Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/1999/CT.UBT | Cần Thơ, ngày 24 tháng 3 năm 1999 |
CHỈ THỊ
"V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA SỞ, BAN NGÀNH CẤP TỈNH, UBND TP.CẦN THƠ VÀ CÁC HUYỆN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC"
Thực hiện Chỉ thị số 500/TTg ngày 25/08/1995 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13/CT.UBT.97 ngày 30/05/1997 của UBND tỉnh Cần Thơ về việc khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều Sở, Ngành đã phát huy được công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước, các thành phần kinh tế khác thuộc ngành nghề do mình quản lý trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh hầu hết phát huy được tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh, mở rộng quan hệ quốc tế tiếp nhận thông tin, công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ tạo ra một số sản phẩm có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường một số Sở, Ngành còn nhiều lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp và trước sự cạnh tranh gay gắt, một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, chấp hành chế độ kế toán, thống kê chưa nghiêm, hiện tượng lãng phí vẫn còn xảy ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là cơ chế pháp lý chưa rõ ràng, nhận thức về thực hiện cơ chế từng bước xóa dần cơ quan chủ quản đối với các doanh nghiệp chưa đúng đắn, dẫn đến một số Sở, Ngành, xác định chức năng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước chưa cụ thể, sự phối hợp của các Sở, Ban ngành còn rời rạc và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nhất là đối với những doanh nghiệp có khó khăn, bị lỗ hoặc có nguy cơ phá sản; mặt khác một số doanh nghiệp muốn thoát khỏi sự quản lý của Sở, Ngành dẫn đến tình trạng hoạt động tách rời sự quản lý Nhà nước của sở chuyên ngành làm kém hiệu quả trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và ngược lại doanh nghiệp hoạt động càng khó khăn.
Để sớm khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thực hiện quản lý Nhà nước của các Sở, Ngành có hiệu quả đối với doanh nghiệp Nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, các huyện và giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh tập trung thực hiện thống nhất những nội dung như sau:
1/- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với các thành phần kinh tế, đặc biệt quan tâm đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Sở, Ngành mình quản lý, trên cơ sở nhận thức đúng, phân biệt rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước của Sở chuyên ngành, UBND TP.Cần Thơ và các huyện đối với doanh nghiệp và chức năng sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế. UBND tỉnh có quyết định phân cấp quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh.
2/- Sở quản lý chuyên ngành, UBND TP Cần Thơ và các huyện vừa tham mưu cho UBND tỉnh, vừa thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động theo ngành và trên địa bàn theo quy định của pháp luật, phân cấp của Bộ chuyên ngành và của UBND tỉnh.
3/- Các Sở chuyên ngành có trách nhiệm chủ động phối hợp cùng Sở tổng hợp và các Sở, Ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh: tổ chức qui hoạch, định hình xây dựng phát triển doanh nghiệp Nhà nước trong qui hoạch tổng thể và chiến lược phát triển ngành đã được phê duyệt, mặt hàng chiến lược của tỉnh; tổ chức triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành; tạo điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, chất lượng sản phẩm...; thường xuyên kiểm tra phát huy mặt tốt, uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong sản xuất kinh doanh. Khi cần thiết thanh tra và đề nghị UBND tỉnh tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật, chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước tại doanh nghiệp. Khi thanh tra các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đúng theo các quy định hiện hành của Trung ương và tỉnh.
4/- Sở chuyên ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như: Tài chính, tín dụng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thiết bị công nghệ, kết cấu hạ tầng, liên doanh liên kết.
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nhập thiết bị máy móc, vật tư, nguyên liệu, hoá chất của các doanh nghiệp Nhà nước theo phạm vi chuyên ngành.
- Cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh trong việc cấp giấy phép thành lập, bổ sung hoặc giảm bớt chức năng, nhiệm vụ của các Công ty, Xí nghiệp thuộc lĩnh vực ngành.
- Tham gia cùng với Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp tỉnh xây dựng đề án trong việc sắp xếp, tổ chức các doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh.
5/- Sở chuyên ngành (hoặc UBND TP Cần Thơ và huyện đối với doanh nghiệp Nhà nước được tỉnh phân cấp quản lý):
- Phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả;
- Phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh đề xuất về chiến lược quy hoạch, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và đội ngũ kế thừa; đề xuất việc bổ nhiệm, thay đổi Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán Trưởng của doanh nghiệp Nhà nước và thường xuyên báo cáo cho UBND tỉnh về tình hình nhân sự, vấn đề đấu tranh xây dựng nội bộ và hàng năm có nhận xét đánh giá cán bộ là Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán Trưởng doanh nghiệp Nhà nước (theo mẫu quy định của Ban TCCB-CP).
6/- Sở chuyên ngành trực tiếp theo dõi, tổng hợp hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành để chỉ đạo định hướng sản xuất kinh doanh và báo cáo về UBND tỉnh và Sở tổng hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính-Vật giá, Cục thuế, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Cục Thống kê, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường theo định kỳ quý, 06 tháng, năm.
7/- Để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, giao các Sở chuyên ngành chủ động phối hợp với các Sở tổng hợp như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính-Vật giá, cùng các Sở, Ban, Ngành có liên quan thực hiện từng vấn đề của Chỉ thị nầy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
8/- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước:
- Hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp Nhà nước.
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải dựa vào quy hoạch kinh tế-xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2000-2005-2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của tỉnh.
- Cơ quan sáng lập doanh nghiệp Nhà nước là UBND tỉnh, do đó doanh nghiệp Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Sở chuyên ngành và UBND tỉnh về mọi hoạt động của mình; đối với các doanh nghiệp Nhà nước phải chịu sự quản lý Nhà nước của Sở chuyên ngành, theo phân cấp trước khi doanh nghiệp Nhà nước trình vấn đề liên quan nào đó xin chủ trương UBND tỉnh, phải thông qua Sở chuyên ngành có ý kiến bằng văn bản gởi UBND tỉnh.
- Thường xuyên báo cáo về Sở chuyên ngành và Sở, Ngành liên quan, định kỳ như quy định trên.
Chỉ thị này được triển khai đến các Sở, Ban, Ngành, UBND TP Cần Thơ và các huyện, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, các doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện và thay thế Chỉ thị số: 13/CT.UBT.97 ngày 30/5/1997 của UBND tỉnh Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện có những khó khăn vướng mắc phát sinh, các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các huyện và các doanh nghiệp Nhà nước cùng phối hợp tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo và đề xuất hướng xử lý để UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ |
- 1Chỉ thị 13/CT-UBT-97 tăng cường công tác quản lý Nhà nước của Sở, ngành đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh tỉnh Cần Thơ
- 2Quyết định 119/QĐ-UBND năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành từ năm 1991 đến năm 2008 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
Chỉ thị 07/1999/CT-UBT về tăng cường công tác quản lý Nhà nước của Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các huyện đối với doanh nghiệp nhà nước
- Số hiệu: 07/1999/CT-UBT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 24/03/1999
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Võ Hoàng Xinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra