹ năng, ý thức sử dụng nước sạch bảo đảm chất lượng nhằm phòng, chống bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.

9. Công an tỉnh

- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện quản lý chất lượng nguồn nước, chất lượng nước cấp và quản lý, bảo vệ công trình xử lý và mạng đường ống truyền tải và phân phối nước sạch; xử lý nghiêm theo thẩm quyền các đối tượng vi phạm trong xây dựng, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

- Xây dựng quy hoạch hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, đảm bảo hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy phục vụ tốt khi có tình huống cháy xảy ra trên địa bàn.

10. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hưng Yên

- Chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các Ngân hàng Thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh cải cách hành chính, nâng cao phong cách phục vụ, tạo mọi điều kiện cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho hộ gia đình; thực hiện nghiêm túc việc cho vay ưu đãi lãi suất đối với các dự án nước sạch nông thôn theo quy định hiện hành;

- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đẩy mạnh việc cho các hộ nghèo vay vốn để đấu nối sử dụng nước sạch.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình của cấp huyện, mục tiêu đưa cả hệ thống chính trị từ huyện đến cấp xã, thôn, xóm, các hội đoàn thể ở cơ sở tích cực tham gia thực hiện Chương trình nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, đấu nối đồng hồ cấp nước cho người dân, cải thiện chất lượng nước; phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và thực hiện Chương trình tại địa phương. Đây là chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đồng thời là tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở và cán bộ.

- Tổ chức hội nghị tại UBND huyện với lãnh đạo cấp xã, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ; các đơn vị cấp nước trên địa bàn, phổ biến tại hội nghị chủ trương, kế hoạch của trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình về thỏa thuận đấu nối đường ống, đấu nối đồng hồ sử dụng nước và giá nước sạch.

- Rà soát, báo cáo số lượng đấu nối đồng hồ cấp nước trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu đấu nối đồng hồ cấp nước cho từng nhà máy, từng xã; đôn đốc tiến độ đấu nối tới từng hộ dân và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

- Tăng cường quản lý phân vùng cấp nước được UBND tỉnh phê duyệt; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng đường ống nước vi phạm vùng cấp nước, thu tiền đấu nối, lắp đặt thiết bị không đúng quy định; có giá bán nước cao hơn mức quy định của UBND tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương giải quyết dứt điểm việc xả rác thải của người dân và doanh nghiệp gần khu vực các nhà máy nước, nơi có công trình thu nước tập trung, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn nước sạch.

12. Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân chính sách pháp luật về nước sạch, vận động nhân dân sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả; qua đó, thông tin kịp thời những nhà máy cung cấp nước không đảm bảo chất lượng và nhu cầu sử dụng của nhân dân.

- Mở chuyên mục, chuyên trang sử dụng nước sạch vì sức khỏe cộng đồng.

13. Các đơn vị cấp nước

- Thực hiện nghiêm túc Quy hoạch phân vùng cấp nước và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về nguồn nước xử lý, sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh; chỉ được lấy nước ở sông Hồng, sông Luộc làm nguồn nước để xử lý thành nước sạch theo công nghệ tiên tiến, hiện đại

- Thực hiện điều chỉnh cấp phép đầu tư (đối với các dự án có điều chỉnh phân vùng cấp nước) hoàn thành trong tháng 11 năm 2018;

- Được thỏa thuận, huy động tiền đấu nối đồng hồ sử dụng nước sạch của người dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo 211/TB-UBND ngày 24/5/2018. Phương án huy động phải được bàn bạc công khai, minh bạch, dân chủ có được sự đồng thuận cao của nhân dân, đúng quy định của nhà nước;

- Cung cấp nước sạch cho nhân dân bảo đảm đúng quy chuẩn chất lượng nước do Bộ Y tế quy định; giá bán nước theo đúng giá quy định và không được cao hơn giá của UBND tỉnh ban hành;

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, các cơ quan báo, đài, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, UBND các huyện, xã tổ chức vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng nước sạch, các chính sách, quy định của pháp luật về cung cấp, khai thác và sử dụng nước sạch; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả cung cấp nước về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố;

- Đầu tư hoàn trả mặt bằng, cơ sở hạ tầng theo đúng nguyên trạng như ban đầu sau khi thi công hệ thống mạng đường ống cấp nước;

- Thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng các hành vi vi phạm sử dụng nước sạch hoặc khai thác nước trái phép; xác nhận khả năng cung cấp nước sạch theo yêu cầu của cơ quan chức năng;

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện đầu tư xây dựng, sản xuất, cung cấp nước sạch của doanh nghiệp.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên từ tỉnh tới cơ sở phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã và thôn vận động, tuyên truyền nhân dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của nước sạch tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của mỗi người, gia đình, dòng họ để tích cực tự nguyện đấu nối, sử dụng nước sạch; tích cực tham gia giám sát Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

15. Các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện Chỉ thị này.

Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các đơn vị, doanh nghiệp cấp nước nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phóng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-CTUBND năm 2018 về tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn đến năm 2020

  • Số hiệu: 13/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Phóng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản