THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT, BẢO TỒN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm bao gồm cả những mẫu vật của loài có nguồn gốc nước ngoài như sừng tê giác, ngà voi châu Phi, tê tê, hổ... diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn tài nguyên thiên nhiên. Buôn bán trái phép động vật hoang dã làm giảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, tạo doanh thu bất hợp pháp, gây bất ổn an ninh quốc gia và nguy cơ xuất hiện, lây lan các bệnh truyền nhiễm mới, đồng thời tác động xấu tới hình ảnh của Việt Nam trong việc thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác với một số nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế.
Để ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt một số công việc sau:
1. Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là mẫu vật tê giác và voi từ các nước châu Phi; phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn lối mở qua biên giới; tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật loài hoang dã bao gồm cả mẫu vật giả ở khu vực biên giới và trong thị trường nội địa; kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ công chức trong lĩnh vực này.
2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đảm bảo các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đều phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
3. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong việc mua bán, vận chuyển mẫu vật tê giác, voi và mẫu vật của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác.
4. Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã của nước sở tại và công ước quốc tế cho cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, thăm quan du lịch ở nước ngoài, vận động cộng đồng người Việt không tham gia vào các hoạt động săn bắn, mua bán, vận chuyển trái phép mẫu vật loài hoang dã ở nước sở tại.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ trái phép đối với mẫu vật loài hoang dã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để người dân biết, thực hiện.
6. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã; đưa thông tin khách quan đảm bảo lợi ích quốc gia; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tích cực tham gia thực hiện các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước với cơ quan có thẩm quyền.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật của Nhà nước và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã; tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất trái pháp luật và các quy định của CITES; chỉ đạo các lực lượng liên ngành tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép mẫu vật động vật hoang dã qua biên giới.
8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; đề xuất hoàn thiện chính sách về quản lý, bảo tồn, kiểm soát buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; kịp thời xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện; tổng hợp theo dõi tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; thông báo kịp thời cho Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam về các vụ vi phạm đối với mẫu vật thuộc các Phụ lục của CITES và kết quả xử lý; chuyển giao hoặc cung cấp mẫu của các mẫu vật động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của CITES tịch thu để thực hiện việc giám định quốc tế, bảo quản, trao đổi mẫu với các nước thành viên có liên quan và Ban thư ký CITES quốc tế theo đề nghị của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 75/2001/QĐ-BNN phê duyệt dự án "Bảo tồn vượn đen tại vùng tây bắc Việt Nam" do quỹ Margot Mash, Mỹ và Tổ chức bảo tồn động vật, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) - Chương trình Đông Dương dồng tài trợ do Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 534/QĐ-BNN-TC năm 2011 về phê duyệt Dự toán chi Ngân sách nhà nước năm 2011 từ nguồn vốn đối ứng cho Dự án Phát triển và ứng dụng các công cụ hỗ trợ quyết định nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng di truyền động vật nuôi và họ hàng hoang dã do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 396/CT-BNN-TCLN năm 2015 tăng cường công tác quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Công văn 7987/BNN-TCLN năm 2016 thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Công văn 4351/BTNMT-TCMT năm 2019 về đề nghị phối hợp rà soát, đánh giá về tình trạng nuôi, trồng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6Quyết định 1176/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 75/2001/QĐ-BNN phê duyệt dự án "Bảo tồn vượn đen tại vùng tây bắc Việt Nam" do quỹ Margot Mash, Mỹ và Tổ chức bảo tồn động vật, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) - Chương trình Đông Dương dồng tài trợ do Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 534/QĐ-BNN-TC năm 2011 về phê duyệt Dự toán chi Ngân sách nhà nước năm 2011 từ nguồn vốn đối ứng cho Dự án Phát triển và ứng dụng các công cụ hỗ trợ quyết định nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng di truyền động vật nuôi và họ hàng hoang dã do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 396/CT-BNN-TCLN năm 2015 tăng cường công tác quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Công văn 7987/BNN-TCLN năm 2016 thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Công văn 4351/BTNMT-TCMT năm 2019 về đề nghị phối hợp rà soát, đánh giá về tình trạng nuôi, trồng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6Quyết định 1176/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2014 tăng cường chỉ đạo và thực hiện biện pháp kiểm soát, bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 03/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/02/2014
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: 07/03/2014
- Số công báo: Từ số 273 đến số 274
- Ngày hiệu lực: 20/02/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực