TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2007/CT-CA | Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ, KHẮC PHỤC VIỆC ĐỂ CÁC VỤ ÁN QUÁ HẠN LUẬT ĐỊNH, TĂNG CƯỜNG BIÊN CHẾ, NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁN BỘ VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN
Ngày 26/9/2007, Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi biểu dương những cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân trong thời gian qua, Đồng chí Chủ tịch nước đã chỉ đạo ngành Tòa án nhân dân cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để khắc phục ngay những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác, cụ thể là cần nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử; khắc phục việc để các vụ án quá hạn luật định; tăng cường, nâng cao năng lực cán bộ và cơ sở vật chất của ngành Tòa án nhân dân. Để thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân địa phương và Chánh án Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình thực hiện ngay các công việc sau đây:
1. Về vấn đề nâng cao chất lượng xét xử và khắc phục việc để các vụ án quá hạn nhất định
Đảm bảo chất lượng xét xử là một yêu cầu hết sức quan trọng trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Trong thời gian qua, ngành Tòa án nhân dân đã có nhiều cố gắng để chất lượng xét xử ngày càng nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn trường hợp bản án, quyết định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc áp dụng pháp luật có sai lầm nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Tòa án và đã bị sửa, hủy. Trong xét xử các vụ án hình sự tuy đã có nhiều nỗ lực khắc phục nhưng vẫn còn để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội. Để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm này, đồng chí Chánh án các Tòa án địa phương, đồng chí Thủ trưởng các Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao cần đề ra các biện pháp tích cực để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng đúng quy định của pháp luật trong công tác xét xử; cần tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ các nguyên nhân của việc để bản án, quyết định bị sửa, hủy, từ đó xác định trách nhiệm cá nhân và tìm ra biện pháp khắc phục ngay những thiếu sót, khuyết điểm dù là nhỏ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Đảm bảo giải quyết, xét xử các loại vụ án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật là yêu cầu quan trọng trong công tác của Tòa án, tuy nhiên trong thời gian qua, một số Tòa án nhân dân địa phương vẫn còn nhiều vụ án để quá thời hạn xét xử, mặc dù có nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này như số lượng vụ án phải giải quyết ngày càng tăng, áp lực công việc ngày càng nặng nề, số biên chế cán bộ chưa đáp ứng kịp yêu cầu công việc, nhiều vụ án phải chờ kết quả xác minh, ủy thác điều tra… nhưng cũng còn không ít các vụ án vi phạm thời hạn xét xử là do lãnh đạo của các Tòa án này chưa chỉ đạo sâu sát, chưa đề ra được những biện pháp tích cực, khả thi để khắc phục; Thẩm phán, cán bộ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa tận tâm, tận tụy với công tác và còn có tư tưởng chạy theo chỉ tiêu nên có biểu hiện việc dễ thì làm, việc khó để lại.
Để sớm khắc phục thiếu sót, khuyết điểm này, yêu cầu các đồng chí Chánh án các Tòa án nhân dân địa phương phải tổ chức thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách trước mắt như: Tiếp tục rà soát đánh giá đúng số lượng các vụ án quá hạn luật định để có kế hoạch động viên cán bộ, Thẩm phán tăng cường độ lao động, làm thêm vào ngày thứ bảy và có chế độ bồi dưỡng thỏa đáng đối với cán bộ, Thẩm phán tích cực làm thêm và vượt định mức công việc được giao. Mặt khác, lãnh đạo các đơn vị phải tập trung quản lý, điều hành công việc, tăng cường cán bộ, biệt phái Thẩm phán, cán bộ cho những Tòa án cấp huyện và các Tòa chuyên trách có khối lượng công việc lớn nhưng thiếu cán bộ, Thẩm phán; chủ động, đẩy nhanh việc làm hồ sơ, thủ tục tái bổ nhiệm, bổ nhiệm mới Thẩm phán đảm bảo duy trì và tăng thêm số lượng Thẩm phán tham gia xét xử… sau khi đã áp dụng các biện pháp mà vẫn không giải quyết được thì phải báo cáo bằng văn bản với Tòa án nhân dân tối cao và đề xuất số lượng Thẩm phán cần phải bổ sung, biệt phái; cần nắm chắc số vụ án sắp hết thời hạn xét xử để đôn đốc và có biện pháp giải quyết kịp thời không để quá hạn xét xử. Đối với Thẩm phán để vụ án quá hạn luật định mà không có lý do chính đáng thì phải kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý phù hợp.
2. Về một số giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao năng lực cán bộ và khắc phục tình trạng thiếu biên chế trong ngành Tòa án nhân dân:
Tăng cường, nâng cao năng lực cán bộ để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế là một đòi hỏi cấp bách trong tình hình hiện nay. Một số trường hợp xét xử sai lầm nghiêm trọng có nguyên nhân là trình độ, năng lực của Thẩm phán chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng xét xử, giải quyết các vụ án là nhiệm vụ quan trọng của Tòa án các cấp. Trường cán bộ Tòa án phải có kế hoạch cụ thể về đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử, tin học, ngoại ngữ cho Thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án. Chánh án của Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự trong phạm vi chức năng, quyền hạn đã được giao phải quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về nghiệp vụ xét xử, trình độ chính trị cho Thẩm phán, thư ký, Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân của đơn vị mình.
Do số lượng các vụ án phải thụ lý và giải quyết ngày càng tăng và dự báo thời gian tới nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng vào các mối quan hệ quốc tế, kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì số lượng án thụ lý càng tăng nhanh. Vì vậy, Vụ Tổ chức – cán bộ cần rà soát, đánh giá dự báo đúng tình hình để xây dựng đề án biên chế cán bộ, Thẩm phán của toàn ngành sát đúng theo tiến trình cải cách tư pháp đến năm 2020 để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét phê duyệt. Trước mắt, dù đã có nhiều cố gắng tạo nguồn Thẩm phán và tuyển dụng cán bộ, nhưng số lượng Thẩm phán, cán bộ vẫn chưa đủ so với biên chế đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt. Để khắc phục tình trạng này, Vụ Tổ chức – cán bộ Tòa án nhân dân tối cao phải đề xuất với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao những biện pháp, chính sách cụ thể để thu hút, tuyển dụng cán bộ cho các Tòa án nhân dân địa phương, tạo nguồn Thẩm phán và việc điều hành lực lượng cán bộ trong ngành. Mặt khác, cần đề xuất những vấn đề liên quan đến tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo vệ cán bộ, Thẩm phán khi thi hành công vụ. Các Tòa án nhân dân địa phương phải tích cực tạo nguồn Thẩm phán và tuyển dụng đủ biên chế đã được giao. Vụ kế hoạch – tài chính cần nghiên cứu, giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn Tòa án các cấp thực hiện chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng đặc biệt đối với cán bộ, Thẩm phán phải tăng cường độ lao động, làm thêm giờ hoặc làm việc vào ngày nghỉ để giải quyết các vụ án quá hạn luật định.
3. Từng bước tăng cường cơ sở vật chất của ngành Tòa án nhân dân
Trong những năm qua, ngành Tòa án nhân dân đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nên cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của ngành đã được tăng cường, nhưng so với yêu cầu của cải cách tư pháp thì vẫn chưa đáp ứng được. Để từng bước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động, yêu cầu các đồng chí Chánh án các Tòa án nhân dân địa phương chưa được cấp đất xây dựng trụ sở mới phải báo cáo với cấp ủy và tích cực làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết sớm, trong quá trình giải quyết nếu thấy quá vướng mắc hoặc chậm trễ, kéo dài thì báo cáo Tòa án nhân dân tối cao để phối hợp giải quyết.
Vụ kế hoạch – tài chính Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp báo cáo cụ thể về thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác, các yêu cầu, đề xuất làm cơ sở để xây dựng Đề án tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, trình Chính phủ phê duyệt.
Thủ trưởng các đối với thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân địa phương và Chánh án Tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm quán triệt nội dung Chỉ thị đến toàn thể Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
- 1Công văn 159/TAND-PC năm 2015 về bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 2Công văn 746/UBDT-VP135 năm 2017 xây dựng Chương trình khung nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở Chương trình 135 do Ủy ban Dân tộc ban hành
- 3Quyết định 94/QĐ-TANDTC về Kế hoạch triển khai Dự án "Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam năm 2019 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 1Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002
- 2Công văn 159/TAND-PC năm 2015 về bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 3Công văn 746/UBDT-VP135 năm 2017 xây dựng Chương trình khung nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở Chương trình 135 do Ủy ban Dân tộc ban hành
- 4Quyết định 94/QĐ-TANDTC về Kế hoạch triển khai Dự án "Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam năm 2019 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Chỉ thị 02/2007/CT-CA về nâng cao chất lượng xét xử, khắc phục việc để các vụ án quá hạn luật định, tăng cường biên chế, nâng cao năng lực cán bộ và cơ sở vật chất của ngành Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 02/2007/CT-CA
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/10/2007
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: Trương Hòa Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/10/2007
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực