- 1Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng
- 2Chỉ thị 05/CT-BGTVT năm 2013 kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện công tác đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá; tổng hợp kết quả đánh giá và công bố kết quả thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 4341/BGTVT-CQLXD năm 2013 về hướng dẫn tạm thời triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với các dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-BGTVT | Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
Trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) vẫn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm ưu tiên bố trí.
Nhìn chung, các công trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã hoàn thành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các vùng, các địa phương nơi có công trình, dự án triển khai nói riêng, ví dụ như: Đường Vành đai III - Thành phố Hà Nội, Cảng hàng không Phú Quốc, Cảng Cái Mép - Thị Vải, các cầu vượt tại các nút giao TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, tại một số công trình, dự án khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng ở một số bộ phận hoặc hạng mục công trình gây bức xúc trong dư luận xã hội và làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành. Một số công trình, dự án như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nam - Thanh Hóa, Dự án Quốc lộ 3 (cũ) đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án sửa chữa Quốc lộ 5, Dự án cầu Bến Thủy II... cục bộ đã xuất hiện các hư hỏng như: lún, nứt, trượt trồi, vệt hằn bánh xe... Qua kiểm tra hiện trường và kết quả nghiên cứu, phân tích thì các hư hỏng nêu trên xuất hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan mà trực tiếp là các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (Ban QLDA), Nhà thầu xây lắp, Nhà thầu tư vấn phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý chất lượng của dự án và các hư hỏng xảy ra.
Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông, năm 2013 được xác định là năm chất lượng công trình với chủ đề "Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ - Hiệu quả", với mục đích cụ thể là siết chặt kỷ cương, nề nếp trong công tác quản lý xây dựng các công trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trước hết, đưa các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quy định về đánh giá, xếp loại các chủ thể tham gia quá trình thực hiện dự án đi vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt là các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013, các dự án trọng điểm quốc gia và dự án quan trọng của ngành, đảm bảo hoàn thành công trình đạt chất lượng, tiến độ với giá thành hợp lý. Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các chủ thể tham gia quá trình thực hiện dự án lấy nội dung "Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ - Hiệu quả" là yếu tố hàng đầu, trọng tâm trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng các công trình KCHTGT để tập trung chỉ đạo thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình nhằm đạt mục tiêu: tất cả các công trình của ngành GTVT thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng công trình có vi phạm về chất lượng.
2. Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan tham mưu của Bộ tiến hành tuyên truyền, quán triệt và hướng dẫn áp dụng tới toàn bộ các chủ thể tham gia quá trình thực hiện dự án để các quy định, hướng dẫn đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành.
3. Các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng KCHTGT cần thực hiện tốt nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm của mình trong các khâu từ lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thi công xây lắp, giám sát, nghiệm thu và bảo hành công trình, cụ thể như sau:
3.1. Đối với các Chủ đầu tư, Ban QLDA
- Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, Tổng công ty, Ban QLDA, Sở GTVT, Trường, Bệnh viện và các đơn vị khác được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư, Ban QLDA đã được giao quyền quản lý toàn bộ quá trình thực hiện dự án, từ công tác tuyển chọn Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Nhà thầu xây lắp phải xác định, quán triệt trách nhiệm giữ vai trò then chốt, quyết định tới tiến độ, chất lượng của công trình để nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng quản lý dự án, củng cố tổ chức, bộ máy hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình thực hiện dự án.
- Kiên quyết thực hiện những văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, bảo đảm kỷ cương trong hoạt động xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tập thể có vi phạm về chất lượng, tiến độ theo quy định; các cá nhân, tổ chức có liên quan không can thiệp ngoài quy định vào các hoạt động quản lý chất lượng
- Lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện dự án trên cơ sở kết quả đánh giá kết quả thực hiện, xếp hạng hàng năm của Bộ GTVT:
+ Đối với dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt: lựa chọn các tổ chức Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát trong TOP10;
+ Đối với dự án nhóm A, công trình cấp I: lựa chọn các tổ chức Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát trong TOP20;
+ Đối với dự án nhóm B, công trình cấp II, III: lựa chọn các tổ chức Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát trong TOP50;
+ Đối với dự án nhóm C, công trình cấp IV: lựa chọn các tổ chức Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát trong TOP100;
+ Đối với Nhà thầu xây lắp: không lựa chọn các Nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu.
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 7/5/2013 về việc kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện công tác đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá, tổng hợp kết quả đánh giá và công bố kết quả thực hiện của các Chủ đầu tư, Ban QLDA, Nhà thầu tư vấn và Nhà thầu xây lắp. Theo dõi kịp thời, đánh giá năng lực thực hiện của Nhà thầu tư vấn, Nhà thâu xây lắp và tổng hợp báo cáo Bộ làm cơ sở để xem xét cho phép tham gia thực hiện các dự án tiếp theo.
- Tổ chức xây dựng khung tiêu chuẩn áp dụng cho dự án ngay từ khi bắt đầu lập dự án. Nâng cao chất lượng trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt: nhiệm vụ khảo sát thiết kế; hồ sơ thiết kế; hồ sơ mời thầu; chỉ dẫn kỹ thuật. Quản lý, giám sát chặt chẽ công tác khảo sát, thiết kế của Nhà thầu tư vấn theo nội dung đề cương được phê duyệt. Thực hiện nghiêm túc các nội dung được quy định tại văn bản số 4341/BGTVT-CQLXD ngày 16/5/2013 của Bộ GTVT trong từng khâu thiết kế, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế.
- Các Chủ đầu tư, Ban QLDA phải có bộ phận thường trực theo dõi thực hiện dự án tại hiện trường, kịp thời xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định.
- Phối hợp tốt với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng tại công trường của Nhà thầu, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của Tư vấn giám sát xây dựng trong quá trình thi công công trình.
- Kiểm soát và xác định rõ: nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vị trí mỏ vật liệu sử dụng cho công trình đảm bảo tuân thủ theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật được duyệt, đặc biệt là chất lượng của cấp phối đá dăm (thành phần cấp phối, chỉ số dẻo, cường độ, độ chặt, độ bằng phẳng, độ ẩm khi thi công...), nguồn gốc xuất xứ của nhựa đường khi đưa vào sử dụng cho công trình, dự án.
- Kiểm soát, theo dõi chặt chẽ chất lượng phòng thí nghiệm, chất lượng thí nghiệm viên phục vụ cho dự án.
- Trong thời gian bảo hành công trình các Chủ đầu tư, Ban QLDA có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý khai thác, sử dụng công trình kiểm tra, phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình để yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục, sửa chữa triệt để. Trước khi hết hạn thời gian bảo hành 03 tháng, các Chủ đầu tư, Ban QLDA phối hợp với Cục QLXD&CLCTGT rà soát, kiểm tra lại toàn bộ dự án để xem xét cụ thể về tình trạng, chất lượng công trình, nếu có các khiếm khuyết, hư hỏng phải yêu cầu Nhà thầu sửa chữa triệt để ngay trước khi xác nhận hoàn thành bảo hành công trình.
3.2. Đối với các đơn vị Tư vấn thiết kế
- Chấn chỉnh về tổ chức và hoạt động, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ để đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm chất lượng của sản phẩm và dịch vụ tư vấn.
- Các tổ chức Tư vấn phải lập bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) nội bộ để kiểm tra chất lượng các hồ sơ trước khi trình Chủ đầu tư. Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật (TKKT) và thiết kế bản vẽ thi công (TK BVTC):
+ Trong bước lập dự án đầu tư: Công tác khảo sát phải được thực hiện đầy đủ, phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình, vị trí và điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát, hiện trạng công trình trong trường hợp nâng cấp, cải tạo... phải đảm bảo cung cấp đủ số liệu để xác định các giải pháp thiết kế cơ sở phù hợp với quy mô, mục tiêu đầu tư của dự án như: tổng mặt bằng hoặc bình đồ phương án tuyến, các mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, các kết cấu chính, các công trình kỹ thuật, xử lý nền, móng, kết cấu chịu lực chính của công trình...; kiến nghị phương pháp khảo sát và xác định các khu vực có điều kiện tự nhiên bất lợi cần khảo sát trong bước thiết kế tiếp theo. Công tác thiết kế cơ sở phải đề xuất lựa chọn được phương án tối ưu trên cơ sở nghiên cứu, so sánh các phương án về các chỉ tiêu: kinh tế - kỹ thuật; điều kiện cung ứng vật tư, vật liệu; công nghệ thi công. Trên cơ sở đó xác định chính xác quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và các giải pháp kỹ thuật chủ yếu; đảm bảo đủ điều kiện để xác định chính xác tổng mức đầu tư và đủ căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.
+ Trong các bước thiết kế tiếp theo (TKKT, TK BVTC): Công tác khảo sát phải chính xác hóa được các điều kiện địa hình, địa chất, thủy, hải văn, hiện trạng công trình trong trường hợp nâng cấp, cải tạo... phải đảm bảo cung cấp đủ số liệu để xác định chính xác tổng mặt bằng hoặc bình đồ tuyến, các mặt cắt dọc, mặt cắt ngang và công trình kỹ thuật; đảm bảo đủ số liệu để tính toán, thiết kế xử lý nền, móng và các kết cấu chịu lực của công trình. Công tác thiết kế phải bảo đảm xác định chính xác các kích thước của công trình, bộ phận công trình, các thông số và giải pháp kỹ thuật, vật liệu sử dụng cho công trình và biện pháp tổ chức thi công, đề xuất các giải pháp điều chỉnh, so với thiết kế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng công trình, đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và đẩy nhanh tiến độ thi công; đảm bảo đủ điều kiện để xác định chính xác dự toán, tổng dự toán và đủ căn cứ để triển khai thi công công trình.
- Trên cơ sở đề xuất của dự án, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành, nhiệm vụ khảo sát thiết kế được duyệt, tổ chức thực hiện đầy đủ các yêu cầu đảm bảo chất lượng khảo sát xây dựng; đề xuất giải pháp thiết kế (TKCS, TKKT) bảo đảm hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật; ưu tiên lựa chọn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
- Khi dự án có từ 2 gói thầu tư vấn trở lên, phải giao cho một đơn vị Tư vấn tổng thể chịu trách nhiệm kiểm soát sự phù hợp, thống nhất chung về các vấn đề kỹ thuật từ khảo sát đến thiết kế cho toàn bộ dự án.
- Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác thu thập số liệu hiện trường (như số liệu đếm xe, điều tra xác định tải trọng trục xe, điều tra mỏ vật liệu, xác định cường độ mặt đường cũ, khoan khảo sát địa chất, khảo sát thủy văn...), thực hiện đầy đủ các thí nghiệm hiện trường và trong phòng đảm bảo đủ cơ sở để phục vụ cho công tác thiết kế theo quy định.
- Chấn chỉnh công tác khảo sát nguồn vật liệu xây dựng, kiểm soát, quản lý chất lượng vật liệu xây dựng. Khi điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, đường vận chuyển..., trường hợp không có các mỏ vật liệu phù hợp theo tiêu chuẩn kỹ thuật được duyệt phải đề xuất phương án chế bị (bao gồm phương pháp, vị trí bãi chế bị...).
- Trong quá trình thiết kế, tại các vị trí có lưu lượng giao thông lớn, tải trọng trục nặng và chịu tác động lớn của các yếu tố lực ngang (lực tăng - giảm tốc, lực phanh - hãm xe) như: các vị trí có độ dốc dọc lớn; đường cong nằm có siêu cao; vị trí gần trạm thu phí; vị trí nút giao có bố trí đèn tín hiệu; các đoạn qua khu công nghiệp, các mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng... phải tính toán cụ thể để lựa chọn kết cấu mặt đường phù hợp, bảo đảm ổn định cho công trình.
- Về công tác giám sát tác giả: Tư vấn thiết kế phải nghiêm túc chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm thiết kế của mình. Trong quá trình triển khai dự án; phải phối hợp kịp thời với Chủ đầu tư, Ban QLDA, Nhà thầu để giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ thiết kế và phát sinh trong quá trình thi công.
3.3. Đối với các đơn vị Tư vấn giám sát
- Nâng cao chất lượng của các tổ chức Tư vấn giám sát, yêu cầu hoạt động độc lập trong giám sát chất lượng.
- Đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Tư vấn giám sát; nghiêm túc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nội dung đã được quy định trong hợp đồng và quy định hiện hành về giám sát xây dựng;
- Bố trí đầy đủ nhân sự tư vấn giám sát đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định, bố trí đầy đủ trang, thiết bị cần thiết cho công tác giám sát; Tổ chức các văn phòng Tư vấn giám sát tại hiện trường phù hợp với quy mô, yêu cầu của từng dự án đảm bảo phải quản lý chặt chẽ về chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
- Kiểm tra, soát xét lại các bản vẽ thiết kế của hồ sơ mời thầu, các chỉ dẫn kỹ thuật, các điều khoản hợp đồng, đề xuất với chủ đầu tư về phương án giải quyết những tồn tại hoặc điều chỉnh trong hồ sơ thiết kế cho phù hợp với thực tế và các quy định hiện hành; thực hiện thẩm tra, ký xác nhận bản vẽ thi công do nhà thầu lập và trình chủ đầu tư phê duyệt.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát về nhân lực, thiết bị thi công của nhà thầu thi công xây dựng công trình đưa vào công trường; xác nhận số lượng, chất lượng máy móc, thiết bị (giấy chứng nhận của nhà sản xuất, kết quả kiểm định thiết bị của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công nhận) của nhà thầu chính, nhà thầu phụ theo hợp đồng xây dựng hoặc theo hồ sơ trúng thầu; kiểm tra bố trí mặt bằng công trường, công tác chuẩn bị tập kết vật liệu (kho, bãi chứa) và tổ chức công trường thi công (nhà ở, nhà làm việc và các điều kiện sinh hoạt khác);
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống quản lý chất lượng nội bộ của nhà thầu: hệ thống tổ chức và phương pháp quản lý chất lượng, các bộ phận kiểm soát chất lượng (từ khâu lập hồ sơ bản vẽ thi công, kiểm soát chất lượng thi công tại công trường, nghiệm thu nội bộ).
- Thường xuyên kiểm tra về chất lượng phòng thí nghiệm hiện trường của nhà thầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu; kiểm tra chứng chỉ về năng lực chuyên môn của các cán bộ, kỹ sư, thí nghiệm viên;
- Thường xuyên kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án; Lập biên bản không cho phép sử dụng các loại vật liệu, cấu kiện, thiết bị và sản phẩm không đảm bảo chất lượng do nhà thầu đưa đến công trường, đồng thời kiên quyết yêu cầu chuyển khỏi công trường;
- Giám sát chặt chẽ việc lấy mẫu thí nghiệm, lưu giữ các mẫu đối chứng của nhà thầu; giám sát quá trình thí nghiệm, giám định kết quả thí nghiệm của nhà thầu và xác nhận vào phiếu thí nghiệm;
- Kiểm tra, chấp thuận thiết kế tổng mặt bằng công trường, biện pháp thi công của nhà thầu; giám sát thường xuyên và có hệ thống quá trình thi công xây dựng của Nhà thầu tại hiện trường bảo đảm tuân thủ các quy định về chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
- Kiểm tra, nghiệm thu chất lượng thi công của từng phần việc, từng hạng mục công trình và công trình theo quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật; Chỉ nghiệm thu công trình khi bảo đảm chất lượng, kiên quyết không nghiệm thu và loại bỏ những sản phẩm nhà thầu thực hiện không đúng yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ trình tự thi công.
3.4. Đối với các Nhà thầu xây dựng công trình
- Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận thi công, xây dựng công trình về quản lý chất lượng công trình xây dựng; thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu nội bộ về chất lượng xây dựng.
- Tuân thủ quy định về lập phòng thí nghiệm hiện trường; thực hiện đầy đủ các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình bảo đảm tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế.
- Huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị thi công theo đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bảo đảm thi công đạt yêu cầu về chất lượng và đáp ứng tiến độ.
- Lập biện pháp thi công, tiến độ thi công bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và phù hợp tiến độ theo hợp đồng; thi công các hạng mục công trình đúng trình tự theo Chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế và biện pháp thi công đã được phê duyệt; đối với các công trình nâng cấp, cải tạo phải tuân thủ các quy định về thi công trên công trình đang khai thác.
- Lập thiết kế và bố trí tổng mặt bằng công trường cho phù hợp với quy mô công trình và các điều kiện thực tế, đảm bảo việc tổ chức thi công gọn gàng, ngăn nắp, thuận lợi cho công tác quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
- Lập bộ phận chuyên trách, thường trực trên công trường để kiểm tra và giám sát an toàn lao động trên công trường theo quy định.
- Quản lý chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, đặc biệt là các loại vật liệu:
+ Vật liệu đắp nền đường phải đảm bảo các yêu cầu về: thành phần hạt, giới hạn chảy, độ chặt đầm nén (K³100 theo phương pháp đầm nén tiêu chuẩn), độ bằng phẳng, độ ẩm khi thi công...
+ Cấp phối đá dăm (CPĐD) phải đảm bảo các yêu cầu về: thành phần cấp phối (nếu không đảm bảo phải tiến hành chế bị và trộn hỗn hợp cấp phối), chỉ số dẻo, cường độ, độ chặt đầm nén (K³100 theo phương pháp đầm nén cải tiến), độ bằng phẳng, độ ẩm khi thi công (nếu không đảm bảo phải ủ CPĐD trước khi rải), đối với CPĐD phải thi công bằng máy rải (không sử dụng máy ủi, máy san nhằm chống phân tầng)...
+ Hỗn hợp bê tông nhựa phải đảm bảo các yêu cầu về: thành phần cốt liệu, hàm lượng nhựa, hàm lượng bột đá, độ rỗng dư, độ ổn định Marshall, độ chặt đầm nén, độ bằng phẳng..., nhựa đường khi đưa vào sử dụng cho công trình, dự án phải quản lý chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo chất lượng. Tiến hành thí nghiệm vệt hằn bánh xe để lựa chọn thành phần hỗn hợp bê tông nhựa tối ưu.
- Tổ chức thi công tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công được duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
- Trong thời gian bảo hành Nhà thầu có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình do lỗi của mình gây ra và phải chịu mọi chi phí khắc phục, đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng công trình tương ứng với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành.
3.5. Đối với Cục QLXD&CLCTGT
- Phối hợp, làm việc với các đơn vị của Bộ Xây dựng để sớm ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và hướng dẫn các đơn vị trong ngành để thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ sớm xây dựng, trình Bộ GTVT quyết định ban hành Quy định xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị Chủ đầu tư, Ban QLDA khi để xảy ra các dự án có vi phạm về chất lượng đối với các dự án do Bộ GTVT quản lý.
- Tăng cường kiểm tra hiện trường, xử lý kịp thời những Nhà thầu, Tư vấn yếu kém, hạ bậc đánh giá năng lực, kết quả thực hiện của các tổ chức; tăng cường kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý vi phạm, tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm định, kiểm định phúc tra, giám định...).
- Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng tại hiện trường, nếu phát hiện có vi phạm về chất lượng, an toàn công trình, được phép quyết định tạm đình chỉ thi công hoặc báo cáo Lãnh đạo Bộ GTVT đình chỉ thi công để thay thế các tổ chức hoặc cá nhân thuộc Nhà thầu xây lắp, Tư vấn giám sát, Tư vấn thí nghiệm vì đã vi phạm quy định quản lý chất lượng thi công dự án, đồng thời đề xuất xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.
- Quyết định thực hiện kiểm định, kiểm định phúc tra trong trường hợp thấy có nghi ngờ về chất lượng công trình hay nghi ngờ về số liệu thí nghiệm, số liệu kiểm định chất lượng công trình của Chủ đầu tư, Ban QLDA; chấp thuận đề cương và quyết định chấp thuận Nhà thầu tư vấn kiểm định độc lập để thực hiện công tác kiểm định, kiểm định phúc tra chất lượng; trực tiếp kiểm tra, giám sát, quản lý số liệu, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện kiểm định lấy mẫu, lưu mẫu thí nghiệm đối chứng tại Cục QLXD&CLCTGT; ưu tiên lựa chọn các phòng Thí nghiệm trọng điểm thuộc Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải (Viện KHCN GTVT).
- Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý tư vấn giám sát, kho dữ liệu các đơn vị, cá nhân về năng lực, nhân sự, danh sách dự án đã thực hiện, các vi phạm (nếu có) của đơn vị, cá nhân; yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban QLDA báo cáo, cập nhật thường xuyên làm cơ sở để Bộ GTVT đánh giá, xếp hạng Tư vấn giám sát hàng năm và để các Chủ đầu tư, Ban QLDA tham khảo, xem xét trong quá trình lựa chọn đơn vị, cá nhân tư vấn giám sát.
- Đối với các dự án trọng điểm như dự án: đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 …, Cục QLXD&CLCTGT chủ trì rà soát thiết kế sử dụng kết cấu mặt đường thích hợp, kiểm tra trước khi thông xe, nếu bảo đảm yêu cầu chất lượng mới được phép đưa vào khai thác, sử dụng.
3.6. Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
- Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện Đề án tổng thể kiểm soát tải trọng xe đã được Bộ GTVT phê duyệt nhằm kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường, giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác.
- Giao Vụ Khoa học - Công nghệ:
+ Chủ trì rà soát, hoàn thiện: hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; quy trình, công nghệ thi công; công tác thí nghiệm kiểm tra, kiểm định chất lượng... để ngăn ngừa triệt để các yếu tố kém chất lượng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng công trình từ giai đoạn lập dự án đầu tư đến khi kết thúc dự án.
+ Rà soát lại nguồn gốc, xuất xứ và đề xuất các giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát tốt chất lượng nhựa đường…
+ Nghiên cứu đề xuất các giải pháp xử lý vấn đề tiếp giáp giữa cầu, cống và đường đầu cầu bảo đảm êm thuận.
+ Kiểm tra rà soát lại toàn bộ các phòng thí nghiệm của Viện KHCN GTVT, bảo đảm các phòng thí nghiệm phải có đầy đủ máy móc, thiết bị hợp chuẩn; cán bộ thí nghiệm phải được đào tạo và có các chứng chỉ theo quy định.
+ Rà soát lại các tiêu chuẩn kỹ thuật (tiêu chuẩn thiết kế mặt đường, quy định kỹ thuật... như độ lún cho phép, các tham số kỹ thuật hình học của công trình, yêu cầu vật liệu...) nhằm đảm bảo tính hài hòa giữa các yếu tố kinh tế - kỹ thuật và điều kiện khai thác sử dụng, giảm thiểu các tác động xã hội.
- Giao Vụ Kế hoạch đầu tư, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư:
+ Khi phê duyệt nhiệm vụ khảo sát - thiết kế lập dự án đầu tư phải xác định đủ khối lượng thực hiện để đảm bảo chất lượng lập thiết kế cơ sở, dự án đầu tư và bố trí đủ nguồn vốn thanh toán cho công tác khảo sát - thiết kế.
+ Khi thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư phải xác định chính xác quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật chủ yếu và tổng mức đầu tư, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần trong quá trình triển khai và làm tăng tổng mức đầu tư lớn; đối với dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ để không tăng tổng mức đầu tư dự án.
+ Không tham mưu giao nhiệm vụ Chủ đầu tư, Ban QLDA cho các cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ theo kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm của Bộ GTVT.
- Giao Viện KHCN GTVT chỉ đạo các phòng Thí nghiệm trọng điểm chuẩn bị đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để thực hiện công tác kiểm định, kiểm định phúc tra chất lượng công trình theo yêu cầu của Bộ GTVT và của Cục QLXD&CLCTGT.
- Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì, phối hợp với Cục QLXD&CLCTGT chỉ đạo các Chủ đầu tư, các Ban QLDA rà soát lại tất cả các dự án đưa vào khai thác từ tháng 9/2011 đến nay, nếu có hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng yêu cầu tổ chức sửa chữa ngay.
4. Tổ chức thực hiện:
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Sở GTVT và các cơ quan, các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng - tiến độ, quản giá thành công trình và các nội dung của Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện, giao Cục QLXD&CLCTGT kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng theo các quy định hiện hành và các quy định của Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 34/2008/QĐ-BGTVT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Chỉ thị 02/CT-BGTVT năm 2011 tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Chỉ thị 13/CT-BGTVT năm 2013 tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Chỉ thị 03/CT-BTP năm 2013 tăng cường công tác quản lý công, viên chức của Bộ Tư pháp
- 5Công văn 674/BXD-HĐXD năm 2014 hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra, thẩm tra dự toán theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành
- 1Quyết định 34/2008/QĐ-BGTVT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Chỉ thị 02/CT-BGTVT năm 2011 tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng
- 4Chỉ thị 05/CT-BGTVT năm 2013 kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện công tác đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá; tổng hợp kết quả đánh giá và công bố kết quả thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Chỉ thị 13/CT-BGTVT năm 2013 tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Công văn 4341/BGTVT-CQLXD năm 2013 về hướng dẫn tạm thời triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với các dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý
- 7Chỉ thị 03/CT-BTP năm 2013 tăng cường công tác quản lý công, viên chức của Bộ Tư pháp
- 8Công văn 674/BXD-HĐXD năm 2014 hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra, thẩm tra dự toán theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành
Chỉ thị 11/CT-BGTVT năm 2013 tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 11/CT-BGTVT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/07/2013
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Đinh La Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/07/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực